Tòa Thánh: Bảo vệ người dân khỏi những vụ tấn công khủng bố
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc - RV
14/02/2017 11:52
(Vatican Radio) Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Toàn Thánh, hôm thứ Hai nói “đây là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, phải bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng của họ khỏi sự tàn nhẫn và hung bạo của các nhóm khủng bố.”
Nhà ngoại giao Vatican trình bày trong buổi tranh luận về việc Bảo vệ Cơ sở Hạ tầng Quan trọng khỏi những vụ Tấn công Khủng bố.
“Mục tiêu chung này sẽ đạt được một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất qua sự quảng đại chia sẻ những thông tin quan trọng và những cách thực hành tốt nhất các tài nguyên và công nghệ giữa các chính phủ, đặc biệt với những chính phủ ít có khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và người dân khỏi những vụ tấn công khủng bố,” Đức Tổng Giám mục Auza nói.
Dưới đây là toàn văn bài tham luận của Đức Tổng Giám mục Auza
Tham luận của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp quốc
Phiên tranh luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về Bảo vệ Cơ sở Hạ tầng Quan trọng khỏi những vụ Tấn công Khủng bố
New York, 13 tháng Hai 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Những loạt tấn công khủng bố liên tục trong các thành phố và làng mạc tiếp tục nhắc chúng ta về sự đe dọa của các vụ tấn công khủng bố đối với cơ sở hạ tầng dân sự và đối với chính người dân. Làn sóng kinh hoàng này, nó xem người dân vô tội như những mục tiêu hợp pháp cho bạo lực hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự mà người dân phải lệ thuộc vào đó, phải bị chặn đứng bằng những hành động của một Cộng đồng Quốc tế thống nhất.
Những xung đột gần đây trong vùng Mesopotamia cổ xưa đã gây ra hậu quả tàn phá đối với những nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và văn hóa cổ xưa đã tồn tại trong vùng cả hàng thiên niên kỷ. Các phe phái trong cuộc xung đột này đã có chủ đích phá hủy những cấu trúc văn hóa và cội nguồn lịch sử của các cộng đồng này trong vùng bằng hành động phá hủy những khu vực di sản tôn giáo và văn hóa của họ. Sự tàn phá có chủ đích những cơ sở hạ tầng mang tính then chốt cho sự tồn tại của những cộng đồng này — chẳng hạn trường học, bệnh viện, nguồn cấp nước và những nơi thờ phụng — đã trở thành một sách lược nhằm tiêu diệt họ theo tập thể, gây tang thương và triệt tiêu họ bằng cách tấn công vào những cơ sở kiến trúc tạo cho họ một chút ít dấu hiệu của sự tồn tại theo cộng đồng.
Đây là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, phải bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng của họ khỏi sự tàn nhẫn và hung bạo của các nhóm khủng bố. Một phần của trách nhiệm này là phải tăng cường ý thức cộng đồng về thủ đoạn khủng bố và thúc giục các chính phủ duy trì sự bảo vệ và phục hồi những cơ sở hạ tầng quan trọng ở mức độ cao, cũng như những chuẩn bị chung trong trường hợp có tấn công, để tránh được càng nhiều càng tốt sự phá hủy những cơ sở quan trọng và thiệt hại mạng sống người dân.
Vì thế, những biện pháp hiệu quả và lâu dài hơn để bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng tránh khỏi những cuộc tấn công khủng bố phải đặt nền tảng trên những chính sách biết từ bỏ mục tiêu theo đuổi lợi nhuận vô hạn và thu hẹp những lợi ích địa chính trị, bất chấp cái giá là sự phá hủy những cơ sở hạ tầng quan trọng. Liên quan đến việc này, phái đoàn của tôi mong muốn lặp lại lời thỉnh cầu của Tòa Thánh đối với những quốc gia sản xuất vũ khí nghiêm túc hạn chế và kiểm soát việc sản xuất và buôn bán vũ khí, đạn dược và những công nghệ cho những quốc gia và các khu vực mất ổn định trên thế giới, nơi khả năng sử dụng bất hợp pháp hoặc rơi vào tay của những đối tượng không thuộc chính phủ là một mối nguy hiểm thực sự và hiện đang có.
Cộng đồng quốc tế cũng phải xử lý vai trò của tội phạm có tổ chức trong việc buôn bán hoặc trao đổi vũ khí có khả năng phá hủy những cơ sở hạ tầng quan trọng. Các chính phủ phải có trách nhiệm hợp tác trong lĩnh vực này trên mức độ quốc tế và khu vực qua việc chia sẻ thông tin và những cách thực hiện tốt nhất, những chính sách hợp tác và kiểm soát biên giới chung.
Thế giới phải hành động để ngăn ngừa những kẻ khủng bố không truy cập vào được nguồn hỗ trợ của những kẻ tài trợ khủng bố. Tính chất không biên giới của các nhóm khủng bố gieo rắc sự tàn phá những cơ sở hạ tầng quan trọng cần có cộng đồng quốc tế khống chế những công nghệ vi tính mà các nhóm khủng bố sử dụng để tuyển mộ thành viên mới, cấp tài chính cho các hoạt động của họ và bắt tay trong các vụ tấn công khủng bố.
Thưa ông Chủ tịch,
Đức Thánh Cha Phanxico đã có đôi lần nói đến thời đại của chúng ta như một thời đại của chiến tranh, cụ thể là, “một chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra ở từng vùng, một cuộc chiến hàng ngày chúng ta chứng kiến những tội ác man rợ, những cuộc thảm sát hung bạo và những sự phá hủy vô nghĩa,” (1) như những vụ phá hủy các cơ sở hạ tầng vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của toàn bộ các dân tộc.
Cộng đồng quốc tế phải đồng lòng như một để chấm dứt “cuộc chiến tranh từng vùng” này. Sự thống nhất này vô cùng quan trọng nếu Cộng đồng Quốc tế muốn đạt được mục tiêu chia sẻ chung về việc bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi những vụ tấn công khủng bố. Mục tiêu chung này sẽ đạt được một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất qua sự quảng đại chia sẻ những thông tin quan trọng và những cách thực hành tốt nhất những tài nguyên và công nghệ giữa các chính phủ, đặc biệt với những chính phủ ít có khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và người dân khỏi những vụ tấn công khủng bố
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.
(1) Đức Thánh Cha Phanxico. Chuyến viếng thăm Đài tưởng niệm Quân sự Redipuglia (Ý) nhân dịp kỷ niệm 100 năm nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất, 13 tháng Chín 2014. Đức Thánh Cha Phanxico, bài giảng Chúa Nhật Lễ Lòng Chúa Thương Xót, Roma, 2015.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/02/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét