Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Toàn văn Huấn từ Tiếp kiến chung ngày 7 tháng Mười của Đức Thánh Cha

Toàn văn Huấn từ Tiếp kiến chung ngày 7 tháng Mười của Đức Thánh Cha

© Vatican Media

Toàn văn Huấn từ Tiếp kiến chung ngày 7 tháng Mười của Đức Thánh Cha

Bài giáo lý ‘’Chữa lành thế giới’’: 9. Việc cầu nguyện của Êlia

07 tháng Mười, 2020 14:06

ZENIT STAFF

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta lại tiếp tục bài giáo lý về việc cầu nguyện, là chủ đề chúng ta bị gián đoạn cho những bài giáo lý về việc chăm sóc tạo vật, và là chủ đề bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục; và chúng ta cùng gặp gỡ một trong những nhân vật nổi bật nhất trong toàn bộ Kinh Thánh: tiên tri Êlia. Ông vượt qua cả những giới hạn thời gian của mình, và chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự có mặt của ông trong một số chương của Tin mừng. Ông xuất hiện bên cạnh Chúa Giêsu, cùng với Môisê, trong thời điểm Chúa Biến hình (x. Mt 17:3). Chính Chúa Giêsu đã đề cập đến ông để chứng thực cho lời chứng của Gioan Tẩy giả (x. Mt 17:10-13).

Trong Kinh thánh, Êlia xuất hiện một cách đột ngột, một cách huyền bí, đến từ một ngôi làng nhỏ ở nơi hoàn toàn xa xôi (x. 1 Các Vua 17: 1); và cuối cùng, ông rời khỏi nơi đang đứng, trước mắt của môn đệ Êlisa, trên cỗ xe đỏ như lửa đưa ông lên trời (x. 2 Các Vua 2: 11-12). Do đó, ông là một người không có điểm xuất phát chính xác, và trên hết là không có điểm kết thúc, được đưa lên trời: vì lý do này, sự trở lại của ông đã được mong đợi trước khi Đấng Mêxia đến, như một người báo trước. Do đó, sự trở lại của Êlia đã được mong chờ.

Kinh thánh trình bày Êlia như một người có đức tin tinh ròng: chính tên của ông có thể mang nghĩa là “Giavê là Đức Chúa”, bao hàm bí mật về sứ mạng của ông. Ông sẽ giữ vững như vậy trong suốt quãng đời còn lại của mình: một con người chính trực, không có khả năng với cả những thỏa hiệp nhỏ nhặt. Biểu tượng của ông là lửa, là hình ảnh quyền năng thanh tẩy của Thiên Chúa. Ông sẽ là người đầu tiên bị thử thách, và ông sẽ giữ vững lòng trung thành. Ông là tấm gương cho tất cả những người có đức tin, trải qua cám dỗ và đau khổ nhưng không từ bỏ sống theo lý tưởng mà họ đã được sinh ra vì nó.

Cầu nguyện là nguồn sống không ngừng nuôi dưỡng đời sống của ông. Vì lý do này, ông là một trong những người gần gũi nhất với truyền thống đan viện, đến mức một số người chọn ông như là người cha thiêng liêng của đời sống tận hiến cho Chúa. Êlia là con người của Chúa, người đứng lên bảo vệ cho tính ưu việt của Đấng Chí Tôn. Tuy nhiên, ông cũng bị buộc phải đối mặt với những mỏng giòn của mình. Thật khó để nói kinh nghiệm nào là hữu ích nhất đối với ông: đánh bại những ngôn sứ giả ở núi Camêlô (x. 1 Các Vua 18:20-40), hay là sự hoang mang của ông khi ông thấy rằng ông cũng “chẳng hơn gì cha ông của [mình]” (xem 1 Các Vua 19:4). Trong linh hồn của những người cầu nguyện, ý thức về sự yếu đuối của họ còn quý giá hơn những giây phút vinh quang, khi cuộc sống dường như là một chuỗi chiến thắng và thành công. Điều này luôn xảy ra trong việc cầu nguyện: những giây phút cầu nguyện mà chúng ta cảm thấy được nâng lên, thậm chí là nhiệt huyết, và những giây phút cầu nguyện đau khổ, khô khan, thử thách. Đây là bản chất của cầu nguyện: để cho bản thân được Chúa dẫn dắt, và cũng để cho bản thân bị tấn công bởi những hoàn cảnh khó khăn và thậm chí cả những cám dỗ. Đây là một thực tế được tìm thấy trong nhiều ơn gọi khác trong kinh thánh, ngay cả trong Tân Ước; chẳng hạn, hãy nghĩ đến Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Đời sống của các ông cũng giống như vậy: những giây phút hân hoan và những giây phút tinh thần nặng trĩu, đau khổ.

Êlia là con người với đời sống chiêm niệm, nhưng đồng thời là đời sống hoạt động, bận rộn với những biến cố của thời đại ông, có khả năng đối đầu với cả vua và hoàng hậu sau khi giết ông Navốt để chiếm vườn nho của ông (x. 1 Các Vua 21:1-24). Chúng ta rất cần có những tín hữu, những người Kitô hữu nhiệt thành, hành động trước mặt những người có trách nhiệm quản lý với sự can đảm của Êlia, để nói “Không được làm điều này! Đó là giết người!” Chúng ta cần có tinh thần của Êlia. Ông cho chúng ta thấy rằng không có sự tách biệt trong đời sống của những người cầu nguyện: một người ở trước mặt Chúa và đi ra đến với anh em là những người Ngài gửi đến cho chúng ta. Cầu nguyện không phải là việc chỉ tách biệt riêng với Chúa để làm cho linh hồn có vẻ đẹp đẽ: không, đây không phải là cầu nguyện, đây là cầu nguyện giả tạo. Cầu nguyện là đối mặt với Thiên Chúa và cho phép bản thân được sai đi để phục vụ anh chị em chúng ta. Bằng chứng của cầu nguyện là tình yêu đích thực dành cho tha nhân. Và ngược lại: người tín hữu hành động trong thế giới sau khi đã thinh lặng và cầu nguyện; bằng không, hành động của họ là hấp tấp, nó không có sự phân định, nó vội vã lao tới mà không có đích đến. Người tín hữu mà hành động theo cách này, họ sẽ làm nhiều điều bất công vì họ đã không chạy đến cầu nguyện với Chúa trước, để phân định họ phải làm những gì.

Các trang Kinh Thánh cho thấy rằng đức tin của Êlia cũng triển nở: ông cũng phát triển trong sự cầu nguyện, ông cải thiện dần dần. Dung nhan Thiên Chúa trở thành tiêu điểm cho ông khi ông bước đi. Ông đạt đến đỉnh điểm của kinh nghiệm phi thường đó, khi Thiên Chúa tỏ lộ chính Người cho Êlia trên núi (x. 1 Các Vua 19:9-13). Người tỏ mình không phải trong cơn gió bão, không phải trong cơn động đất hay đám lửa, nhưng trong “một tiếng gió hiu hiu” (c. 12). Hoặc tốt hơn, một sự truyền đạt phản ánh rõ kinh nghiệm: trong một chuỗi thinh không rền vang. Đây là cách Thiên Chúa tỏ lộ Người với Êlia. Thiên Chúa truyền đạt cho Êlia bằng chính dấu chỉ khiêm nhường đó, khi ông là một ngôn sứ bỏ trốn, là người đã mất đi sự bình an. Chúa tiến đến gặp gỡ một con người mệt mỏi, một con người nghĩ rằng mình đã thất bại về tất cả các mặt, và với luồng gió hiu hiu đó, với chuỗi thinh không rền vang đó, Người mang đến sự dịu lắng và bình an cho tâm hồn.

Đây là câu chuyện của Êlia, nhưng dường như được viết cho tất cả chúng ta. Vào một số buổi tối, chúng ta có thể cảm thấy vô dụng và cô đơn. Chính khi đó việc cầu nguyện sẽ đến và gõ cửa tâm hồn chúng ta. Tất cả chúng ta có thể thu lấy một phần của chiếc áo choàng của Êlia, cũng như môn đệ Êlisa của ông đã lấy một nửa chiếc áo choàng của ông. Và cho dù chúng ta đã làm điều gì đó sai trái, hoặc nếu chúng ta cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, khi chúng ta trở lại trước mặt Chúa bằng việc cầu nguyện thì sự thanh thản và an bình sẽ trở lại như phép lạ. Đây là những gì mà tấm gương của Êlia cho chúng ta thấy.

_________________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha chào mừng tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Anh và những khách thăm cùng tham dự buổi Tiếp Kiến chung hôm nay. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/10/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét