Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Các Giám mục: Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều, ‘Chúa đã đáp lời cầu nguyện của chúng tôi’

Các Giám mục: Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều, ‘Chúa đã đáp lời cầu nguyện của chúng tôi’

Các Giám mục: Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều, ‘Chúa đã đáp lời cầu nguyện của chúng tôi’

Những tấm áp phích Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-In và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-Un trong một cuộc mít-tinh ngày 26 tháng Tư, 2018 ở Seoul. Credit: Chung Sung-Jun/Getty Images.
Seoul, Hàn quốc, 27 tháng Tư, 2018 / 04:42 chiều (CNA/EWTN News). - Các giám mục địa phương gọi cuộc Họp Thượng đỉnh Liên Triều là sự cầu nguyện đã được đáp lời sau khi hai nhà lãnh đạo của hai nước Triều tiên ký kết một hiệp ước hòa bình ngày 27 tháng Tư.

Là nhân vật đầu tiên của lịch sử, nhà độc tài Bắc Triều tiên Kim Jong Un bước qua vạch ranh giới quân sự trong Khu Phi Quân sự phân chia bán đảo Triều tiên từ năm 1953 để gặp gỡ Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-In trên lãnh địa của miền nam.

Trong cuộc họp thượng đỉnh, cả hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên ngôn Bàn Môn điếm tuyên bố rằng “sẽ không có thêm chiến tranh trên Bán đảo Triều tiên và từ đây một kỷ nguyên mới của hòa bình đã bắt đầu.”

Trong tuyên ngôn chung, cả hai nhà lãnh đạo Triều tiên đồng thuận “một mục tiêu chung là hiện thực hóa một Bán đảo Triều tiên phi nguyên tử, qua việc phi hạt nhân hóa toàn diện” và tích cực theo đuổi những cuộc họp tiến xa hơn với Hoa kỳ, và có thể với Trung quốc, để thiết lập một nền hòa bình bền vững hơn.

Đức Tổng Giám mục Kim Hee-Jung thuộc giáo phận Gwangju viết trong một tuyên bố ngày 27 tháng Tư, “Tuyên ngôn Bàn Môn điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều tiên là một biến cố lịch sử mở ra kỷ nguyên thống nhất của bán đảo Triều tiên và là một tin mừng mang đến hy vọng cho trái đất này.”

Đức Tổng Kim tiếp tục, “Tôi mong chờ rằng hoa trái của cuộc họp thượng đỉnh Liên Triều này, điều mà Thiên Chúa thực hiện để đáp lại những lời cầu nguyện và nỗ lực của chúng ta, sẽ được tiếp thêm sinh lực bởi thừa tác vụ hợp nhất và những trao đổi riêng mà Giáo hội Công giáo Triều tiên đã thúc đẩy trong suốt thời gian đó.”

Tuyên ngôn ngày 27 tháng Tư bao gồm một cam kết sẽ gia tăng những sự trao đổi, những cuộc thăm viếng, và sự hợp tác giữa hai nước Triều tiên để thúc đẩy ý nghĩa của sự hiệp nhất, trong đó có sự đoàn tụ của các gia đình đã bị chia cách trong thời Chiến tranh Triều tiên.

Đức Tổng giám mục Hàn quốc nói rằng Giáo hội Công giáo Nam Hàn đã gắn kết một cách chủ động trong những trao đổi riêng và những nỗ lực hợp tác với Bắc Hàn trong quá khứ thông qua Ủy ban Hòa giải Quốc gia của các Giám mục và Caritas Quốc tế Hàn quốc.

Đức Tổng Kim viết, “Từ năm 1965, Giáo hội Công giáo Hàn quốc đã liên lỷ cầu nguyện cho nền hòa bình đích thực của hai nước Triều tiên và sự hòa giải dân tộc vào ngày 25 tháng Sáu hàng năm.” Đức Tổng Kim hiện là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn quốc.

Đức Tổng hứa, “Cho đến ngày nền hòa bình trọn vẹn được thiết lập trên bán đảo Triều tiên và dân tộc bị chia rẽ được hiệp nhất, Giáo hội Công giáo của Triều tiên sẽ đồng hành theo hành trình hòa giải của dân tộc trong tình hiệp nhất.”

Cho đến ngày diễn ra cuộc họp thượng đỉnh vào thứ Sáu, Đức Giám mục Phê-rô Lee Ki-heon, chủ tịch Ủy ban Hòa giải Dân tộc Triều tiên của các Giám mục Hàn quốc, kêu gọi người Công giáo hiệp nhất trong lời cầu nguyện qua “một Phong trào Cầu nguyện cho Hòa bình bằng Chuỗi Mân Côi Thánh” mỗi ngày lúc 9 giờ tối.

“Qua những lời nguyện cầu này, một điều như phép lạ đang xảy ra trên mảnh đất này qua sự trợ giúp của Chúa là Đấng không có gì là không thể đối với Ngài,” Đức Giám mục viết ngày 25 tháng Tư.

Đức Giám mục Lee gọi Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều là “một phép lạ không tưởng tượng được thậm chí trước đó sáu tháng” và tin rằng “trên tất cả” đó là “những lời cầu nguyện thiết tha của tín hữu.”

“Chúa đã trả lời cho những cầu nguyện của chúng tôi bằng cơ hội quý báu này,” Đức Giám mục Lee nói, ngài tiếp tục thúc đẩy thêm lời cầu nguyện cho Bán đảo Triều tiên.

Đức Thánh Cha Phanxico cũng nói rằng riêng ngài cầu nguyện cho cuộc họp thượng đỉnh Liên Triều trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư, 25 tháng Tư. Ngài kêu gọi các tín hữu cùng hiệp thông với ngài dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha của Hòa bình “cho dân tộc Triều tiên, cả những người ở miền Nam và những người ở miền Bắc.” Đức Thánh Cha kêu gọi “những người có trách nhiệm chính trị trực tiếp có lòng can đảm và hy vọng qua việc trở thành “những người thợ” kiến tạo hòa bình” và “tiếp tục tiến bước trên hành trình với lòng tin tưởng mà họ đã bắt đầu vì lợi ích cho tất cả.”

Theo một báo cáo của Thư ký Báo chí Nhà trắng ngày 26 tháng Tư cho biết cuộc họp cấp cao giữa Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ diễn ra “trong những tuần tiếp theo”.

“Sau một năm điên cuồng với những vụ phóng tên lửa và thử nghiệm nguyên tử, một cuộc họp lịch sử giữa Nam và Bắc Hàn đang diễn ra. Điều tốt lành đang diễn ra, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời tất cả!” Tổng thống Trump viết trên Twitter sáng 27 tháng Tư.

Nhà Trắng cũng cho đăng những tấm ảnh của một cuộc gặp gỡ giữa Mike Pompeo, người đã tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Hoa kỳ hôm qua, và Kim Jong Un diễn ra tại Bắc Hàn trong dịp Phục sinh, khi đó Pompeo còn là giám đốc C.I.A.

“Chúng tôi rất vui trước mục tiêu của Tổng thống Moon và Nhà lãnh đạo Kim về việc phi hạt nhân hóa toàn diện trong Tuyên ngôn Bàn Môn điếm. Chúng tôi đang theo dõi bản tuyên ngôn rất sát để tìm hiểu liệu Nhà lãnh đạo Kim có đưa ra những cam kết mới nào như là một phần của tuyên ngôn ngày không,” Ngoại trưởng Pompeo nói tại Trụ sở NATO ở Brussels Bỉ ngày 27 tháng Tư.

Một số người chỉ trích Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều vì còn thiếu những chi tiết cụ thể như ý nghĩa của “mục tiêu chung là hiện thực hóa một Bán đảo Triều tiên phi nguyên tử, qua việc phi hạt nhân hóa toàn diện” là gì và làm thế nào để đạt được điều này.

Nicholas Eberstadt, giám đốc Ủy ban Nhân quyền ở Bắc Hàn, cho biết rằng chính thể Bắc Hàn đã nhiều lần vi phạm những hiệp định hòa bình trước đây, chẳng hạn, “Tuyên ngôn chung Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều tiên” năm 1992, “Tuyên ngôn chung Nam-Bắc Hàn” năm 2000, và “tuyên ngôn hòa bình” năm 2007 trong đó Tổng thống Hàn quốc và Kim Jong-Il đã ký một tuyên bố kêu gọi “chấm dứt tình trạng hưu chiến hiện tại và xây dựng một nền hòa bình dài lâu.”

“Vấn đề là Bắc Hàn có thể quay lưng lại với những lời hứa hòa bình của họ bất kỳ lúc nào,” Eberstadt nói trong trang bình luận của New York Times. “Và nếu cuối cùng điều đó xảy ra, bất cứ ai cũng có thể bị đổ tội cho hậu quả xấu này — tiềm ẩn sự chia rẽ chính trị ở Nam Hàn, khơi lên những căng thẳng trong liên minh của Seoul với Washington hoặc làm rạn nứt liên minh lỏng lẻo của những chính phủ chấp thuận lệnh trừng phạt chống lại Bắc Hàn.”

Eberstadt, cũng là một học giả của American Enterprise Institute (Viện nghiên cứu kế hoạch Hoa kỳ), chỉ trích thêm rằng những sự ngược đãi nhân quyền quá quắt của Bắc Hàn đã không được giải quyết trong các đàm phán Triều tiên.

Hiện tại có khoảng 80.000 đến 120.000 người ở trong sáu trại tù chính trị của Bắc Hàn, trong đó Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã tìm được những bằng chứng về việc bỏ đói, lao động cưỡng bức, và tra tấn.

“Những báo cáo cho biết hàng chục ngàn tù nhân đang phải đối mặt với lao động khổ cực hoặc hành hình là người Ki-tô hữu của các giáo hội bí mật hoặc bí mật thực hành niềm tin,” theo báo cáo 2018 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa kỳ.

“Thật ra, có quá nhiều ngọn núi chúng ta phải leo trên chặng đường tiến đến với sự đối thoại. Vì vậy, chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều thêm nữa ‘để ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời,’” Đức Giám mục Phê-rô Lee Ki-heon của Hàn quốc nói.

“Chúng ta phải thiết tha cầu nguyện cho một nền hòa bình dài lâu trên Bán đảo Triều tiên này.”


[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/4/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét