Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Geneva

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Geneva
Vatican Media Screenshot

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Geneva

Chúng ta đừng bao giờ chán ngán đọc “Kinh Lạy Cha”

21 tháng Sáu, 2018 17:46
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ ngày 21 tháng Sáu, 2018, tại Geneva Palexpo, sự kiện trọng đại cuối cùng của chuyến hành hương đại kết một ngày của ngài đến Geneva để đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập WCC.


Dưới đây là văn bản bài giảng của ngài do Vatican cung cấp:

Lạy Cha, lương thực, tha thứ. Ba cụm từ Tin mừng đưa ra cho chúng ta hôm nay. Ba cụm từ đem chúng ta đến trọng tâm đức tin của chúng ta.

“Lạy Cha”. Lời kinh bắt đầu bằng câu thưa này. Chúng ta có thể tiếp tục với những câu khác, nhưng chúng ta không được quên lời thưa đầu tiên này, vì lời “Lạy Cha” là chìa khóa để mở cửa trái tim của Thiên Chúa. Chỉ đơn giản bằng câu Lạy Cha là chúng ta đã cầu nguyện bằng ngôn ngữ của Ki-tô giáo. Là người Ki-tô hữu, chúng ta không cầu nguyện với một vị thần mơ hồ nào đó, nhưng cầu nguyện với chính Thiên Chúa là Đấng, trên tất cả, là Cha của chúng ta. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha chúng con ở trên trời,” không phải là “Thiên Chúa ở trên trời, Đấng là Cha”. Trên tất cả mọi sự, thậm chí trên cả sự vô tận và vĩnh cửu của Người, Thiên Chúa là Cha.

Tất cả thiên chức làm cha và làm mẹ đều xuất phát từ Người (x. Ep 3:15). Nơi Người là nguồn gốc của mọi sự tốt lành và sự sống. Câu thưa “Lạy Cha chúng con” tỏ lộ giá trị đặc biệt của chúng ta, ý nghĩa sự sống của chúng ta: chúng ta là những người con trai và con gái được yêu thương của Thiên Chúa. Những từ ngữ đó giải quyết vấn đề bị cô độc của chúng ta, giải quyết cảm giác là những đứa con mồ côi của chúng ta. Chúng cho chúng ta thấy những gì chúng ta phải làm: yêu mến Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, và yêu thương tha nhân, là những người anh chị em của chúng ta. “Kinh Lạy Cha” là kinh của chúng ta, của Giáo hội. Nó không nói gì về tôi và của tôi; mọi lời đều hướng về Cha là Thiên Chúa (“danh Cha”, “nước Cha”, “ý Cha”). Nó sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều. “Lạy Cha chúng con”: những từ đơn giản này cung cấp cho chúng ta một bản đồ hướng dẫn cho đời sống tinh thần.

Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá để bắt đầu một ngày, hay trước bất kỳ biến cố quan trọng nào, mỗi khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha” là chúng ta thể hiện nguồn cội của mình. Chúng ta cần những nguồn cội đó trong các xã hội thường đã bị mất gốc hôm nay. “Kinh Lạy Cha” làm vững mạnh nguồn cội của chúng ta. Nơi nào có sự hiện diện của Cha thì không ai bị loại trừ; nỗi sợ hãi và sự chông chênh không thể nắm tay trên. Rồi thình lình chúng ta nhớ đến mọi sự tốt lành vì trong trái tim của Cha chúng ta không phải là những kẻ lạ mặt nhưng là những đứa con trai và con gái yêu dấu của Người. Người không tập họp chúng ta vào trong những câu lạc bộ bé xíu, nhưng ban tặng cho chúng ta sự sống mới và làm cho chúng ta trở thành một gia đình lớn.

Chúng ta đừng bao giờ chán ngán đọc “Kinh Lạy Cha.” Nó nhắc chúng ta nhớ rằng, cũng ví như không có người con nào lại không có một người cha, cho nên không ai trong chúng ta là cô đơn trong thế giới này. Nó cũng nhắc chúng ta nhớ rằng không người Cha nào lại không có những đứa con, vì vậy không ai trong chúng ta là người con một. Mỗi người chúng ta đều phải quan tâm chăm sóc cho những anh chị em trong gia đình nhân loại. Khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha” là chúng ta đang nói rằng mỗi con người là một phần của chúng ta, và rằng, trước tất cả những sự sai quấy xúc phạm đến Cha của chúng ta, chúng ta là những người con được kêu gọi phải có thái độ phản ứng lại như những anh chị em. Chúng ta được kêu gọi phải trở nên những người lính gác mẫn cán trong gia đình của chúng ta, để vượt qua mọi sự thờ ơ đối với anh chị em của mình, đối với bất cứ người anh chị em nào của chúng ta. Đó là những thai nhi chưa ra đời, đó là những người già cả không nói được, đó là những người mà chúng ta cảm thấy khó tha thứ được, những người nghèo và người bị gạt bỏ. Đây là điều mà Chúa Cha yêu cầu chúng ta, thật ra là đòi hỏi chúng ta, phải làm: yêu thương nhau thật lòng, như là những đứa con trai và con gái giữa anh chị em với nhau.

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Geneva

Lương thực. Chúa Giê-su dạy chúng ta xin Chúa Cha ban cho lương thực hàng ngày. Không gì khác: chỉ là lương thực, nói cách khác đó là điều thiết yếu nhất cho sự sống. Trên tất cả mọi sự, lương thực là mà mỗi ngày chúng ta cần có để giữ sức khỏe và để lao động; thật bi thảm khi quá nhiều người anh chị em của chúng ta ngày nay không có nó. Đến đây tôi phải nói rằng: khốn cho những ai đầu cơ tích trữ lương thực! Lương thực căn bản mà mọi người cần cho cuộc sống hàng ngày phải được chia sẻ cho mọi người.

Xin cho chúng ta lương thực hàng ngày cũng là nói rằng: “Lạy Cha, xin giúp con biết sống một đời sống đơn giản”. Cuộc sống đã trở nên quá phức tạp. Ngày nay nhiều người dường như đã “kiệt sức” khi hối hả chạy đua từ bình minh đến hoàng hôn, giữa vô vàn những cuộc gọi điện thoại và tin nhắn, không còn thời gian để nhìn mặt người khác, chìm ngập trong những căng thẳng của những vấn đề phức tạp và liên tục thay đổi. Chúng ta cần phải chọn lựa một lối sống đúng nghĩa, thoát khỏi những điều phiền muộn không cần thiết. Một lối sống lội ngược dòng, giống như cách sống của Thánh Aloysius Gonzaga, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Lối sống đó bao gồm việc từ bỏ tất cả những thứ lấp đầy cuộc sống chúng ta nhưng lại làm tâm hồn chúng ta trống rỗng. Chúng ta hãy chọn tính đơn giản của lương thực và từ đó tái khám phá sự can đảm của thinh lặng và của sự cầu nguyện, là men đích thực cho đời sống con người. Chúng ta hãy chọn con người chứ đừng chọn những đồ vật để những mối quan hệ giữa người với người, không phải những mối quan hệ ảo, có thể được nuôi dưỡng và phát triển. Một lần nữa chúng ta hãy học cách yêu quý hương vị quen thuộc của cuộc sống chung quanh chúng ta. Khi tôi còn nhỏ ở quê nhà, nếu một mẩu bánh rơi khỏi bàn, chúng tôi được dạy phải nhặt nó lên và hôn nó. Chúng ta hãy hiểu đúng giá trị của những điều bình thường của cuộc sống hàng ngày: không phải là sử dụng rồi ném bỏ chúng đi, nhưng trân trọng chúng và chăm sóc chúng.

Chúng ta không được quên rằng “lương thực hàng ngày” của chúng ta chính là Đức Giê-su. Nếu không có Ngài, chúng ta không làm được điều gì (x. Ga 15:5). Ngài là nguồn lương thực bổ dưỡng đều đặn cho sự sống khỏe mạnh của chúng ta. Nhưng đôi khi, chúng ta xem Chúa Giê-su như món ăn phụ. Nhưng nếu Ngài không phải là lương thực hàng ngày của chúng ta, không phải là trung tâm của ngày của chúng ta, là không khí trong lành chúng ta hít thở, thì tất cả mọi điều khác đều trở nên vô nghĩa. Mỗi ngày, khi chúng ta xin có lương thực hàng ngày, chúng ta cũng xin Chúa Cha, và luôn nhớ nhắc nhở bản thân: tính đơn giản của cuộc sống, chăm sóc cho những điều xung quanh chúng ta, Chúa Giê-su là tất cả và trên hết tất cả.

Tha thứ. Tha thứ không hề dễ dàng. Chúng ta luôn giữ lại một chút cay đắng hoặc phẫn uất, và bất cứ khi nào những người chúng ta đã tha thứ làm phiền chúng ta, những cảm giác đó liền trỗi dậy thể hiện ra ngoài. Nhưng Chúa muốn sự tha thứ của chúng ta trở thành một món quà. Điều đặc biệt là lời giải thích chính thống duy nhất về Kinh Lạy Cha là của chính Chúa Giê-su. Người chỉ đơn giản nói với chúng ta: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Tha thứ là khẩu hiệu của Kinh Lạy Cha. Chúa giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi mọi tội, người tha thứ đến tận cùng. Nhưng Người chỉ yêu cầu chúng ta một điều: là phần chúng ta cũng đừng bao giờ mất kiên nhẫn trong sự tha thứ. Người muốn chúng ta đặt ra một tòa ân xá chung cho tất cả mọi lỗi phạm của người khác. Chúng ta phải soi x-quang thật kỹ tâm hồn của mình để tìm xem có những khối băng chặn lối, những chướng ngại cho sự tha thứ, những đá tảng cần phải loại bỏ không. Rồi chúng ta thưa với Chúa Cha: “Cha đã nhìn thấy tảng đá này? Con xin dâng nó lên Cha và con cầu nguyện cho người này, cho hoàn cảnh này; cho dù con phải chiến đấu để có thể tha thứ, con xin Cha ban cho con sức mạnh để làm được việc đó.”

Tha thứ làm canh tân, nó tạo ra những phép lạ. Thánh Phê-rô trải nghiệm sự tha thứ của Chúa Giê-su và trở thành người mục tử của đoàn chiên của ngài. Saolo đã trở thành Phaolo sau khi ngài đón nhận sự tha thứ từ Thánh Stê-pha-nô. Được Chúa Cha tha thứ, mỗi người chúng ta được tái sinh làm một tạo vật mới khi chúng ta yêu thương anh chị em của chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới mang tính mới lạ thật sự đến cho thế giới của chúng ta, vì không có tính mới lạ nào lớn lao hơn sự tha thứ, nó biến điều xấu thành điều tốt. Chúng ta nhìn thấy điều đó trong lịch sử của Ki-tô giáo. Tha thứ cho nhau, tái khám phá rằng chúng ta là anh chị em của nhau sau nhiều thế kỷ bất hòa và xung khắc, nó đã đem đến cho chúng ta biết bao sự tốt đẹp và tiếp tục như vậy! Chúa Cha rất hài lòng khi chúng ta yêu thương nhau và chúng ta thật lòng tha thứ cho nhau (x. Mt 18:35). Rồi, Người ban cho chúng ta Thần khí của Người. Chúng ta hãy cầu xin ơn sủng để không trở nên cực đoan và chai đá trong tâm hồn, luôn đòi hỏi nhiều điều nơi người khác. Thay vì vậy, chúng ta hãy đặt bước chân đầu tiên trong sự gặp gỡ huynh đệ, trong việc bác ái cụ thể, qua lời cầu nguyện. Bằng cách này, chúng ta sẽ trở nên giống Chúa Cha hơn, Đấng quá yêu thương đến mức không màng đến hậu quả. Và Người sẽ rót đổ trên chúng ta Thần Khí hiệp nhất của Người.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/6/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét