5 truyền thống văn hóa mừng Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời
14 tháng Tám, 2020
Dưới đây là cách dễ dàng kết hợp các phong tục lịch sử hân hoan trong việc kỷ niệm ngày lễ này tại nhà.
Mặc dù mãi đến năm 1950 tín điều Đức Mẹ hồn xác Lên Trời mới chính thức được xác định, nhưng ngay từ những ngày đầu của Giáo hội các tín hữu biết và tin rằng Đức Mẹ đã được cất lên Thiên đàng. Thật vậy, ngày 15 tháng Tám là một trong những ngày lễ kính Đức Mẹ lâu đời nhất!
Qua các thế kỷ, nhiều cách sùng kính bình dân đã phát triển để tôn vinh Đức Trinh Nữ trong ngày thánh này. Ở một số quốc gia, những người phụ nữ có tên Maria tôn vinh thánh bổn mạng bằng bữa tiệc tổ chức tại nhà cho bạn bè và hàng xóm của họ; các thị trấn tổ chức những đám rước và lễ hội với hoa, âm nhạc và nhảy múa.
Theo truyền thống, ngày Lễ Đức Mẹ lên Trời là Ngày Lễ buộc ở nhiều nơi; ngay cả với thời điểm miễn trừ hiện tại, ngày lễ này là thời điểm thích hợp để tham dự Thánh lễ nếu bạn có thể, theo dõi Thánh lễ trực tuyến, hoặc đọc Phụng vụ Lời Chúa tại nhà với gia đình. Bạn cũng có thể đọc Kinh Mân côi năm Sự Mừng, suy tư đặc biệt về mầu nhiệm thứ năm, “Đức Maria được thưởng trên nước Thiên Đàng, Nữ Vương Thiên Đàng và Trần thế”.
Dưới đây là 5 cách mừng kính ngày lễ này theo lịch sử, cùng với những cách thức để kết hợp các truyền thống trong gia đình của bạn.
1. ĐỨC BÀ THẢO MỘC VÀ HOA
Người ta tin rằng các loại thảo mộc được hái vào tháng Tám là có công dụng tốt nhất, vì vậy, nhiều nhà thờ theo truyền thống tổ chức “làm phép cho các loại thảo mộc” vào ngày này. Ở Ba Lan, ngày này được biết đến trong lịch sử với tên gọi Lễ Đức Bà Thảo một và Hoa, và người Ba Lan ở Mỹ thường tiếp nối truyền thống theo một cách mới, với tên gọi là Lễ Đức Bà Hoa. Theo các lễ mừng truyền thống, trẻ em sẽ hát thánh ca bằng tiếng Ba Lan và tiếng Anh tại nhà thờ, và sau đó cha mẹ các em nhảy múa theo điệu nhạc truyền thống của Ba Lan.
Gia đình bạn có thể dâng các loại thảo mộc và hoa lên ảnh Đức Mẹ trong khi hát thánh ca trong nhà của bạn, sau đó là nhảy múa!
2. RƯỚC KIỆU QUA THÀNH PHỐ
Ở Ý, người dân thị trấn đi theo đoàn rước tượng Đức Mẹ qua các đường phố đến nhà thờ. Siena nổi tiếng với cuộc đua ngựa “Palio di Siena”, một cuộc đua ngựa chưa thuần, vô luật lệ và đầy phấn khích ở quảng trường của thành phố. Những người tham gia và nhiều người tham dự mặc trang phục thời trung cổ, và thành phố ngập tràn các đồ trang trí và người xem, làm cho cuộc đua hàng năm trở thành một truyền thống đáng yêu.
Trẻ nhỏ thích cuộc đua ngựa giả đầy hào hứng ở sân sau hoặc trong phòng khách, hoặc đơn giản bạn có thể theo đám rước kiệu và ca vang những bài thánh ca.
3. VƯƠNG MIỆN BẰNG HOA
Ở Bồ Đào Nha, lễ hội hàng năm trong ngày lễ này được gọi là Romeria. Một ban kèn đồng, trống truyền thống và kèn túi (nhạc dân ca vùng Galicia) đồng tấu trong khi các bức tượng Mẹ Maria, Nữ Vương các Thiên thần, được đội triều thiên trong các nhà thờ.
Dâng hoa lên Đức Mẹ là một truyền thống thường được cử hành vào tháng Năm, nhưng chẳng có lý do gì để không tôn vinh Đức Mẹ vào bất kỳ ngày nào trong năm, và Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời là một ngày vô cùng thích hợp! Vì vậy, nếu bạn chưa bao giờ dâng hoa lên Đức Mẹ vào tháng Năm, thì Giáo hội luôn hỗ trợ bạn: Đây là một dịp phù hợp theo phụng vụ để dâng hoa lên Đức Mẹ. Bạn có thể làm một triều thiên bằng hoa cho tượng Đức Mẹ, hoặc xem các bản in Tượng Đức Mẹ này với triều thiên nhỏ xíu.
4. DÂNG HOA TRÁI ĐẦU MÙA
Ở Armenia có phong tục dâng “hoa trái đầu mùa” của vụ thu hoạch lên Chúa, theo gương của Aben trong Kinh thánh, người đã dâng của lễ xứng đáng. Vì vậy, ngày Chúa nhật cận với Lễ Đức Mẹ lên Trời được dành riêng để làm phép vườn nho. Một phong tục đáng khen là kiêng ăn nho cho đến sau khi làm phép, khi đó những mâm xếp đầy trái cây được mang vào nhà thờ, được làm phép và trao cho từng thành viên trong cộng đoàn mang về nhà. Ở một số nơi, các lễ hội được tổ chức trong vườn nho.
Ăn nho trong ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời là một cách ăn mừng đơn giản và thú vị! Để phù hợp với tinh thần của ngày lễ, bạn có thể dâng lời cầu nguyện đặc biệt để tạ ơn vì muôn ơn lành rộng rãi của Chúa.
5. CẦU HÔN
Ở một số vùng của Pháp, có phong tục cầu hôn vào ngày 15 tháng Tám, khi đó các đôi đính ước cầu xin Mẹ Maria chúc phúc cho tương lai chung sống của họ. Người trẻ theo truyền thống thích các buổi dã ngoại và tiệc tùng, và sau khi rước tượng Đức Mẹ qua làng, họ sẽ nhảy múa bên ánh sáng của những đống lửa. Nếu bạn đang dự định việc đính hôn thì Lễ Đức Mẹ lên Trời sẽ là một ngày hoàn hảo để cầu hôn, bạn có nghĩ vậy không?
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét