Vatican công bố Sứ điệp Ngày Du lịch Thế giới
“Du lịch bền vững – một công cụ cho sự phát triển”
1 tháng Tám, 2017
Photo By ZENIT
Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp về Sứ điệp của Bộ Phát triển Con người Toàn diện nhân dịp Ngày Du lịch Thế giới, như thường lệ, kỷ niệm vào ngày 27 tháng Chín, năm nay với chủ đề: “Du Lịch Bền vững – Một Công Cụ Cho Sự Phát Triển.”
***
“Du Lịch Bền vững – Một Công Cụ Cho Sự Phát Triển.”
1. Nhân dịp Ngày Du Lịch Thế Giới thường niên, được kỷ niệm ngày 27 tháng Chín 2017, Giáo hội cùng hòa chung với xã hội dân sự chú ý đến hiện tượng này, với lòng tin vững rằng mọi hoạt động của con người phải tìm được vị trí trong trái tim của những người môn đệ của Đức Ki-tô [1].
Đây là lần đầu tiên, thông điệp này được công bố bởi Bộ Thúc Đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện như là một phần thuộc sứ mạng của mình.
Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã công bố năm 2017 là Năm Quốc tế Du lịch Bền vững cho sự Phát triển. Thật trùng hợp, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng đi theo cùng một nguồn cảm hứng qua cách chọn Du lịch Bền vững: một công cụ cho sự phát triển làm chủ đề cho năm nay.
2. Khi chúng ta nói đến du lịch là chúng ta đang nói về một hiện tượng có mức độ quan trọng rất cao, cả về con số người bao gồm trong đó (du khách và nhân viên) và cả về ích lợi nó có thể mang đến cho xã hội (kinh tế, văn hóa và xã hội), nhưng cũng mang đến những rủi ro và nguy hiểm mà nó có thể tạo ra trong nhiều lĩnh vực.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới, trong năm 2016 con số du khách quốc tế là khoảng 1,2 tỷ người. Trên toàn cầu, nó góp 10% GDP và 7% tổng xuất khẩu, và cứ 1 trong 11 việc làm là có liên quan đến du lịch. Vì thế nó chiếm một vị trí quan trọng trong các nền kinh tế của các chính phủ và trong các chính sách tập trung vào sự phát triển toàn diện và môi trường bền vững toàn cầu.
3. Du lịch có thể là một công cụ quan trọng cho sự phát triển và cuộc chiến chống lại nghèo đói. Tuy nhiên, theo giáo huấn xã hội của Giáo hội, sự phát triển thực sự “không thể chỉ hạn hẹp riêng trong việc phát triển kinh tế.” Thật vậy, “để phát triển đích thực, nó phải được bao gồm nhiều lĩnh vực”; nghĩa là, “nó phải thúc đẩy được sự phát triển của mỗi con người và của toàn thể nhân loại,” như lời của Thông điệp Populorum progressio (Phát triển các dân tộc) [2]. Trong vấn đề này, Đức Phao-lô VI nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy một “chủ nghĩa nhân văn con người trọn vẹn,” trong đó phải gồm cả những nhu cầu về vật chất và tinh thần cho sự phát triển trọn vẹn của mỗi con người trong phẩm giá [3]. Hai mươi năm sau, năm 1987, Liên Hợp quốc giới thiệu khái niệm phát triển bền vững như là một cách phát triển “phù hợp với nhu cầu của hiện tại mà không làm hao mòn khả năng của các thế hệ tương lai tìm được những nhu cầu của họ” [4]. Với Giáo hội, khái niệm về sự trọn vẹn, khi nói đến sự phát triển con người, cũng bao gồm trong tư tưởng của Liên Hợp quốc về tính bền vững, và ôm trọn lấy mọi khía cạnh của cuộc sống: xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, và tinh thần, biến chúng thành những yếu tố trong một sự tổng hợp đơn, đó là nhân vị.
UNWTO đã áp dụng những ý tưởng này để thúc đẩy du lịch bền vững [5]. Điều này có nghĩa là nó phải mang lấy trách nhiệm, không phải là tàn phá hay gây hại cho môi trường hoặc với bối cảnh văn hóa xã hội địa phương. Hơn nữa, nó phải hết sức tôn trọng người dân địa phương và di sản của họ, dựa trên quan điểm bảo vệ nhân phẩm và quyền lao động, đặc biệt đối với những người bị thua thiệt nhất và thấp kém nhất. Thời gian nghỉ hè không phải là một cái cớ cho tính vô trách nhiệm hay sự bóc lột: thật ra, nó phải là một thời gian hữu ích để mọi người có thể thêm giá trị vào trong đời sống riêng của họ và của người khác. Du lịch bền vững cũng là một công cụ phát triển cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn nếu nó trở thành một chiếc xe chuyên chở những cơ hội mới chứ không phải là nguồn mang đến những vấn đề.
Trong Nghị quyết 2017, Liên Hợp quốc công nhận “vai trò quan trọng của du lịch bền vững như là một công cụ tích cực giúp cho việc xóa bỏ nạn nghèo đói, bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng sống và việc trao quyền làm kinh tế vào tay phụ nữ và giới trẻ cũng như sự đóng góp của nó vào trong ba chiều kích của sự phát triển bền vững, đặc biệt trong những quốc gia đang phát triển” [6]. Bằng đường hướng này, ba chiều kích của tính bền vững được thúc đẩy: chiều kích môi trường sinh thái, nhắm mục tiêu duy trì những hệ sinh thái; chiều kích xã hội, phát triển hài hòa với cộng đồng địa phương, và chiều kích kinh tế, kích thích sự phát triển toàn diện. Trong bối cảnh của Chương trình Hành động 2030, Năm Quốc Tế này là một cơ hội để khuyến khích các chính phủ thông qua những chính sách phù hợp, ngành công nghiệp bám chặt lấy phương cách hoạt động tốt đẹp, và nâng cao ý thức giữa những khách hàng (khách du lịch) và người dân địa phương, làm nổi bật giá trị của quan điểm du lịch trọn vẹn đóng góp cho sự phát triển bền vững.
4. Ý thức rằng “trong mọi khả năng và hành động của mình, Giáo hội được kêu gọi phải thúc đẩy sự phát triển trọn vẹn của nhân phẩm dưới ánh sáng của Tin mừng” [7], chúng tôi là những người Ki-tô hữu muốn đưa ra sự đóng góp của mình để ngành du lịch có thể hỗ trợ cho sự phát triển của các dân tộc, đặc biệt những người thua thiệt nhất. Vì thế chúng tôi đưa ra những suy tư của mình. Chúng tôi nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ và là Cha của con người, và Người làm cho chúng ta trở thành anh em. Chúng ta phải đặt nhân vị vào trọng tâm của mọi việc; chúng ta phải chân nhận phẩm giá của mỗi con người và những mối quan hệ giữa mọi người; chúng ta phải chia sẻ nguyên lý của vận mệnh chung của gia đình nhân loại và cùng đích chung của của cải trần thế. Con người hành động không phải như một ông chủ, nhưng là một “người phục vụ đầy trách nhiệm” [8]. Khi nhìn nhận nhau như anh em, chúng ta sẽ hiểu được “nguyên tắc của tính nhưng không và luận lý của quà tặng” [9] và trách nhiệm đoàn kết, công bằng và bác ái chung của chúng ta [10].
Chúng tôi tự hỏi: có thể áp dụng những nguyên tắc này như thế nào cho sự phát triển của ngành du lịch? Đâu là những kết quả cho khách du lịch, cho các nhà kinh doanh, nhân viên, cho các nhà quản lý và các cộng đồng địa phương? Đó là một sự suy tư mở. Chúng tôi mời gọi tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực này phải nhận thức nghiêm túc và thúc đẩy những cách thức hoạt động nhắm mục tiêu đạt được điều này, cùng đồng hành khuyến khích những thái độ và những sự thay đổi về lối sống hướng đến một con đường mới về sự tương quan với nhau.
Giáo hội đang đưa ra những đóng góp riêng, khởi động những sáng kiến thực sự đặt ngành du lịch vào mục đích phục vụ cho sự phát triển toàn diện của con người. Đây là lý do tại sao chúng tôi nói về ngành du lịch với sự đụng chạm đến con người, dựa trên những dự án du lịch cộng đồng, hợp tác, đoàn kết, và tôn trọng di sản nghệ thuật vĩ đại vì đó là một con đường đích thực của cái đẹp [11].
Trong diễn văn tại Liên Hợp quốc, Đức Giáo hoàng Phanxico trình bày rằng: “Ngôi nhà chung của tất cả mọi người phải tiếp tục phát triển trên các nền tảng của những hiểu biết đúng đắn về tình huynh đệ chung và tôn trọng tính thiêng liêng của sự sống mỗi con người, của mỗi người đàn ông và người phụ nữ […]. Ngôi nhà chung này của tất cả mọi người cũng phải được xây dựng trên sự hiểu biết về tính thiêng liêng của thiên nhiên được tạo dựng” [12]. Cầu xin cho tất cả chúng ta biết sống theo cam kết của mình dưới ánh sáng của những lời trình bày và những dự định này!
Thành Vatican, 29 tháng Sáu 2017
Hồng y Phê-rô Kodwo Appiah Turkson
Tổng trưởng,
________________________________________
[1] Council II, Pastoral Constitution Gaudium et spes, 7 December 1965, no. 1.
[2] Pope Paul VI, Encyclical Populorum progressio, 26 March 1967, no. 14.
[3] Pope Paul VI, Encyclical Populorum progressio, 26 March 1967, no. 42.
[4] World Commission On Environment and Development, Our Common Future (also known as the Brundtland Report), August 1987. This Commission was created by the UN General Assembly in 1983.
[5] World Tourism Organisation, The Hague Declaration on Tourism, 10-14 April 1989, Principle III.
[6] United Nations Organization, Resolution A/RES/70/193 approved by the General Assembly on 22 December 2015.
[7] Pope Francis, Apostolic Letter Humanam progressionem in the form of a ‘Motu Proprio’, with which the Dicastery for Promoting Integral Human Development was established, 17 August 2016.
[8] Pope Francis, Encyclical Laudato si’, 24 May 2015, no. 116.
[9] Pope Benedict XVI, Encyclical Caritas in veritate, 29 June 2009, no. 36.
[10] Pope Paul VI, Encyclical Populorum progressio, 26 March 1967, no. 44.
[11] Pope Francis, Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 24 November 2013, no. 167.
[12] Pope Francis, Address to the members of the General Assembly of the United Nations Organization, 25 September 2015.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/08/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét