Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Tòa Thánh Lên Án Việc Dùng Danh Chúa Để Thực Hiện Những Hành Động Khủng bố (Toàn Văn)

Tòa Thánh Lên Án Việc Dùng Danh Chúa Để Thực Hiện Những Hành Động Khủng bố (Toàn Văn)

‘Tòa Thánh thúc giục những nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ chống lại sự khủng bố như vậy và hành động để kiểm soát những tín đồ của họ những kẻ đang cho rằng họ hành động nhân danh Chúa bằng những con đường gieo rắc kinh hoàng’
21 tháng Tư, 2017
Tòa Thánh Lên Án Việc Dùng Danh Chúa Để Thực Hiện Những Hành Động Khủng bố (Toàn Văn)
Holy See Mission
Ngày 20 tháng Tư, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, đã có một bài phát biểu trong Phiên Tranh luận Mở của Hội đồng Bảo an về “Tình hình Trung Đông, bao gồm Vấn đề người Palestine.”
Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng việc sử dụng những vũ khí hóa học ở Syria và đánh bom khủng bố ngày Chúa Nhật Lễ Lá ở Ai-cập đã làm nhiều vùng ở Trung Đông chìm sâu xuống những đáy vực mới của tính man rợ, tấn công vào nền tảng căn nguyên của nhân phẩm và nhân quyền. Ngài nói rằng tình trạng an ninh của Li-băng và những quốc gia lân cận đang bị đe dọa bởi các nhóm vũ trang, gây nguy hiểm cho việc nắm quyền trong vùng.
Tòa Thánh nhắc lại sự ủng hộ của mình cho một giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine được đàm phán giữa các bên. Tòa Thánh cũng thúc giục những nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc sử dụng khủng bố trong khu vực và khống chế những tín đồ của họ là những người đang cho rằng Chúa đứng sau uy quyền của sự kinh hoàng của họ. Đức Tổng Giám mục Auza thỉnh cầu những nhà cung cấp vũ trang phải hành động phù hợp với những quy ước được quốc tế đồng thuận, vì sợ rằng các loại vũ khí sẽ được sử dụng trên những người vô tội và phá hủy những cơ sở hạ tầng quan trọng. Ngài nói rằng chuyến thăm ngày 28-29 của Đức Thánh Cha Phanxico đến Ai-cập có ý nghĩa nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự đối thoại và gặp gỡ như là một liều thuốc giải cho bạo lực và thù hận.
Dưới đây là văn bản bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Auza:
***
Phát biểu của Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc
Tranh luận Mở của Hội đồng Bảo an về tình hình ở Trung Đông, bao gồm vấn đề của người Palestine
20 tháng Tư, 2017

Thư bà Chủ tịch,
Một số hành động cực kỳ tàn ác vừa qua đã nhận chìm một số vùng của Trung Đông lún sâu hơn vào những hỗn loạn bạo lực và xuống những đáy vực mới của tính man rợ. Việc sử dụng gần đây những tác nhân hóa học ở Syria một lần nữa góp phần vào sự vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế và Hiệp định về Vũ khí Hóa học. Những vụ đánh bom khủng bố Chúa nhật Lễ Lá ở Ai-cập và vụ tấn công vào những người tị nạn đang chạy trốn là những vụ tấn công ghê tởm chống lại những công dân vô tội đang tập trung cầu nguyện tại những nơi thánh thiêng hoặc đang cố gắng trốn thoát khỏi bạo lực, và những vụ tấn công như vậy chống lại nền tảng căn nguyên của nhân phẩm và nhân quyền. Phái đoàn của tôi bày tỏ lời chia buồn chân thành đến những gia đình có những người thân yêu đã bị giết chết và gửi những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất đến những người sống sót sau những vụ tấn công và gia đình của họ.
Thưa Bà Chủ tịch,
Tòa Thánh đang vô cùng lo lắng với tình hình hiện tại ở Trung Đông. Li-băng đang dũng cảm mang gánh nặng cưu mang hàng triệu người tị nạn từ những quốc gia và địa hạt láng giềng đang có xung đột. Ngoài những ảnh hưởng của gánh nặng này, sự ổn định của nó bị đe dọa bởi những nhóm vũ trang. Để làm ổn định Li-băng, Hội đồng Bảo an đã thông qua những nghị quyết 1559, 1680 và 1701, kêu gọi giải giới tất cả những đối tượng vũ trang không thuộc chính phủ. Tuy nhiên những lực lượng dân quân và các nhóm được vũ trang và được cấp vốn bởi những nguồn bên ngoài vẫn duy trì hoạt động vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Li-băng.
Những tình hình tương tự như vậy đang diễn ra trong các địa hạt và quốc gia láng giềng, nơi các nhóm khủng bố và những đối tượng vũ trang không thuộc chính phủ đang hoạt động, đưa khu vực vào tình trạng mất kiểm soát, bách hại những nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số và chà đạp nhân quyền căn bản.
Thưa Bà Chủ tịch,
Từ năm 1947, Tòa Thánh đã liên tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước để Nhà nước Israel và một Nhà nước Palestine cùng tồn tại song song trong hòa bình. Tòa Thánh mong muốn lặp lại sự tin tưởng rằng tiến trình hòa bình giữa người Israel và người Palestine chỉ có thể tiến tới được nếu nó được đàm phán trực tiếp giữa các bên, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Chỉ những cuộc đàm phán được duy trì liên tục trong niềm tin vững chắc mới giải quyết được những khác biệt và đem đến hòa bình cho các dân tộc Israel và Palestine. Những nhà lãnh đạo và công dân của cả hai bên phải có tầm nhìn xa và lòng can đảm để đưa ra những sự nhượng bộ hợp lý, vì một thỏa thuận sẽ không khả thi nếu sự loại trừ lẫn nhau và những đòi hỏi quá quắt còn tồn tại. Không có sự thay thế cho một dàn xếp đàm phán hòa giải, nếu cả Israel và Palestine cùng mong muốn an ninh, thịnh vượng và cùng chung sống trong hòa bình, bên cạnh nhau với những biên giới được quốc tế công nhận.
Đức Giáo hoàng Phanxico bảo đảm mọi nỗ lực và lời cầu nguyện của ngài để những vết thương sâu chia rẽ người Israel và Palestine có thể được chữa lành. Những quyết định đơn phương, những hành động bạo lực và những cách nói khích động chỉ có thể đào sâu thêm những vết thương đó, tăng thêm lòng thù hận và mở rộng những chia rẽ, làm cho những đàm phán trở nên khó khăn hơn và sự hòa giải xa vời hơn. Đức Giáo hoàng Phanxico kêu gọi cả hai bên hãy lắng nghe những tiếng nói đối thoại, thể hiện thiện chí và mở rộng thêm những sự gặp gỡ để trao tặng cho các dân tộc của họ nền hòa bình mà thâm tâm của họ vô cùng khao khát.
Thưa Bà Chủ tịch,
Những luận điệu tôn giáo bị bóp méo được trộn lẫn với những hệ tư tưởng phục hồi lãnh thổ góp phần vào sự đổ máu trong Khu vực. Những hành động man rợ không tưởng tượng được cố tình thực hiện nhân danh Chúa hoặc tôn giáo. Những nhóm tôn giáo thiểu số trong hàng ngàn năm đã chung sống hòa bình với các cộng đồng đa số Hồi giáo đã và đang trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan. Di sản văn hóa và lịch sử của họ đã bị phá hủy, đe dọa tiêu hủy hết mọi dấu vết về của sự hiện diện lâu đời của họ trong Khu vực. Tòa Thánh thúc giục Cộng đồng Quốc tế, thông qua Hội đồng Bảo an, đừng lãng quên họ và củng cố những nỗ lực để tránh cho họ khỏi tai họa diệt chủng của những nhóm khủng bố bạo lực và những đối tượng khác không thuộc chính phủ.
Tòa Thánh thúc giục những nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc sử dụng khủng bố trong khu vực và khống chế những tín đồ của họ là những người đang cho rằng Chúa đứng sau uy quyền của sự kinh hoàng của họ. Không nhà lãnh đạo tôn giáo nào khoan dung cho việc sử dụng tôn giáo như là một cái cớ cho những hành động chống lại nhân phẩm và chống lại những quyền căn bản của mọi người, trên tất cả, quyền được sống và quyền tự do tôn giáo của mọi người. Liên quan đến vấn đề này, tháng Hai năm nay Al-Azhar và Tòa Thánh tổ chức một cuộc thảo luận ở Cairo nhằm chống lại những hiện tượng của chủ nghĩa cuồng tín, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực nhân danh tôn giáo.
Ngoài ra, Tòa Thánh kêu gọi những nhà cung cấp vũ trang phải hành động phù hợp với những quy ước được quốc tế đồng thuận trong việc buôn bán vũ khí. Máu của những công dân vô tội kêu lên phản đối lại những dòng chảy không bị cản trở của vũ khí trong Khu vực. Tòa Thánh không thể nhấn mạnh đủ đến sự thiếu quan tâm những hiệp ước kiểm soát thương mại và vận chuyển vũ trang đã góp phần vào sự xung đột vũ trang, tội phạm, những hoạt động khủng bố và di tản của người dân, nó đã ngầm phá hoại nền hòa bình và an ninh, sự ổn định và phát triển bền vững. Tòa Thánh không nhấn mạnh đủ rằng tuyệt đại đa số những người bị ảnh hưởng xấu bởi xung đột vũ trang và những hình thức khác của bạo lực vũ trang là những công dân và cũng không thể làm ngơ không biết bao nhiêu lần những vũ khí này được sử dụng để tấn công những cơ sở hạ tầng của người dân như trường học và bệnh viện, những nguồn cung cấp nước và thực phẩm.
Thưa Bà Chủ tịch,
Phái đoàn của tôi xin khép lại những nhận xét của mình bằng lời cầu nguyện của Đức Giáo hoàng Phanxico sau những vụ tấn công gần đây ở Ai-cập và Syria: “Nguyện xin Thiên Chúa biến đổi tâm hồn của những người đang gieo rắc sự kinh hoàng, bạo lực và cái chết” và “xin Người ban cho những nhà lãnh đạo các dân tộc lòng can đảm cần có để ngăn chặn sự lan tràn những cuộc khủng hoảng và đặt dấu chấm hết cho sự thương mại vũ trang.” Chuyến thăm viếng Ai-cập của Đức Giáo hoàng Phanxico được lên lịch vào ngày 28 và 29 tháng Tư muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng không có liều thuốc giải nào cho bạo lực và lòng thù hận mạnh mẽ hơn đối thoại và gặp gỡ.
Xin cảm ơn, Bà Chủ tịch.
***
Copyright © 2017 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/04/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét