Thông điệp Video Đức Thánh Cha gửi Đại hội Giáo lý Xã hội của Hội thánh ở Verona
‘Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang đi vào những sự nguy hiểm lớn khi chúng ta tự cô lập mình khỏi những người khác hơn là mở lòng ra với họ: khả năng tự làm hại chúng ta không nằm ở việc gặp gỡ nhưng ở việc khép cửa lòng và từ chối.’
25 tháng 11, 2016
Caritas Internationalis -YouTube
Dưới đây là bản dịch của Vatican thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxico hôm qua gửi đến Đại hội Giáo lý Xã hội của Hội Thánh lần thứ sáu tại Verona, Ý , 24-27 tháng 11, 2016, với chủ đề ‘In Mezzo alla Gente’ (‘Ở giữa mọi người’):
***
Xin gửi lời chào nồng hậu đến anh chị em tham dự Đại hội Giáo lý Xã hội của Hội thánh lần thứ sáu. Chủ đề của năm nay là: “Ở giữa mọi người.” Điều này mô tả một chân lý vĩ đại – chúng ta được sinh ra để chung sống với người khác – điều mà tôi đã nhắc lại sau khi được chọn làm giám mục Roma. Tính nhân loại của chúng ta sẽ được làm phong phú vô cùng to lớn nếu chúng ta cùng ở giữa những người khác, bất kể hoàn cảnh của họ như thế nào. Chính sự xa cách làm hại chúng ta, chứ không phải sự chia sẻ. Sự xa cách phát triển thành nỗi sợ hãi và ngờ vực, và ngăn cản chúng ta không tận hưởng được tình huynh đệ. Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đi vào những sự nguy hiểm lớn khi chúng ta tự cô lập mình khỏi những người khác hơn là mở lòng ra với họ: khả năng tự làm hại chúng ta không nằm ở việc gặp gỡ nhưng ở việc khép cửa lòng và từ chối.
Sự thật cũng như vậy khi chúng ta chịu trách nhiệm về một người khác: tôi đang nghĩ đến những bệnh nhân, người cao tuổi, người nghèo, người thất nghiệp. Khi chúng ta chăm sóc người khác, chúng ta làm cuộc sống của chúng ta bớt rắc rối hơn khi chúng ta chỉ tập trung vào bản thân.
Ở giữa mọi người không chỉ mang nghĩa mở lòng và gặp gỡ người khác, nhưng cũng là để cho người khác đến gặp gỡ chúng ta. Chúng ta cần được nhìn đến, được gọi tên, được chạm đến, được thử thách; chúng ta cần người khác để chúng ta có thể dự phần vào những điều mà chỉ có người khác mới có thể trao tặng cho chúng ta. Những mối quan hệ đòi hỏi sự trao đổi này giữa người với người: những trải nghiệm dạy chúng ta rằng thường thường chúng ta nhận từ người khác nhiều hơn là chúng ta cho đi. Ở giữa con người chúng ta có một sự phong phú nhân bản đích thực. Có vô vàn những câu chuyện về tình đoàn kết, về sự giúp đỡ, hỗ trợ, trải nghiệm trong gia đình và trong cộng đoàn của chúng ta. Thật vô cùng ấn tượng khi nhìn thấy cách một số người gánh chịu những khó khăn về kinh tế, đau khổ, công việc nặng nhọc và những khó khăn nhưng vẫn giữ phẩm giá. Gặp gỡ những người này, anh chị em đụng chạm được sự vĩ đại của họ bằng đôi tay của mình, và nhận được một ánh sáng mà nhờ đó nó sẽ trở nên sáng tỏ về một tương lai có thể được gieo trồng; chúng ta có thể vững tin rằng cái tốt sẽ mạnh hơn cái ác, vì chúng đang ở đó. Ở giữa mọi người, chúng ta có sự tiếp cận với giáo huấn bằng hành động. Lấy một ví dụ: tôi được kể một câu chuyện gần đây về cái chết của một cô gái, mới chỉ 19 tuổi. Thật là một đau thương quá lớn, và rất nhiều người đến dự lễ tang. Điều làm mọi người xúc động nhất không chỉ là vắng bóng của sự tuyệt vọng nhưng là một cảm nhận về sự bình an nào đó. Sau đám tang những người ở đó bày tỏ sự kinh ngạc của họ về một cảm nhận như được trút một gánh nặng. Mẹ của cô gái nói, “Tôi đã nhận được ân sủng bình an.” Cuộc sống hàng ngày được đan xen bằng những câu chuyện như vậy, nó đánh dấu sự hiện hữu của chúng ta: chúng không bao giờ đánh mất sự ấn tượng của chúng cho dù chúng không bao giờ được lên các tiêu đề báo. Chuyện xảy ra đều như vậy: chẳng có diễn văn hay giải thích người ta vẫn hiểu những gì có giá trị hoặc không có giá trị trong đời.
Ở giữa mọi người cũng có nghĩa là biết ý thức rằng mỗi người chúng ta là một phần của một cộng đồng. Một đời sống thực sự là điều có thể vì nó không phải là một con số tổng gồm nhiều cá nhân, nhưng nó là sự ăn khớp của nhiều người cùng làm việc với nhau để xây dựng thiện ích chung. Hợp sức cùng nhau giúp chúng ta nhìn thấy tổng thể. Khi nhìn thấy tổng thể, tầm nhìn của chúng ta được phong phú lên và nó cho thấy bằng chứng rằng những vai trò mà mỗi người hoàn thành trong những phạm vi xã hội không bao giờ có thể bị xa cách hoặc bị mất tính tuyệt đối. Khi người dân bị tách biệt ra khỏi những người nắm quyền, khi những quyết định được thực hiện bằng quyền lực chứ không bằng sự chia sẻ ý kiến chung, khi những người nắm quyền quan trọng hơn người dân và khi những quyết định được thực hiện bởi một số ít, hoặc ẩn danh, hay luôn luôn bị sai khiến bởi những tình trạng khẩn cấp thực sự hoặc giả định, thì sự hòa hợp xã hội bị nguy hiểm, với những hậu quả nghiêm trọng cho người dân: gia tăng đói nghèo, hòa bình bị đe dọa, tiền nắm vai trò điều khiển và người dân phải gồng mình chịu đựng. Ở giữa mọi người không chỉ tốt cho đời sống của cá nhân mỗi người, nhưng nó tốt cho tất cả mọi người.
Ở giữa mọi người nhấn mạnh đến sự đa dạng về màu sắc, văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. Người dân làm cho anh chị em có thể đụng chạm đến được sự phong phú và nét đẹp của tính đa nguyên. Tính bạo lực biến sự đa dạng thành một thể duy nhất đơn điệu, tính đa dạng về tư tưởng và hành động bị biến thành một con đường hành động và suy nghĩ độc nhất. Khi anh chị em ở giữa mọi người anh chị em đụng chạm đến nhân loại: không bao giờ có thuần túy những trí óc, nhưng cũng có những trái tim; tính cụ thể sẽ nhiều hơn lên và hệ tư tưởng sẽ bớt đi. Để giải quyết những vấn đề của người dân, điều cần thiết là phải bắt đầu từ những nền tảng ban đầu, hãy để cho đôi tay chúng ta lấm bẩn, hãy can đảm, hãy lắng nghe mọi người. Tôi nghĩ theo cách tự nhiên chúng ta sẽ đặt ngay câu hỏi, làm sao một người có thể làm được điều này? Chúng ta có thể tìm được câu trả lời khi nhìn đến Mẹ Maria. Mẹ là một người phục vụ, khiêm nhường và thương xót, Mẹ đồng hành với chúng ta, Mẹ rất cụ thể. Mẹ chẳng bao giờ giữ vai chính của sân khấu nhưng Mẹ luôn hiện diện. Nếu chúng ta nhìn lên Mẹ, chúng ta tìm được cách tốt nhất để ở giữa mọi người. Trông lên Mẹ, tất cả chúng ta có thể bước theo những con đường nhân loại không hề sợ hãi hay mang thành kiến, và cùng với Mẹ chúng ta sẽ có thể có khả năng không biết loại trừ bất kỳ ai. Đây là hy vọng của tôi dành cho tất cả anh chị em.
Trước khi nói lời tạm biệt, tôi xin cảm ơn Đức Giám mục Giáo phận Verona về sự chào đón của ngài, cảm ơn tất cả các tình nguyện viên vì sự sẵn lòng và quảng đại của các vị, và Ngài Adriano Vincenzi vì công trình nghiên cứu và ứng dụng giáo lý xã hội của Hội thánh. Và tôi xin anh chị em, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]
***
Mời quý vị xem thông điệp video: https://www.youtube.com/watch?v=ip25O-9ifMY&feature=youtu.be
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/11/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét