Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

Toàn văn Tiếp Kiến chung: Đức Thánh Cha tập trung vào đoạn kết hành trình của Thánh Phaolo

Toàn văn Tiếp Kiến chung: Đức Thánh Cha tập trung vào đoạn kết hành trình của Thánh Phaolo
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến chung: Đức Thánh Cha tập trung vào đoạn kết hành trình của Thánh Phaolo

‘Phaolo tiếp nhận tất cả những ai đến với ông, rao giảng Nước Thiên Chúa … một cách mạnh dạn và không gặp ngăn trở nào’

15 tháng Một, 2020 15:24

Buổi Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 15 tháng Một năm 2020 được tổ chức trong Khán phòng Phaolo VI, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và người hành hương đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Phaolo tiếp nhận tất cả những ai đến với ông, rao giảng nước Thiên Chúa … một cách mạnh dạn và không gặp ngăn trở nào” (Cv 28:30-31); sự tù đày của Phaolo và hoa trái của việc rao giảng phúc âm (Trình thuật Kinh thánh: trích Tông đồ Công vụ 28:16.30-31).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta kết thúc bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ với chặng đường truyền giáo cuối cùng của Phaolo, tức là Roma (x. Cv 28:14).

Hành trình của Thánh Phaolo, là hành trình của Tin mừng, là bằng chứng cho thấy rằng những đường đi của con người, nếu được sống trong đức tin, có thể trở thành những khu vực chuyển giao ơn cứu độ của Thiên Chúa, thông qua Lời của đức tin, đó là một chất men tích cực trong lịch sử, có thể thay đổi những hoàn cảnh và mở ra những con đường luôn mới. Trình thuật Tông đồ Công vụ kết thúc với việc Phaolo đến trung tâm của Đế quốc, nó không khép lại với sự tử đạo của Phaolo, nhưng với sự gieo rắc dồi dào Lời Chúa. Trình thuật của Lu-ca xoay quanh hành trình của Tin mừng trên thế giới, chứa đựng và tóm tắt tất cả dòng chảy của Lời Chúa, Lời không thể ngăn cản và muốn tuôn chảy để truyền đạt ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.

Tại Roma, trước hết Phaolo gặp gỡ tất cả anh em trong Đức Ki-tô của ngài, họ đã đón ngài và được truyền thêm lòng can đảm nơi ngài (x. Cv 28:15), và lòng hiếu khách của họ khiến chúng ta nghĩ rằng việc Phaolo đến đó đã được chờ đợi và mong mỏi biết dường nào. Rồi ngài được phép ở lại dưới sự canh gác của quân đội, tức là một người lính canh gác ngài. Ngài ở trong nhà giam. Cho dù trong tình trạng là một tù nhân, Phaolo vẫn có thể gặp gỡ các người lãnh đạo Do thái để giải thích lý do tại sao ngài buộc phải kháng cáo lên Xê-da và để nói với họ về Nước Thiên Chúa. Ngài tìm cách thuyết phục họ về Chúa Giê-su, bắt đầu từ các Sách Thánh và cho thấy sự liên tục giữa tính mới mẻ của Đức Ki-tô và “niềm hy vọng của Israel” (Cv 28:20). Phaolo cho thấy ngài biết sâu sắc về người Do thái và ngài nhìn thấy trong Tin mừng ngài rao giảng, tức là trong việc loan báo về Đức Ki-tô đã chết và đã sống lại, sự kiện toàn lời hứa cho Dân Được Chọn.

Sau lần họp không chính thức đầu tiên, cho thấy người Do thái sắp xếp rất kỹ lưỡng, một cuộc họp chính thức hơn diễn ra sau đó, mà trong suốt một ngày Phaolo làm chứng về Nước Thiên Chúa và cố gắng mở lòng những người đối thoại cho niềm tin vào Đức Ki-tô, bắt đầu “từ Luật Mô-sê và các Ngôn sứ” (Cv 28:23). Vì không phải tất cả mọi người đều chịu thuyết phục, ngài than phiền về sự cứng lòng của Dân Chúa, sự kết án của họ (x. Is 6:9-10), và mừng vui vì ơn cứu độ của các dân tộc, vì họ cho biết nhạy cảm trước Thiên Chúa và khả năng lắng nghe Lời của Tin mừng ban tặng sự sống (x. Cv 28:28).

Khi tường thuật đến đây, Lu-ca không kết thúc tác phẩm của mình bằng việc cho thấy cái chết của Phaolo nhưng là động lực rao giảng của ngài, của một Lời “không bị xiềng xích” (2 Tm 2:9) – Phaolo không được tự do để đi lại nhưng ngài có tự do để nói vì Lời không bị xiềng xích — đó là Lời sẵn sàng để được gieo trồng bởi đôi bàn tay của Thánh Tông đồ. Phaolo thực hiện “một cách mạnh dạn và không gặp ngăn trở nào” (Cv 28:31), trong một ngôi nhà nơi ngài gặp gỡ tất cả những ai muốn đón nhận sự loan báo về Nước Thiên Chúa và muốn biết Đức Ki-tô. Ngôi nhà này, mở cửa ra cho các tâm hồn đang đi tìm kiếm, là hình ảnh của Giáo hội, cho dù bị bắt bớ, bị hiểu lầm và bị xiềng xích, không bao giờ mệt mỏi tiếp nhận mọi người nam và nữ bằng một tâm hồn của người mẹ hiền, để làm chứng cho họ tình yêu của Chúa Cha là Đấng tỏ lộ hữu hình qua Chúa Giê-su.

Anh chị em thân mến, ở cuối hành trình đã trải qua theo dòng chảy của Tin mừng trên thế giới, nguyện xin Thần Khí làm hồi sinh trong mỗi chúng ta tiếng gọi trở thành những người rao giảng phúc âm can đảm và hân hoan. Xin Người cũng làm cho chúng ta có khả năng làm ngập tràn căn nhà của chúng ta với Tin mừng như Thánh Phaolo, và biến chúng trở thành những nơi của tình huynh đệ, nơi Đức Ki-tô hằng sống được đón tiếp, Đấng “đến để gặp gỡ chúng ta trong mọi con người và mọi thời gian” (x. Kinh Tiền tụng Mùa Vọng).

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Tiếng Ý

Xin gửi lời chào mừng nồng ấm đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Đặc biệt, cha xin chào các chị Nữ tu Phan sinh Alcantarine — các chị Nữ tu đang huyên náo! — các chị đang tổ chức Tổng công hội, và cha động viên các chị hãy dùng đặc sủng của mình để phục vụ Giáo hội ngày càng mạnh mẽ hơn. Và cha chào Nhóm Cầu nguyện của Thánh Padre Pio thuộc Pariana, San Carlo Terme và Antona; các tham dự viên trong cuộc họp do BMW Ý tổ chức; Hiệp hội Nhãn khoa và Kim Association.

Cuối cùng, cha chào các bạn trẻ, anh chị em cao tuổi, các bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Hãy mở lòng ra trước những nhu cầu của Giáo hội, và noi gương Chúa Giê-su để gần gũi với anh em, xây dựng một thế giới công bình hơn.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét