Văn bản bài nói chuyện của Đức Thánh Cha gửi các sinh viên Đại học Roma Tre
‘Đừng e ngại mở lòng ra trước những chân trời mới của Thần Khí, và nếu các bạn đón nhận được ơn sủng đức tin – vì đức tin là một ơn sủng – đừng e ngại mở lòng để gặp gỡ Đức Ki-tô và đào sâu mối quan hệ của các bạn với Ngài. Đức tin không bao giờ giới hạn ranh giới của lý trí, nhưng mở nó ra trước một tầm nhìn trọn vẹn của con người và của thực tại, giúp con người tránh khỏi nguy hiểm bị làm mất nhân phẩm …’
17 tháng Hai, 2017
CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp văn bản bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxico trong chuyến thăm của ngài đến Đại học Roma sáng nay. Văn bản này, được Đức Thánh Cha miêu tả là những nhận xét ‘được chuẩn bị rất kỹ’ của ngài, được gửi đến những người có mặt vì ngài quyết định nói ứng khẩu. Khi nào bài nói ứng khẩu của Đức Thánh Cha được phát hành, ZENIT sẽ ngay lập tức đem đến cho quý vị bản dịch:
* * *
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Thưa ngài Hiệu trưởng, các giáo sư khả kính, các sinh viên và ban nhân viên thân mến,
Tôi xin cảm ơn về lời mời tôi đến thăm trường Đại học, ngôi trường trẻ nhất của Roma, và tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả. Tôi xin cảm ơn ngài Hiệu trưởng là Giáo sư Mario Panizza, về những lời chào mừng của ngài, và tôi xin chúc ông mọi điều tốt đẹp cho công việc và sứ mạng của ngôi trường này. Hướng dẫn và đào tạo hàn lâm cho những thế hệ trẻ là một nhu cầu cấp bách căn bản nhất cho cuộc sống và sự phát triển của xã hội. Tôi đã nghe những câu hỏi của quý vị, và tôi rất tri ân điều này; tôi đã đọc trước các câu hỏi và tôi sẽ tìm cách gửi cho quý vị những câu trả lời lấy từ kinh nghiệm của tôi.
Xã hội của chúng ta rất giàu có về sản vật, về những hoạt động hiệp nhất và sự yêu thương trong các mối quan hệ với tha nhân: rất nhiều người và rất nhiều bạn trẻ, chắc chắn trong số đó có một số các bạn ở đây, cam kết tham gia vào công việc thiện nguyện và việc phục vụ những người thiếu thốn nhất. Và đây là một trong những giá trị to lớn nhất đáng được tri ân và tự hào. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn xung quanh chúng ta, chúng ta thấy có quá nhiều, quá nhiều những dấu hiệu của sự thù hằn và bạo lực trên thế giới. Như Giulia nhận xét rất đúng rằng, có rất nhiều dấu hiệu hiện hữu của “hành động bạo lực.” Tôi cảm ơn Giulia, vì Thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình của năm nay đề nghị, quả thật, bất bạo động là một phong cách của đời sống và của hành động chính trị. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một cuộc chiến tranh thế giới xảy ra trong từng vùng: có xung đột ở rất nhiều nơi trên hành tinh này, nó đe dọa tương lai cho toàn bộ các thế hệ. Làm sao mà Cộng đồng Quốc tế với các tổ chức của nó lại không thể ngăn cản hay chặn đứng tất cả những chuyện này? Liệu những ích lợi kinh tế và chiến lược có trọng lượng hơn ích lợi chung cho hòa bình? Đây chắc chắn phải là những câu hỏi tìm được chỗ đứng trong các phòng học của các trường Đại học, và trên hết chúng gióng lên tiếng nói của lương tâm của chúng ta. Các bạn thấy chứ: Đại học là một nơi đặc quyền trong đó lương tâm được trui rèn, trong một cuộc tranh luận nóng giữa những tình trạng cấp bách của điều thiện, của sự thật, và của cái đẹp, và thực tại với những mâu thuẫn của nó. Cần một ví dụ cụ thể? Ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Trong nhiều thập kỷ đã có những cuộc nói chuyện về giảm trừ quân bị, những tiến trình quan trọng trong mối kết nối này đã được thực hiện nhưng, thật đáng tiếc, bất chấp tất cả những bài diễn thuyết và những cam kết, nhiều quốc gia ngày nay đang gia tăng chi tiêu cho vũ khí. Và điều này — trong một thế giới vẫn đang phải chiến đấu chống lại nạn đói và những căn bệnh –, là một sự mâu thuẫn đáng hổ thẹn.
Trước thực tại thảm kịch này, quý vị thật đúng khi đặt câu hỏi, “Câu trả lời của chúng ta phải là gì? – chắc chắn không phải là một thái độ ngã lòng hay hồ nghi. Đặc biệt, các bạn là những người trẻ không thể để cho bản thân mình bị mất hy vọng; hy vọng là một phần của chính các bạn. Khi thiếu hy vọng tức là thiếu sự sống, và rồi một số đi tìm sự tồn tại dối lừa được cung cấp bởi những kẻ buôn bán hư ảo. Họ bán những thứ mang đến hạnh phúc phù du và trước mắt, nhưng thực ra họ đang giới thiệu một con đường không lối thoát, không tương lai, những mê cung tồn tại thực sự. Bom đạn tàn phá thân xác; ma túy tàn phá trí não, linh hồn và cả thân xác. Và đến đây tôi cho các bạn một ví dụ cụ thể của sự mâu thuẫn của ngày nay: ngành công nghiệp cờ bạc. Các trường đại học có thể đưa ra một sự đóng góp giá trị về học tập để ngăn ngừa và chống lại việc nghiện cờ bạc, nó gây ra sự tàn phá nặng nề cho con người và gia đình, với những cái giá rất cao cho xã hội.
Một câu trả lời mà tôi muốn đề nghị với các bạn — và tôi đã nhận được câu hỏi của Niccolo — là sự cam kết bản thân, ngay trong trường đại học, trong những dự án chia sẻ và phục vụ những người bé mọn nhất, phát triển trong thành phố Roma của chúng ta ý thức của sự thuộc về một “quê hương chung. Nhiều tình trạng khẩn cấp của xã hội và nhiều hoàn cảnh khó khăn và nghèo đói đang chất vấn chúng ta: chúng ta phải nghĩ đến những người sống trên đường phố, đến những người di cư, và tất cả những người không chỉ cần có lương thực và quần áo, nhưng cần sự hòa nhập vào xã hội, chẳng hạn như những người trong tù ra. Bằng cách đến và gặp gỡ những sự nghèo nàn này của xã hội, chúng ta được trả lại vai diễn chính của những hoạt động xây dựng đối lại với những hoạt động phá hoại của xung đột bạo lực, và cũng là đối lại với văn hóa của chủ nghĩa khoái lạc và lãng phí, đặt nền tảng trên những ngẫu thần đồng tiền, lạc thú, và hình thức bên ngoài … Thay vì vậy, qua việc hoạt động với những dự án, cả những dự án nhỏ, thúc đẩy sự gặp gỡ và đoàn kết, đồng thời sự tin tưởng sẽ được phục hồi.
Trong mọi môi trường, đặc biệt trong môi trường Đại học, điều quan trọng là phải đọc được và tập trung vào sự thay đổi này của thời đại bằng sự suy tư và nhận thức, nghĩa là, không bị những định kiến của hệ tư tưởng, không sợ hãi hay chạy trốn. Mọi sự thay đổi, trong đó có cả sự thay đổi của hiện tại, là một chặng đường mang theo với nó những khó khăn, những lao động cực nhọc và đau khổ, nhưng nó cũng mang đến những chân trời tốt lành mới . Những thay đổi lớn kêu gọi chúng ta phải suy nghĩ lại những mô hình kinh tế, văn hóa và xã hội, để khôi phục lại giá trị trọng tâm của nhân vị. Trong câu hỏi thứ ba, Riccardo đưa ra những nhận định về “thông tin trong một thế giới toàn cầu hóa được lan truyền đặc biệt qua những mạng lưới xã hội. Trong phạm vi phức tạp này, theo tôi điều cần thiết là phải gắn kết trong sự nhận thức lành mạnh, dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn đạo đức và tinh thần. Nó cần thiết, nghĩa là, phải biết tự vấn mình đâu là điều tốt lành, nói lên được những giá trị phù hợp với một tầm nhìn của con người và của thế giới, một tầm nhìn của con người theo mọi chiều kích của nó, đặc biệt trong tính siêu việt.
Và nói về tính siêu việt, tôi muốn nói chuyện với các bạn trên cương vị con người với con người, và đưa ra bằng chứng tôi là ai. Tôi tuyên xưng mình là người Ki-tô và siêu việt tính có một tên gọi: Giê-su, mà qua đó tôi mở lòng mình ra và soi dõi. Tôi tin chắc rằng Tin Mừng của Ngài là một nguồn sức mạnh của sự canh tân cá nhân và xã hội đích thực. Nói về vấn đề này, tôi không đề nghị đưa ra những ảo ảnh hay những triết thuyết hay hệ tư tưởng, và tôi cũng không mong muốn theo chủ nghĩa cải đạo. T6oi đang nói với các bạn về một Người, Đấng đã đến gặp tôi khi tôi cỡ đồng tuổi với các bạn, Người mở ra những chân trời cho tôi và đã biến đổi đời tôi. Người này có thể đổ đầy tâm hồn chúng ta bằng niềm vui và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Ngài là người bạn đồng hành với tôi; Ngài không làm thất vọng và không phản bội. Ngài luôn luôn ở cùng chúng ta. Ngài đặt chính Ngài với sự tôn trọng và sự tự do quyết định cho đường đời của chúng ta, trên hết, Ngài hỗ trợ chúng ta trong giờ phút lạc lối và bị đánh bại, trong giây phút yếu đuối và tội lỗi, để luôn vực chúng ta dậy trên con đường. Đây là chứng tá riêng của chính cuộc đời của tôi.
Đừng e ngại mở lòng ra trước những chân trời mới của Thần Khí, và nếu các bạn đón nhận được ơn sủng đức tin – vì đức tin là một ơn sủng – đừng e ngại mở lòng để gặp gỡ Đức Ki-tô và đào sâu mối quan hệ của các bạn với Ngài. Đức tin không bao giờ giới hạn ranh giới của lý trí, nhưng mở nó ra trước một tầm nhìn trọn vẹn của con người và của thực tại, giữ con người tránh khỏi nguy hiểm hạ con người xuống bậc “con người vật chất.” Những khó khăn không biến mất trước Chúa Giê-su, nhưng chúng được giải quyết theo một cách rất khác, không sợ hãi, không lừa dối bản thân và người khác; chúng được giải quyết dưới ánh sáng và sức mạnh đến từ Ngài. Và, như Riccardo nói, các bạn có thể trở thành “những nhà hoạt động bác ái trí tuệ,” bắt đầu từ chính trường Đại học, để nó trở thành một nơi đào tạo “sự thông thái” theo ý nghĩa trọn vẹn nhất của nó, một nơi giáo dục toàn vẹn cho con người. Với quan điểm này trường Đại học đưa ra sự đóng góp riêng biệt và không thể thay thế của nó cho sự canh tân xã hội.
Và trường đại học cũng có thể là một nơi trong đó văn hóa gặp gỡ và đón nhận con người thuộc nhiều truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau được xây dựng nên. Nour, quê ở Syria, nhận xét về “sự sợ hãi” của những người Tây phương trong các mối quan hệ với người nước ngoài lên tới mức nó có thể “đe dọa văn hóa Ki-tô của Châu Âu.” Nhưng sự thật lại cho thấy mối đe dọa đầu tiên cho văn hóa Ki-tô của Châu Âu lại xuất phát ngay từ trong lòng Châu Âu, việc đóng cửa lòng hoặc đóng cửa văn hóa không bao giờ là một con đường đem lại hy vọng và đưa đến sự canh tân xã hội và văn hóa. Một nền văn hóa được củng cố vững chắc trong sự cởi mở và gặp gỡ với những văn hóa khác, để nó có một nhận thức rõ rệt và trưởng thành về những nguyên tắc và giá trị của nó. Vì vậy, tôi khuyến khích các giáo sư và sinh viên sống môi trường Đại học như một môi trường của sự đối thoại thực sự, nó không phân cấp những sự khác biệt hay làm tổn hại chúng, nhưng mở lòng cho sự gặp gỡ xây dựng. Chúng ta được kêu gọi để hiểu và trân trọng những giá trị của người khác, vượt qua được những cám dỗ thờ ơ hay sợ hãi. Đừng sợ gặp gỡ, đối thoại, hãy đối mặt.
Khi quý vị bước theo chương trình giảng dạy và học tập trong đại học, cố gắng tự hỏi mình: forma mentis (quan điểm) của tôi đang theo chủ nghĩa cá nhân hay xây dựng? Nếu nó mang tính xây dựng hơn, đó là một dấu hiệu tốt, vì các bạn sẽ lội ngược dòng nhưng nó là một hướng duy nhất có tương lai và tạo ra tương lai. Tình đoàn kết, không chỉ nói bằng lời nhưng bằng cách sống cụ thể, xây dựng hòa bình và hy vọng cho mọi quốc gia và toàn thế giới. Và quý vị, qua việc giảng dạy và học tập trong Đại học, có trách nhiệm để lại một dấu ấn tốt đẹp trong lịch sử.
Tôi xin chân thành cảm ơn vì buổi gặp gỡ và sự chú ý của các bạn hôm nay. Nguyện xin niềm hy vọng luôn là ánh sáng chiếu tỏa trong việc học và sự cam kết của quý vị. Tôi khẩn cầu phúc lành của Thiên Chúa ban cho từng người trong các bạn và gia đình của các bạn.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/02/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét