Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Lời Hứa Của Thiên Chúa Tặng Ban Hy Vọng

TIẾP KIẾN CHUNG: Lời Hứa Của Thiên Chúa Tặng Ban Hy Vọng

‘Không có nơi nào trên thế không có ánh vinh quang của Đức Ki-tô Sống lại’
26 tháng Tư, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Lời Hứa Của Thiên Chúa Tặng Ban Hy Vọng
Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài giáo huấn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư của ngài về chủ đề: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28:20): Lời Hứa tặng ban hy vọng.”
Sau phần tóm tắt giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài huấn từ của Đức Thánh Cha sáng nay:
* * *
Giảng giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Câu nói cuối cùng trong Tin mừng của Mát-thêu nhắc lại lời loan báo sứ ngôn chúng ta tìm thấy ngay từ đầu: “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1:23; cf. Is 7:14). Thiên Chúa ở cùng chúng ta, mỗi ngày, cho đến tận thế. Toàn bộ Tin mừng được gói gọn trong hai câu trích dẫn này, những câu chuyển tải mầu nhiệm của một Thiên Chúa mà tên của Người, bản thể của Người là ở cùng: Người không phải là một Thiên Chúa cách ly; Người là Thiên Chúa-ở-cùng, đặc biệt, với chúng ta, cụ thể là, với con người là loài thụ tạo. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa vắng mặt, ẩn dật ở một nước trời rất xa xôi nào đó; nhưng ngược lại Người là một Thiên Chúa “say đắm” với con người, yêu thương quá đỗi dịu hiền đến mức dường như không thể tách rời Người ra khỏi con người. Chúng ta là con người rất khéo léo trong việc cắt đứt những mối dây ràng buộc và những chiếc cầu nối. Ngược lại, Người không thể làm được. Nếu con tim chúng ta trở nên lạnh giá, trái tim của Người luôn giữ rực cháy; Thiên Chúa của chúng ta luôn đồng hành với chúng ta, cho dù, thật đáng buồn, chúng ta lãng quên Người. Dứt khoát trên lằn ranh chia cách sự hoài nghi ra khỏi đức tin là một khám phá về tình trạng được yêu và được đồng hành bởi Chúa Cha, tình trạng không bao giờ bị Ngài bỏ rơi. Cuộc sống của chúng ta là một cuộc lữ hành, một hành trình. Thậm chí tất cả những người được rung cảm bởi một niềm hy vọng đơn giản của con người cũng nhận thức được sự quyến rũ của chân trời, nó thúc đẩy họ khám phá những thế giới mà họ vẫn chưa biết. Tinh thần chúng ta là một tinh thần di cư. Kinh Thánh đầy các câu chuyện của những người lữ hành và di cư. Ơn gọi của Abraham bắt đầu với lệnh truyền này: “Hãy rời bỏ xứ sở” (St 12:1). Và Tổ phụ đã rời bỏ mảnh đất nơi ông biết rất rõ và nó là một trong những cái nôi của nền văn minh của thời đại của ông. Mọi sự tập trung chống lại ý nghĩa tốt lành của chuyến đi đó. Tuy nhiên Abraham vẫn đi. Chúng ta không trở nên những người trưởng thành nếu chúng ta không nhận thức được sự cuốn hút của chân trời: giới hạn đó giữa thiên đàng và trần gian, nơi mời gọi một dân tộc ra đi để tiến đến.
Trong cuộc lữ hành trên dương thế, con người không bao giờ cô đơn. Người Ki-tô hữu đặc biệt không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi, vì Chúa Giê-su bảo đảm với chúng ta rằng Ngài không chỉ chờ đợi chúng ta ở cuối cuộc lữ hành dài, nhưng Ngài đồng hành với chúng ta mọi giờ trong những ngày của hành trình của chúng ta.
Sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người còn tiếp tục cho đến bao giờ? Cho đến bao giờ Chúa Giê-su, Người đồng hành với chúng ta, cho đến bao giờ Ngài vẫn còn ở với chúng ta? Câu trả lời của Tin mừng quá rõ ràng: cho đến ngày tận thế! Các tầng trời sẽ qua đi, mặt đất sẽ qua đi, những niềm hy vọng của con người sẽ không còn, nhưng Lời Chúa vĩ đại hơn tất cả và sẽ không qua đi. Và Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Chúa Giê-su Đấng đồng hành cùng với chúng ta. Sẽ không có ngày nào trong cuộc đời của chúng ta không nằm trong sự quan tâm của trái tim Chúa. Nhưng có thể có người nói: “Nhưng cha đang nói về điều gì vậy?” Tôi nói như vầy: Sẽ không có ngày nào trong cuộc đời của chúng ta không nằm trong sự quan tâm của trái tim Chúa. Người lo lắng cho chúng ta, và người cùng đồng hành với chúng ta. Và tại sao Người lại làm điều này? — Đơn giản vì Người yêu chúng ta. Anh chị em hiểu điều này không? Người yêu thương chúng ta! Và Thiên Chúa sẽ chắc chắn cung cấp cho mọi nhu cầu của chúng ta; Người sẽ không bỏ rơi chúng ta trong lúc bị thử thách và trong những lúc tối tăm. Sự chắc chắn này phải được xây tổ trong lòng chúng ta để không bao giờ bị dập tắt. Có những người gọi nó bằng cái tên “Sự Quan phòng,” đúng vậy, sự gần gũi của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, sự đồng hành của Thiên Chúa với chúng ta cũng được gọi là “Sự quan phòng của Thiên Chúa”: Người chu cấp cho cuộc đời của chúng ta.
Không phải ngẫu nhiên mà trong số những biểu tượng hy vọng của Ki-tô giáo có một cái mà tôi rất thích: cái neo. Nó diễn tả rằng niềm hy vọng của chúng ta không mơ hồ; nó không bị lẫn lộn với cảm tính của một người mong muốn cải thiện mọi việc trong thế giới này theo một cách phi thực tế, chỉ cậy dựa vào sức mạnh ý chí của anh ta. Niềm hy vọng của người Ki-tô hữu tìm được nguồn cội của nó thực ra không phải trong sự hấp dẫn của tương lai nhưng là trong sự chắc chắn rằng Thiên Chúa đã hứa với chúng ta và thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô. Nếu Ngài bảo đảm với chúng ta rằng Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nếu sự bắt đầu của mỗi ơn gọi đều là “Hãy Theo Ta,” trong đó Ngài bảo đảm với chúng ta rằng Ngài sẽ luôn ở với chúng ta, vậy tại sao lại sợ hãi? Với lời hứa này, người Ki-tô hữu có thể đi khắp nơi, cũng có thể đi qua những phần thế giới bị thương tổn, nơi mọi việc không diễn ra tốt đẹp, chúng ta ở giữa những người thậm chí ở đó để tiếp tục hy vọng. Thánh vịnh nói: “Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (Tv 23:4). Chính xác là nơi đâu bóng tối nhiều hơn thì cần phải có một ánh sáng chiếu soi. Chúng ta hãy quay lại với cái neo. Đức tin của chúng ta là cái neo trong nước trời. Chúng ta để cuộc sống của chúng ta cắm neo vào trong nước trời. Chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải nắm chặt lấy sợi dây: nó luôn luôn có ở đó. Và chúng ta tiến tới vì chúng ta chắc chắn rằng cuộc sống của chúng ta đang có giống như một cái neo trong nước trời, trên bờ biển đó nơi chúng ta sẽ cập bến.
Nếu chúng ta chỉ tin tưởng vào sức mạnh của chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ có lý do để cảm thấy thất vọng và bị đánh bại, vì thế gian thường thể hiện cho thấy nó rất cứng đầu trước luật yêu thương. Vì vậy nó thích luật ích kỷ hơn. Tuy nhiên nếu sự chắc chắn trong chúng ta bảo đảm rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, rằng Chúa dịu dàng yêu thương chúng ta và cả thế giới này, thì cách nhìn sẽ thay đổi ngay lập tức. Người xưa có câu nói “Homo viator, spe erectus,(tạm dịch: Hãy hy vọng, người lữ khách). Trên suốt đường đi, lời hứa của Chúa Giê-su “Ta sẽ ở cùng các con” làm cho chúng ta đứng vững, đứng thẳng, với niềm hy vọng, vững tin rằng Thiên Chúa nhân lành đang hoạt động để mang đến những gì dường như là không thể đối với con người , vì cái neo đã neo vào bờ biển nước trời.
Dân trung thành của Chúa là những người đứng vững – “homo viator” — và bước đi, và đứng thẳng, (“erectus,”) và bước đi trong hy vọng. Và, bất cứ nơi nào họ đi, họ biết rằng tình yêu của Thiên Chúa đã đi trước họ: Không có nơi nào trên thế không có ánh vinh quang của Đức Ki-tô Sống lại. Và vinh quang của Đức Ki-tô Phục sinh là gì? Đó là vinh quang của tình yêu. Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/04/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét