Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Đức Thánh Cha nói các hệ tư tưởng đang tàn phá những giá trị gia đình

Đức Thánh Cha nói các hệ tư tưởng đang tàn phá những giá trị gia đình

Đức Thánh Cha nói các hệ tư tưởng đang tàn phá những giá trị gia đình

ANDREAS SOLARO / POOL / AFP

I.Media for Aleteia 

01/09/22



Phát biểu trước phong trào giáo dân Schoenstatt tập trung vào gia đình, Đức Thánh Cha kêu gọi họ xây dựng hy vọng.

“Thực dân hóa ý thức hệ” đang “tàn phá” các giá trị gia đình là trọng tâm trong bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Dòng Các Cha Schoenstatt vào ngày 1 tháng Chín năm 2022, tại Vatican.

Các linh mục của phong trào này, với gần 100.000 thành viên, đã được tiếp nhân dịp tổng tu nghị bầu chọn tân bề trên cả, Cha Alexandre Awi Mello, cho nhiệm kỳ sáu năm. Vị linh mục người Brazil đang phục vụ tại Vatican, với tư cách là Thư ký của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, một vị trí mà giờ đây cha sẽ rời bỏ.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn từ của mình bằng lời tri ân chân thành dành cho Cha Mello. Phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha và không theo văn bản soạn sẵn, Đức Giáo hoàng người Argentina nói về sự cộng tác của ngài với vị tu sĩ người Brazil, người từng là thư ký của ngài trong hội nghị Giám mục Châu Mỹ Latinh ở Aparecida vào năm 2007, mà Đức Hồng y Bergoglio khi đó là phúc trình viên. Cha cũng đã tháp tùng Đức Thánh Cha tới tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio năm 2013, đây là chuyến tông du đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Được bầu chọn ngày 18 tháng Tám để lãnh đạo Dòng Các Cha Schoenstatt, Cha Awi Mello thụ phong linh mục vào năm 2001 cho gia đình thiêng liêng này và từng là giám đốc quốc gia của cộng đoàn ở Brazil. Cha đã được bổ nhiệm làm thư ký của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống vào ngày 31 tháng 5 năm 2017. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cảm ơn cha đã cộng tác trong những năm qua trong tình hiệp thông với người Kế vị Thánh Phêrô, vì lợi ích của toàn thể Giáo hội. Tôi nguyện chúc cha thi hành mục vụ hiệu quả trong trách nhiệm mới này được giao phó cho cha”.

Phát biểu trước toàn thể cộng đoàn, Đức Giáo hoàng ca ngợi “sự phục vụ tốt đẹp cho Giáo hội và thế giới” của phong trào Schoenstatt, được mời gọi đồng hành cách đặc biệt với “các gia đình trong những thăng trầm và thử thách mà họ phải trải qua,” mang đến cho họ một “thông điệp hy vọng” khi đứng trước “những hoàn cảnh đen tối”.

“Thực dân hóa ý thức hệ” là gì?

Cụm từ “thực dân hóa ý thức hệ” là cụm từ mà Đức Giáo hoàng đã sử dụng trong một số trường hợp. Ngài thường sử dụng nó khi đề cập đến các vấn đề đạo đức gia đình, hôn nhân và giới tính, chẳng hạn như liên quan đến việc chuyển giới.

Và nó thường xuất hiện khi nói đến các khu vực nghèo hơn trên toàn cầu, và ảnh hưởng của các nước giàu hỗ trợ tài chính.

Phản ứng với việc “tước đoạt các giá trị con người”

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “thế giới ngày càng yêu cầu chúng ta phải đưa ra câu trả lời cho những thắc mắc và lo lắng của con người trong thời đại chúng ta”.

Một lần nữa, ngài tố cáo việc “tước đoạt các giá trị của con người, một sự tước đoạt được thực hiện cách độc ác bởi đủ các loại hình thuộc địa hóa ý thức hệ”.

“Chúng ta thường thấy rằng bản chất của gia đình bị tấn công bởi nhiều hệ tư tưởng khác nhau làm xói mòn nền tảng nhân cách của con người, và nói chung là của toàn xã hội,” Đức Giáo hoàng cảm thán và một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối ràng buộc giữa người trẻ và người già, bởi vì chỉ bằng cách này thì “bản sắc của cá nhân và gia đình được bảo tồn.”

Ngài kêu gọi các thành viên của phong trào hãy thể hiện “lòng can đảm để mở ra những con đường mới trong việc phục vụ gia đình, để làm cho vẻ đẹp của Giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và con người tỏa sáng qua linh đạo và cách sống theo các giá trị Kitô giáo”.

Tạm hoãn tiến trình phong chân phước cho vị sáng lập

Cộng đoàn Schoenstatt, được thành lập tại ngôi làng cùng tên của Đức vào năm 1914, vào đầu Đệ nhất Thế chiến, đã lan rộng ra khắp 40 quốc gia trong thế kỷ 20, đáng chú ý là ở Nam Phi và Mỹ Latinh. Cha Josef Kentenich (1885-1968), người sáng lập cộng đoàn, đã bị tạm hoãn tiến trình phong chân phước vì bị cáo buộc lạm dụng tính dục các nữ tu trong phong trào.

Chị Alexandra von Teuffenbach, nhà sử học và thần học người Ý đang điều tra các tài liệu lưu trữ thuộc triều đại giáo hoàng của Đức Piô XII, tiết lộ vào tháng Bảy năm 2020 rằng Cha Kentenich là người được giám sát của một chuyến kinh lược tông tòa vào năm 1951, khi đó cha được lệnh phải tránh xa công việc của mình, cho đến năm 1965, ba năm trước khi cha qua đời. Phong trào bác bỏ các cáo buộc về sự lạm dụng, nhưng đồng ý thành lập một ủy ban gồm các nhà sử học, do Đức Giám mục Stephan Ackermann của Trier thành lập.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/9/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét