Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ tại Baku, Azerbaijan

Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ tại Baku, Azerbaijan

Pope Francis celebrates Holy Mass at the Salesian centre in Baku, Azerbaijan, 2 Oct 2016.  - RV
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh Lễ tại trung tâm Sa-lê-diêng ở Baku, Azerbaijan, 2 tháng 10, 2016. - RV
02/10/2016 08:54
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh lễ hôm Chúa nhật tại Trung tâm Sa-lê-diêng ở Baku, sự kiện chính của chuyến viếng thăm kéo dài 10 giờ đồng hồ của ngài đến Azerbaijan.
Bài giảng của Đức Thánh Cha, trình bày trước cộng đoàn có mặt trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, tập trung vào tiếng gọi của Thiên Chúa cho những Ki-tô hữu sống trong đức tin và trong sự phục vụ.

Xin đọc bản dịch tiếng Anh chính thức bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico dưới đây:
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico
Thánh lễ, Baku, Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm
2 tháng 10, 2016
Lời Chúa trình bày cho chúng ta hôm nay với hai khía cạnh quan trọng của đời sống của người Ki-tô hữu: đức tin phục vụ. Về đức tin, có hai thỉnh cầu được trình tới Thiên Chúa.
Lời thỉnh cầu thứ nhất là của Tiên tri Kha-ba-cúc, ngài khẩn xin Thiên Chúa can thiệp để có thể tái thiết lại công bằng và hòa bình mà con người đã làm vỡ tan bằng bạo lực, những tranh chấp và bất đồng: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe?” (Kb 1:2), Tiên tri nài xin. Đáp lại, Thiên Chúa không can thiệp trực tiếp, không giải quyết tình hình theo cách đột ngột, không thể hiện mình ra bằng cách biểu dương sức mạnh. Hơn thế nữa, Người mời gọi kiên nhẫn chờ đợi, đừng bao giờ mất sự hy vọng; vượt trên tất cả, Người nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức tin,  vì chính nhờ đức tin mà con người được sống (Kb 2:4). Thiên Chúa cũng thực hiện như vậy với chúng ta: Người không nuông chiều lòng khát khao của chúng ta bằng sự thay đổi thế giới và con người ngay lập tức và liên tục. Thay vì vậy, ý định của Người chủ yếu chữa lành tâm hồn, tâm hồn của tôi, tâm hồn của bạn, và tâm hồn của mỗi người; Thiên Chúa thay đổi thế giới qua cách biến đổi tâm hồn của chúng ta, và Người không thể làm điều này mà không có chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta mở rộng cửa tâm hồn, để có thể đi vào cuộc đời của chúng ta. Hành động mở lòng ra trước Người, tín thác vào Người chính là “vinh quang chiến thắng thế gian, đó là lòng tin của chúng ta (1 Ga 5:4). Vì khi Thiên Chúa tìm thấy một tâm hồn rộng mở và tín thác thì Người có thể làm những điều kỳ diệu nơi đó.
Nhưng để có đức tin, một đức tin sống động, quả thật không dễ: và vì thế chúng ta phải chuyển qua lời thỉnh cầu thứ hai mà các Thánh Tông đồ trong Tin mừng đã mang đến trước Thiên Chúa : “Xin có đức tin lớn mạnh!” (Lc 17:6). Đây là một yêu cầu rất đẹp, một lời nguyện mà chính chúng ta mỗi ngày có thể dâng lên Thiên Chúa. Nhưng câu trả lời của Thiên Chúa rất đáng ngạc nhiên và ở đây lại chuyển lời thỉnh cầu đi quay lại chúng ta: “Nếu các con có đức tin ….” Chính Thiên Chúa đòi chúng ta có lòng tin. Vì đức tin luôn là một ân sủng của Thiên Chúa và luôn được đòi hỏi, phải được chính chúng ta nuôi dưỡng. Chẳng có một sức mạnh ảo thuật nào trực tiếp từ trời xuống, đây không phải là một “năng lực” được ban một lần và cho tất cả mọi người, cũng chẳng phải là một sức mạnh đặc biệt để giải quyết mọi khó khăn của đời sống. Một lòng tin thực dụng để thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta là một lòng tin ích kỷ, chỉ tập trung vào chúng ta. Lòng tin không được hiểu lẫn lộn với giàu có sung túc hay cảm giác tốt đẹp, với sự an ủi trong tâm hồn để ban cho chúng ta sự bình an nội tâm. Đức tin là một sợi dây bằng vàng thắt chặt chúng ta với Thiên Chúa, một niềm vui thanh khiết được ở với Người, kết hiệp với Người; đó là một hồng ân kéo dài suốt cuộc đời của chúng ta, nhưng chỉ trổ sinh hoa trái nếu chúng ta đóng góp phần việc của mình.
Vậy phần việc của mình là gì? Đức Giê-su giúp chúng ta hiểu rằng nó là sự phục vụ. Trong Tin mừng, tiếp theo ngay sau lời của Người về sức mạnh của đức tin, Chúa Giê-su nói đến sự phục vụ. Đức tin và sự phục vụ không thể tách rời nhau; ngược lại, chúng được kết nối mật thiết, đan xen lẫn nhau. Để có thể giải thích được điều này, cha xin lấy một hình ảnh rất quen thuộc với chúng ta, đó là một tấm thảm đẹp. Các tấm thảm của chúng ta là những tác phẩm nghệ thuật thực sự và có một di sản cổ xưa. Đời  sống Ki-tô hữu có trong mỗi người anh chị em, cũng đến từ rất xa xưa. Đó là một ân sủng chúng ta đón nhận trong Giáo hội và đến từ Thánh Tâm của Thiên Chúa Cha, Người muốn biến mỗi người chúng ta thành một kiệt tác của tạo hóa và của lịch sử. Mỗi tấm thảm, và anh chị em biết điều này rất rõ, phải được dệt nên tùy theo các sợi ngang và sợi dọc; chỉ bằng cấu trúc này thì tấm thảm mới được dệt hài hòa bền đẹp. Đời sống người Ki-tô hữu cũng vậy: mỗi ngày nó phải được dệt nên một cách kiên nhẫn, sợi dọc sợi ngang đan kết nhau thật khít khao: sợi ngang của đức tin sợi dọc của phục vụ. Khi đức tin được đan kết với phục vụ, tâm hồn duy trì sự rộng mở và luôn trẻ trung, và mở rộng theo hướng làm việc thiện. Vì thế, đức tin, như Chúa Giê-su nói với chúng ta trong Tin mừng, trở nên mạnh mẽ và hoàn thành được những việc kỳ diệu. Nếu đức tin đi theo con đường ngày, nó sẽ trưởng thành và phát triển trong sức mạnh, nhưng chỉ khi nó được kết hiệp với sự phục vụ.
Nhưng phục vụ là gì? Chúng ta có thể nghĩ rằng nó chỉ gồm việc trung tín với những bổn phận hay thực hiện một việc tốt nào đó. Với Chúa Giê-su nó còn phải hơn thế. Trong Tin mừng hôm nay, và bằng một cách nói rất chắc chắn và quyết liệt, Người yêu cầu chúng ta phải có tính hoàn toàn sẵn sàng, thoát ra khỏi mọi sự tính toán và chiếm hữu. Tại sao Ngài lại bắt buộc như vậy? Vì Ngài yêu chúng ta theo cách đó, biến Ngài thành người phục vụ cho chúng ta “đến muôn đời” (Ga 13:1), Ngài đến “để phục vụ và ban tặng sự sống” (Mc 10:45). Và điều này lại diễn ra mỗi lần chúng ta dâng Thánh Thể: Thiên Chúa đến giữa chúng ta, và nếu chúng ta có ý muốn phục vụ và yêu Ngài bao nhiêu, thì chính Ngài luôn là người đi trước chúng ta, phục vụ chúng ta và yêu thương chúng ta hơn những gì chúng ta có thể hình dung và xứng đáng. Người tặng ban chúng ta chính sự sống của Ngài. Người mời gọi chúng ta bắt chước Người, Người nói: “Nếu ai phục vụ tôi, thì phải theo tôi” (Ga 12:26).
Và vì thế, chúng ta không được kêu gọi phục vụ chỉ để nhận một phần thưởng, nhưng hơn thế nữa là để bắt chước Thiên Chúa, Người đã biến mình thành người phục vụ cho tình yêu của chúng ta. Chúng ta cũng không phải được kêu gọi để phục vụ lúc này hay lúc kia, nhưng là sống trong sự phục vụ. Vì vậy phục vụ trở nên một cách sống; thật thế nó tóm gọn lại toàn bộ cách sống của người Ki-tô hữu: phục vụ Thiên Chúa trong sự tôn kính và cầu nguyện; mở rộng tấm lòng và trở nên sẵn sàng; yêu anh em bằng những hành động cụ thể thiết thực; nhiệt tình hoạt động vì thiện ích chung.
Với những Ki-tô hữu cũng vậy, có những cám dỗ kéo chúng ta ra khỏi con đường phục vụ và dẫn đến kết quả một đời sống vô vị. Và cũng ở đây chúng ta có thể nhận ra hai hình thức. Một là để cho sự hờ hững của tâm hồn chúng ta lớn lên. Một tâm hồn hờ hững chỉ biết quan tâm đến bản thân trong một đời sống biếng nhác và nó dập tắt ngọn lửa yêu thương. Con người hờ hững sống chỉ để làm thỏa mãn điều lợi cho bản thân, mà điều này thì không bao giờ là đủ, và như vậy sẽ không bao giờ thấy thỏa mãn; dần dần một người Ki-tô hữu như vậy sẽ đi đến sự hài lòng với một cuộc sống tầm thường. Một con người hờ hững dành cho Thiên Chúa và những người khác một “phần trăm” thời gian của họ và của tâm hồn họ, không bao giờ dành ra quá nhiều, nhưng luôn luôn tìm cách chắt bóp. Và như vậy, người đó sẽ mất đi hương vị đam mê của cuộc đời: thích một tách trà ngon, mà loại này lại nếm không nổi khi nguội đi. Tuy nhiên, cha tin rằng khi anh chị em nhìn đến tấm gương của những người đi trước anh chị em trên con đường đức tin, anh chị em sẽ không để cho tâm hồn mình trở nên hờ hững. Toàn thể Giáo hội, thể hiện cho anh chị em lòng yêu mến đặc biệt, nhìn đến anh chị em và tạo cho anh chị em những động viên: anh chị em là một đoàn chiên nhỏ bé rất quý giá trước mắt Thiên Chúa.
Cám dỗ thứ hai, chúng ta thường không dễ rơi vào khi chúng ta thụ động, nhưng khi chúng ta “quá tích cực”: cám dỗ suy nghĩ như những ông chủ, chỉ cho đi bản thân để có thể đạt được điều gì đó hay trở nên một ai đó. Trong những trường hợp như vậy sự phục vụ trở nên một phương tiện chứ không phải một con đường, vì con đường này đã trở nên có uy thế; rồi sau đó là đến quyền lực, lòng mong muốn được trở nên vĩ đại. “Giữa anh em thì không được như vậy,” Chúa Giê-su nhắc nhở tất cả chúng ta, “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26). Đây là con đường để Giáo hội lớn lên và được tô điểm. Quay lại với hình ảnh của tấm thảm, và áp dụng nó vào cộng đoàn cao quý của anh chị em: mỗi người trong anh chị em giống như một sợi lụa đẹp đẽ. Tuy nhiên, chỉ khi nào anh chị em được đan kết với nhau, thì những sợi dây khác biệt mới tạo thành một bố cục đẹp mắt; tự bản thân riêng mỗi sợi lụa, chúng chẳng hữu dụng. Luôn luôn sống kết hiệp, sống khiêm nhường trong bác ái và niềm vui; Thiên Chúa, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt, sẽ bảo vệ anh chị em.
Nguyện xin chúng ta được trợ giúp qua sự cầu bầu của Mẹ Đồng trinh Vô nhiễm Nguyên tội và của các thánh, đặc biệt Thánh Teresa Calcutta, hoa trái của đức tin và sự phục vụ của Mẹ từ giữa nơi của anh chị em. Chúng ta hãy nhớ lại một vài lời cao quý của mẹ để tóm tắt lại thông điệp hôm nay: “Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là sự phục vụ. Hoa trái của sự phục vụ là hòa bình” (Một con đường đơn sơ, Giới thiệu)

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/10/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét