“Chúng ta vẫn chưa học được nghệ thuật chung sống với nhau như anh em”
Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các tham dự viên sự kiện “Cuộc Gặp gỡ thế giới về tình huynh đệ nhân loại”
Vatican Media
*******
Sáng nay (ND: 11/05), Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại trong Điện Tông Tòa Vatican do Quỹ Fratelli Tutti tổ chức.
Đức Phanxicô bày tỏ mối quan tâm của ngài đối với “hành tinh đang bốc cháy” và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được “sự bình an trong tâm hồn để bản thân mỗi người có thể tìm được sự vững tin rằng sự sống luôn chiến thắng mọi hình thức của cái chết”.
Dưới đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha gửi đến những người có mặt tại cuộc họp:
_________________________________________________
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chào mừng anh chị em! Cảm ơn anh chị em từ nhiều nơi trên thế giới đã có mặt ở đây để tham dự Cuộc gặp gỡ thế giới về tình huynh đệ nhân loại. Tôi cảm ơn Quỹ Fratelli tutti tổ chức đã đề xuất thúc đẩy các nguyên tắc được nêu trong Tông huấn Fratelli tutti, “nhằm khuyến khích các sáng kiến liên quan đến tinh thần, nghệ thuật, giáo dục và đối thoại với thế giới, xung quanh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và trong khuôn viên hàng cột của Vương cung Thánh đường.” (Chirograph, ngày 8 tháng 12 năm 2021).
Trong một hành tinh đang bốc cháy, anh chị em họp nhau với mục đích nhắc lại tiếng “không” với chiến tranh và “có” với hòa bình, làm chứng cho tình nhân loại đang đoàn kết chúng ta và giúp chúng ta biết nhìn nhận nhau như anh chị em, trong món quà tương hỗ của những khác biệt về văn hóa.
Về vấn đề này, tôi nhớ đến những lời trong bài phát biểu nổi tiếng của Mục sư Martin Luther King nói rằng: “Chúng ta đã học cách bay trên không như những con chim, chúng ta đã học cách bơi trên biển như cá, nhưng chúng ta chưa học cách bước đi trên trái đất như anh chị em” (Martin Luther King, Bài phát biểu nhân dịp nhận giải Nobel Hòa bình, ngày 11 tháng 12 năm 1964). Đó thực sự là vấn đề. Và vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: làm thế nào để chúng ta có thể trở lại với nghệ thuật chung sống cách cụ thể với nhau như những con người thực sự?
Tôi muốn trở lại với thái độ chính được đưa ra trong Tông huấn Fratelli tutti: lòng trắc ẩn. Trong Tin Mừng Thánh Luca (x. 10:25-37), Chúa Giêsu kể về một người Samari, động lòng thương đã tiếp cận một người Do Thái đang dở sống dở chết bên vệ đường. Chúng ta hãy nhìn vào hai người này. Hai văn hóa của họ là thù địch, lịch sử của họ khác nhau và xung đột, nhưng người này trở thành anh em của người kia khi anh ta cho phép mình được hướng dẫn bởi lòng trắc ẩn mà anh ta dành cho người kia – chúng ta có thể nói rằng anh ta cho phép bản thân được cuốn hút bởi Chúa Giêsu hiện diện nơi người đàn ông bị thương tích đó. Như một thi sĩ đã lấy lời Thánh Phanxicô Assisi nói trong một tác phẩm của ông: ‘Chúa hiện diện nơi những người anh em của bạn’ (É. Leclerc, The Wisdom of a Poor Man).
Vào buổi chiều, anh chị em sẽ gặp nhau tại 12 điểm trong Vatican và Rome để bày tỏ ý định tạo ra một phong trào tình huynh đệ xã hội. Trong bối cảnh này, các “bàn làm việc” đã được chuẩn bị trong những tháng gần đây sẽ đưa ra một số đề xuất cho xã hội dân sự, tập trung vào phẩm giá con người, nhằm xây dựng những chính sách tốt dựa trên nguyên tắc của tình huynh đệ, “đề cao tự do và bình đẳng” (Fratelli tutti, 103). Tôi đánh giá cao quyết định này và khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục công việc gieo hạt thầm lặng. Việc này có thể dẫn đến một “Hiến chương của con người” – “Hiến chương của con người” – cùng với các quyền, gồm cả hành vi và lý do thực tế khiến chúng ta trở nên nhân đạo hơn trong cuộc sống.
Và tôi mời gọi anh chị em không nản lòng, bởi vì “cuộc đối thoại kiên trì và can đảm không trở thành những bản tin nóng nhưng lặng lẽ giúp thế giới sống tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng” (nt, 198).
Đặc biệt, tôi xin cảm ơn nhóm các vị đã đạt giải Nobel nổi tiếng đang hiện diện, vì Tuyên ngôn về Tình huynh đệ con người, được soạn thảo vào ngày 10 tháng Sáu năm ngoái, cũng như vì cam kết mà các quý vị đã thực hiện trong năm nay để xây dựng lại một quyển “ngữ pháp của nhân loại”, một quyển “ngữ pháp của con người”, làm cơ sở cho những lựa chọn và hành vi. Tôi kêu gọi anh chị em hãy tiến bước về phía trước, làm cho tinh thần huynh đệ này phát triển và thúc đẩy vai trò của các cơ quan đa phương, thông qua hoạt động ngoại giao của anh chị em.
Anh chị em thân mến, chiến tranh là một sự dối trá. Chiến tranh luôn là một thất bại, cũng như ý tưởng về nền an ninh quốc tế dựa trên việc răn đe gây sợ hãi. Đó là một sự lừa gạt khác. Để bảo đảm nền hòa bình dài lâu, chúng ta phải trở lại với việc nhìn nhận tình nhân loại chung của chúng ta và đặt tình huynh đệ vào trung tâm đời sống của các dân tộc. Chỉ bằng cách này chúng ta mới thành công trong việc phát triển một mô hình chung sống có khả năng mang đến tương lai cho gia đình nhân loại. Hoà bình về chính trị cần có sự bình an trong tâm hồn, để bản thân mỗi người có thể tìm được sự vững tin rằng sự sống luôn chiến thắng mọi hình thức của cái chết.
Các bạn thân mến, khi ngỏ lời chào các bạn, tôi nghĩ đến cái ôm mà tối nay nhiều người trẻ sẽ có được, cũng như năm ngoái. Chúng ta hãy nhìn đến họ, chúng ta hãy học từ họ, như Tin Mừng dạy chúng ta: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Tất cả chúng ta hãy biến cái ôm này thành một cam kết của cuộc sống và một cử chỉ bác ái mang tính tiên tri.
Cảm ơn các bạn về những gì các bạn làm! Tôi gần gũi với các bạn và tôi xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi.
Và giờ đây trong thinh lặng, tất cả chúng ta hãy cầu xin và đón nhận ơn lành của Thiên Chúa.
____________________________________
Holy See Press Office Bulletin, 11 May 2024
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/5/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét