KINH TRUYỀN TIN: Lễ Hiển Linh
‘Cha đặc biệt muốn nói với những người đã mất sức mạnh của việc đi tìm, những người đã quá mệt mỏi và bị chìm ngập bởi sự tối tăm của cuộc sống, những người đã hết lòng khao khát: hãy đứng dậy, hãy can đảm, ánh sáng của Chúa Giê-su có thể vượt qua được mọi bóng tối lớn nhất; hãy đứng dậy, hãy can đảm!’
6 tháng 1, 2017
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài huấn từ của Đức Thánh Cha trước và sau khi đọc kinh Truyền Tin, trong ngày Lễ Trọng Lễ Hiển Linh:
* * *
Anh chị em thân mên, xin chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta mừng Lễ Hiển Linh của Thiên Chúa, cụ thể đó là Chúa Giê-su tỏ mình ra, Người soi rọi như ánh sáng cho muôn dân tộc. Biểu tượng của ánh sáng này, tỏa sáng trên khắp trần gian và mong muốn làm rạng ngời lên trong cuộc sống của mỗi người, là ngôi sao đã dẫn đường cho các Nhà Thông Thái đến Bê-lem. Tin mừng nói rằng họ đã nhìn thấy “ngôi sao của Người” (Mt 2:2) và quyết định đi theo: họ quyết định được dẫn lối bởi ngôi sao của Chúa Giê-su.
Trong cuộc sống cũng có những ngôi sao khác, những ánh sáng chiếu soi và dẫn đường. Còn chúng ta hãy chọn đi theo ngôi sao nào. Ví dụ, có những ánh sáng lúc hiện lúc ẩn, ánh sáng lúc rạng lúc mất, giống như những sự thỏa mãn chóng qua của cuộc sống: cho dù có tốt, chúng vẫn chưa đủ, vì chúng kéo dài chẳng được bao lâu và không để lại sự bình an chúng ta tìm kiếm. Rồi có những ánh sáng chói lọi như đèn sân khấu, của đồng tiền và sự thành công, chúng ngay lập tức hứa hẹn tất cả: chúng có sức quyến rũ vô cùng, nhưng chúng bị mù quáng trước sức mạnh của chúng và làm cho người ta bước qua từ những giấc mơ vinh quang đến bóng tối dày đặc nhất. Nhưng, Các Nhà Thông Thái mời gọi chúng ta đi theo một ánh sáng đều đặn, ánh sáng dịu dàng, nó không bao giờ tắt, vì nó không thuộc thế gian này: nó đến từ Thiên Đàng và chiếu tỏa … Ở đâu? Ở trong tâm hồn.
Ánh sáng chân lý là ánh sáng của Thiên Chúa, hoặc đúng hơn nữa, đó chính là Thiên Chúa. Người là ánh sáng của chúng ta: một ánh sáng không bao giờ làm mù quáng, nhưng luôn soi sáng và cho chúng ta niềm vui độc nhất. Ánh sáng này dành cho tất cả và kêu gọi từng người: vì vậy chúng ta có thể cảm nhận lời mời gọi hôm nay của ngôn sứ I-sai-a cho chính chúng ta: “Đứng lên, bừng sáng lên” (60:1). Ngôn sứ I-sai-a đã nói như vậy, tiên báo về niềm vui của ngày hôm nay cho Giê-ru-sa-lem: “Đứng lên, bừng sáng lên.” Chúng ta có thể nhận lấy lời mời gọi này khi một ngày mới bắt đầu: hãy đứng lên, hãy bừng sáng lên, hôm nay hãy bước đi theo vì sao sáng ngời của Chúa Giê-su — ở giữa những ngôi sao băng trên thế giới. Bước theo ngôi sao đó, chúng ta sẽ có niềm vui, như việc đã xảy ra với các Nhà Thông Thái, họ là những người “khi nhìn thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng” (Mt 2:10); vì ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có niềm vui. Một người đã gặp gỡ Chúa Giê-su là trải nghiệm được phép lạ của ánh sáng xé tan bóng đêm và biết rằng ánh sáng này sẽ làm rạng rỡ và sáng tỏ mọi điều.
Cha muốn mời gọi tất cả anh chị em đừng sợ ánh sáng này và hãy mở lòng mình ra với Thiên Chúa. Cha đặc biệt muốn nói với những người đã mất sức mạnh của việc đi tìm, những người đã quá mệt mỏi và bị chìm ngập bởi sự tối tăm của cuộc sống, những người đã hết lòng khao khát: hãy đứng dậy, hãy can đảm, ánh sáng của Chúa Giê-su có thể vượt qua được mọi bóng tối lớn nhất; hãy đứng dậy, hãy can đảm!
Và làm sao chúng ta có thể tìm được ánh sáng thượng giới này? Chúng ta hãy theo gương của các Nhà Thông Thái, mà Tin mừng mô tả như là những người luôn trên bước hành trình. Quả thật, người nào muốn có ánh sáng sẽ bước ra khỏi bản thân mình và đi tìm: người đó không giữ mình co cụm lại, đứng im để nhìn những gì xảy ra chung quanh, nhưng đem cuộc sống của đời mình vào hành động; người đó thoát ra khỏi vỏ bọc của mình. Đời sống người Ki-tô hữu là một hành trình liên tục, được tạo nên bởi sự cậy trông, và bởi việc đi tìm; một hành trình vẫn tiếp tục khi ánh sao bị tạm thời mất khỏi tầm nhìn, giống như những Nhà Thông Thái. Trên hành trình này cũng có những cái bẫy cần phải tránh: tính nông cạn và sự tôn thờ thế gian làm khựng lại bước đi; bị tê liệt vì những bốc đồng tự cao tự đại; những cái hố của sự bi quan gài bẫy niềm cậy trông. Những chướng ngại này đã chặn đứng những Kinh sư mà Tin mừng hôm nay nói đến. Họ biết ánh sáng đó từ đâu đến, nhưng không hề nhấc chân. Khi Hê-rô-đê hỏi họ: “Đấng Mê-xi-a sinh ra ở đâu?” “Tại Bê-lem” [họ trả lời]. Họ biết ở đâu, nhưng không cất bước. Kiến thức của họ là rỗng tuếch: họ biết quá nhiều thứ, nhưng chẳng để làm gì; mọi thứ đều hão huyền. Biết rằng Thiên Chúa giáng sinh là chưa đủ, nếu một người không để Ngài sinh ra trong tâm hồn. Thiên Chúa đã sinh ra, đúng, nhưng Ngài có sinh ra trong tâm hồn của bạn không? Ngài có sinh ra trong tâm hồn của tôi không? Ngài có sinh ra trong tâm hồn của chúng ta không? Và như vậy, cũng giống như các Nhà Thông Thái, chúng ta sẽ tìm thấy Ngài cùng với Mẹ Maria, thánh Giu-se, trong ngôi sao.
Các Nhà Thông Thái đã làm được: đã tìm ra được Hài Nhi, “họ liền sấp mình và thờ lạy Người” (c. 11). Họ không đứng nhìn Ngài, họ không đọc vài lời cầu nguyện tức thời rồi bỏ đi. Không, họ thờ lạy: họ đi vào sự hiệp nhất trong tình yêu riêng tư với Chúa Giê-su. Rồi họ dâng cho Ngài vàng, nhũ hương và mộc dược, tức là những món quà quý giá nhất của họ. Chúng ta hãy học từ những Nhà Thông Thái này không chỉ dành cho Chúa Giê-su những thời gian rảnh rỗi của chúng ta và thỉnh thoảng mới nghĩ đến Ngài, nếu vậy chúng ta sẽ không thấy ánh sáng của Ngài. Như các Nhà thông Thái, chúng ta hãy lên đường, mặc lấy ánh sáng và bước theo ngôi sao của Chúa Giê-su, và chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa bằng tất cả con người của chúng ta.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
Sau Kinh Truyền Tin
Ngày mai, các cộng đoàn giáo hội Đông Phương, theo lịch Julian, sẽ mừng Giáng sinh. Trong tinh thần huynh đệ mừng vui tôi hy vọng rằng sự hạ sinh của Chúa Giê-su sẽ làm mọi người ngập tràn ánh sáng và an bình.
Lễ Hiển Linh là Ngày Thừa Sai Tuổi Thơ. Cha khuyến khích tất cả trẻ em và thanh thiếu niên trên các miền của thế giới cam kết bước theo Tin mừng và giúp đỡ những bạn bè đồng trang lứa đang trong hoàn cảnh khó khăn. Cha xin chào các tín hữu đến từ Lazio, Abruzzo và Molise, và tôi xin cảm ơn Hoạt động của Hội Thừa sai Tuổi thơ trong công cuộc phục vụ giáo dục của họ.
Tôi xin chào những người tham dự diễu hành lịch sử dân gian, năm nay dành cho vùng đất Nam Umbria và với mục đích mở rộng những giá trị của tình hiệp nhất và huynh đệ.
Cha xin chào các nhóm đến từ Malta, từ California và từ Ba Lan, và cha ban phép lành cho các tham dự viên trong cuộc diễu hành lớn của Ba Vua, được tổ chức tại Warsaw với rất nhiều gia đình và nhiều trẻ em.
Cha xin chào các tín hữu của Ferrara, Correggio, Ruvo di Pugia, Robecco sul Naviglio và Cucciago, cũng như những lớp chuẩn bị thêm sức của Rosolina và của Romano di Lombardia, những thừa tác viên của giáo phận Asti, giới trẻ của Cologno al Serio, và những bạn bè và thiện nguyện viên của hội Fraterna Domus.
Những Nhà Thông Thái đã dâng tặng Chúa Giê-su những món quà của họ nhưng thực tế, chính Chúa Giê-su là món quà của Thiên Chúa. Trong Ngài chúng ta nhìn thấy dung nhan lòng thương xót của Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta, đón nhận chúng ta và luôn luôn tha thứ cho chúng ta; dung nhan của Thiên Chúa không bao giờ đối xử với chúng ta theo công trạng hay theo tội của chúng ta, nhưng theo lòng từ bi bao la vô biên của Người. Và nói về những món quà, cha cũng nghĩ đến việc tặng cho anh chị em một món quà nhỏ … mấy con lạc đà bị lạc mất rồi, nhưng cha sẽ tặng cho anh chị em một món quà. Tập sách nhỏ “Biểu tượng của Lòng Thương Xót.” Món quà của Thiên Chúa là Đức Giê-su, lòng thương xót của Chúa Cha, và vì vậy để nhớ đến món quà này của Thiên Chúa, cha sẽ tặng cho anh chị em món quà này, nó sẽ được phân phát tới anh chị em bởi những người nghèo, người vô gia cư và người tị nạn cùng với rất nhiều thiện nguyện viên và Tu sĩ, những người mà cha xin gửi lời chào thân ái nhất và chân thành cảm ơn, cha xin chúc tất cả anh chị em một năm công bình, tha thứ, an bình, nhưng đặc biệt là một năm đầy lòng thương xót. Nó sẽ giúp cho anh chị em đọc được quyển sách nhỏ này: nó vừa vặn bỏ trong túi của anh chị em và có thể mang theo. Và cả anh chị em, xin anh chị em đừng quên tặng cho cha món quà là lời cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em. Chúc anh chị em ngày lễ hạnh phúc, chúc bữa trưa ngon miệng và hẹn sớm gặp lại anh chị em!
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/01/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét