Đức Thánh Cha nói sự gần gũi với người tội lỗi của Chúa Giê-su không phải là một vụ scandal – đó là một tấm gương
Elise Harris
Đức Thánh Cha Phanxico tặng tràng chuỗi Mân côi cho khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phê-rô trong buổi Triều Yết chung hôm 4 tháng 5, 2016.
Ảnh: Daniel Ibañez/EWTN.
Hôm thứ Tư Đức Thánh Cha Phanxico nói về dụ ngôn người chăn chiên lành là một ví dụ then chốt cho Lòng Chúa Thương xót, vì dụ ngôn thể hiện chiều sâu của sự quan phòng của Thiên Chúa để bảo đảm rằng không một ai bị hư mất đời đời.
Dụ ngôn “thể hiện sự quan tâm lo lắng của Chúa Giê-su đối với các tội nhân và Lòng thương xót của Chúa không từ chối những người bị lạc lối,” Đức Thánh Cha nói hôm 4 tháng 5.
Đức Giê-su kể ngụ ngôn nhằm làm mọi người hiểu được rằng sự gần gũi với tội nhân của Ngài “không phải là muốn tạo ra một scandal, nhưng ngược lại gợi lên trong tất cả chúng ta một suy tư nghiêm túc về cách chúng ta sống đức tin của mình,” ngài nói.
Đức Phanxico nhấn mạnh rằng Lòng Thương Xót của Chúa dành cho các tội nhân mang phong cách rất nhân bản vì Người đã hoạt động, và “Người tuyệt đối trung tín với lòng thương xót đó: không điều gì và không ai có thể ngăn cản Người thực thi ý định cứu rỗi của Người.”
Ngài nói, có thể luôn luôn tìm thấy người chăn chiên ở “tại chỗ con chiên lạc … vì vậy chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa ở nơi đó, nơi mà Người đang muốn gặp chúng ta, không phải nơi chúng ta ra vẻ như đang tìm Người!”
Đức Thánh Cha Phanxico nói với hàng ngàn người hành hương tại Quảng trường Thánh Phê-rô trong buổi Tiếp kiến chung của ngài. Ngài tập trung bài huấn giáo về sự việc trong dụ ngôn Người chăn chiên lành, trong dụ ngôn người chăn chiên đã để 99 con trong đàn và đi tìm một con chiên lạc.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng có hai hướng suy nghĩ trong dụ ngôn, thứ nhất là những người tội lỗi tìm cách lại gần Chúa Giê-su và lắng nghe lời Người, trong khi “những vị luật sĩ đầy hoài nghi và những kinh sư” là những người tách mình cách biệt hẳn với Thiên Chúa và hoạt động của Người.
Ngài nói, như câu chuyện đưa ra, việc cũng xảy ra cho ba đối tượng chính, mà Người đặt tên là “người chăn chiên, con chiên lạc và đoàn chiên còn lại.”
Tuy nhiên, người duy nhất hoạt động trong dụ ngôn “là người chăn chiên, không phải là con chiên,” Đức Thánh Cha nói, và lưu ý rằng người chăn chiên “là nhân vật chính duy nhất và mọi việc đều tùy thuộc vào người đó.”
Tuy nhiên, Đức Phanxico lại cho thấy có “một nghịch lý” trong dụ ngôn có thể gây ra sự hoài nghi về những hành động của người chăn chiên trước câu hỏi rằng: “Có thật khôn ngoan khi bỏ 99 con chiên kia và đi tìm một con lạc? Mà quan trọng nhất là không phải để lại trong khu chuồng trại an toàn, mà trong giữa sa mạc?”
Trong Thánh Kinh sa mạc là một nơi biểu trưng cho cái chết, trong đó thức ăn, nước uống và chỗ trú ẩn rất khó tìm, Đức Thánh Cha đặt vấn đề, “vậy 99 con kia có thể tự bảo vệ mình như thế nào?”
Đức Thánh Cha Phanxico nói, nghịch lý lại tiếp tục khi đã tìm được con chiên lạc, người chăn chiên “vác nó trên vai, trở về nhà, mời bạn bè và hàng xóm đến và nói với họ: ‘hãy cùng chia vui với tôi.’”
Ngài nói, việc cố sức mình đi tìm một con chiên có vẻ như là ngườ chăn chiên đã quên mất 99 con kia, nhưng chúng ta lưu ý rằng “thực tế không phải vậy.”
Những gì Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn này rằng “không một con chiên nào bị lạc mất. Thiên Chúa không thể chấp nhận được tình trạng dù chỉ một người duy nhất bị lạc mất,” Đức Thánh Cha nói thêm rằng đây là “một khát khao cháy bỏng.”
“Ngay cả 99 con kia cũng không thể giữ được người chăn chiên ở lại với đàn,” ngài nói, và trình bày về tầm quan trọng của việc “thoát ra khỏi vỏ bọc của con người mình.”
Trong khi đi tìm con chiên lạc, người chăn chiên “đã thử thách 99 con kia để chúng cùng hợp sức đoàn kết với nhau trong đàn,” Đức Phanxico nói thêm rằng không có con đường nào khác để tập họp lại đàn chiên ngoài cách đi theo con đường đã được vạch ra bởi lòng thương xót của người chăn chiên.
Ngài khuyến khích những người hành hương phải thường xuyên suy tư về dụ ngôn này, vì trong cộng đoàn Ki-tô luôn có những người “lạ mất và để lại một chỗ trống.”
Mặc dù có thể lúc này lúc kia sự thật này làm chúng ta ngã lòng và làm chúng ta tin rằng việc tách khỏi cộng đoàn của một người anh em hay chị em là điều không tránh khỏi, “một bệnh không thuốc chữa,” Đức Thánh Cha nói, nhưng đây không phải là vấn đề.
Đức Phanxico cảnh báo chống lại ý nghĩ cố gắng thoát khỏi mối nguy hiểm này và “giam mình vào trong đàn, nơi chúng ta không cảm thấy hương thơm của đàn chiên, mà chỉ là mùi khó chịu vì sự chật chội!”
Ngài nói, việc này xảy ra vì chúng ta đã mất “động lực thúc đẩy rao giảng” là nhân tố dẫn dắt chúng ta đến việc gặp gỡ nhau.
Đức Thánh Cha Phanxico kết thúc buổi tiếp kiến chung bằng điểm nhấn rằng “không có khoảng cách nào mà người chăn chiên không vượt qua được, và không có đàn chiên nào có thể chối bỏ một người anh em.”
Ngài nói, tìm lại được con chiên bị lạc “là niềm vui của người chăn chiên và của Thiên Chúa, nhưng còn là niềm vui của cả đàn chiên! Tất cả chúng ta đều là những con chiên đã được tìm thấy và được tập họp lại bởi lòng thương xót của Chúa, và cùng với Người chúng ta được kêu mời đi tìm lại và tụ tập toàn bộ đàn chiên!”
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 05/05/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét