Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Nhà truyền giáo không mang theo bản thân nhưng mang theo Chúa Giê-su

Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Nhà truyền giáo không mang theo bản thân nhưng mang theo Chúa Giê-su

“Mối dây ràng buộc của ngài với Giê-su mạnh mẽ hơn bất kỳ mối dây ràng buộc nào”
2 tháng Bảy, 2017
Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Nhà truyền giáo không mang theo bản thân nhưng mang theo Chúa Giê-su
Dưới đây là bản dịch của ZENIT giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người tụ họp trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta những phần cuối cùng trình thuật rao giảng của chương 10 Tin mừng Mát-thêu (x. 10:37-42), trong đó Chúa Giê-su hướng dẫn mười hai tông đồ, khi Ngài sai các ông lần đầu tiên đi rao giảng trong các làng mạc của vùng Ga-li-lê và Giu-đê-a. Trong phần cuối này Chúa Giê-su nhấn mạnh đến hai khía cạnh đời sống của người tông đồ rao giảng: thứ nhất, mối dây ràng buộc người tông đồ với Chúa Giê-su mạnh mẽ hơn bất kỳ mối dây nào; thứ hai, người tông đồ rao giảng không mang theo bản thân mình nhưng mang theo Chúa Giê-su, và thể hiện tình yêu của Chúa Cha trên trời qua bản thân. Hai khía cạnh này có sự tương quan, vì khi Chúa Giê-su càng được đặt vào trung tâm của tâm hồn và đời sống của người tông đồ, người tông đồ càng thể hiện rõ sự hiện hữu của Người. Cả hai khía cạnh đi song song với nhau.
Chúa Giê-su nói, “Ai yêu cha yêu mẹ hơn thầy …” (c. 37). Tình yêu của người cha, sự dịu dàng của người mẹ, tình bạn hữu ngọt ngào giữa anh chị em, tất cả mọi điều này cho dù rất tốt đẹp và chính đáng, vẫn không thể đặt trên Đức Ki-tô. Không phải vì Người muốn chúng ta không có một trái tim và thiếu lòng tri ân, nhưng ngược lại và hơn thế nữa, vì tình trạng của người tông đồ đòi hỏi một mối quan hệ ưu tiên với Thầy – bất kể người tông đồ là ai, có thể là một giáo dân nam, nữ, một linh mục, một Giám mục: mối quan hệ ưu tiên. Có lẽ câu hỏi đầu tiên chúng ta cần hỏi một người Ki-tô hữu là: “Nhưng bạn có gặp gỡ Chúa Giê-su không? Bạn có cầu nguyện với Chúa Giê-su không?” Mối quan hệ. Sách Sáng thế đã diễn giải như thế này: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (x. St 2:24).
Ai để cho bản thân mình được cuốn hút bởi mối dây tình yêu và sự sống này với Chúa Giê-su sẽ trở thành người đại diện cho Ngài, “đại sứ” của Ngài, đặc biệt qua con người của mình, đời sống của mình, tới mức chính Chúa Giê-su khi sai các tông đồ đi rao giảng, đã nói với các ông: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10:40). Điều quan trọng là con người có thể nhận thức rằng đối với người tông đồ Giê-su là “Thiên Chúa” đích thực, Ngài chính là trung tâm của đời sống, là toàn bộ cuộc sống của người tông đồ. Con người với những giới hạn và cả lỗi lầm của mình không phải là vấn đề – miễn là người tông đồ có lòng khiêm nhường thừa nhận chúng –; điều thực sự quan trọng là người đó không mang tâm hồn hai mặt – và điều này rất nguy hiểm. Tôi là một Ki-tô hữu, tôi là một tông đồ của Chúa Giê-su, tôi là một linh mục, tôi là một Giám mục, nhưng tôi lại có tâm hồn hai mặt. Không, điều này không được. Người đó không được mang một tâm hồn hai mặt nhưng phải mang một tâm hồn đơn sơ, hiệp nhất; không xỏ chân vào hai chiếc giầy, nhưng người đó phải trung thực với chính bản thân và với người khác. Người sống hai mặt không phải là Ki-tô hữu. Vì thế, Chúa Giê-su cầu xin với Chúa Cha, để các môn đệ không rơi vào tinh thần của thế gian. Hoặc bạn theo Chúa Giê-su, mang tâm hồn của Giê-su, hoặc bạn mang tâm hồn của thế gian.
Và đến đây kinh nghiệm của chúng ta là những linh mục dạy chúng ta một điều rất đẹp, một điều rất quan trọng: chính là việc đón nhận dân thánh của Thiên Chúa, chính là “một chén nước lã” (c. 42), mà Chúa nói đến trong Tin mừng hôm nay, tặng ban niềm tin trìu mến, nó giúp một người trở nên linh mục tốt lành! Cũng có một sự trao qua đổi lại trong sứ vụ rao giảng: nếu bạn dành mọi điều cho Chúa Giê-su, người ta sẽ nhận ra Thiên Chúa trong bạn, đồng thời, nó giúp bạn hối cải trở về với Người mỗi ngày, để làm mới lại và thanh tẩy chính bản thân thoát khỏi những thỏa hiệp và vượt qua được những cám dỗ. Một người linh mục càng gần gũi với dân Chúa, ngài càng cảm thấy gần gũi với Chúa Giê-su hơn, và người linh mục càng gần gũi với Chúa Giê-su, ngài lại càng cảm thấy gần gũi với Dân Chúa hơn.
Bản thân Mẹ Maria Đồng Trinh trải nghiệm ý nghĩa của việc yêu Giê-su quên cả bản thân mình, tạo ra ý nghĩa mới cho những mối dây ràng buộc gia đình, bắt đầu từ niềm tin vào Người. Nguyện xin Mẹ giúp chúng ta trở thành những nhà rao giảng tự do và hạnh phúc của Tin mừng qua sự trung gian mẫu tử của Mẹ.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch của Virginia M. Forrester]
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/07/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét