Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong nghi thức Sám hối: ‘Không có Chúa, chúng ta không thể vượt thắng sự dữ’

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong nghi thức Sám hối: ‘Không có Chúa, chúng ta không thể vượt thắng sự dữ’
Vatican Media Screenshot

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong nghi thức Sám hối: ‘Không có Chúa, chúng ta không thể vượt thắng sự dữ’

‘Sự dữ rất mạnh, nó có sức mạnh quyến rũ: nó lôi cuốn và làm mê hoặc.’

29 tháng Ba, 2019 17:24

Đức Thánh Cha nói, “Sự dữ rất mạnh, nó có sức mạnh quyến rũ: nó lôi cuốn và làm mê hoặc. Chỉ dựa trên sức mạnh của riêng mình thì không đủ để thoát khỏi nó: chúng ta cần một tình yêu lớn lao hơn.

“Không có Chúa, chúng ta không thể vượt thắng sự dữ. Chỉ có tình yêu của Người mới vực chúng ta đứng dậy trong lòng, chỉ có tình yêu nhân từ của Người rót đổ vào tâm hồn chúng ta mới giải phóng được cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi sự dữ, chúng ta phải dành chỗ cho Chúa là Đấng tha thứ và chữa lành.

“Người thực hiện tất cả những điều ở trên qua bí tích chúng ta chuẩn bị cử hành. Xưng tội là chặng đường đi từ sự đau khổ đến với lòng thương xót; đó chính là điều Thiên Chúa viết trong tâm hồn chúng ta. Ở đó – trong tâm hồn của chúng ta – chúng ta liên tục đọc được rằng chúng ta rất quý giá trước mắt của Thiên Chúa, rằng Ngài là Cha của chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta còn nhiều hơn cả chúng ta yêu chính bản thân mình.”

Những lời của Đức Thánh Cha trong ngày 29 tháng Ba năm 2019, trong bài giảng Nghi thức Sám hối trong Vương cung Thánh đường Vatican. Ngài cũng ngồi tòa giải tội cho nhiều hối nhân.



Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

“Chỉ còn hai người ở lại: lòng thương xót với sự đau khổ” (In Joh 33, 5). Bằng cách này, Thánh Augustine tóm tắt Tin mừng chúng ta vừa nghe. Những người đến để ném đá người phụ nữ hoặc để tố cáo Chúa Giê-su về vấn đề Lề Luật đều đã bỏ đi, mất hết sự thích thú. Tuy nhiên, Chúa Giê-su vẫn nán lại. Chúa ở lại vì những gì có giá trị trong mắt Ngài vẫn còn ở đó: người phụ nữ đó, con người đó. Với Ngài, tội nhân đứng trước tội của họ. Cha, anh chị em, mỗi người chúng ta đều có vị trí đầu trong trái tim của Chúa: đứng trước những lỗi lầm, những luật lệ, những xét đoán, và những gục ngã của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có được ánh mắt nhìn như ánh mắt của Chúa Giê-su, chúng ta hãy xin để có được cái nhìn Ki-tô giáo đối với sự sống. Chúng ta hãy nhìn bằng ánh mắt yêu thương đối với tội nhân trước khi nhìn đến tội của họ; nhìn vào con người vấp ngã trước khi nhìn đến lỗi lầm của họ; nhìn vào con người trước khi nhìn đến lịch sử của họ.

“Chỉ còn hai người ở lại: lòng thương xót với sự đau khổ”. Người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình không đưa đến cho Chúa Giê-su một đoạn Lề Luật, nhưng thay vào đó là một hoàn cảnh cụ thể để Ngài can thiệp vào. Vì vậy Ngài vẫn nán ở lại đó với người phụ nữ, vì phần lớn chỉ trong im lặng. Trong khi đó, Ngài hai lần thực hiện một hành động khó hiểu: Ngài dùng ngón tay viết trên mặt đất (Ga 8:6, 8). Chúng ta không biết Ngài viết những gì và có lẽ đó không phải là yếu tố quan trọng nhất: sự chú ý của Tin mừng tập trung vào việc Chúa viết. Chúng ta nghĩ đến chương tại núi Si-nai khi Thiên Chúa viết những những tấm bia Chứng Ước bằng chính tay của Người (x. Xh 31:18), cũng như Chúa Giê-su làm bây giờ. Về sau qua các ngôn sứ, Thiên Chúa hứa rằng Người sẽ không còn viết trên những tấm bia đá nữa, nhưng ghi khắc vào lòng dạ (x. Gr 31:33), trên những tấm bia bằng thịt là lòng người (x. 2 Cr 3:3). Với Chúa Giê-su, là lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể, thời gian đã đến khi Thiên Chúa ghi khắc vào trong tâm hồn của những con người nam và nữ, khi Người trao tặng một niềm hy vọng chắc chắn cho sự đau khổ của con người: không đưa ra quá nhiều lề luật phải thi hành thường làm cho Thiên Chúa và nhân loại xa cách nhau, nhưng thay vào đó là luật của Thần Khí ghi vào trong tâm hồn và giải phóng nó. Việc đã xảy ra theo đúng như vậy cho người phụ nữ này, cô gặp được Chúa Giê-su và phục hồi lại cuộc sống của mình: cô không còn trở lại con đường tội lỗi (x. Ga 8:11). Chính Chúa Giê-su, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, đã giải phóng cho chúng ta khỏi sự dữ chúng ta mang trong mình, thoát khỏi tội mà Lề Luật có thể ngăn cản nhưng không tháo cởi được.

Tuy nhiên, sự dữ rất mạnh, nó có sức mạnh quyến rũ: nó lôi cuốn và làm mê hoặc. Chỉ dựa trên sức mạnh của riêng mình thì không đủ để thoát khỏi nó: chúng ta cần một tình yêu lớn lao hơn. Không có Chúa, chúng ta không thể vượt thắng sự dữ. Chỉ có tình yêu của Người mới vực chúng ta đứng dậy trong lòng, chỉ có tình yêu nhân từ của Người rót đổ vào tâm hồn chúng ta mới giải phóng được cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi sự dữ, chúng ta phải dành chỗ cho Chúa là Đấng tha thứ và chữa lành. Người thực hiện tất cả những điều ở trên qua bí tích chúng ta chuẩn bị cử hành. Xưng tội là chặng đường đi từ sự đau khổ đến với lòng thương xót; đó chính là điều Thiên Chúa viết trong tâm hồn chúng ta. Ở đó – trong tâm hồn của chúng ta – chúng ta liên tục đọc được rằng chúng ta rất quý giá trước mắt của Thiên Chúa, rằng Ngài là Cha của chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta còn nhiều hơn cả chúng ta yêu chính bản thân mình.

“Chỉ còn hai người ở lại: lòng thương xót với sự đau khổ”. Còn lại hai người, cô đơn. Không biết bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy cô đơn, chúng ta bị lạc mất hướng đi trong đời. Không biết bao nhiêu lần chúng ta không còn biết cách phải bắt đầu trở lại như thế nào, bị đè bẹp bởi ý muốn chấp nhận thân phận. Chúng ta cần phải khởi đầu trở lại, nhưng chúng ta không biết phải bắt đầu từ đâu. Người Ki-tô hữu được sinh ra từ sự tha thứ mà họ lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội. Họ luôn luôn được tái sinh từ cùng một điểm: từ sự tha thứ đầy ngạc nhiên của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người làm phục hồi chúng ta. Chỉ bằng con đường được tha thứ thì chúng ta mới có thể khởi hành trở lại với sự tín thác tươi mới, sau khi trải nghiệm được niềm vui của việc được yêu thương đến cùng bởi Chúa Cha. Chỉ qua sự tha thứ của Thiên Chúa thì những điều mới mẻ thật sự xảy ra trong lòng chúng ta. Một lần nữa chúng ta nghe lại lời của Chúa nói qua ngôn sứ I-sai-a: “Này, ta sắp làm một việc mới” (Is 43:19). Sự tha thứ cho chúng ta một khởi đầu mới, làm cho chúng ta trở thành những thụ tạo mới, giúp chúng ta mạnh mẽ trong một đời sống mới. Sự tha thứ của Thiên Chúa không phải là một bản sao y bản chính được sao chép giống hệt nhau trong mọi chặng đường qua bí tích hòa giải. Đón nhận sự tha thứ cho những tội của chúng ta qua một linh mục luôn luôn là một kinh nghiệm mới, rất riêng và duy nhất. Chúng ta chuyển qua từ tình trạng bị cô đơn với những nỗi đau khổ của mình và những kẻ tố cáo, giống như người phụ nữ trong Tin mừng, sang tình trạng được nâng dậy và được động viên bởi Thiên Chúa Đấng ban cho chúng ta một khởi đầu mới.

“Chỉ còn hai người ở lại: lòng thương xót với sự đau khổ”. Chúng ta cần làm gì để biết yêu mến lòng thương xót, để vượt qua được sự e sợ việc Xưng tội? Một lần nữa chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi của ngôn sứ I-sai-a: “Các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43:19). Điều quan trọng là phải nhận thức được sự tha thức của Thiên Chúa. Thật đẹp biết bao sau khi rời Tòa Cáo giải, hãy nán lại như người phụ nữ đó, với đôi mắt hướng về Chúa Giê-su là Đấng vừa giải phóng cho chúng ta: không còn nhìn đến những nỗi đau khổ của mình, nhưng là lòng thương xót của Người. Nhìn đến Đấng Chịu Đóng Đinh và nói với lòng đầy ngạc nhiên: “Đó là nơi mà các tội con đã được chấm dứt. Người đã gánh lấy trên chính mình Người. Người đã không chỉ ngón tay về phía con; nhưng Người đã rộng mở vòng tay và tha thứ cho con thêm một lần.” Điều rất quan trọng là phải thật ý thức được sự tha thứ của Thiên Chúa, nhớ lại tình yêu dịu hiền của Người, và hết lần này sang lần khác nếm trải sự bình an và tự do mà chúng ta đã trải nghiệm. Vì đây chính là trung tâm của việc Xưng tội: không phải là những tội chúng ta thú nhận, nhưng là tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta đón nhận, là tình yêu mà chúng ta mãi mãi cần đến. Chúng ta vẫn có thể hoài nghi: “Xưng tội là vô ích, tôi vẫn luôn phạm lại cùng những tội đó.” Tuy nhiên, Chúa biết chúng ta, Người biết rằng cuộc chiến đấu nội tâm rất khó khăn, rằng chúng ta yếu đuối và dễ bị sa ngã, rằng chúng ta thường tái phạm làm những điều sai trái. Vì vậy Người đề nghị rằng chúng ta hãy bắt đầu quay lại với sự tốt lành, trở lại kêu xin lòng thương xót. Người sẽ nâng chúng ta đứng dậy và biến chúng ta thành những thụ tạo mới. Vậy thì chúng ta hãy khởi đầu trở lại từ việc Xưng tội, chúng ta hãy phục hồi lại cho bí tích này vị trí xứng đáng trong đời sống và thừa tác vụ mục vụ!

“Chỉ còn hai người ở lại: lòng thương xót với sự đau khổ”. Hôm nay, trong phép Giải tội, chúng ta cũng đón được sự sống từ cuộc gặp gỡ giải thoát này: chúng ta với những sự đau khổ và tội lỗi của mình, và Chúa biết chúng ta, yêu thương chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Chúng ta hãy bước vào cuộc gặp gỡ này, xin ơn biết tái khám phá được sức mạnh giải thoát của nó.

© Libreria Editrice Vatican

[00526-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét