Hãy ngước trông lên! Lý do về tâm linh tại sao các nhà thờ có mái vòm
24 tháng Bảy, 2017
Điểm đặc trưng về kiến trúc này trước đây chỉ được dùng cho những đền thánh trong hầu suốt lịch sử nhân loại.
Sống ở Mỹ rất dễ liên tưởng đến các mái vòm với các tòa nhà đô thị. Mái vòm nổi tiếng nhất là Tòa nhà Capitol ở Washington, D.C.
Tuy nhiên, cho đến thế kỷ 18 các kiểu mái vòm chỉ được sử dụng riêng cho kiến trúc thánh. Trước đó con người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau — gồm cả người ngoại đạo của Roma, người Ki-tô giáo, Ấn giáo, và Hồi giáo — đều dùng mái vòm để miêu tả biểu tượng tâm linh.
Một trong những mái vòm cổ xưa nhất và được bảo tồn tốt nhất là đền Pantheon ở Roma. Nó được xây dựng thế kỷ thứ Hai và được xác nhận là mẫu hình cho tất cả các mái vòm sau nó. Tòa nhà ban đầu được xây dựng làm đền thờ tất cả các thần của người Roma, như ý nghĩa tên gọi của nó bằng tiếng Hy lạp miêu tả.
Mái vòm duy nhất được tin là tượng trưng cho trời, nhắc người tín đồ nhớ đến những vị thần ở trên cao.
Những mái vòm trong các nền văn hóa khác cũng tượng trưng cho các khái niệm tương tự vì người ta tin rằng các vị thần thường ngự ở trên trời.
Khi Ki-tô giáo chính thức được công nhận ở Đế quốc Roma, theo cách tự nhiên họ chấp nhận nhiều ngôi đền và biến chúng thành các nhà thờ của Ki-tô giáo. Đền Pantheon được đổi thành tên Santa Maria ad Martyres và trở thành một nơi tôn thờ Chúa Ba Ngôi.
Các mái vòm theo bối cảnh Ki-tô giáo tiếp tục được xem như một cách trình bày về “thiên đàng” và được sử dụng để nhắc người Ki-tô hữu về vẻ tuyệt mỹ và cao cả của Thiên Chúa. Các họa sĩ thường vẽ các biểu tượng thiên đàng và hình ảnh nhân vật, chẳng hạn Thiên thần, Chúa Thánh Thần, và các thánh.
Mái vòm Chúa Ba Ngôi tại Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Washington, D.C., hiện đang vào giai đoạn hoàn thiện, là một ví dụ theo phong cách biểu trưng hiện đại thường được sử dụng trong các mái vòm Ki-tô giáo.
Khi đứng trước dự án gắn mái vòm trên đỉnh Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, Michelangelo nói, “Tôi có thể xây một mái lớn hơn, nhưng không thể nào đẹp hơn mái vòm của Đền Pantheon.” Mái vòm đặc biệt này, làm vang lên những nguyên tắc cổ điển của kiến trúc từ đó đã trở thành một mô hình cho nhiều mái vòm khác trên khắp thế giới. Mái vòm trên Tòa Capitol của Mỹ được thiết kế theo mẫu của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, phản ánh rằng nghệ thuật kiến trúc cận cổ điển đóng vai trò trong thiết kế của trụ sở cơ quan lập pháp của quốc gia.
Những mái vòm trên các nhà thờ Ki-tô giáo mời gọi các khách hành hương hãy “ngước trông lên” và nhớ rằng không chỉ tập trung hướng hạ, nhưng nhắm đến sự hướng thượng, hướng lên thiên đàng trên cao.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/07/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét