Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Hội đồng các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Triều Tiên

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Hội đồng các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Triều Tiên

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Hội đồng các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Triều Tiên
Đức Thánh Cha Phanxico - ANSA
02/09/2017 11:46
(Vatican Radio) Hôm thứ Bảy Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ Hội đồng các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Triều tiên ở Vatican nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại liên tôn hướng đến một tương lai hòa bình và hy vọng.
Trong bài diễn từ nói trước Hội đồng các Nhà lãnh đạo Tôn giáo Triều tiên, Đức Thánh Cha Phanxico làm nổi bật tầm quan trọng, cũng như ngài vẫn thường đưa ra, và con đường đầy thách đố của đối thoại liên tôn. Đức Thánh Cha lưu ý rằng sự đối thoại này giữa các tôn giáo “gồm có những liên lạc, gặp gỡ và hợp tác, một thách đố hướng đến thiện ích chung và hòa bình.”
Ngài tiếp tục nói rằng, “sự đối thoại như vậy phải luôn luôn cởi mở và tôn trọng để nó sinh hoa trái tốt đẹp.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói với những người hiện diện, “thế giới đang nhìn vào chúng ta; nó đang đòi hỏi chúng ta phải chung sức làm việc cùng với tất cả những người thiện chí.”
Đức Thánh Cha tiếp tục, thế giới “nhìn đến chúng ta để tìm những câu trả lời và một cam kết chung” cho một loạt các vấn đề, chẳng hạn phẩm giá thánh thiêng của nhân vị, nạn đói và sự cùng khổ vẫn đang hành hạ quá nhiều dân tộc, loại bỏ bạo lực, và không kém phần quan trọng là sự khủng hoảng hy vọng.
Đức Thánh Cha phân tích, “Vì vậy, chúng ta còn một hành trình dài phía trước, con người phải đảm nhận trách nhiệm với lòng khiêm nhường và nhẫn nại, không chỉ bằng cách lên tiếng nói nhưng phải xắn tay áo lên để gieo trồng một tương lai đầy hy vọng.”
Sau đây là bản dịch tiếng Anh bài diễn từ của Đức Thánh Cha trước Hội đồng các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Triều tiên
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico
trước Hội đồng các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Triều tiên
2 tháng Chín, 2017
Các bạn trong Hội đồng các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Triều tiên thân mến,
Tôi rất hân hạnh được đón tiếp các bạn trong buổi gặp gỡ này. Các bạn đã trải qua một quãng đường dài để đến Roma trong chuyến hành hương liên tôn của các bạn, và tôi xin cảm ơn vì sự hiện diện của các bạn ở đây. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám mục Kim Hee-jong vì đã đề nghị chuyến thăm viếng này và về những lời phát biểu tuyệt vời của ngài. Như tôi đã nói ở Seoul: “Cuộc sống là một hành trình, một hành trình dài, nhưng là một hành trình mà chúng ta không thể bước đi một mình. Chúng ta cần phải cùng nhau bước đi với những anh em và chị em của chúng ta trong sự hiện diện của Thiên Chúa” (Cuộc họp với các nhà Lãnh đạo Tôn giáo, 18 tháng Tám 2014). Hôm nay ở đây chúng ta đang bước thêm một bước trên hành trình này!
Như các bạn cũng biết, đặc biệt từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo miệt mài dấn thân vào con đường đối thoại đầy thử thách. Bằng một con đường đặc biệt, Giáo hội khuyến khích sự đối thoại với các tín đồ của những tôn giáo khác. Hôm nay cũng vậy Giáo hội “thúc giục những đứa con của mình … với sự khôn ngoan và tình bác ái … biết trân trọng, duy trì và cổ vũ cho những giá trị tinh thần và luân lý có trong các tôn giáo, cùng với đời sống xã hội và văn hóa” (Tuyên ngôn Nostra Aetate, 2). Vì sự đối thoại liên tôn gồm có những liên lạc, gặp gỡ và hợp tác, đó là một nỗ lực quý báu và đẹp lòng Thiên Chúa, một thách đố hướng đến thiện ích chung và hòa bình.
Sự đối thoại như vậy phải luôn luôn cởi mở và tôn trọng để nó sinh hoa trái tốt đẹp. Cởi mở có nghĩa là nhiệt thành và chân tình, được thực hiện bởi những con người sẵn lòng cùng chung bước với lòng quý trọng và chân thật. Tôn trọng, vì chắc chắn tôn trọng lẫn nhau phải là điều kiện và mục tiêu của đối thoại liên tôn: nó là sự tôn trọng quyền đối với sự sống, tính toàn vẹn và những tự do căn bản, chẳng hạn lương tâm, tôn giáo, tư tưởng và cách thể hiện, mà các nền tảng phải dựa trên đó để xây dựng hòa bình, và đó là điều mỗi chúng ta được kêu gọi phải cầu nguyện và cùng hoạt động cho nó.
Thế giới đang nhìn vào chúng ta; nó đang đòi hỏi chúng ta phải chung sức làm việc cùng với tất cả những người thiện chí. Thế giới nhìn đến chúng ta để tìm những câu trả lời và một cam kết chung cho nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn phẩm giá thánh thiêng của nhân vị, nạn đói và sự cùng khổ vẫn đang hành hạ quá nhiều dân tộc, loại bỏ bạo lực, đặc biệt loại bạo lực làm ô danh Thiên Chúa và báng bổ tôn giáo, nạn tham nhũng làm tăng cao sự bất công, sự suy đồi đạo đức, và cuộc khủng hoảng gia đình, khủng hoảng kinh tế, và không kém phần quan trọng là sự khủng hoảng hy vọng.
Vì vậy, chúng ta còn một hành trình dài phía trước, con người phải đảm nhận trách nhiệm với lòng khiêm nhường và nhẫn nại, không chỉ bằng cách lên tiếng nói nhưng phải xắn tay áo lên để gieo trồng niềm hy vọng cho tương lai trong đó nhân loại trở nên nhân văn hơn, một tương lai biết chú ý đến tiếng kêu của vô vàn con người loại bỏ chiến tranh và khẩn nài sự hòa hợp giữa các cá nhân và các cộng đồng, giữa các dân tộc và nhà nước. Vì thế các nhà lãnh đạo tôn giáo phải có trách nhiệm khởi xướng, thúc đẩy và đồng hành với những tiến trình tìm kiếm sự thịnh vượng và hòa giải cho mọi dân tộc: chúng ta được kêu gọi để trở thành những sứ giả của hòa bình, rao truyền và là hiện thân của một phong cách bất bạo động, một phong cách hòa bình, với những ngôn ngữ khác hẳn với ngôn ngữ gieo rắc sự sợ hãi, và bằng những hành động đối nghịch lại với lối nói gieo rắc lòng thù hận.
Các bạn thân mến, nguyện xin cho buổi gặp gỡ này tăng thêm sức mạnh cho chúng ta trên hành trình. Được gặp gỡ các bạn ở đây như là những người hành hương nhắc tôi nhớ đến chuyến hành hương của tôi đến miền đất Triều tiên tuyệt đẹp, mà tôi vẫn luôn tri ân Thiên Chúa và dân tộc Triều tiên yêu quý. Tôi luôn cầu xin Thiên Chúa ban xuống cho họ những ơn sủng hòa bình và hòa giải huynh đệ. Nguyện xin sự khát khao tình bạn và những điều tốt lành mà chúng ta đã được đón nhận của nhau tạo cho chúng ta sức mạnh để cùng nhau tiến bước, với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Cảm ơn các bạn.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/09/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét