Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Đức Giáo hoàng khuyến khích Moneyval thúc đẩy một ‘nền tài chính sạch’ mang ‘khuôn mặt con người’

Đức Giáo hoàng khuyến khích Moneyval thúc đẩy một ‘nền tài chính sạch’ mang ‘khuôn mặt con người’

Copyright: Vatican Media

Đức Giáo hoàng khuyến khích Moneyval thúc đẩy một ‘nền tài chính sạch’ mang ‘khuôn mặt con người’

"Những biện pháp mà các bạn đang đánh giá nhằm mục đích thúc đẩy một “nền tài chính sạch”, trong đó các “nhà buôn” bị ngăn chặn đầu cơ tích trữ vào “ngôi đền” bất khả xâm phạm đó, để phù hợp với chương trình yêu thương của Đấng Tạo hóa, là nhân loại"

08 tháng Mười, 2020 11:15


“Những biện pháp mà các bạn đang đánh giá nhằm mục đích thúc đẩy một “nền tài chính sạch”, trong đó các “nhà buôn” bị ngăn chặn đầu cơ tích trữ vào “ngôi đền” bất khả xâm phạm đó, để phù hợp với chương trình yêu thương của Đấng Tạo hóa, là nhân loại.”

Đây là lời khích lệ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho Moneyval hôm nay, ngày 8 tháng Mười, trong một buổi tiếp kiến riêng ở Vatican.

Được thành lập năm 1997, Ủy ban các Chuyên gia về Đánh giá các Biện pháp Chống Rửa tiền và Tài trợ cho Khủng bố – MONEYVAL là cơ quan giám sát thường trực của Hội đồng Châu Âu được giao nhiệm vụ đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế chính để chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố và hiệu quả của việc thực hiện chúng. Nó cũng có nhiệm vụ đưa ra những khuyến nghị cho các giới chức quốc gia về những cải tiến cần thiết đối với hệ thống của họ.

Tiếp đón họ hôm nay, Đức Phanxicô ca ngợi công việc của họ hướng tới sự minh bạch. Ngài nhắc lại trong Phúc âm khi Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi khuôn viên đền thờ và tuyên bố: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24).

Đức Phanxico cảnh báo, “Một khi nền kinh tế đánh mất khuôn mặt con người, thì chúng ta không còn được phục vụ bởi đồng tiền nữa, mà chính chúng ta trở thành những người phục vụ cho đồng tiền. Đây là một hình thức thờ ngẫu tượng mà chúng ta được kêu gọi phải phản ứng lại bằng cách tái thiết lập trật tự hợp lý của mọi sự, là điều phục vụ cho ích chung, [1] theo đó “đồng tiền phải phục vụ, không phải để thống trị” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 58; Gaudium et Spes, 64; Laudato Si’, 195).”

Đức Giáo hoàng nhắc nhở rằng Vatican gần đây đã đưa vào hệ thống pháp luật của mình những biện pháp nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý đồng tiền và ngăn chặn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Vào ngày 1 tháng Sáu năm 2020, một Tự sắc đã được ban hành để quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và thúc đẩy tính minh bạch, giám sát và cạnh tranh trong các thủ tục trao hợp đồng công.

Vào ngày 19 tháng Tám, một Sắc lệnh của Chủ tịch Toàn quyền yêu cầu các tổ chức tình nguyện và các pháp nhân của Nhà nước Thành phố Vatican phải báo cáo các hoạt động mập mờ cho Cơ quan Thông tin Tài chính (Financial Information Authority (AIF).

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Các bạn thân mến, một lần nữa tôi cảm ơn các bạn vì sự phục vụ mà các bạn thực hiện,” ngài nói thêm: “Vì vậy, tôi xem đó là một sự phục vụ, và tôi cảm ơn các bạn.”

Đức Thánh Cha kết luận, gửi đến họ những lời chúc tốt đẹp nhất cho công việc và nhắc họ không quên cầu nguyện cho ngài.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ:

****

Thưa quý vị,

Tôi xin thân ái chào mừng quý vị nhân chuyến thăm của quý vị với tư cách là chuyên gia của Hội đồng Châu Âu để đánh giá các biện pháp được thực hiện nhằm chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Tôi cảm ơn ông Chủ tịch Cơ quan Thông tin Tài chính về những lời tốt đẹp của ông.

Công việc của quý vị trên mặt trận kép này đặc biệt gần gũi với tâm hồn tôi. Thật vậy, nó được liên kết chặt chẽ với việc bảo vệ sự sống, sự chung sống hòa bình của loài người trên trái đất, và một hệ thống tài chính không đè nén những người yếu đuối nhất và thiếu thốn nhất. Tất cả đều được liên kết với nhau.

Như tôi đã viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium, tôi cho rằng chúng ta cần phải suy nghĩ lại về mối tương quan của chúng ta với tiền bạc (xem số 55). Ở nhiều nơi, dường như quyền tối cao của đồng tiền vượt trên con người là điều hiển nhiên. Đôi khi, trong nỗ lực tích lũy của cải, người ta ít quan tâm đến việc nó đến từ đâu, các hoạt động hợp pháp ít nhiều đã tạo ra nó, và những cơ chế bóc lột có thể đứng đằng sau nó. Vì vậy, khi chạm vào tiền, những tình huống có thể xảy ra là bàn tay chúng ta có thể vấy máu, máu của anh chị em mình.

Cũng có thể xảy ra rằng những nguồn lực tài chính được sử dụng để gieo rắc nỗi kinh hoàng, để củng cố cho những người mạnh nhất, những người quyền lực nhất và những người sẵn sàng hy sinh mạng sống anh chị em của họ không một chút đắn đo, tất cả đều nhằm mục đích nắm giữ quyền lực của họ.

Thánh Phaolô VI đã đề nghị dành ra những số tiền chi tiêu cho quân sự để xây dựng một Quỹ toàn cầu nhằm giải tỏa nhu cầu của các dân tộc nghèo khó (xem Populorum Progressio, 51). Tôi trở lại với đề nghị này trong Thông điệp Fratelli Tutti gần đây của tôi. Trong đó, tôi đã yêu cầu rằng, thay vì đầu tư để tạo nỗi sợ hãi hoặc các mối đe dọa hạt nhân, hóa học và sinh học, chúng ta hãy sử dụng các nguồn lực đó “để cuối cùng chấm dứt nạn đói và tạo điều kiện cho sự phát triển ở các nước nghèo nhất, để công dân của họ không phải dùng đến những giải pháp bạo lực hoặc ảo tưởng, hoặc phải rời khỏi đất nước của họ để tìm kiếm một cuộc sống đúng phẩm giá hơn” (s. 262).

Giáo huấn xã hội của Giáo hội đã nhấn mạnh đến sai lầm của giáo điều tân tự do (xem sđd., 168) cho rằng trật tự kinh tế và đạo đức hoàn toàn khác biệt nhau đến mức trật tự này không phụ thuộc vào trật tự kia (xem Piô XI, Quadragesimo Anno, ed. Carlen, 42). Trong hoàn cảnh hiện tại, có vẻ như “sự tôn thờ con bê vàng cổ xưa (x. Xh 32: 1-35) đã quay trở lại dưới một chiêu bài mới và tàn nhẫn qua việc thờ ngẫu tượng đồng tiền và sự độc tài của một nền kinh tế phi cá nhân thiếu mục đích thực sự của con người” (Evangelii Gaudium, 55). Thật vậy, “đầu cơ tài chính về cơ bản nhằm mục đích thu lợi nhuận nhanh chóng tiếp tục gây ra sự tàn phá” (Fratelli Tutti, 168).

Các chính sách nhằm chống rửa tiền và khủng bố là một phương tiện giám sát những hoạt động của đồng tiền và can thiệp trong các trường hợp phát hiện những hoạt động bất thường hoặc thậm chí tội phạm.

Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán ra khỏi khuôn viên đền thờ (x. Mt 21,12-13; Ga 2,13-17) và tuyên bố: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6:24). Một khi nền kinh tế đánh mất khuôn mặt con người, thì chúng ta không còn được phục vụ bởi đồng tiền nữa, mà chính chúng ta trở thành những người phục vụ cho đồng tiền. Đây là một hình thức thờ ngẫu tượng mà chúng ta được kêu gọi phải phản ứng lại bằng cách tái thiết lập trật tự hợp lý của mọi sự, là điều phục vụ cho ích chung, [1] theo đó “đồng tiền phải phục vụ, không phải để thống trị” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 58; Gaudium et Spes, 64; Laudato Si’, 195).

Để thực hiện những nguyên tắc này, gần đây Vatican đã đưa vào hệ thống pháp luật của mình các biện pháp nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc quản lý đồng tiền và ngăn chặn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Vào ngày 1 tháng Sáu năm 2020, một Tự sắc đã được ban hành để quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và thúc đẩy tính minh bạch, giám sát và cạnh tranh trong các thủ tục trao hợp đồng công. Vào ngày 19 tháng Tám, một Sắc lệnh của Chủ tịch Toàn quyền yêu cầu các tổ chức tình nguyện và các pháp nhân của Nhà nước Thành phố Vatican phải báo cáo các hoạt động mập mờ cho Cơ quan Thông tin Tài chính (Financial Information Authority (AIF).

Các bạn thân mến, một lần nữa tôi cảm ơn các bạn vì sự phục vụ mà các bạn thực hiện. Vì vậy, tôi xem đó là một sự phục vụ, và tôi cảm ơn các bạn. Những biện pháp mà các bạn đang đánh giá nhằm mục đích thúc đẩy một “nền tài chính sạch”, trong đó các “nhà buôn” bị ngăn chặn đầu cơ tích trữ vào “ngôi đền” bất khả xâm phạm đó, để phù hợp với chương trình yêu thương của Đấng Tạo hóa, là nhân loại. Một lần nữa xin cảm ơn các bạn. Tôi xin gửi đến tất cả các bạn những lời chúc tốt đẹp nhất cho công việc và tôi xin các bạn không quên cầu nguyện cho tôi.

______________________

[1] Cf. SAINT THOMAS AQUINAS, Summa Theologiae, I-II, q. 90, a. 2.

[Văn bản chính: tiếng Ý]


© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/10/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét