© Vatican Media
Đức Thánh Cha tiếp nhận Ủy nhiệm thư từ một số tân Đại sứ
‘Quý vị bắt đầu sứ mệnh tại một thời điểm đầy thách thức mà toàn gia đình nhân loại đang phải đối mặt’04 tháng Mười Hai, 2020 14:59
Hôm thứ Sáu ngày 4 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha đã nhận những quốc thư ủy nhiệm của các đại sứ Jordan, Kazakhstan, Zambia, Mauritania, Uzbekistan, Madagascar, Estonia, Rwanda, Đan Mạch, và Ấn Độ tại Tòa Thánh.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng các tân đại sứ phục vụ “vào thời điểm thách thức lớn mà toàn gia đình nhân loại đang phải đối mặt.” Trong phát biểu với họ, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của hợp tác và đối thoại.
Dưới đây là toàn văn phát biểu của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh).
Thưa quý ngài,
Thật hân hạnh cho tôi được tiếp quý ngài trình Quốc thư ủy nhiệm quý vị là các Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của quốc gia quý ngài tại Tòa Thánh: Jordan, Kazakhstan, Zambia, Mauritania, Uzbekistan, Madagascar, Estonia, Rwanda, Đan Mạch, và Ấn Độ. Tôi xin quý ngài chuyển những tình cảm trân trọng của tôi đến các vị Nguyên thủ Quốc gia của quý ngài, cùng với lời hứa cầu nguyện cho họ và đồng bào của quý ngài.
Quý ngài bắt đầu sứ mệnh vào thời điểm thách thức lớn mà toàn gia đình nhân loại đang phải đối mặt. Ngay cả trước khi bùng phát COVID-19, rõ ràng năm 2020 sẽ là một năm được đánh dấu bởi các tình trạng khẩn cấp về nhân đạo, do xung đột, bạo lực và khủng bố ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Khủng hoảng kinh tế đang gây ra nạn đói và di cư ồ ạt, trong khi biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ thiên tai, đói kém và hạn hán. Quả thật, đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã có trong xã hội của chúng ta; khi người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất trong số các anh chị em của chúng ta có nguy cơ bị bỏ rơi, bị loại trừ và bị lãng quên. Cuộc khủng hoảng đã khiến chúng ta nhận ra rằng “chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời rất quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta đều được kêu gọi cùng chung tay chèo thuyền, mỗi người chúng ta cần an ủi người khác” (Phút cầu nguyện ngoại thường, 27 tháng Ba 2020).
Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, thế giới ngày càng toàn cầu hóa hơn khẩn thiết đòi hỏi sự đối thoại và hợp tác chân thành và tôn trọng có khả năng đoàn kết chúng ta trong việc đối phó với những mối đe dọa nghiêm trọng mà hành tinh của chúng ta đang đối mặt và hủy hoại tương lai của các thế hệ trẻ. Trong Thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em) gần đây, tôi bày tỏ mong muốn rằng “trong thời đại của chúng ta, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ bằng cách chân nhận phẩm giá của mỗi con người” (Số 8). Sự hiện diện của Tòa Thánh trong cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ lợi ích chung toàn cầu, bằng cách hướng sự chú ý đến các khía cạnh về nhân học, đạo đức và tôn giáo của các vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến đời sống của các cá nhân, các dân tộc và toàn thể các quốc gia.
Tôi hy vọng rằng hoạt động ngoại giao của quý ngài với vai trò là đại diện cho các quốc gia của quý ngài tại Tòa thánh sẽ thúc đẩy “văn hóa gặp gỡ” (Fratelli Tutti, 215) cần thiết để vượt qua những khác biệt và chia rẽ thường cản trở hiện thực hóa những lý tưởng và các mục tiêu cao đẹp do cộng đồng quốc tế đề xuất. Thật vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi làm việc hàng ngày để xây dựng một thế giới ngày càng công bằng, huynh đệ và hiệp nhất hơn.
Thưa các vị Đại sứ, khi quý vị đảm nhận sứ mệnh của mình tại Tòa thánh, tôi xin gửi đến quý vị những lời nguyện chúc tốt đẹp và tôi bảo đảm với quý vị về sự sẵn sàng của các văn phòng khác nhau của Tòa Thánh để hỗ trợ quý vị hoàn thành trách nhiệm của mình. Tôi khẩn xin muôn ơn lành từ trời đổ xuống trên quý vị và gia đình, những người cộng tác của quý vị, và tất cả đồng bào của quý vị. Cảm ơn quý vị!
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/12/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét