Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Huấn từ Kinh Truyền tin: Công cuộc truyền giáo của Giáo hội

Huấn từ Kinh Truyền tin: Công cuộc truyền giáo của Giáo hội
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền tin: Công cuộc truyền giáo của Giáo hội

‘Đó không phải là sáng kiến của cá nhân hay các nhóm người, và cũng chẳng phải là của các khối liên kết lớn, nhưng đó chính là sứ mạng của Giáo hội, kết hiệp không thể tách rời với Thiên Chúa’

15 tháng Bảy, 2018 16:40
THÀNH VATICAN, 15 tháng Bảy, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay (x. Mc 6:7-13) kể lại thời điểm Chúa Giê-su sai nhóm Mười Hai đi rao giảng. Sau khi gọi tên từng người trong nhóm, “để ở với Người” (Mc 3:14), lắng nghe Lời Người và quan sát việc chữa lành của Người, bây giờ Người gọi các ông lại và “sai đi từng hai người một” (6:7), đến những làng mạc nơi Người sẽ đến. Nó giống như một cách “tập tành học việc” đối với những điều các ông được kêu gọi sẽ làm sau này, sau khi Chúa Phục Sinh, với quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Trích đoạn Tin mừng dừng lại ở phong cách thừa sai, mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm: thừa sai có một trung tâm, thừa sai có một khuôn mặt.

Trước hết người tông đồ thừa sai có một trung tâm để tham chiếu, đó chính là con người của Chúa Giê-su. Trích đoạn mô tả bằng cách sử dụng một loạt các động từ lấy Người làm chủ ngữ – “Người gọi nhóm Mười Hai lại,” “Người bắt đầu sai đi từng hai người một,” “Người ban cho các ông quyền,” “Người chỉ thị cho các ông,” “Người nói với các ông” (cc. 7.8.10) – để cho thấy rằng sự ra đi và công việc của Nhóm Mười Hai chiếu tỏa từ một trung tâm, một lần nữa lại trình bày sự hiện diện và công cuộc của Chúa Giê-su qua hoạt động rao giảng của các ông. Điều này giải thích tại sao các Tông đồ chẳng mang theo một thứ gì làm của riêng cho mình, hay chẳng có khả năng riêng nào để thể hiện, nhưng các ông nói và hành động đúng theo cách “được sai đi,” theo cách là những sứ giả của Chúa Giê-su.

Trang Tin mừng này cũng áp dụng cho chúng ta, và không chỉ dành cho các linh mục nhưng cho tất cả những người được rửa tội, được kêu gọi để làm chứng nhân cho Tin mừng của Đức Ki-tô trong những môi trường khác nhau của cuộc sống. Và đối với chúng ta cũng vậy, sứ mạng chỉ trở nên đích thực nếu nó bắt đầu từ trung tâm bất biến của nó, đó chính là Chúa Giê-su. Đó không phải là sáng kiến của cá nhân hay các nhóm người, và cũng chẳng phải là của các khối liên kết lớn, nhưng đó chính là sứ mạng của Giáo hội, kết hiệp không thể tách rời với Thiên Chúa. Không người Ki-tô hữu nào “tự mình” đi rao giảng Tin mừng, nhưng chỉ được sai đi bởi Giáo hội, và Giáo hội đã nhận mệnh lệnh từ chính Đức Ki-tô. Quả thật, chính Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở nên những nhà thừa sai. Một người Ki-tô hữu không cảm thấy sự cần thiết phải rao giảng Phúc âm, rao giảng Đức Giê-su, thì không phải là một người Ki-tô hữu đúng nghĩa.

Đặc tính thứ hai của phong cách thừa sai, theo một cách nói đó là một khuôn mặt, đó là sự nghèo túng về của cải. Trang bị của người đi rao giảng phải theo tiêu chuẩn của sự tiết độ. Quả thật, Nhóm Mười Hai được trao chỉ thị “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng” (c. 8). Chúa muốn các ông được tự do và nhẹ nhàng, không trang bị và cũng không có đặc ân, chỉ bám chắc vào tình yêu của Người là Đấng đã sai họ, Lời Người là sức mạnh của họ khiến họ ra đi rao giảng. Cây gậy và đôi dép là những trang bị của người lữ khách vì các sứ giả của Nước Trời cũng như vậy, không phải là những ông giám đốc với quyền hành tuyệt đối; không phải những công chức ngồi yên vị; không phải là những ca sĩ đi lưu diễn. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến Giáo phận này mà cha làm Giám mục. Chúng ta hãy nghĩ đến một số thánh nhân của Giáo phận Roma này: Thánh Philip Neri, Thánh Benedict Joseph Labre, Thánh Alessio, Thánh Ludovica Albertini, Thánh Frances Roma, Thánh Gaspare Del Bufalo và nhiều vị thánh khác. Các ngài không phải là những công chức hay các giám đốc, nhưng là những người lao công khiêm nhường của Nước Trời. Các ngài mang lấy khuôn mặt này. Và những ai đón nhận thông điệp này cũng phải mang lấy “khuôn mặt” này; vì quả thật người ta có thể không đón nhận hoặc lắng nghe thông điệp (x. c. 11). Đó là sự nghèo khó; kinh nghiệm của sự thất bại. Kinh nghiệm của Chúa Giê-su, Đấng bị từ chối và bị đóng đinh, báo trước số phận của người sứ giả của Ngài. Và chỉ khi chúng ta được kết hiệp với Người, trong cái chết và sự sống lại, thì chúng ta mới thành công trong việc tìm được lòng can đảm để rao giảng phúc âm.

Xin Mẹ Maria Đồng Trinh, người tông đồ và người rao giảng Lời Chúa đầu tiên, giúp chúng ta mang thông điệp của Tin mừng đến cho thế giới, trong niềm hân hoan khiêm nhường và lan tỏa, vượt qua được sự từ bỏ, sự bất minh hoặc khổ não.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương của nước Ý và nhiều nơi trên thế giới: các gia đình, các nhóm giáo xứ, và các Hội đoàn.

Đặc biệt, cha xin chào các Nữ tu Dòng Máu Cực Thánh Chúa Monza, các tập sinh của Dòng Nữ tử Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Người Ki-tô Hữu từ nhiều quốc gia, và các bạn trẻ Ba lan thuộc Giáo phận Pelplin (Ba lan), tham dự một khóa Linh Thao tại Assisi.

Cha chúc anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/7/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét