Thứ Tư, 26 tháng 2, 2025

Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô: Lời kêu gọi hoán cải và tình liên đới

Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô: Lời kêu gọi hoán cải và tình liên đới

Ngài mời gọi các Kitô hữu đào sâu đức tin, sống tình huynh đệ và hy vọng trong những thời gian khó khăn

Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô: Lời kêu gọi hoán cải và tình liên đới

*******

Mùa Chay năm 2025 mang đến thông điệp truyền cảm hứng sâu sắc từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bức thư truyền thống dành cho thời gian suy tư này, ngài mời gọi chúng ta hãy hoán cải, liên đới và tái khám phá niềm hy vọng trong nghịch cảnh.

Đức Thánh Cha bắt đầu sứ điệp bằng cách nhấn mạnh lời kêu gọi mà Mùa Chay gửi đến tất cả các Kitô hữu: đây là thời gian sám hối và canh tân, qua đó chúng ta tìm cách đạt được sự tự do đích thực trong Chúa Kitô. Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng đây là cơ hội để nhìn vào bên trong và suy ngẫm về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân, tìm đến sự hoán cải không mang tính hời hợt, nhưng chạm đến chiều sâu của bản thể chúng ta.

Trong bài suy niệm, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện và ăn chay là hai trụ cột căn bản của Mùa Chay. Những hành động sám hối này không chỉ là một sự rèn luyện cá nhân, mà là cách để chúng ta mở lòng mình ra trước những nhu cầu của người khác. “Cầu nguyện, là điều dẫn chúng ta đến với việc chiêm niệm lời Chúa, phải đưa chúng ta đến hành động; việc ăn chay phải được sống như một hành động liên đới với những người đang đau khổ”.

Đức Phanxicô chỉ ra rằng, tình liên đới không chỉ là lời nói, mà là một việc thực hành hằng ngày. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chú ý đến những nhu cầu của người khác, đặc biệt là trong một thế giới bị ghi đậm dấu bởi sự bất bình đẳng. Theo nghĩa này, Mùa Chay trở thành thời gian để thực hiện những cam kết cụ thể nhằm giúp đỡ những người thiếu thốn nhất. Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Ăn chay thực sự được thực hiện bằng cách mở lòng mình ra với người khác, đặc biệt là những người nghèo nhất”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc sứ điệp bằng lời kêu gọi hãy hy vọng. Giữa những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt, ngài mời gọi người Kitô hữu không mất niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với lời hứa của Người. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng Mùa Chay không chỉ là thời gian hy sinh, mà còn là thời gian hy vọng vào sự phục sinh, thời điểm tột đỉnh của đức tin chúng ta.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, Mùa Chay này phải được sống cách mãnh liệt, biến chúng ta thành những khí cụ của hòa bình, của tình huynh đệ và công lý. Một thời gian để tái khám phá vẻ đẹp của Tin Mừng, để biến đổi đời sống của chúng ta và để đến gần Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta hơn.

Toàn văn:

________________________________________________


Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng

Anh chị em thân mến,

Chúng ta bắt đầu cuộc hành hương Mùa Chay hằng năm trong đức tin và đức cậy với nghi thức xức tro sám hối. Giáo hội, là mẹ và là thầy của chúng ta, mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, để chúng ta có thể hân hoan mừng chiến thắng vượt qua tội lỗi và sự chết của Chúa Kitô, điều đã khiến Thánh Phaolô phải thốt lên: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15:54-55). Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô, chịu đóng đinh và đã sống lại, là trung tâm đức tin của chúng ta và là bảo chứng cho niềm hy vọng của chúng ta vào lời hứa vĩ đại của Chúa Cha, đã được thực hiện nơi Người Con yêu dấu của Người: sự sống đời đời (x. Ga 10:28; 17:3). [1]

Trong Mùa Chay này, khi chúng ta cùng chia sẻ ân sủng của Năm Thánh, tôi muốn đưa ra một vài suy tư về ý nghĩa của việc cùng nhau bước đi trong hy vọng, và về lời kêu gọi hoán cải mà Thiên Chúa với lòng thương xót của Người gửi đến tất cả chúng ta, với tư cách là những cá nhân và một cộng đồng.

Trước hết là bước đi. Khẩu hiệu của Năm Thánh, “Những người hành hương hy vọng”, gợi lên cuộc hành trình dài của dân Israel về miền Đất Hứa, như được thuật lại trong Sách Xuất hành. Con đường gian khổ này đi từ tình trạng nô lệ đến tự do được mong muốn và hướng dẫn bởi Thiên Chúa, Đấng yêu thương dân Người và luôn trung tín với họ. Chúng ta thật khó có thể suy nghĩ về cuộc xuất hành trong Kinh thánh nếu không nghĩ đến những người anh chị em trong thời đại của chúng ta đang phải chạy trốn khỏi những hoàn cảnh khốn cùng và bạo lực để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người thân yêu của họ. Do đó, lời kêu gọi hoán cải đầu tiên xuất phát từ nhận thức rằng tất cả chúng ta đều là những người hành hương trong cuộc đời này; mỗi người chúng ta được mời gọi dừng lại và tự hỏi bản thân rằng cuộc sống của chúng ta phản ánh sự thật này như thế nào. Tôi có thực sự đang bước đi trên cuộc hành trình hay tôi đang đứng yên, không di chuyển, hoặc bị tê liệt vì sợ hãi và tuyệt vọng, hay miễn cưỡng bước ra khỏi vùng an toàn của mình? Tôi có đang tìm cách để thoát khỏi những dịp phạm tội và những tình huống làm mất phẩm giá của mình không? Đây là một bài thực hành Mùa Chay tốt cho chúng ta khi so sánh cuộc sống hàng ngày của mình với cuộc sống của một người di dân hoặc người ngoại kiều, để học cách đồng cảm với những trải nghiệm của họ và theo cách này khám phá ra điều mà Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta để chúng ta có thể thăng tiến tốt hơn trên hành trình về nhà Cha. Đây sẽ là một “bài xét mình” tốt cho tất cả chúng ta là những người lữ hành.

Thứ hai là cùng nhau bước đi. Giáo hội được kêu gọi cùng nhau bước đi, cùng nhau hiệp hành. [2] Các Kitô hữu được kêu gọi cùng bước đi với tha nhân, và không bao giờ bước đi như những lữ khách đơn độc. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta không duy trì tình trạng chỉ biết đến bản thân, nhưng từ bỏ chính mình và tiếp tục tiến bước về phía Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. [3] Cùng nhau bước đi có nghĩa là củng cố sự hiệp nhất dựa trên phẩm giá chung của chúng ta là con cái của Thiên Chúa (x. Gl 3:26-28). Điều đó có nghĩa là cùng bước đi bên nhau, không xô đẩy hay giẫm đạp lên người khác, không đố kỵ hay giả hình, không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau hoặc bị loại trừ. Tất cả chúng ta cùng tiến bước về một hướng, hướng về cùng một mục tiêu, chú ý đến nhau trong tình yêu thương và sự kiên nhẫn.

Mùa Chay này, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta hãy xét xem trong cuộc sống của mình, trong gia đình mình, tại những nơi chúng ta làm việc và nơi chúng ta dành thời gian, liệu chúng ta có khả năng đồng hành với người khác, lắng nghe họ, chống lại cám dỗ trở nên ích kỷ và chỉ nghĩ đến nhu cầu của riêng mình hay không. Trước sự hiện diện của Chúa, chúng ta hãy tự hỏi bản thân, trong vai trò là giám mục, là linh mục, là những người tận hiến và giáo dân phục vụ Nước Thiên Chúa, chúng ta có cộng tác với người khác hay không. Liệu chúng ta có thể hiện sự chào đón những người ở gần và ở xa bằng những cử chỉ cụ thể hay không. Chúng ta có làm cho người khác cảm thấy họ là một phần của cộng đoàn hay ngăn họ ở xa xa. [4] Do đó, đây là lời kêu gọi hoán cải thứ hai: một lời hiệu triệu đến với sự hiệp hành.

Thứ ba, chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng, vì chúng ta đã được ban cho một lời hứa. Hy vọng không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5:5), thông điệp trung tâm của Năm Thánh, [5] là trọng tâm của hành trình Mùa Chay của chúng ta hướng tới sự vinh thắng của Lễ Phục Sinh.

Như Đức Giáo hoàng Benedict XVI dạy chúng ta trong Thông điệp Spe Salvi, “con người cần tình yêu vô điều kiện. Con người cần sự chắc chắn khiến họ nói rằng: ‘cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta’ (Rm 8:38-39)”. [6] Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại! [7] Người đang sống và hiển trị trong vinh quang. Cái chết đã được biến đổi thành sự vinh thắng, và đức tin và niềm hy vọng lớn lao của người Kitô hữu nằm ở điều này: sự phục sinh của Đức Kitô!

Do đó, đây là lời kêu gọi hoán cải thứ ba: lời kêu gọi hy vọng, tin tưởng vào Thiên Chúa và lời hứa lớn lao của Người về sự sống đời đời. Chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có tin rằng Chúa tha thứ tội lỗi của tôi không? Hay tôi hành động như thể tôi có thể tự cứu mình? Tôi có khao khát ơn cứu độ và kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa để đạt được ơn cứu độ không? Tôi có kinh nghiệm cụ thể về niềm hy vọng giúp tôi giải thích các biến cố trong lịch sử và khơi dậy trong tôi cam kết đối với công lý và tình huynh đệ, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và theo cách để không ai cảm thấy bị loại trừ không?

Anh chị em thân mến, nhờ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta được nâng đỡ trong niềm hy vọng không làm thất vọng (x. Rm 5:5). Niềm hy vọng là “mỏ neo chắc chắn và kiên định của linh hồn”. [8] Niềm hy vọng thúc đẩy Giáo hội cầu nguyện cho “mọi người được cứu độ” (1 Tim 2:4) và mong đợi được kết hợp với Chúa Kitô, chàng rể của mình, trong vinh quang thiên đàng. Đây là lời cầu nguyện của Thánh Têrêsa thành Avila: “Hãy hy vọng, hỡi linh hồn tôi, hãy hy vọng. Ngươi không biết ngày nào cũng như giờ nào. Hãy tỉnh thức, vì mọi thứ trôi qua nhanh chóng, cho dù sự thiếu kiên nhẫn của ngươi khiến điều chắc chắn trở thành hoài nghi, và biến một thời gian rất ngắn thành một thời gian dài” (The Exclamations of the Soul to God, 15:3). [9]

Xin Đức Trinh nữ Maria, Mẹ của Hy Vọng, chuyển cầu cho chúng ta và đồng hành cùng chúng ta trên hành trình Mùa Chay.

Rome, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, ngày 6 tháng 2 năm 2025

Lễ nhớ Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo.

PHANXICÔ

__________________________

[1] Cf. Encyclical Letter Dilexit Nos (24 October 2024), 220




[5] Cf. Bull Spes Non Confundit, 1.

[6] Encyclical Letter Spe Salvi (30 November 2007), 26

[7] Cf. Easter Sequence


[9] Ibid, 1821



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2025]


Thứ Hai, 24 tháng 2, 2025

Toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha từ bệnh viện

Toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha từ bệnh viện

Toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha từ bệnh viện

Antoine Mekary | ALETEIA


Kathleen N. Hattrup - I.Media

23/02/25



Văn bản Đức Thánh Cha chuẩn bị cho buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật [ND: 23/2/2025] được Vatican công bố. “Tôi vững tâm tiếp tục thời gian nằm viện của mình.”

Sáng Chúa Nhật này, ngày 23 tháng 2, Vatican công bố văn bản Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị cho buổi đọc kinh Truyền tin Chúa Nhật. Thông thường, ngài chủ trì buổi đọc kinh giữa trưa từ một cửa sổ nhìn ra Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nhưng Chúa Nhật tuần trước, ngài không thể chủ trì buổi cầu nguyện, thậm chí từ ban công bệnh viện.

Đức Thánh Cha nhắc đến Năm Thánh Phó tế đang diễn ra tại Vatican, và cũng nói về việc nằm viện của mình. Ngài cũng lưu ý rằng ngày mai, 24 tháng 2, là kỷ niệm ba năm ngày Nga xâm lược Ukraine.

Hôm nay, Đức Hồng y Baldassare Reina đại diện của Rome mời gọi các tín hữu Công giáo tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng vào tối nay tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateran, nhà thờ chính tòa của giáo phận. Sáng kiến ​​này, được tổ chức cách gấp rút, là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng nhiều của các vị lãnh đạo Công giáo tại Rome.

Theo thông tin của chúng tôi, Đức Giáo hoàng vẫn đang được thở oxy lưu lượng cao vào sáng Chúa Nhật này, được định lượng khi cần thiết. Ngài không được đặt nội khí quản và không được truyền máu thêm. Đức Giáo hoàng vẫn tỉnh táo, như Vatican đã cho biết ngày hôm qua, nhưng bản tin ngắn hôm nay, giống như ngày hôm qua, không đề cập đến việc đọc báo hoặc ăn sáng, không giống như những ngày trước.

Sau đây là thông điệp kinh Truyền tin Chúa Nhật của Đức Thánh Cha.

___________________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Sáng nay, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, đã cử hành Thánh Lễ với nghi thức Truyền chức phó tế cho một số ứng viên. Tôi gửi lời chào các Phó tế và anh chị em tham dự Năm Thánh Phó tế, diễn ra tại Vatican trong những ngày này; và tôi cảm ơn các Bộ Giáo sĩBộ Truyền giáo đã chuẩn bị cho sự kiện này.

Các anh em Phó tế thân mến, anh em tận hiến cho Lời Chúa và phục vụ bác ái; anh em thực hiện thừa tác vụ của mình trong Giáo hội bằng lời nói và việc làm, mang tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với mọi người. Tôi động viên anh em tiếp tục công việc tông đồ của mình với niềm vui và – như Tin Mừng hôm nay đề nghị – trở thành dấu chỉ của tình yêu ôm trọn lấy mọi người, biến đổi sự dữ thành sự thiện và tạo ra một thế giới huynh đệ. Đừng sợ mạo hiểm yêu thương!

Về phần tôi, tôi vững tâm tiếp tục thời gian nằm viện tại Bệnh viện Gemelli, tiếp tục việc điều trị cần thiết; và nghỉ ngơi cũng là một phần của liệu pháp! Tôi chân thành cảm ơn các bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện vì sự quan tâm mà họ dành cho tôi và sự tận tụy mà họ thực hiện việc phục vụ của mình giữa những người bệnh.

Ngày mai sẽ là kỷ niệm ba năm cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại Ukraine: một sự kiện đau đớn và đáng xấu hổ cho toàn thể nhân loại! Tôi nhắc lại sự gần gũi của tôi với người dân Ukraine đang đau khổ, tôi mời gọi anh chị em nhớ đến các nạn nhân của tất cả các cuộc xung đột vũ trang và cầu xin ơn hòa bình cho Palestine, cho Israel và khắp vùng Trung Đông, Myanmar, Kivu và Sudan.

Trong những ngày gần đây, tôi đã nhận được nhiều thông điệp yêu thương, và tôi đặc biệt rất xúc động với những lá thư và tranh vẽ của các trẻ em. Cảm ơn anh chị em vì sự gần gũi này, và vì những lời cầu nguyện an ủi mà tôi đã nhận được từ khắp nơi trên thế giới! Tôi phó thác tất cả anh chị em cho sự chuyển cầu của Đức Maria, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Theo dõi thông tin cập nhật về sức khỏe của Đức Thánh Cha tại đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/2/2025]


Thứ Ba, 18 tháng 2, 2025

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp từ bệnh viện trong buổi đọc kinh Truyền Tin

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp từ bệnh viện trong buổi đọc kinh Truyền Tin

Đức Thánh Cha nhập viện vì viêm phế quản, gửi lời cảm ơn những tình cảm, sự gần gũi và kêu gọi hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp từ bệnh viện trong buổi đọc kinh Truyền Tin

*******

Đức Thánh Cha đang nằm viện tại Bệnh viện đa khoa Gemelli ở Rome do viêm phế quản, không thể chủ trì buổi đọc kinh Truyền tin vào Chúa Nhật này. Sau những chỉ định y tế, Đức Thánh Cha phải nghỉ ngơi hoàn toàn để tạo điều kiện cho khả năng bình phục.

Mặc dù vắng mặt, nhưng Đức Thánh Cha gửi đi một thông điệp do Văn phòng Báo chí Tòa thánh công bố. Trong đó, ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với những lời cầu nguyện và dấu hiệu tình cảm nhận được trong thời gian dưỡng bệnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin và tình đoàn kết trong những thời điểm khó khăn.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại thánh lễ gần đây dành riêng cho các nghệ sĩ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nhấn mạnh đến giá trị của nghệ thuật như một ngôn ngữ chung gắn kết mọi người vượt qua mọi sự khác biệt.

Đức Phanxicô cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế không ngừng nỗ lực tìm kiếm hòa bình, đồng thời thúc giục giải quyết các xung đột thông qua đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau.

Đức Thánh Cha ​​sẽ tiếp tục được theo dõi y tế trong những ngày tới cho đến khi các chuyên gia xác định sự tiến triển của ngài và khả năng xuất viện.

Dưới đây là văn bản do Đức Thánh Cha soạn

____________________________


Anh chị em thân mến, Chúc anh chị em Chúa Nhật hạnh phúc!

Hôm nay tại Vatican chúng ta cử hành Thánh lễ dành riêng cho các nghệ sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới để trải nghiệm những Ngày Năm Thánh. Tôi cảm ơn Bộ Văn hóa và Giáo dục đã chuẩn bị cho biến cố này, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của nghệ thuật như một ngôn ngữ phổ quát truyền bá vẻ đẹp và tình đoàn kết các dân tộc, giúp hòa hợp thế giới và làm im lặng tiếng kêu đòi chiến tranh.

Tôi xin gửi lời chào đến tất cả các nghệ sĩ tham dự: tôi rất muốn được ở cùng anh chị em, nhưng như anh chị em biết, tôi đang ở đây trong Bệnh viện đa khoa Gemelli vì tôi vẫn cần phải điều trị bệnh viêm phế quản.

Tôi gửi lời chào đến tất cả những anh chị em hành hương có mặt tại Rome hôm nay, đặc biệt là các tín hữu của Giáo phận Parma đã đến trong chuyến hành hương của giáo phận, dưới sự hướng dẫn của đức giám mục.

Tôi mời mọi người tiếp tục cầu xin hòa bình cho đất nước Ukraine đang đau khổ, cho Palestine, cho Israel và toàn bộ Trung Đông, cho Myanmar, Kivu và Sudan.

Tôi xin cảm ơn những tình cảm, lời cầu nguyện và sự gần gũi mà anh chị em dành cho tôi trong những ngày này, và tôi xin cảm ơn các bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện vì sự chăm sóc của họ: họ làm công việc rất quý báu và vô cùng mệt mỏi, chúng ta hãy hỗ trợ họ bằng lời cầu nguyện!

Và giờ đây chúng ta hãy phó thác cho Đức Maria, “Đấng đầy Ân sủng”, để Mẹ giúp chúng ta trở thành những ca sĩ và những người sáng tạo ra cái đẹp cứu rỗi thế giới, giống như Mẹ.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/2/2025]


Bài giảng của Đức Thánh Cha soạn cho Năm Thánh các nghệ sĩ

Bài giảng của Đức Thánh Cha soạn cho Năm Thánh các nghệ sĩ

Bài giảng của Đức Thánh Cha soạn cho Năm Thánh các nghệ sĩ

MASSIMO VALICCHIA | NurPhoto via AFP


Kathleen N. Hattrup

16/02/25



“Chúng ta hãy tự hỏi mình những câu hỏi về thời gian và mục đích. Chúng ta là những người hành hương hay những kẻ lang thang? ... nghệ thuật không phải là thứ xa xỉ, nhưng là thứ mà tinh thần cần.”

Khi Đức Thánh Cha bắt đầu ngày thứ ba trong bệnh viện, Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça đọc bài giảng Đức Thánh Cha chuẩn bị cho Thánh lễ hôm nay với các nghệ sĩ.

Đức Hồng y là Tổng trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục; vào đầu Thánh lễ, ngài mời gọi toàn thể cộng đoàn cầu nguyện cho đức giáo hoàng 88 tuổi.

Sau đây là bài giảng:

___________________________________


Trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu công bố những Mối Phúc cho các môn đệ và đám đông dân chúng. Chúng ta đã nghe những Mối Phúc rất nhiều lần, nhưng chúng không bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6:20-21). Những lời này lật đổ não trạng thế gian của chúng ta và mời gọi chúng ta nhìn thực tại bằng đôi mắt mới, bằng cái nhìn của Thiên Chúa, để chúng ta có thể nhìn xa hơn vẻ bên ngoài và nhận ra cái đẹp ngay cả giữa những mỏng giòn và đau khổ.

Phần thứ hai của đoạn Tin Mừng chứa đựng những lời lẽ gay gắt và răn dạy: “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Lc 6:24–25). Sự tương phản giữa “phúc cho anh em” và “khốn cho các ngươi” nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc phân định chúng ta tìm thấy sự an toàn của mình ở đâu.

Là những nghệ sĩ và là những người đại diện cho thế giới văn hóa, anh chị em được kêu gọi trở thành chứng nhân cho cái nhìn mang tính cách mạng của các Mối Phúc. Sứ mệnh của anh chị em không chỉ là tạo ra cái đẹp, mà còn là tỏ lộ sự thật, sự thiện và cái đẹp ẩn giấu trong lịch sử, để lên tiếng cho những người không có tiếng nói, để biến nỗi đau thành niềm hy vọng.

Chúng ta đang sống trong thời đại khủng hoảng tài chính và xã hội phức tạp, nhưng sự khủng hoảng của chúng ta trên hết là khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng ý nghĩa. Chúng ta hãy tự hỏi mình những câu hỏi về thời gian và mục đích. Chúng ta là những người hành hương hay những kẻ lang thang? Hành trình của chúng ta có đích đến hay chúng ta không có phương hướng? Nghệ sĩ có nhiệm vụ giúp con người không bị lạc lối và giữ một cái nhìn tràn đầy hy vọng.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng hy vọng thì không dễ dàng, nông cạn hay trừu tượng. Không! Niềm hy vọng đích thực được đan xen trong bi kịch của cuộc sống con người. Hy vọng không phải là nơi ẩn náu tiện lợi, mà là ngọn lửa bừng cháy và tỏa sáng, như lời của Chúa. Đó là lý do tại sao nghệ thuật đích thực luôn thể hiện cuộc gặp gỡ với sự huyền bí, với vẻ đẹp vượt trội hơn chúng ta, với nỗi đau thách đố chúng ta, với sự thật kêu gọi chúng ta. Bằng không thì, “khốn cho chúng ta!” Lời cảnh báo của Chúa thật nghiêm khắc.

Như nhà thơ Gerard Manley Hopkins viết, “Thế giới được nạp đầy sự vĩ đại của Thiên Chúa. Nó sẽ bùng sáng, như ánh sáng lóe lên từ một tấm lá kim loại bị rung lắc”. Sứ mệnh của nghệ sĩ là khám phá sự vĩ đại ẩn giấu này và bộc lộ nó, làm cho nó trở nên rõ ràng trước mắt và trong lòng chúng ta. Cũng chính nhà thơ đó đã cảm nhận được “tiếng vang vọng như chì” và “tiếng vang vọng như vàng” trong thế giới này. Các nghệ sĩ rất nhạy cảm với những tiếng vọng này và thông qua công việc, họ tham gia vào việc phân định những tiếng vang vọng khác nhau của các biến cố trên thế giới và giúp người khác cũng thực hiện như vậy. Những người đại diện cho thế giới văn hóa được kêu gọi đánh giá những tiếng vọng này, giải thích chúng cho chúng ta và chỉ ra con đường mà chúng dẫn dắt chúng ta đi: hoặc đó là những bài ca quyến rũ của các nàng tiên cá, hoặc là những lời kêu gọi chân thành đối với nhân loại. Anh chị em được yêu cầu đưa ra cái nhìn sâu sắc để giúp phân biệt giữa những gì giống như “trấu gió thổi bay” và những gì chắc chắn, “như những cây trồng bên dòng nước”, có khả năng sinh hoa trái (x. Tv 1:3-4).

Các nghệ sĩ thân mến, tôi nhìn thấy nơi anh chị em là những người bảo vệ cái đẹp, sẵn sàng đương đầu với sự đổ vỡ của thế giới chúng ta, lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, người đau khổ, người bị thương tổn, bị giam cầm, bị ngược đãi hoặc người tị nạn. Tôi nhìn thấy nơi anh chị em là những người bảo vệ các Mối Phúc! Chúng ta sống trong thời đại mà những bức tường mới đang được dựng lên, khi sự khác biệt trở thành cái cớ cho việc chia rẽ thay vì là cơ hội để làm phong phú lẫn nhau. Nhưng anh chị em, những người của thế giới văn hóa, được kêu gọi xây dựng những cây cầu nối, tạo ra không gian cho sự gặp gỡ và đối thoại, khai sáng tâm trí và sưởi ấm tâm hồn.

Một số người có thể nói: “Nhưng nghệ thuật có ích gì trong thế giới đầy thương tích của chúng ta? Không phải còn có những việc cấp bách hơn, thiết thực hơn, gấp rút hơn để làm sao?” Tuy nhiên, nghệ thuật không phải là thứ xa xỉ, nhưng là thứ mà tinh thần cần. Nó không phải là sự trốn chạy khỏi thực tại, mà là một trách nhiệm, một tiếng gọi hành động, một lời khẩn nài và một tiếng kêu cầu. Giáo dục về vẻ đẹp đích thực là giáo dục về niềm hy vọng. Và hy vọng không bao giờ tách rời khỏi bi kịch của cuộc sống; nó đi qua những cuộc chiến đấu hàng ngày của chúng ta, những khó khăn của cuộc sống và những thách đố của thời đại chúng ta.

Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố rằng phúc cho những người nghèo, người đau khổ, người hiền lành và bị bách hại. Đó là một sự thay đổi về mặt não trạng, một cuộc cách mạng về quan điểm. Các nghệ sĩ được kêu gọi tham gia vào cuộc cách mạng này. Thế giới cần những nghệ sĩ tiên tri, những nhà tri thức can đảm và những người sáng tạo văn hóa.

Hãy để Tin mừng của các Mối Phúc dẫn dắt anh chị em, và mong rằng nghệ thuật của anh chị em là sứ giả của một thế giới mới. Hãy cho chúng tôi xem thi ca của anh chị em! Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm, đặt câu hỏi và chấp nhận rủi ro. Nghệ thuật đích thực không bao giờ dễ dàng; nó mang lại sự bình yên của những thao thức. Và anh chị em đừng quên rằng hy vọng không phải là ảo tưởng; cái đẹp không phải là một điều không tưởng. Nghệ thuật của anh chị em không phải là một món quà ngẫu nhiên mà là một tiếng gọi. Vậy thì hãy đáp lại bằng sự quảng đại, đam mê và tình yêu.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/2/2025]


Thứ Hai, 10 tháng 2, 2025

Năm Thánh các Lực lượng vũ trang, Cảnh sát và An ninh: "Lời kêu gọi hòa bình không chỉ đơn thuần hàm ý không có chiến tranh"

Đức Thánh Cha: Lời kêu gọi hòa bình không chỉ đơn thuần hàm ý không có chiến tranh

Năm Thánh các Lực lượng vũ trang, Cảnh sát và An ninh

Năm Thánh các Lực lượng vũ trang, Cảnh sát và An ninh: "Lời kêu gọi hòa bình không chỉ đơn thuần hàm ý không có chiến tranh"

*******

Lúc 10:30 sáng nay (ND: 9/2/2025), Chúa Nhật thứ năm Mùa Thường Niên, nhân dịp Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang, Cảnh sát và Lực lượng An ninh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Phần sau được đọc bởi Đức Hồng y Diego Ravelli, Trưởng ban Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng:

____________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Hành động của Chúa Giêsu tại Hồ Ghen-nê-xa-rét được Tác giả Tin mừng miêu tả bằng ba động từ: Người thấy, Người xuống thuyền và Người ngồi xuống. Chúa Giêsu thấy, Chúa Giêsu xuống thuyền và Chúa Giêsu ngồi xuống. Chúa Giêsu không quan tâm đến việc thể hiện trước đám đông, việc thực hiện một công việc, không quan tâm đến việc phải tuân theo một thời gian biểu khi thực hiện sứ mệnh của Người. Ngược lại, Người luôn ưu tiên việc gặp gỡ người khác, liên hệ với họ và cảm thông với những cuộc đấu tranh và thất bại thường đè nặng lên trái tim và lấy mất đi niềm hy vọng.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu trông thấy, bước xuống thuyền và ngồi xuống, vào ngày hôm đó.

Trước hết, Chúa Giêsu nhìn thấy. Ngài có một cái nhìn phân biệt rạch ròi, ngay cả giữa đám đông rất lớn, khiến Ngài có thể phát hiện ra hai chiếc thuyền đang tiến đến gần bờ và thấy được sự thất vọng trên khuôn mặt của những người đánh cá, lúc đó đang giặt lưới trống không sau một đêm lao động vô ích. Chúa Giêsu nhìn những người ngư phủ đó với lòng thương xót. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: lòng thương xót của Thiên Chúa. Ba thái độ của Thiên Chúa là gần gũi, thương xót và nhân hậu. Chúng ta đừng quên: Thiên Chúa gần gũi, Thiên Chúa nhân hậu và Thiên Chúa luôn thương xót. Chúa Giêsu nhìn với lòng thương xót trước vẻ mặt của những người đó, cảm nhận được sự chán nản và thất vọng của họ sau khi làm việc suốt đêm mà chẳng đánh bắt được gì, lòng họ cũng trống rỗng như những tấm lưới họ kéo lên.

(Xin lỗi anh chị em, bây giờ tôi xin phép để ngài Trưởng ban Cử hành Phụng vụ đọc tiếp vì tôi thấy khó thở.)

Thấy sự chán nản của họ, Chúa Giêsu đã xuống thuyền. Người bảo ông Simon chèo ra xa bờ một chút và Người lên thuyền. Bằng cách này, Người bước vào cuộc đời của Simon và chia sẻ cảm giác thất vọng và vô ích của ông. Điều này rất quan trọng: Chúa Giêsu không chỉ đứng đó và nhìn mọi thứ trôi qua tồi tệ như chúng ta thường làm, rồi sau đó than phiền cách cay đắng. Thay vì vậy, Người chủ động đến gần Simon, dành thời gian cho ông trong thời gian khó khăn đó và chọn bước vào con thuyền cuộc đời ông, mà đêm đó dường như đầy rẫy thất bại.

Rồi khi đã xuống thuyền, Chúa Giêsu ngồi xuống. Trong các Tin mừng, đây là hình ảnh điển hình của một bậc thầy, của một người dạy dỗ người khác. Thật vậy, Phúc âm kể rằng Chúa Giêsu ngồi xuống và giảng dạy. Thoáng nhìn vào đôi mắt và trái tim của những người ngư phủ đó, sự thất vọng của một đêm lao động vô ích, Chúa Giêsu bước xuống thuyền để công bố tin vui, để mang ánh sáng đến cho đêm đen thất vọng, để kể về vẻ đẹp của Thiên Chúa ngay cả giữa những cuộc chiến đấu của cuộc sống, và để tái khẳng định rằng niềm hy vọng vẫn tồn tại ngay cả khi mọi thứ dường như đã mất.

Sau đó, phép lạ đã xảy ra: khi Chúa bước vào con thuyền cuộc đời chúng ta để đem đến cho chúng ta tin vui về tình yêu của Thiên Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta, thì sự sống bắt đầu trở lại, niềm hy vọng được tái sinh, lòng nhiệt thành được hồi sinh, và chúng ta có thể một lần nữa thả lưới xuống biển.

Anh chị em thân mến, thông điệp hy vọng này đồng hành cùng chúng ta hôm nay khi chúng ta cử hành Năm Thánh của Lực lượng vũ trang, Cảnh sát và Nhân viên an ninh. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em vì sự phục vụ của anh chị em, và tôi chào mừng tất cả các Nhà hữu trách hiện diện, các hiệp hội và học viện quân sự, và các Giám mục và các vị tuyên úy quân đội. Tất cả anh chị em đã được giao phó một sứ mệnh cao cả bao trùm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và chính trị: bảo vệ quốc gia, duy trì an ninh, duy trì tính hợp pháp và công lý. Anh chị em hiện diện trong các nhà tù và đi đầu trong các cuộc chiến chống tội phạm và những hình thức bạo lực khác nhau đe dọa phá vỡ cuộc sống xã hội. Tôi cũng nghĩ đến tất cả những người tham gia vào công tác cứu trợ sau các thảm họa thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nỗ lực cứu hộ trên biển, bảo vệ những người dễ bị tổn thương và thúc đẩy hòa bình.

Chúa cũng yêu cầu anh chị em thực hiện như Người: nhìn, xuống thuyền và ngồi xuống. Nhìn, vì anh chị em được kêu gọi luôn giữ đôi mắt tỉnh táo, cảnh giác với những mối đe dọa đến lợi ích chung, với các mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của những người đồng bào, và với những rủi ro về môi trường, xã hội và chính trị mà chúng ta đang phải đối mặt. Xuống thuyền, vì bộ đồng phục, kỷ luật đã rèn giũa anh chị em, lòng dũng cảm là dấu ấn của anh chị em, lời tuyên thệ mà anh chị em thực hiện — tất cả những điều này nhắc nhở anh chị em về tầm quan trọng không chỉ của việc nhìn thấy cái ác để báo cáo, mà còn bước xuống con thuyền bị bão tố vùi dập và làm việc để bảo đảm rằng nó không bị mắc cạn. Vì đó cũng là một phần trong sứ mệnh của anh chị em trong việc phục vụ sự thiện, tự do và công lý. Sau cùng là ngồi xuống, vì sự hiện diện của anh chị em trong các thành phố và khu phố của chúng ta để duy trì luật pháp và trật tự, và việc anh chị em đứng về phía những người không có khả năng tự vệ, là một bài học cho tất cả chúng ta. Tất cả những điều đó dạy chúng ta rằng sự thiện có thể chiến thắng mọi thứ. Chúng dạy chúng ta rằng công lý, sự công bằng và trách nhiệm công dân luôn cần thiết. Chúng dạy chúng ta rằng chúng ta có thể tạo ra một thế giới nhân ái hơn, công bằng và huynh đệ hơn, bất chấp những thế lực chống đối của sự dữ.

Khi thực hiện công việc ôm trọn toàn bộ cuộc sống của của mình, anh chị em được các vị tuyên úy cùng đồng hành, một sự hiện diện quan trọng của các linh mục ở giữa anh chị em. Công việc của họ không phải là chúc phúc cho các hành động sai lầm của chiến tranh — như đã từng xảy ra trong lịch sử. Không. Họ ở giữa anh chị em như sự hiện diện của Đức Kitô, mong muốn bước đi bên cạnh anh chị em, để lắng nghe và đồng cảm với anh chị em, để động viên anh chị em luôn bắt đầu trở lại và hỗ trợ anh chị em trong những công việc phục vụ hàng ngày. Như là nguồn nâng đỡ về mặt đạo đức và tinh thần, họ đồng hành với anh chị em ở mọi bước đi và giúp anh chị em thực hiện sứ mệnh dưới ánh sáng của Phúc Âm và theo đuổi lợi ích chung.

Anh chị em thân mến, chúng tôi biết ơn những gì anh chị em làm, đôi khi gặp nguy hiểm lớn cho bản thân. Cảm ơn anh chị em vì khi bước lên những con thuyền bị bão vùi dập, anh chị em bảo vệ chúng tôi và động viên chúng tôi kiên trì đến cùng. Đồng thời, tôi khuyến khích anh chị em đừng bao giờ quên mục đích phục vụ và mọi hoạt động của mình, đó là thăng tiến sự sống, là cứu người, là người liên tục bảo vệ sự sống. Và tôi xin anh chị em hãy cảnh giác. Hãy cảnh giác với sự cám dỗ nuôi dưỡng tinh thần hiếu chiến. Hãy cảnh giác để không bị rơi vào ảo tưởng về quyền lực và tiếng gầm rú của vũ khí. Hãy cảnh giác để không bị đầu độc bởi tuyên truyền gieo rắc lòng hận thù, chia rẽ thế giới thành nhóm bạn bè cần được bảo vệ và nhóm kẻ thù cần phải đánh lại. Thay vào đó, hãy là những chứng nhân dũng cảm cho tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng muốn tất cả chúng ta trở thành anh chị em. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau trở thành những nghệ nhân của một kỷ nguyên mới của hòa bình, công lý và tình huynh đệ.

___________________________________________________________________


Cuối Thánh lễ được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp Năm Thánh của Lực lượng vũ trang, Cảnh sát và Lực lượng An ninh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với gần 30.000 người tham dự sự kiện năm thánh này.

Dưới đây là những lời của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

___________________________________


Anh chị em thân mến,

Trước khi kết thúc cử hành, tôi xin chào tất cả anh chị em đã tổ chức Cuộc hành hương Năm Thánh này của Lực lượng vũ trang, Cảnh sát và Lực lượng an ninh. Tôi cảm ơn các Nhà chức trách dân sự đáng kính đã hiện diện, và cảm ơn các vị Giám mục và Tuyên úy quân đội vì sự phục vụ mục vụ. Tôi gửi lời chào đến tất cả các quân nhân trên thế giới, và tôi xin nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này. Công đồng Vatican II nói rằng: “Những ai phục vụ đất nước mình, thực hiện công việc trong hàng ngũ quân đội, cũng phải xem bản thân là những người phục vụ cho nền an ninh và tự do của của các dân tộc mình” (Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 79). Việc phục vụ trong lực lượng vũ trang này chỉ được thực hiện để tự vệ, không bao giờ áp đặt sự thống trị lên các quốc gia khác, luôn tuân thủ các công ước quốc tế về xung đột (x. ibid.) và trên hết, tôn trọng tính thiêng liêng của sự sống và thụ tạo.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine đang đau khổ, hòa bình ở Palestine, ở Israel và khắp Trung Đông, ở Myanmar, ở Kivu, ở Sudan. Hãy để mọi nơi được im lặng và tiếng kêu của các dân tộc đang cầu xin hòa bình được nghe thấy.

Chúng ta hãy phó thác lời cầu nguyện của chúng ta cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hòa Bình.

Angelus Domini…



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/2/2025]


Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2025

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Quyền Trẻ em, Đức Thánh lên án sự bóc lột và sự thờ ơ toàn cầu đối với những người dễ bị tổn thương nhất

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hành động toàn cầu vì quyền trẻ em

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Quyền Trẻ em, Đức Thánh lên án sự bóc lột và sự thờ ơ toàn cầu đối với những người dễ bị tổn thương nhất

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Quyền Trẻ em, Đức Thánh lên án sự bóc lột và sự thờ ơ toàn cầu đối với những người dễ bị tổn thương nhất

*******

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Quyền Trẻ em, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền đạt một thông điệp cấp bách tới các nhà lãnh đạo thế giới, nhấn mạnh rằng việc bảo vệ trẻ vị thành niên phải là một ưu tiên toàn cầu. Ngài tố cáo sự đau khổ kéo dài của trẻ em do tình trạng nghèo đói cùng cực, do lao động trẻ em, bạo lực và nạn buôn người gây ra. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng sự thờ ơ trước những bất công này là một sự vi phạm đạo đức nghiêm trọng, thúc giục rằng mọi trẻ em phải được đối xử đúng phẩm giá, với sự yêu thương và tôn trọng, bất kể hoàn cảnh hoặc quê quán của chúng.

Ngài nhấn mạnh rằng, mặc dù đã có tiến bộ trong một số khía cạnh nhất định về việc bảo vệ trẻ em, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, vì hàng triệu trẻ em vẫn tiếp tục bị tước đoạt tuổi thơ và các quyền căn bản của chúng. Đức Thánh Cha thúc giục các chính phủ và xã hội nói chung không cho phép tình trạng đau khổ của trẻ em trở thành “điều bình thường” trong một thế giới khẳng định là văn minh. Ngài nhắc lại rằng các quyền trẻ em phải được cấp bách bảo vệ và hành động tập thể là điều cần thiết để bảo đảm cho các em một tương lai không bị ngược đãi.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha kêu gọi hy vọng, nhấn mạnh đến sức mạnh của sự đoàn kết và hợp tác quốc tế trong công cuộc đấu tranh vì quyền trẻ em. Trong bài diễn từ, ngài cũng ủng hộ sự tham gia nhiều hơn của các gia đình, tổ chức và cộng đồng địa phương để bảo đảm hạnh phúc cho trẻ vị thành niên, bằng cách tiếp cận toàn diện gồm cả nhu cầu về vật chất và tình cảm của các em.

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn từ bằng cách nhắc nhở rằng mỗi trẻ em đều là phúc lành cho thế giới và chúng ta có trách nhiệm bảo vệ tương lai của các trẻ, trao cho các em những công cụ để phát triển trong một môi trường an toàn và yêu thương.

________________________________


Toàn văn:

DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRƯỚC CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI THAM GIA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VỀ QUYỀN TRẺ EM

Thưa Nữ hoàng,
Thưa anh chị em, xin chào!

Tôi xin chào ngài Ngoại trưởng, các vị Hồng y và quý vị tham dự viên đáng kính trong Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà Lãnh đạo Thế giới về Quyền Trẻ em này, với chủ đề “Yêu thương và bảo vệ trẻ em”. Tôi cảm ơn quý vị đã nhận lời mời và tôi tin rằng bằng cách tập hợp những kinh nghiệm và chuyên môn của mình, quý vị có thể mở ra những con đường mới để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em, quyền của các trẻ hàng ngày bị chà đạp và phớt lờ.

Ngay cả ngày nay, cuộc sống của hàng triệu trẻ em vẫn thường bị đánh dấu bằng sự đói nghèo, chiến tranh, thất học, bất công và bóc lột. Trẻ em và thanh thiếu niên ở các quốc gia nghèo hơn, hoặc những quốc gia bị chia cắt bởi các cuộc xung đột bi thảm, buộc phải chịu đựng những thử thách kinh hoàng. Thế giới giàu tài nguyên hơn cũng không miễn nhiễm với bất công. Những nơi con người không phải chịu đựng chiến tranh hay đói khổ, vẫn còn những vùng ngoại vi có vấn đề, nơi trẻ em thường dễ bị tổn thương và phải chịu đựng những vấn đề mà chúng ta không thể xem thường. Trên thực tế, các trường học và dịch vụ y tế phải đối phó với những trẻ em đã trải qua nhiều khó khăn ở mức độ lớn hơn nhiều so với trước đây, với những đứa trẻ lo âu hoặc chán nản, và những trẻ vị thành niên bị lôi kéo vào các hình thức gây hấn hoặc tự làm hại bản thân. Ngoài ra, văn hóa hiệu quả coi tuổi thơ, cũng như tuổi già, là một “vùng ngoại vi” của cuộc sống. Ngày càng có nhiều người với cả cuộc đời phía trước không thể tiếp cận cuộc sống với sự lạc quan và tự tin.

Chính những người trẻ, là dấu hiệu của hy vọng trong mọi xã hội, lại là những người phải đấu tranh để tìm thấy hy vọng trong chính họ. Điều này thật đáng buồn và đáng lo ngại. Thật vậy, “thật đáng buồn khi thấy những người trẻ không có hy vọng, những người phải đối mặt với tương lai bấp bênh và không có triển vọng, không có việc làm hoặc an ninh việc làm, hoặc các triển vọng thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Nếu không có hy vọng rằng những ước mơ của họ có thể trở thành hiện thực, họ chắc chắn sẽ trở nên chán nản và vật vờ” (Sắc chỉ Spes Non Confundit, 12).

Trong thời gian gần đây, những gì chúng ta chứng kiến ​​một cách bi thương hầu như mỗi ngày, cụ thể là trẻ em chết dưới bom đạn, bị hiến tế cho các thần tượng quyền lực, ý thức hệ và lợi ích dân tộc, là không thể chấp nhận được. Trên thực tế, không có gì đáng giá bằng mạng sống của một đứa trẻ. Sát hại trẻ em là từ chối tương lai. Trong một số trường hợp, chính trẻ vị thành niên bị buộc phải chiến đấu dưới tác dụng của ma túy. Ngay cả ở những quốc gia không có chiến tranh, bạo lực giữa các băng đảng tội phạm cũng trở nên chết chóc đối với trẻ em, và thường biến chúng trở thành trẻ mồ côi và bị gạt ra ngoài lề.

Chủ nghĩa cá nhân vô lý của các nước phát triển cũng gây bất lợi cho trẻ em. Đôi khi, trẻ em bị đối xử tệ bạc hoặc thậm chí bị giết bởi chính những người đáng lẽ phải bảo vệ và nuôi dưỡng chúng. Trẻ em trở thành nạn nhân của những vụ cãi vã, đau khổ về mặt xã hội hoặc tinh thần và thói nghiện ngập của cha mẹ.

Nhiều trẻ em tử vong khi di cư trên biển, trong sa mạc hoặc trên nhiều tuyến hành trình được thực hiện vì hy vọng tuyệt vọng. Không biết bao nhiêu trẻ khác chết vì thiếu sự chăm sóc y tế hoặc nhiều hình thức bóc lột khác nhau. Tất cả những tình huống này đều khác nhau, nhưng chúng cùng đưa ra một câu hỏi: Tại sao cuộc sống của một đứa trẻ lại có thể kết thúc như vậy?

Chắc chắn là không thể chấp nhận được, và chúng ta phải cảnh giác để không trở nên quen với thực tế này. Một tuổi thơ bị chối bỏ là tiếng kêu thầm lặng lên án sự sai trái của hệ thống kinh tế, bản chất tội phạm của chiến tranh, sự thiếu hụt chăm sóc y tế và giáo dục. Ách bất công này đè nặng nhất lên những người anh chị em bé mọn và yếu đuối nhất của chúng ta. Ở cấp độ của các tổ chức quốc tế, điều này được gọi là “cuộc khủng hoảng đạo đức toàn cầu”.

Chúng ta ở đây hôm nay để nói rằng chúng ta không muốn điều này trở thành sự bình thường mới. Chúng ta từ chối không để nó trở thành sự quen thuộc. Một số hoạt động trên phương tiện truyền thông có xu hướng khiến chúng ta trở nên vô cảm, dẫn đến tình trạng chai đá của con tim. Thật vậy, chúng ta có nguy cơ đánh mất điểm cao thượng nhất trong trái tim con người: lòng thương xót và lòng trắc ẩn. Tôi đã chia sẻ mối quan tâm này với một số vị đại diện cho nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Ngày nay, hơn bốn mươi triệu trẻ em đã phải di tản do xung đột và khoảng một trăm triệu trẻ em vô gia cư. Ngoài ra còn có thảm kịch nô lệ trẻ em: khoảng một trăm sáu mươi triệu trẻ em là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức, buôn người, lạm dụng và bóc lột dưới mọi hình thức, kể cả cưỡng hôn. Có hàng triệu trẻ em di cư, đôi khi có gia đình nhưng thường là đơn độc. Hiện tượng trẻ vị thành niên không có người đi kèm này ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng.

Nhiều trẻ vị thành niên khác sống trong tình trạng “vô danh” vì chúng không được đăng ký khai sinh. Ước tính có khoảng một trăm năm mươi triệu trẻ em “vô hình” không có sự tồn tại hợp pháp. Đây là một trở ngại đối với việc tiếp cận giáo dục hoặc chăm sóc sức khỏe của các trẻ, nhưng tệ hơn nữa là vì chúng không được hưởng sự bảo vệ hợp pháp, chúng có thể dễ dàng bị ngược đãi hoặc bị bán làm nô lệ. Điều này đã thực sự xảy ra! Chúng ta có thể nghĩ đến những trẻ em người Rohingya thường phải đấu tranh để được đăng ký, hoặc những trẻ “không có giấy tờ” ở biên giới Hoa Kỳ là những nạn nhân đầu tiên của cuộc di cư tuyệt vọng và hy vọng của hàng ngàn người đến từ miền Nam hướng tới Hoa Kỳ, và nhiều nước khác.

Thật đáng buồn, lịch sử áp bức trẻ em như vậy liên tục lặp lại. Nếu chúng ta hỏi những người già, ông bà của chúng ta, về cuộc chiến mà họ đã trải qua khi còn trẻ, bi kịch hiện lên từ ký ức của họ: bóng tối – mọi thứ đều tối tăm trong chiến tranh, màu sắc gần như biến mất – và mùi hôi thối, cái lạnh, cái đói, bụi bẩn, nỗi sợ hãi, sự bới móc tìm kiếm, mất cha mẹ và nhà cửa, bị bỏ rơi và đủ loại bạo lực. Tôi lớn lên với những câu chuyện về Thế chiến thứ nhất do ông tôi kể lại, và điều này đã mở mắt và trái tim tôi ra trước nỗi kinh hoàng của chiến tranh.

Nhìn mọi sự qua con mắt của những người đã sống qua chiến tranh là cách tốt nhất để hiểu được giá trị vô biên của sự sống. Tuy nhiên, lắng nghe những đứa trẻ ngày nay đang sống trong bạo lực, bóc lột hoặc bất công cũng giúp làm vững mạnh tiếng “không” của chúng ta đối với chiến tranh, đối với văn hóa vứt bỏ của sự lãng phí và lợi nhuận, trong đó mọi thứ đều được mua và bán mà không có sự tôn trọng hoặc quan tâm đến sự sống, đặc biệt là khi sự sống đó nhỏ bé và không có khả năng tự vệ. Nhân danh não trạng vứt bỏ này, trong đó con người trở nên toàn năng, sự sống chưa chào đời bị hy sinh qua hành vi phá thai tàn bạo. Phá thai triệt tiêu sự sống của trẻ em và cắt đứt nguồn hy vọng cho toàn thể xã hội.

Thưa anh chị em, lắng nghe là vô cùng quan trọng, vì chúng ta cần nhận ra rằng trẻ nhỏ hiểu, nhớ và nói chuyện với chúng ta. Và bằng cả ánh mắt và sự im lặng của chúng, chúng cũng nói chuyện với chúng ta. Vậy nên chúng ta hãy lắng nghe chúng!

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn và khuyến khích các bạn, với ơn Chúa, hãy tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc họp này mang lại. Tôi cầu nguyện rằng những đóng góp của các bạn sẽ giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em, và từ đó cho tất cả mọi người! Đối với tôi, đây là nguồn hy vọng khi tất cả chúng ta ở đây cùng nhau, để đặt trẻ em, quyền của trẻ em, những ước mơ và nhu cầu của chúng về một tương lai vào trung tâm sự quan tâm của chúng ta. Cảm ơn tất cả các bạn, và xin Chúa chúc phúc cho các bạn!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/2/2025]


Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 02.02.2025: “Tiêu chuẩn của Chúa Giêsu là yêu thương: ai yêu thương là sống, ai thù ghét là chết”

“Tiêu chuẩn của Chúa Giêsu là yêu thương: ai yêu thương là sống, ai thù ghét là chết”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 02.02.2025: “Tiêu chuẩn của Chúa Giêsu là yêu thương: ai yêu thương là sống, ai thù ghét là chết”

*******

Trưa hôm nay (ND: 02/02/2025), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền tin cùng khoảng 20.000 khách hành hương và tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha phân tích bài Tin Mừng Lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ: “Khi mặt trời mọc trên thế giới, hài nhi này sẽ cứu chuộc thế giới khỏi bóng tối của sự dữ, đau khổ và cái chết.”

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (Lc 2:22-40) kể cho chúng ta về Đức Maria và Thánh Giuse đem Hài nhi Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem. Theo Luật, các ngài dâng Người trong nhà Chúa, để nhắc nhở rằng sự sống đến từ Thiên Chúa. Và trong khi Gia đình Thánh thực hiện những điều mà người dân Israel vẫn luôn thực hiện, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì một điều chưa từng xảy ra trước đây đã diễn ra.

Hai cụ già Simêon và Anna nói tiên tri về Chúa Giêsu: cả hai đều ngợi khen Thiên Chúa và nói về Hài nhi “cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (câu 38). Tiếng nói từ trái tim của họ âm vang giữa những phiến đá cổ xưa của Đền thờ, loan báo sự ứng nghiệm những mong đợi của Israel. Quả thật, Thiên Chúa đã hiện diện giữa dân Người: không phải vì Người ngự trong bốn bức tường, mà vì Người sống như một con người giữa loài người. Và đây chính là sự mới mẻ của Chúa Giêsu. Trong tuổi già của cụ Simêon và bà Anna, sự mới mẻ diễn ra làm thay đổi lịch sử thế giới.

Về phần mình, Đức Maria và Thánh Giuse kinh ngạc trước những gì họ nghe thấy (x. c. 33). Thật vậy, khi cụ già Simeon ẵm đứa trẻ trên tay, cụ đã gọi Hài nhi theo ba cách thật đẹp, đáng để suy ngẫm. Ba cách gọi, ba cái tên mà cụ đặt cho Hài nhi. Chúa Giêsu là ơn cứu độ, Chúa Giêsu là ánh sáng; Chúa Giêsu là dấu hiệu của sự chống báng.

Trước hết, Chúa Giêsu là ơn cứu độ. Cụ Simeon nói khi cầu nguyện với Thiên Chúa, “chính mắt con được thấy ơn cứu độ mà Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” (cc. 30-31). Điều này luôn khiến chúng ta kinh ngạc: ơn cứu độ phổ quát tập trung vào chỉ một người! Đúng vậy, bởi vì trong Chúa Giêsu ngự trị sự viên mãn của Thiên Chúa, của Tình yêu của Người (x. Cl 2:9).

Khía cạnh thứ hai: Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (câu 32). Như mặt trời mọc trên thế giới, hài nhi này sẽ cứu chuộc thế giới khỏi bóng tối của sự dữ, đau khổ và cái chết. Chúng ta cần ánh sáng biết bao, ánh sáng này, ngay cả ngày nay!

Cuối cùng, hài nhi được cụ Simêon ẵm vào lòng là dấu hiệu của sự chống báng, “những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (câu 35). Chúa Giêsu cho thấy tiêu chuẩn để phán xét toàn bộ lịch sử và bi kịch của nó, cũng như đời sống của mỗi người chúng ta. Và tiêu chuẩn này là gì? Đó là tình yêu: những ai yêu thương là sống; những ai thù ghét là chết.

Chúa Giêsu là ơn cứu độ, Chúa Giêsu là ánh sáng, và Chúa Giêsu là dấu hiệu của sự chống báng.

Được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi mong đợi điều gì trong cuộc sống của mình? Niềm hy vọng lớn lao của tôi là gì? Tâm hồn tôi có mong muốn được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa không? Tôi có chờ đợi sự biểu lộ của kế hoạch cứu độ của Người cho nhân loại không?

Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Đức Maria, người mẹ tinh tuyền, để Mẹ đồng hành cùng chúng ta qua những ánh sáng và bóng tối của lịch sử, để Mẹ luôn đồng hành cùng chúng ta đến gặp gỡ với Chúa.

__________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm nay tại Ý, chúng ta cử hành Ngày vì Sự sống, với chủ đề “Truyền sự sống, niềm hy vọng cho thế giới”. Tôi cùng với các giám mục Ý bày tỏ lòng biết ơn đối với nhiều gia đình đang hân hoan chào đón món quà sự sống và khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ không ngại sinh con. Và tôi chào mừng Phong trào vì Sự sống của Ý, đã tròn năm mươi năm tuổi. Chúc mọi điều tốt đẹp nhất!

Ngày mai tại Vatican, Hội nghị thượng đỉnh Quốc tế về Quyền Trẻ em sẽ được tổ chức, với chủ đề “Yêu thương và bảo vệ trẻ em”, tôi đã có niềm vui được cổ võ và tôi sẽ tham gia. Đây là một cơ hội đặc biệt nhất để đưa những câu hỏi cấp bách nhất liên quan đến sự sống của các thai nhi vào trung tâm chú ý của thế giới. Tôi mời gọi anh chị em cùng cầu nguyện cho sự thành công của hội nghị.

Và liên quan đến giá trị cốt lõi của sự sống con người, tôi lặp lại tiếng “không” với chiến tranh là thứ hủy diệt; nó hủy diệt mọi thứ, nó hủy diệt sự sống và khiến chúng ta xem thường sự sống. Và chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn là một thất bại. Trong Năm Thánh này, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi, đặc biệt là đối với các nhà lãnh đạo Kitô giáo, hãy làm hết sức mình trong các cuộc đàm phán để chấm dứt mọi cuộc xung đột đang diễn ra. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine đang đau khổ, hòa bình ở Palestine, ở Israel, Ly Băng, Myanmar, Sudan và Bắc Kivu.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em đến từ nước Ý và các nơi khác trên thế giới. Cha đặc biệt chào các tín hữu ở Valencia, Barcelona và Seville; các sinh viên của “Rodríguez Moñino” ở Badajoz, Tây Ban Nha, và các sinh viên trường “École de Provence” ở Marseille; nhóm giáo xứ đến từ Nanterre và từ Ba Lan, Croatia, Bulgaria và Ấn Độ. Cha chào các bạn trẻ trẻ Immacolata.

Cha chào các tín hữu Vighizzolo, Seregno và Cologno Monzese, UNITALSI của giáo phận Camerinio-San Severino Marche, các Hướng đạo sinh từ Nola, và các thành viên của phong trào Serra Club International. Cha chào các thừa tác viên của cộng đồng mục vụ “Regina degli Apostoli” của giáo phận Milan.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/2/2025]


@iubilaeum2025 - Tiếp kiến Năm Thánh, 01.02.2025

@iubilaeum2025 - Tiếp kiến Năm Thánh, 01.02.2025

@iubilaeum2025 - Tiếp kiến Năm Thánh, 01.02.2025

*******

Vào lúc 9h sáng nay (ND: 01/02/2025), buổi Tiếp kiến ​​Năm Thánh đã diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu.

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha tập trung vào chủ đề Hy vọng là quay lại: Maria Mađalêna (Bài đọc: Ga 20:14-16).

Sau đó, Đức Thánh Cha chào các tín hữu có mặt trong Khán phòng Phaolô VI và những người tham dự qua đường truyền kết nối từ Vương cung Thánh đường Vatican.

Buổi Tiếp kiến Năm Thánh kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa thánh.

_________________________________


Hy vọng là quay lại: Maria Mađalêna

Anh chị em thân mến!

Năm Thánh là một khởi đầu mới cho con người và cho Trái đất; đó là thời điểm phải suy nghĩ lại về mọi điều theo giấc mơ của Thiên Chúa. Và chúng ta biết rằng từ ngữ “hoán cải” chỉ về một sự thay đổi hướng đi. Cuối cùng, tất cả mọi sự có thể được nhìn theo một góc nhìn khác, và vì vậy các bước đi của chúng ta cũng hướng tới những mục tiêu mới. Đây là cách thức niềm hy vọng nảy sinh, hy vọng không bao giờ làm thất vọng. Kinh Thánh nói về điều này theo nhiều cách. Và đối với chúng ta cũng vậy, kinh nghiệm đức tin đã được thúc đẩy bởi các lần gặp gỡ với những người đã được biến đổi trong cuộc sống, và có thể nói là, đã bước vào giấc mơ của Thiên Chúa. Vì cho dù có nhiều sự dữ trên thế giới, chúng ta vẫn có thể phân biệt được ai là người khác biệt: sự vĩ đại của họ là điều thường trùng hợp với sự nhỏ bé đã chinh phục chúng ta.

Trong các sách Phúc âm, hình ảnh bà Maria Mađalêna nổi bật hơn tất cả những người khác về điểm này. Chúa Giêsu chữa lành bà bởi lòng thương xót (x. Lc 8:2), và bà đã thay đổi: thưa anh chị em, lòng thương xót làm thay đổi, lòng thương xót thay đổi tâm hồn, và đối với Maria Mađalêna, lòng thương xót đã đưa bà vào giấc mơ của Thiên Chúa và mang lại mục đích mới cho hành trình của bà.

Phúc âm theo Thánh Gioan kể về cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu Phục sinh theo cách khiến chúng ta phải suy nghĩ. Việc bà Maria quay lại được nhắc lại nhiều lần. Tác giả Tin mừng đã chọn từ ngữ rất hay! Trong nước mắt, bà Maria trước hết nhìn vào bên trong ngôi mộ, rồi bà quay lại: Đấng Phục sinh không ở phía sự chết, mà ở bên sự sống. Người ta có thể nhầm lẫn Chúa với một trong những người mà chúng ta gặp hằng ngày. Rồi, khi bà nghe thấy tên mình được gọi, Tin mừng kể rằng bà Maria lại quay lại. Và đây là cách mà niềm hy vọng của bà lớn lên: giờ đây bà nhìn thấy ngôi mộ, nhưng không còn giống như trước. Bà có thể lau khô những giọt nước mắt, vì bà đã nghe thấy tên của mình: chỉ có Thầy mới gọi tên bà theo cách đó. Thế giới cũ dường như vẫn còn đó, nhưng không còn như trước nữa. Khi chúng ta cảm nhận Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong lòng mình, và chúng ta cảm thấy rằng Chúa đang gọi tên chúng ta, chúng ta có biết cách phân biệt tiếng nói của Thầy không?

Anh chị em thân mến, chúng ta học được niềm hy vọng từ bà Maria Mađalêna, người mà truyền thống gọi là “tông đồ của các tông đồ”. Người ta bước vào thế giới mới bằng cách hoán cải nhiều hơn một lần. Hành trình của chúng ta là lời mời gọi liên tục thay đổi cách nhìn. Đấng Phục sinh đưa chúng ta vào thế giới của Người, từng bước một, với điều kiện là chúng ta không tuyên bố rằng mình đã biết mọi thứ rồi.

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: tôi có biết cách quay lại để nhìn mọi sự theo cách khác, với một cái nhìn khác không? Tôi có mong muốn hoán cải không?

Một cái tôi quá tự tin và quá kiêu ngạo ngăn cản chúng ta nhận ra Chúa Giêsu Phục sinh. Ngay cả khi chúng ta khóc lóc và tuyệt vọng, chúng ta vẫn quay lưng lại với Người. Thay vì nhìn vào bóng tối của quá khứ, vào sự trống rỗng của một ngôi mộ, chúng ta học cách hướng về sự sống từ bà Maria Mađalêna. Ở đó, Chúa đang chờ đợi chúng ta. Ở đó, tên của chúng ta được gọi lên. Vì trong cuộc sống thực, luôn có một nơi dành cho chúng ta, mọi lúc và mọi nơi. Có một nơi dành cho bạn, cho tôi, cho tất cả mọi người. Không ai có thể chiếm mất nó, bởi vì nó luôn dành cho chúng ta. Thật tệ, như người ta vẫn nói trong cách nói thông thường, thật tệ khi để lại một chỗ trống: “Nơi này dành cho tôi; nếu tôi không đi …”. Mọi người đều có thể nói: Tôi có một vị trí, tôi có một sứ mệnh! Anh chị em hãy suy nghĩ về điều này: vị trí của tôi là gì? Sứ mệnh mà Chúa trao cho chúng ta là gì? Mong rằng suy nghĩ này giúp chúng ta có một thái độ can đảm trong cuộc sống. Cảm ơn anh chị em.

__________________________________


Lời chào

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương hiện diện trong Khán phòng này và những anh chị em được kết nối từ Vương cung thánh đường Vatican. Hôm nay số anh chị em đó rất đông nhưng chúng ta phải tổ chức tại hai nơi, nhưng được kết nối.

Cha vui mừng chào đón các tín hữu của các giáo phận Capua và Caserta. Họ đã đến Rome, cùng với vị mục tử của họ là Đức Tổng giám mục Pietro Lagnese, cũng là để đáp lại chuyến thăm mà tôi rất vui được thực hiện tại Caserta vào ngày 26 tháng 7 năm 2014. Tôi xin chào cha sở Giovanni Traettino, một người bạn tốt; Tôi chào các anh em linh mục, những anh chị em tận hiến, những người làm công tác mục vụ, các gia đình và tất cả anh chị em, với một suy nghĩ đầy tôn trọng dành cho các nhà chức trách dân sự. Tôi xin nhắc lại lời cảm ơn về sự chào đón nồng nhiệt mà quý vị đã dành cho tôi trong dịp đó. Ước mong ký ức về sự kiện đó, đầy ý nghĩa về mặt hội thánh và tinh thần, khơi dậy trong mỗi người lòng hăng say đào sâu đời sống đức tin và luôn là chứng nhân hy vọng và là những người làm việc cho hòa bình.

Suy nghĩ của tôi lúc này hướng về cuộc hành hương của giáo phận Sulmona-Valva, với Đức cha Michele Fusco và các chủng sinh Bergamo. Anh chị em thân mến, cha động viên anh chị em ngày càng hiểu biết và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, nguồn mạch và động lực của niềm vui đích thực của chúng ta. Cha cũng chào các chủng sinh Bergamo và thúc giục họ luôn đặt Chúa Giêsu vào trung tâm cuộc sống của mình.

Cha chúc lành cho tất cả anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/2/2025]