Pope Francis AndBuddhist Supreme Patriarch Of Thailand, Ariyavongsagatanana IX - Vatican Media
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những đặc điểm tạo nên một ‘Dân tộc của những nụ cười’
Khen ngợi con đường tin tưởng lẫn nhau và tình huynh đệ
21 tháng Mười Một, 2019 16:13
Ngày 21 tháng Mười Một, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi Phật giáo vì đã xây dựng cho người dân Thái Lan lòng tôn kính sự sống và tạo dựng con đường tin tưởng lẫn nhau và tình huynh đệ giữa các tôn giáo.
Lời phát biểu của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ với Đức Tăng thống Phật giáo Ariyavongsagatanana IX tại Chùa Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram ở Bangkok.
Deborah Castellano Lubov, phóng viên Vatican của ZENIT, tường thuật trên chuyên cơ giáo hoàng
Zenit English
@zenitenglish
VIDEO INSIDE: #PopeinThailand Makes Visit to the #Supreme #Buddhist Patriarch at Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram Temple @popevisit_th #PopeVisitThailand #PopeinJapan #PopeVisitThailand2019
(Press Pool Photo)
Đức Thánh Cha nói, “Đa phần người Thái được uống no thỏa từ các nguồn mạch của Phật giáo, những nguồn mạch thấm nhuần vào lòng tôn kính sự sống và tổ tiên của họ, và dẫn đến một đời sống đúng mực đặt nền tảng trên sự chiêm niệm, khách quan, siêng năm và kỷ luật. Những đặc điểm này nuôi dưỡng nét riêng biệt của các bạn là một 'dân tộc của những nụ cười' … kể từ khi Ki-tô giáo đến Thái Lan cách đây khoảng bốn thế kỷ rưỡi, người Công giáo đã được hưởng sự tự do trong việc thực hành đạo, mặc dù họ là thiểu số, và trong nhiều năm đã sống hòa hợp với anh chị em Phật tử của họ.”
Đức Thánh Cha kết luận bằng một cam kết cá nhân tiếp tục đối thoại để thúc đẩy hòa bình và hạnh phúc cho người dân Thái.
Dưới đây là toàn văn bài nói của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh).
******
Thưa Đại Đức,
Tôi xin cảm ơn người về những lời chào đón rất chân tình của người. Khi bắt đầu chuyến thăm của tôi đến đất nước này, tôi rất vui được đến Chùa Hoàng gia này, một biểu tượng của các giá trị và giáo huấn đặc trưng cho dân tộc yêu dấu này. Đa phần người Thái được uống no thỏa từ các nguồn mạch của Phật giáo, những nguồn mạch thấm nhuần vào lòng tôn kính sự sống và tổ tiên của họ, và dẫn đến một đời sống đúng mực đặt nền tảng trên sự chiêm niệm, khách quan, siêng năm và kỷ luật (cf. Ecclesia in Asia, 6). Những đặc điểm này nuôi dưỡng nét riêng biệt của các bạn là một “dân tộc của những nụ cười”.
Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra như một phần trong hành trình của lòng quý trọng và sự công nhận lẫn nhau bắt đầu từ những bậc tiền nhân. Tôi muốn chuyến thăm này là sự tiếp nối bước chân của các ngài, để tăng thêm sự tôn trọng và tình bạn giữa các cộng đồng của chúng ta. Gần năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Đức Tăng Thống thứ mười bảy, Somdej Phra Wanarat (Pun Punnasiri), cùng với một nhóm chư tăng cao quý, đã viếng thăm Đức Giáo hoàng Phaolo VI ở Vatican. Việc này thể hiện một bước ngoặt rất có ý nghĩa trong việc phát triển đối thoại giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta, và sau đó cho phép Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II viếng thăm thăm Chùa này cùng với Đức Tăng Thống, Đức Somdej Phra Ariyavongsagatanana (Vasana Vasano).
Bản thân tôi gần đây đã có vinh dự được chào đón một phái đoàn các nhà sư từ Chùa Wat Pho, các vị đã tặng cho tôi một bản dịch của văn bản Phật pháp cổ bằng ngôn ngữ Pali được lưu giữ trong Thư viện Vatican. Đây là những bước đi nhỏ giúp chứng thực rằng văn hóa gặp gỡ là có thể, không chỉ trong cộng đồng của chúng ta mà còn trong thế giới của chúng ta thường có xu hướng dễ tạo ra và lan truyền sự xung đột và loại trừ. Khi chúng ta có cơ hội đánh giá cao và quý trọng nhau bỏ qua những khác biệt (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 250), là chúng ta đưa ra một lời hy vọng cho thế giới để có thể động viên và hỗ trợ những người ngày càng gánh chịu thêm những hậu quả tai hại của xung đột. Những dịp như thế này nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng rất lớn của các tôn giáo để trở thành những ngọn đèn tín hiệu của hy vọng, như là những người thúc đẩy và bảo vệ cho tình huynh đệ.
Về vấn đề này, tôi rất biết ơn người dân miền đất ở đây, bởi vì, từ khi Kitô giáo đến Thái Lan cách đây khoảng bốn thế kỷ rưỡi, người Công giáo đã được hưởng sự tự do trong việc thực hành đạo, mặc dù họ là thiểu số, và trong nhiều năm đã sống hòa hợp với anh chị em Phật tử của họ
Trên hành trình tin tưởng lẫn nhau và tình huynh đệ này, tôi xin được lặp lại cam kết của cá nhân tôi và của toàn Giáo hội, để tiếp tục một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng nhằm phục vụ hòa bình và hạnh phúc của dân tộc này. Nhờ những trao đổi về học thuật, dẫn đến sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn, cũng như thực hiện việc suy ngẫm, lòng thương xót và sự phân định – đặc điểm chung của hai truyền thống của chúng ta – chúng ta có thể phát triển và sống với nhau như “những người hàng xóm” tốt lành. Cũng vậy, chúng ta sẽ có thể thúc đẩy các tín đồ của chúng ta phát triển các dự án bác ái mới, có khả năng tạo ra và nhân rộng các sáng kiến thiết thực trên con đường của tình huynh đệ, đặc biệt là đối với người nghèo và ngôi nhà chung đã bị lạm dụng quá mức của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ góp phần hình thành một nền văn hóa thương xót, huynh đệ và gặp gỡ, tại đây và ở những nơi khác trên thế giới (x. nt.). Thưa Đại đức, tôi chắc chắn rằng hành trình này sẽ tiếp tục sinh hoa kết trái dồi dào.
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Đại đức về buổi gặp gỡ này. Tôi cầu nguyện rằng người được ban mọi phúc lành thiêng liêng cho sức khỏe và hạnh phúc của người, và cho trách nhiệm cao cả của người trong việc dẫn dắt các tín đồ Phật giáo trên con đường hòa bình và hòa hợp.
Xin cảm ơn người!
© Libreria Editrice Vatican
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/11/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét