Copyright - Vatican Media
Đức Thánh Cha nói, ‘Quý cha mẹ thân mến, con cái là món quà quý giá nhất mà anh chị em được đón nhận’
Đức Phanxico chia sẻ thời điểm ngài là một học sinh không ngoan ở trường với Hiệp hội Cha mẹ Ý
07 tháng Bảy, 2018 12:22
Quý cha mẹ thân mến, con cái là món quà quý giá nhất mà chị em được đón nhận.
Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này khi tiếp các thành viên của Hiệp hội Cha Mẹ Ý (AGE), trong buổi tiếp kiến sáng nay, 7 tháng Chín, 2018, trong Đại sảnh Phaolo VI của Vatican, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập hiệp hội.
Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh món quà tuyệt vời đó là những đứa con và điều vô cùng quan trọng là sự hợp tác với tất cả các cơ cấu tổ chức và người khác trong việc giáo dục chúng.
Đức Phanxico cho lời khuyên, “Quý cha mẹ thân mến, con cái là món quà quý giá nhất mà chị em được đón nhận. Hãy học cách bảo vệ chúng bằng trách nhiệm và lòng quảng đại, hãy cho chúng sự tự do cần thiết để phát triển và trưởng thành, để cuối cùng chính chúng sẽ mở lòng ra với sự sống.”
“Là một hiệp hội, anh chị em tập trung vào việc bảo vệ để tránh những mối nguy hiểm tấn công vào đời sống của những trẻ nhỏ nhất, ước mong rằng điều đó không làm cản trở anh chị em khi nhìn về phía trước với lòng tin tưởng dành cho thế giới, anh chị em biết lựa chọn và hướng dẫn cho con cái của mình những cơ hội tốt nhất để phát triển tính nhân văn, sự lễ độ và tinh thần Ki-tô giáo.”
Đức Thánh Cha đánh giá cao cam kết của họ và sự hỗ trợ cho những nỗ lực và sáng kiến giáo dục. Đức Thánh Cha than phiền rằng thầy cô giáo ngày không còn được tôn trọng như trước đây nữa, và nhấn mạnh rằng họ xứng đáng được tri ân vì những đóng góp quý báu của họ.
Một giai thoại, nếu được …
Đức Thánh Cha ra ngoài đề một chút với câu chuyện kể lại khi ngài có thái độ cư xử không tốt trong trường học và gặp rắc rối vì nói đôi điều rất xấu với cô giáo.
Đức Thánh Cha nói, “Nếu được, tôi xin kể cho anh chị em một giai thoại. Khi tôi mười tuổi, tôi nói mấy lời không đẹp với cô giáo. Cô giáo gọi mẹ của tôi lên. Ngày hôm sau mẹ tôi tới trường, và cô giáo ra tiếp bà; hai người nói chuyện với nhau, sau đó mẹ tôi gọi tôi vào, và ngay trước mặt cô giáo mẹ tôi quở mắng tôi.
Đức Thánh Cha kể lại việc mẹ của ngài bảo ngài phải xin lỗi cô giáo ra sao và ôm hôn cô giáo, và ngài đã nghe lời. “Tôi xin lỗi với cả cô giáo và mẹ tôi, và rồi tôi trở về lớp, vui vẻ, câu chuyện kết thúc.”
“Không, nó vẫn chưa kết thúc,” ngài nhấn mạnh, “Chương hai của câu chuyện tiếp tục khi tôi về nhà … Đây là ‘sự hợp tác’ trong việc giáo dục một đứa trẻ: giữa gia đình và thầy cô.”
“Nếu không có họ, anh chị em có nguy cơ bị cô đơn trong việc giáo dục và ngày càng ít có khả năng đối mặt với những thách đối giáo dục mới xuất phát từ cái văn hóa tạm bợ, từ xã hội, từ truyền thông đại chúng, từ công nghệ mới. Các thầy cô giáo cũng như anh chị em, họ gắn kết từng ngày trong việc giáo dục con cái của anh chị em.”
Có thể phàn nàn, nhưng phải nhận ra được những đồng minh vô cùng quý giá
“Nếu đó là quyền được phàn nàn về những giới hạn trong hành động của họ, thì nó là một bổn phận phải kính trọng họ như là những đồng minh quý giá nhất của chúng ta trong công cuộc giáo dục mà anh chị em đang xúc tiến.”
Đức Thánh Cha kết luận, cảm ơn họ vì buổi họp và nói ngài “chúc lành” cho họ, cho gia đình và hiệp hội của họ. Ngài cũng nói rằng ngài sẽ cầu nguyện cho họ và xin họ cầu nguyện cho ngài.
Dưới đây là văn bản huấn từ của ngài trước những người có mặt do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):
***
Anh chị em thân mến, xin chào (buổi sáng) anh chị em!
Tôi rất vui được chào đón tất cả anh chị em là đại diện của Hiệp hội Associazione Italiana Genitori (AGE), Hiệp hội Cha mẹ Ý, mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Một thành tựu rất quan trọng! Nó là một cơ hội vô cùng quý báu để khẳng định lại những động cơ cho cam kết của anh chị em đối với gia đình và giáo dục: một nỗi lực mà anh chị em thực hiện theo đúng những nguyên tắc luân lý Ki-tô giáo, để gia đình có thể ngày càng trở thành chủ thể nổi bật hơn và là vai chính trong đời sống xã hội.
Anh chị em đã dành rất nhiều sức lực để đồng hành và hỗ trợ các bậc cha mẹ trong công tác giáo dục, đặc biệt liên quan đến trường học, nó luôn luôn là đối tác chính của gia đình trong việc giáo dục trẻ em. Những gì anh chị em đã làm trong phạm vi này thật đáng khen ngợi. Quả thật ngày nay, khi chúng ta nói về sự liên kết giáo dục giữa trường học và gia đình, chúng ta nói về nó chính là để tuyên bố về sự biến mất của nó: khế ước giáo dục đang suy tàn. Gia đình không còn biết trân trọng công việc của thầy cô – họ thường được trả lương thấp – và thầy cô lại xem sự có mặt của cha mẹ trong trường học như một sự khó chịu, dẫn đến kết cục là gạt họ ra bên lề hoặc xem họ như đối thủ.
Để thay đổi tình hình này, cần phải có một người đi bước trước, vượt qua được sự sợ hãi về người khác và đưa đôi bàn tay ra một cách quảng đại. Vì lý do này, tôi mời gọi anh chị em hãy gieo trồng và luôn nuôi dưỡng niềm tin vào nhà trường và các thầy cô giáo: nếu không có họ, anh chị em có nguy cơ bị cô đơn trong việc giáo dục và ngày càng ít có khả năng đối mặt với những thách đố giáo dục mới xuất phát từ cái văn hóa tạm bợ, từ xã hội, từ truyền thông đại chúng, từ công nghệ mới. Các thầy cô giáo cũng như anh chị em, họ gắn kết từng ngày trong việc giáo dục con cái của anh chị em. Nếu có thể đó là quyền được phàn nàn về những giới hạn trong hành động của họ, thì nó là một bổn phận phải kính trọng họ như là những đồng minh quý giá nhất của chúng ta trong công cuộc giáo dục mà anh chị em đang cùng nhau xúc tiến. Nếu được, tôi xin kể cho anh chị em một giai thoại. Khi tôi mười tuổi, tôi nói mấy lời không đẹp với cô giáo. Cô giáo gọi mẹ của tôi lên. Ngày hôm sau mẹ tôi tới trường, và cô giáo ra tiếp bà; hai người nói chuyện với nhau, sau đó mẹ tôi gọi tôi vào, và ngay trước mặt cô giáo mẹ tôi quở mắng tôi và nói, “Con hãy xin lỗi cô,” tôi làm như vậy. “Hãy ôm hôn cô,” mẹ tôi nói. Và tôi làm theo, và rồi tôi trở về lớp, vui vẻ, câu chuyện kết thúc. Không, nó vẫn chưa kết thúc … Chương hai của câu chuyện tiếp tục khi tôi về nhà … Đây là “sự hợp tác” trong việc giáo dục một đứa trẻ: giữa gia đình và thầy cô.
Sự hiện diện đầy trách nhiệm và sẵn sàng của anh chị em, một dấu hiệu của sự yêu thương không chỉ dành cho con cái của chúng ta, nhưng vì sự tốt lành cho tất cả mọi điều liên quan đến trường học, sẽ giúp vượt qua được nhiều sự chia rẽ và hiểu lầm trong phạm vi này, và bảo đảm rằng gia đình được nhập chung vai trò chính trong việc giáo dục và hướng dẫn trẻ em và thanh thiếu niên. Thật vậy, nếu anh chị em là cha mẹ cần đến thầy cô giáo, thì nhà trường cũng vậy họ cần anh chị em, và không thể nào đạt được những mục tiêu của họ nếu không có sự cam kết đối thoại xây dựng với những người có trách nhiệm chính trong sự phát triển của học sinh. Như trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu) nêu rõ, “Trường học không thay thế cho cha mẹ, nhưng là hỗ trợ cho họ. Đây là một nguyên tắc căn bản: tất cả những người tham gia trong tiến trình giáo dục chỉ có thể thi hành được trách vụ nhân danh cha mẹ, giữa gia đình và xã hội, với sự đồng lòng của họ, và ở một mức độ nào đó, với sự đồng thuận của họ” (84).
Kinh nghiệm về sự liên kết của anh chị em chắc chắn đã dạy cho anh chị em sự tin tưởng giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta nhớ lại câu cách ngôn đầy khôn ngoan của Châu Phi: “Cả làng hợp sức nuôi dạy một đứa trẻ.” Vì vậy, trong việc giáo dục học đường, không bao giờ được thiếu sự liên kết giữa nhiều nhân tố khác nhau trong cộng đồng giáo dục. Nếu không có sự liên lạc thường xuyên và sự tin tưởng lẫn nhau, thì không thể xây dựng được cộng đồng này, và nếu không có cộng đồng này thì không thể giáo dục.
Giúp loại bỏ sự lẻ loi của các gia đình trong việc giáo dục cũng là trách vụ của Giáo hội, và tôi mời gọi anh chị em cảm nhận rằng Giáo hội luôn đồng hành với anh chị em trong sứ mạng giáo dục con cái anh chị em và làm cho toàn thể xã hội trở thành một nơi thân thiện như gia đình, để mỗi người đều có thể được chào đón, được đồng hành, được hướng dẫn đến với những giá trị thật và tạo điều kiện để người đó thể hiện khả năng tốt nhất vì sự phát triển của tất cả. Vì vậy anh chị em có hai thế mạnh: một sức mạnh đến từ hiệp hội, nghĩa là những người hiệp nhất với nhau không phải để chống lại một ai đó nhưng vì sự tốt lành cho tất cả mọi người, và một sức mạnh anh chị em đón nhận từ mối dây ràng buộc với cộng đoàn Ki-tô hữu, là nơi anh chị em tìm được nguồn cảm hứng, sự tin tưởng, và sự hỗ trợ.
Quý cha mẹ thân mến, con cái là món quà quý giá nhất mà anh chị em được đón nhận. Hãy học cách bảo vệ chúng bằng trách nhiệm và lòng quảng đại, hãy cho chúng sự tự do cần thiết để phát triển và trưởng thành, để cuối cùng chính chúng sẽ mở lòng ra với món quà sự sống. Là một hiệp hội, anh chị em tập trung vào việc bảo vệ để tránh những mối nguy hiểm tấn công vào đời sống của những trẻ nhỏ nhất, ước mong rằng điều đó không làm cản trở anh chị em khi nhìn về phía trước với lòng tin tưởng dành cho thế giới, anh chị em biết lựa chọn và hướng dẫn cho con cái của mình những cơ hội tốt nhất để phát triển tính nhân văn, sự lễ độ và tinh thần Ki-tô giáo. Hãy dạy cho con cái anh chị em sự phân định về đạo đức, sự phân định về luân lý: điều này là tốt, điều này không tốt lắm, và điều này là xấu, để chúng có thể biết phân biệt ra. Nhưng phải học điều này trong gia đình, và tại trường học: cả hai nơi.
Tôi cảm ơn về buổi họp mặt này và tôi ban phép lành cho anh chị em, gia đình và toàn thể hiệp hội của anh chị em. Tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản của Vatican cung cấp (tiếng Anh)]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/9/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét