© Vatican Media
Đức Thánh Cha Phanxico: những ân tứ của người khuyết tật làm phong phú cho Giáo hội & thế giới
Nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật về “Xây dựng lại tốt đẹp hơn: Hướng tới một Thế giới hậu COVID-19 hòa nhập, dễ tiếp cận và bền vững cho người khuyết tật”, Đức Phanxicô động viên tất cả những người âm thầm cống hiến cho những người mong manh & người khuyết tật
03 tháng Mười Hai, 2020 16:17
Khi Giáo hội trân trọng những ân tứ quý báu của người khuyết tật, chúng ta phải “thúc đẩy một nền văn hóa sống không ngừng khẳng định phẩm giá của mọi người và đặc biệt hoạt động để bảo vệ những người nam và nữ khuyết tật, thuộc mọi độ tuổi và hoàn cảnh xã hội…”
“Tôi động viên tất cả những ai ngày ngày và thường xuyên âm thầm cống hiến bản thân để giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh mong manh và khuyết tật…”
Đây là ý chính trong thông điệp của Đức Giáo hoàng kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay, được tổ chức vào ngày 3 tháng Mười Hai, với chủ đề: “Xây dựng lại tốt đẹp hơn: Hướng tới một Thế giới hậu COVID-19 hòa nhập, dễ tiếp cận, và bền vững cho người khuyết tật.”
Trong văn bản của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên chỉ trích mối đe dọa của văn hóa vứt bỏ, và kêu gọi ‘nền đá’ hòa nhập và tham gia tích cực.
Đức Phanxicô bắt đầu nhắc nhở, “Nhờ phép rửa tội, tất cả các thành phần Dân Chúa đã trở thành những môn đệ truyền giáo. Tất cả những người đã được rửa tội, bất kể vị trí của họ trong Giáo hội hay mức độ hướng dẫn đức tin của họ, đều là những tác nhân của việc phúc âm hóa.”
Đức Thánh Cha công nhận rằng người khuyết tật, cả trong xã hội và Giáo hội, cũng mong muốn trở thành những người tích cực trong thừa tác vụ mục vụ của chúng ta, chứ không đơn giản là những người đón nhận. “Nhiều người khuyết tật cảm thấy rằng họ tồn tại mà không được thuộc về và không được tham gia,” ngài nói, lưu ý rằng nhiều điều vẫn ngăn trở họ được hoàn toàn trao quyền.
Mối quan tâm của chúng ta không chỉ là lưu tâm đến họ, mà còn phải đảm bảo sự ‘tham gia tích cực’ của họ vào cộng đồng dân sự và giáo hội, Đức Phanxicô nói, và lưu ý rằng đây là “một tiến trình đòi hỏi nỗ lực và thậm chí mệt mỏi”. Tuy nhiên, ngài bày tỏ, nó sẽ dần dần góp phần xây dựng nhân tâm có khả năng thừa nhận mỗi cá nhân là một con người duy nhất và không thể lặp lại” (Fratelli Tutti, 98). Thật vậy, sự tham gia tích cực của người khuyết tật vào công việc giảng dạy giáo lý có thể làm phong phú thêm đời sống của toàn giáo xứ.
Ngài nói, “Chính vì họ đã được kết hiệp với Đức Kitô trong phép rửa tội, họ chia sẻ với Ngài, theo cách riêng của họ, sứ mệnh truyền bá Phúc âm theo chức tư tế, sứ ngôn, và vương đế trong Giáo hội.”
Do đó, sự có mặt của người khuyết tật giữa các giáo lý viên, tùy theo năng khiếu và tài năng của họ, là một nguồn lực cho cộng đoàn, và do đó, ngài nói, cần phải nỗ lực để cung cấp cho họ những sự đào tạo thích hợp.
Đức Thánh Cha khuyến khích, “Tôi tin tưởng rằng, trong các cộng đoàn giáo xứ, ngày càng nhiều người khuyết tật có thể trở thành giáo lý viên, để truyền đạt đức tin một cách hiệu quả, cũng bằng chính chứng tá của họ.
Nhắc nhở rằng lãng phí điều đó còn tồi tệ hơn chính cuộc khủng hoảng này, Đức Phanxicô lưu ý rằng vì lý do này, “Tôi động viên tất cả những người hàng ngày và thường là âm thầm cống hiến để giúp đỡ những người khác trong hoàn cảnh mong manh và khuyết tật.”
Dưới đây là toàn văn của Vatican (ND: bản tiếng Anh):
***
Anh chị em thân mến,
Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết tật năm nay là một dịp để bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người đang trải qua hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra. Tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền giữa biển đầy sóng gió có thể khiến chúng ta sợ hãi. Tuy nhiên, trên cùng con thuyền này, một số người trong chúng ta đang phải chiến đấu nhiều hơn; trong số đó là những người khuyết tật nặng.
Chủ đề của lễ kỷ niệm năm nay là “Xây dựng lại tốt đẹp hơn: Hướng tới một thế giới hậu COVID-19 hòa nhập, dễ tiếp cận và bền vững cho người khuyết tật”. Tôi thấy cụm từ “xây dựng lại tốt đẹp hơn” khá đặc biệt. Nó làm tôi liên tưởng đến dụ ngôn trong Tin Mừng về ngôi nhà xây trên đá hoặc cát (x. Mt 7, 24-27; Lc 6, 46-49). Vì vậy, nhân dịp đặc biệt này tôi chia sẻ một số suy tư dựa trên dụ ngôn đó.
1. Mối đe dọa của văn hóa vứt bỏ
Trước hết, “những cơn mưa”, “những sông ngòi” và “những cơn gió” đe dọa ngôi nhà có thể được đồng hóa với văn hóa vứt bỏ phổ biến trong thời đại chúng ta (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 53). Đối với văn hóa đó, “có vẻ như một số thành phần trong gia đình nhân loại của chúng ta có thể sẵn sàng bị hy sinh vì lợi ích của những người khác được xem là xứng đáng với cuộc sống thảnh thơi. Cuối cùng, con người không còn được coi là giá trị tối thượng phải được chăm sóc và tôn trọng, đặc biệt là khi họ là người nghèo và khuyết tật” (Fratelli Tutti, 18).
Văn hóa đó ảnh hưởng đặc biệt đến những người dễ bị tổn thương nhất, trong số đó là những người khuyết tật. Trong năm mươi năm qua, những bước tiến quan trọng đã được thực hiện trên mức độ dân sự cũng như giáo hội. Nhận thức về phẩm giá của mỗi người đã phát triển, và điều này đã dẫn đến những quyết định can đảm để thúc đẩy sự hòa nhập của những người có các hạn chế về thể chất và tâm lý. Tuy nhiên, trên bình diện văn hóa, nhiều vấn đề vẫn còn cản trở xu hướng này. Chúng ta nhìn thấy điều đó trong thái độ từ chối, cũng do tâm lý quá chú trọng đến bản thân và thực dụng, nó làm gia tăng việc gạt ra ngoài lề xã hội, bỏ qua thực tế không thể tránh khỏi rằng sự mong manh là một phần của cuộc sống mỗi người. Thật vậy, thậm chí một số người khuyết tật nặng, mặc dù phải chịu nhiều thử thách, đã tìm thấy con đường dẫn đến một cuộc sống đẹp và ý nghĩa, trong khi nhiều người “cơ thể toàn vẹn” cảm thấy bất mãn hoặc thậm chí tuyệt vọng. “Tính dễ bị tổn thương thuộc nội tại đối với bản chất quan trọng của con người” (Diễn từ tại Hội nghị “Dạy Giáo lý và Người Khuyết tật”, ngày 21 tháng Mười năm 2017).
Do đó, vào Ngày này, điều quan trọng là phải thúc đẩy một văn hóa sống không ngừng khẳng định phẩm giá của mỗi người và đặc biệt hoạt động để bảo vệ những người nam và nữ khuyết tật, thuộc mọi độ tuổi và hoàn cảnh xã hội.
2. “Nền đá” của sự hòa nhập
Đại dịch hiện nay đã làm nổi rõ thêm sự chênh lệch và bất bình đẳng đang lan rộng trong thời đại chúng ta, đặc biệt là gây tổn hại cho những người dễ bị tổn thương nhất. “Virus, trong khi nó không phân biệt bất kỳ người nào, đã tìm thấy sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử to lớn, trên con đường tàn phá của nó. Và nó chỉ làm cho những vấn đề đó trở nên tồi tệ hơn” (Bài Giáo Lý tại Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 19 tháng Tám năm 2020).
Vì lý do này, sự hòa nhập phải là “nền đá” đầu tiên để xây dựng ngôi nhà của chúng ta. Mặc dù thuật ngữ này đôi khi bị lạm dụng, nhưng dụ ngôn trong Tin Mừng về người Samari Nhân hậu (Lc 10,25-37) vẫn tiếp tục phù hợp thời đại. Trên đường đời, chúng ta thường bắt gặp những người bị thương tổn, và những người này có thể bao gồm người khuyết tật và đặc biệt thiếu thốn. “Quyết định hòa nhập hoặc loại trừ những người bị thương nằm bên lề đường có thể trở thành tiêu chí để đánh giá mọi dự án kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Mỗi ngày, chúng ta phải quyết định để trở thành người Samari Nhân hậu hoặc người ngoài cuộc thờ ơ” (Fratelli Tutti, 69 tuổi).
Sự hòa nhập phải là “nền đá” để xây dựng các chương trình và sáng kiến của những thể chế dân sự nhằm bảo đảm rằng không người nào, đặc biệt là những người gặp khó khăn lớn nhất, bị bỏ lại phía sau. Sức mạnh của một chuỗi mắt xích phụ thuộc vào việc chú ý đến những liên kết yếu nhất của nó.
Đối với các tổ chức giáo hội, tôi nhắc lại sự cần thiết phải cung cấp các phương tiện phù hợp và dễ tiếp cận để truyền đạt đức tin. Tôi cũng hy vọng rằng những điều này cũng có thể được cung cấp cho những người cần đến chúng, miễn phí theo khả năng có thể, kể qua thông qua những công nghệ mới đã chứng minh là vô cùng quan trọng đối với mọi người giữa đại dịch này. Tôi cũng khuyến khích những cố gắng cung cấp cho tất cả các linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên và nhân viên mục vụ sự đào tạo thường xuyên liên quan đến người khuyết tật và sử dụng các công cụ mục vụ hòa nhập. Những cộng đồng giáo xứ cần quan tâm động viên các tín hữu có thái độ chào đón đối với người khuyết tật. Xây dựng một giáo xứ có khả năng tiếp cận dễ dàng không chỉ đòi hỏi phải dỡ bỏ các rào cản kiến trúc, mà trên hết, giúp giáo dân phát triển thái độ và hành vi đoàn kết và phục vụ đối với người khuyết tật và gia đình của họ. Mục đích của chúng ta không phải là nói về “họ”, mà là về “chúng ta”.
3. “Nền đá” của sự tham gia tích cực
Để giúp xã hội của chúng ta “xây dựng lại tốt đẹp hơn”, sự hòa nhập những người dễ bị tổn thương cũng đòi phải có các nỗ lực thúc đẩy sự tham gia tích cực của họ.
Trước hết, tôi mạnh mẽ khẳng định lại quyền của người khuyết tật được lãnh nhận các bí tích, giống như tất cả các thành viên khác của Giáo hội. Họ phải được tiếp cận với tất cả các cử hành phụng vụ trong giáo xứ, để cùng với anh chị em của họ, mỗi người có thể đào sâu, cử hành và sống đức tin của mình. Cần đặc biệt chú ý đến những người khuyết tật chưa lãnh nhận các bí tích khai tâm của Kitô giáo: họ cần được chào đón và đưa vào những chương trình học giáo lý để chuẩn bị cho các bí tích này. Không ai bị loại trừ khỏi ân sủng của các bí tích đó.
“Nhờ phép rửa tội, tất cả các thành phần Dân Chúa đã trở thành những người môn đệ truyền giáo. Tất cả những người đã được rửa tội, bất kể vị trí của họ trong Giáo hội hay mức độ hướng dẫn đức tin của họ, đều là những tác nhân của việc phúc âm hóa” (Evangelii Gaudium, 120). Người khuyết tật, cả trong xã hội và trong Giáo hội, cũng mong muốn trở thành những người tích cực trong thừa tác vụ mục vụ của chúng ta, chứ không đơn giản là những người đón nhận. Nhiều người khuyết tật cảm thấy rằng họ tồn tại mà không được thuộc về và không được tham gia. Nhiều điều vẫn ngăn trở họ được hoàn toàn trao quyền. Mối quan tâm của chúng ta không chỉ là lưu tâm đến họ, mà còn phải đảm bảo sự ‘tham gia tích cực’ của họ vào cộng đồng dân sự và giáo hội. Đó là một tiến trình đòi hỏi nỗ lực và thậm chí mệt mỏi, nhưng nó sẽ dần dần góp phần xây dựng nhân tâm có khả năng thừa nhận mỗi cá nhân là một con người duy nhất và không thể lặp lại” (Fratelli Tutti, 98). Thật vậy, sự tham gia tích cực của người khuyết tật vào công việc giảng dạy giáo lý có thể làm phong phú thêm đời sống của toàn giáo xứ. Chính vì họ đã được kết hiệp với Đức Kitô trong phép rửa tội, họ chia sẻ với Ngài, theo cách riêng của họ, sứ mệnh truyền bá Phúc âm theo chức tư tế, sứ ngôn, và vương đế trong Giáo hội.
Do đó, sự có mặt của người khuyết tật giữa các giáo lý viên, tùy theo năng khiếu và tài năng của họ, là một nguồn lực cho cộng đoàn. Cần phải nỗ lực để cung cấp cho họ những sự đào tạo thích hợp, để họ có thể có được kiến thức rộng lớn hơn trong các lĩnh vực thần học và giáo lý. Tôi tin tưởng rằng, trong các cộng đoàn giáo xứ, ngày càng nhiều người khuyết tật có thể trở thành giáo lý viên, để truyền đạt đức tin một cách hiệu quả, cũng bằng chính chứng tá của họ (x. Diễn từ tại Hội nghị “Dạy Giáo lý và Người khuyết tật”, ngày 21 tháng Mười năm 2017).
“Bi kịch lãng phí điều đó còn tồi tệ hơn chính cuộc khủng hoảng này” (Bài giảng Đại Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày 31 tháng Năm năm 2020). Vì lý do này, tôi động viên tất cả những người hàng ngày và thường là âm thầm cống hiến để giúp đỡ những người khác trong hoàn cảnh mong manh và khuyết tật. Ước mong rằng khát khao chung của chúng ta là “xây dựng lại tốt đẹp hơn” sẽ tạo ra các hình thức hợp tác mới giữa những nhóm dân sự và giáo hội, từ đó xây dựng một “ngôi nhà” vững chắc sẵn sàng chống chọi với mọi cơn bão và có khả năng chào đón những người khuyết tật, vì được xây dựng trên đá tảng của sự hòa nhập và tham gia tích cực.
Roma, Đền Thánh Gioan Lateran, 3 tháng Mười Hai 2020
PHANXICO
[01478-EN.01] [Văn bản chính:
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/12/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét