Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Đức Thánh Cha nói về khí hậu: 'Vẫn còn một cánh cửa hy vọng, nhưng chúng ta không được cho phép nó khép lại'

Đức Thánh Cha nói về khí hậu: 'Vẫn còn một cánh cửa hy vọng, nhưng chúng ta không được cho phép nó khép lại'
Climate Pilgrims And Catholic Delegates At COP24. Photo By Rosie Heaton

Đức Thánh Cha nói về khí hậu: 'Vẫn còn một cánh cửa hy vọng, nhưng chúng ta không được cho phép nó khép lại'

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Liên Hợp quốc về Khí hậu ở Madrid

04 tháng Mười Hai, 2019 14:04

‘Vẫn còn một cánh cửa hy vọng, nhưng chúng ta không được cho phép nó khép lại …’

Đức Thánh Cha Phanxico đã nêu lên vấn đề này, khi nói về sự biến đổi khí hậu và chăm sóc Tạo vật, trong một sứ điệp ngài gửi tới bà Carolina Schmidt, Bộ trưởng Bộ Môi trường Chile và là Chủ tịch của Cop 25, và những tham dự viên Hội nghị Liên Hợp Quốc về Khí hậu.

Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, đọc diễn từ tại phiên khai mạc hội nghị diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, từ 2-13 tháng Mười Hai, 2019.

Trong diễn từ, Đức Thánh Cha kêu gọi biến lời nói thành hành động, ngài than phiền rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Với lời kêu gọi bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, ngài thúc giục: “Chúng ta không được đặt các gánh nặng lên các thế hệ tiếp nối với những vấn đề do những người trước gây ra.”

“Thay vì vậy, chúng ta nên cho họ cơ hội để nhớ đến thế hệ chúng ta là thế hệ đã đổi mới và hành động cho nhu cầu căn bản để hợp tác nhằm giữ gìn và nuôi dưỡng ngôi nhà chung của chúng ta – với nhận thức trung thực, có trách nhiệm và can đảm,” rồi ngài cầu nguyện: “Ước mong rằng chúng ta có thể cung cấp cho thế hệ tiếp nối những lý do cụ thể để hy vọng và làm việc cho một tương lai tốt đẹp và đầy phẩm giá!”

Đức Thánh Cha kết luận, với hy vọng “rằng tinh thần này sẽ thúc đẩy công việc của COP25, tôi xin chúc hội nghị thành công.”

Dưới đây là văn bản của thông điệp do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh).

***

Kính gửi Bà Carolina Schmidt,

Bộ trưởng Môi trường Chile,

Chủ tịch COP25, Phiên họp thứ hai mươi lăm của Hội nghị các quốc gia thành viên

Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu

(Madrid, 2-13 tháng Mười Hai 2019)

Ngày 12 tháng Mười Hai năm 2015, COP 21 đã thông qua Thỏa thuận Paris, việc thực hiện trong đó “sẽ đòi hỏi sự cam kết phối hợp và cống hiến quảng đại của mỗi người”.[1]

Nó nhanh chóng có hiệu lực, trong vòng chưa đầy một năm, và nhiều cuộc họp và tranh luận nhằm phản ánh một trong những thách thức chính cho nhân loại, [2] thách thức về biến đổi khí hậu, và thách thức tìm ra những cách tốt nhất để thực hiện Thỏa thuận Paris, cho thấy nhận thức ngày càng tăng cao của các nhân tố khác nhau trong cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng và sự cần thiết phải “cùng hợp sức trong việc xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta”.[3]

Thật đáng buồn, sau bốn năm, chúng ta phải thừa nhận rằng nhận thức này còn khá khiêm tốn, không thể trả lời tương xứng cho ý thức mạnh mẽ về tính cấp bách cần phải có hành động nhanh chóng bởi đòi hỏi của dữ liệu khoa học mà chúng ta ta có sẵn, chẳng hạn như những dữ liệu được đưa ra bởi các Báo cáo Đặc biệt gần đây của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). [4] Những nghiên cứu này cho thấy cam kết hiện nay của các Chính phủ nhằm giảm thiểu và thích ứng với sự biến đổi khí hậu còn khoảng cách rất xa so với những điều cần làm thật sự để đạt được các mục tiêu mà Thỏa thuận Paris đặt ra.

Chúng chứng minh rằng từ lời nói đến hành động cụ thể là khoảng cách xa như thế nào!

Hiện tại, ngày càng có nhiều sự đồng thuận về tính cần thiết phải thúc đẩy những tiến trình chuyển đổi cũng như thay đổi mô hình phát triển của chúng ta, để thúc đẩy tình đoàn kết và củng cố mối liên kết chắc chắn giữa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và sự nghèo đói. Điều này được thể hiện rõ hơn bởi nhiều sáng kiến đã được áp dụng hoặc đang tiến hành, không chỉ bởi các Chính phủ mà còn bởi những cộng đồng địa phương, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng của các tiến trình như vậy có thể tuân thủ được dòng thời gian theo yêu cầu của khoa học hay không, cũng như việc phân phối chi phí theo yêu cầu của các tiến trình này.

Từ quan điểm này, chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi liệu có ý chí chính trị để phân bổ những nguồn lực về con người, tài chính và công nghệ với sự trung thực, trách nhiệm và lòng can đảm để giảm thiểu những tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu, cũng như giúp cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất vì họ là những người gánh chịu đau khổ nhiều nhất từ chúng.[5]

Nhiều nghiên cứu cho chúng ta biết rằng vẫn có khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Để làm được điều này, chúng ta cần có một ý chí chính trị rõ ràng, mạnh mẽ và có tầm nhìn xa, bắt đầu từ một tiến trình mới nhằm tái tập trung đầu tư tài chính và kinh tế vào những khu vực thật sự bảo đảm được các điều kiện của một cuộc sống xứng đáng cho con người trên một hành tinh “khỏe mạnh” cho hôm nay và ngày mai.

Tất cả những điều này kêu gọi chúng ta phản ánh một cách chân thực về tầm quan trọng của các mô hình sản xuất và tiêu dùng của chúng ta và về các tiến trình giáo dục và nhận thức để làm cho chúng phù hợp với phẩm giá con người.

Chúng ta đang phải đối mặt với một “thách đố của nền văn minh” vì ích chung và thay đổi quan điểm để đặt phẩm giá vào trung tâm của hành động của chúng ta, điều này được thể hiện rõ trên “khuôn mặt con người” của tình trạng khẩn cấp của khí hậu. Vẫn còn một cánh cửa hy vọng, nhưng chúng ta không được cho phép nó khép lại. Chúng ta cần tận dụng dịp này thông qua những hành động có trách nhiệm của mình trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, xã hội và giáo dục, với ý thức rõ ràng rằng những hành động của chúng ta có tính tương thuộc như thế nào.

Giới trẻ ngày nay cho thấy sự nhạy cảm rất lớn đối với các vấn đề phức tạp nảy sinh từ “tình trạng khẩn cấp” này. Chúng ta không được đặt các gánh nặng lên các thế hệ tiếp nối với những vấn đề do những người trước gây ra. Thay vì vậy, chúng ta nên cho họ cơ hội để nhớ đến thế hệ chúng ta là thế hệ đã đổi mới và hành động cho nhu cầu căn bản để hợp tác nhằm giữ gìn và nuôi dưỡng ngôi nhà chung của chúng ta – với nhận thức trung thực, có trách nhiệm và can đảm. Ước mong rằng chúng ta có thể cung cấp cho thế hệ tiếp nối những lý do cụ thể để hy vọng và làm việc cho một tương lai tốt đẹp và đầy phẩm giá! Tôi hy vọng rằng tinh thần này sẽ thúc đẩy công việc của COP25, tôi xin chúc hội nghị thành công.

Thưa Bà Chủ tịch, xin nhận nơi tôi những lời chào nồng ấm và thân ái nhất.

Viết từ Vatican, 1 tháng Mười Hai 2019

PHANXICO

_____________________

[1] Những lời trích trong huấn từ Kinh Truyền tin, 13 tháng Mười Hai năm 2015.

[2] Tông huấn Laudato si’, n. 25.

[3] Tông huấn Laudato si’, n. 13. Thông điệp gửi COP 23, Marrakesh, 10 tháng Mười Một năm 2016.

[4] Cfr. IPCC: Summary for Policymakers of the Special Report on the impacts of global warming of 1.5°C above pre-industrial levels and related global greenhouse gas emission pathways, in the context of strengthening the global response to the threat of climate change, sustainable development, and efforts to eradicate poverty, 6 October 2018. IPCC: Summary for Policymakers of the Special Report on Climate Change, Desertification, Land Degradation, Sustainable Land Management, Food Security, and Greenhouse Gas Fluxes in Terrestrial Ecosystems, 7 August 2019; IPCC: Summary for Policymakers of the Special Report on The Ocean and Cryosphere in a Changing Climate, 24 September 2019.

[5] Cfr. Pope Francis, Video Message to the Climate Actions Summit, New York, 23 September 2019.

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/12/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét