Cuộc ngừng bắn của Giáng sinh năm 1914
Khi những địch thù của Cuộc Đại Chiến đến với nhau mừng Giáng sinh của Đức Ki-tô
AP Photo
Một trăm lẻ hai năm trước, vào đêm Vọng Giáng sinh năm 1914, một biến cố không thể tin được đã xảy ra trên Chiến tuyến phía Tây của nước Pháp trong cuộc Đại Chiến Thế giới thứ I. Sau một đêm tuyết rơi phủ kín chiến trường bằng một màu trắng thanh bình, những ánh sáng khác thường bắt đầu xuất hiện suốt các phòng tuyến của Đức.
Trại lính của Anh không hiểu chuyện gì xảy ra và họ nghĩ người Đức đang chuẩn bị một cuộc tấn công. Tuy nhiên, thay vì âm thanh của pháo kích họ nghe thấy âm thanh của bài ca vang vọng qua vùng đất không người – vùng đất trải rộng ngăn cách giữa hai chiến hào của hai bên.
Vô cùng ngạc nhiên, binh lính Đức đang hát bài hát nổi tiếng của Giáng sinh – “Stille Nacht” (“Đêm Thánh Vô Cùng”). Binh lính Anh, không chịu đứng im, đáp lại bằng những bài hát Giáng sinh truyền thống của họ. Một sự lạ lùng và tôn trọng lẫn nhau đi vào tâm hồn của các binh sĩ ở cả hai trại và họ bắt đầu vỗ tay hoan hô nhau sau khi mỗi bên hát.
Được niềm vui hân hoan tức thời thúc đẩy, một sĩ quan Đức xuất hiện và bước ra giữa vùng đất không người và một sĩ quan Anh bước ra gặp giữa những tiếng reo hò hoan hô của cả hai trại. Khi họ gặp nhau họ trịnh trọng chào nhau và bắt tay. Đó là một câu chuyện chưa từng nghe thấy trong lịch sử biên niên của quân sự.
Cuộc ngừng bắn theo cảm hứng trong đêm Giáng sinh đã tạo cơ hội cho cả hai trại chôn cất những tử sĩ. Theo một số chuyện kể, sau khi hầu hết tử sĩ đã được chôn, chiến binh của cả hai bên tập trung chào tiễn biệt các bạn tử sĩ và đọc một đoạn Kinh Thánh – Thánh vịnh 23:
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Một sử gia bình luận rằng biến cố được gọi là Cuộc ngừng bắn Giáng sinh là một cú hích cuối cùng của thế kỷ 19. Nó là một cử chỉ hy vọng cuối cùng con người đang trở nên tốt hơn khi họ đang xuôi theo dòng lịch sử dài theo cách nói về thay đổi và tiến bộ của phép biện chứng Hegel. Tuy nhiên, thế kỷ 20 với hai cuộc Đại Chiến đã chứng mình rằng sự tiến bộ của loài người, ngoại trừ Thiên Chúa, tạo ra một thế giới có đầy đủ mọi thứ ngoại trừ “sự trở nên tốt hơn.”
Bây giờ chúng ta đang ở giữa thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, và những thế hệ đã trải qua hai cuộc Đại Chiến Thế Giới I và II đã chìm dần vào lịch sử, những bài học từ hai cuộc chiến kinh hoàng này không còn trong ký ức tập thể quốc gia nữa. Một trăm năm sau trong một thế giới thế tục hiện đại, thật trớ trêu, thế giới quan “Thiên Chúa đã chết” của triết gia Nietzsche lại đang đạt được đà tiến và đang tạo ra cái chết của cái rất “nhân văn” về nhân vị – thái độ luân lý và đạo đức.
Cùng một sự “chống tiến bộ” của thế kỷ 19 hiện đang lộ ra trong thời đại của chúng ta. Ngày nay, con số rất nhiều người trên khắp thế giới tìm được rất ít thời gian cho Thiên Chúa, tuy nhiên lại tìm được không biết bao nhiêu giờ đồng hồ trước màn hình TV hoặc internet. Cha mẹ thấy khó khăn có được những cuộc chuyện trò có ý nghĩa với con cái vì họ, hoặc vì con của họ, đơn giản thích giải trí hơn và dễ bị xao lãng chuyện hơn.
Về nhiều mặt xã hội đang thoái lui trở về kỷ nguyên giống như thời Caesar Augustus, khi mà sự giáng sinh của Đấng Mê-xi-a chỉ là điều quan tâm của ba nhà thông thái.
Chính trong sự tối tăm đó mà Đức Mẹ Đồng Trinh đã sinh ra Đấng Cứu độ trần gian. Và trong sự tối tăm, trong đêm thinh lặng đó của chuồng bò, con số nhiều vô kể các thiên thần ca vang tung hô sự hạ sinh của Đấng Mê-xi-a, Đấng giải thoát của nhân loại.
Chúng ta có thể cầu xin sự giải phóng gì? Giải phóng khỏi tội lỗi và ý nghĩa hão huyền rằng chúng ta có thể đạt được bình an, công bằng, hoặc niềm vui mà không cần có Thiên Chúa.
Các thiên thần loan báo Tin Vui cho Mẹ Maria và Thánh Giu-se, trong một thế giới bị ngập chìm trong sự sợ hãi, ích kỷ, và chiến tranh.
“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2:10).
Chính Đức Ki-tô mang đến an bình cho tâm hồn và tinh thần con người vì chỉ có Ngài sống lại từ cõi chết và chiến thắng được tội lỗi và sự chết; chỉ có Ngài thổi hơi Chúa Thánh Thần vào trong chúng ta để chúng ta biết yêu nhau bằng tình yêu Thiên Chúa của Ngài – không phải bằng tình yêu có giới hạn của riêng chúng ta. Nếu không có tình yêu và sự bình an của Đức Ki-tô thống trị tâm hồn chúng ta, mọi nỗ lực hòa bình sẽ nhanh chóng qua đi. Cho dù chiến tranh đang nổi cơn ba đào ở Trung Đông, và những chia rẽ trong dân tộc của chúng ta, hoặc trong gia đình của chúng ta (hữu hình hay tinh thần), Đức Giê-su Ki-tô sẽ làm bình lặng cơn bão và dẫn đưa chúng ta đến bến bờ bình yên.
Ngày 26 tháng 12, 1914 lúc 8:30 sáng, hơn 24 tiếng đồng hồ sau cuộc ngừng bắn như phép lạ, trung tá chỉ huy quân đội Anh bắn ba phát súng lên trời và giương cao lá cờ với dòng chữ “Chúc mừng Giáng sinh” viết trên đó. Lính Đức trả lời bằng một lá cờ tương tự – “Cảm ơn.” Cả hai vị chỉ huy xuất hiện trên bờ công sự, cúi đầu và chào nhau. Cuối cùng hai phát súng được bắn lên không trung và báo điềm xấu dọc trên vùng đất không người. Chiến tranh tiếp tục trở lại; địa ngục trên trần gian lại bắt đầu trở lại.
Với những người đã tử chiến trên sa trường sau đó, có một sự chắc chắn rằng vào đêm Vọng Giáng sinh 1914, trong cuộc Đại Chiến đó, Đức Giê-su Ki-tô đã ngự trị qua một niềm tin chung biến kẻ thù thành anh em – ít nhất trong một thời gian ngắn trước khi hành động của con người phá hủy tình huynh đệ đó.
Vì lý do này mà chúng ta phải giữ Đức Ki-tô trong ngày Giáng sinh; trong mùa Giáng sinh này và mãi mãi.
(Cha Avelino Gonzalez là một linh mục của Tổng giáo phận Washington và là linh mục xứ Thánh Gabriel ở NW, Washington, DC.)
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/12/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét