Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Vatican kêu gọi cầu nguyện cho người cao tuổi trong đại dịch

Vatican kêu gọi cầu nguyện cho người cao tuổi trong đại dịch
Pope Francis Speaks To First International Congress © Vatican Media

Vatican kêu gọi cầu nguyện cho người cao tuổi trong đại dịch

‘Trong sự cô độc, Coronavirus giết người nhiều hơn’

07 tháng Tư, 2020 16:54

Vatican kêu gọi cầu nguyện đặc biệt và sự gần gũi về tinh thần với người già trong đại dịch coronavirus.

Lời kêu gọi đưa ra trong một thư gửi ngày 7 tháng Tư, 2020, bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cho biết về sự nguy hiểm của tình trạng cô đơn do việc cách ly bắt buộc giới hạn sự di chuyển trong cuộc khủng hoảng. Trong thư cho biết rằng người già có thể trở nên “mong manh và mất phương hướng” trong thời gian này – cũng như tất cả mọi người đều có thể rơi vào tình trạng này.

Lá thư nhắc lại, “Vài tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng ‘sự cô đơn có thể trở thành một căn bệnh, nhưng với đức ái, sự gần gũi và an ủi tinh thần chúng ta có thể chữa lành nó.’ Những lời này giúp chúng ta hiểu rằng, nếu đúng là virus corona gây chết người mạnh mẽ hơn khi nó tiếp xúc với một cơ thể suy nhược, trong nhiều trường hợp bệnh lý thì đó là sự cô đơn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đang chứng kiến, với những tỷ lệ và cách thức khủng khiếp, những cái chết của nhiều người sống xa gia đình, và trong điều kiện hoàn toàn cô độc.

“Vì lý do này, điều quan trọng là chúng ta hãy làm mọi việc có thể để điều trị cho tình trạng bị bỏ rơi này. Trong những hoàn cảnh như hiện tại, việc này có nghĩa là cứu được sự sống.”

Coronavirus có thể gây đau khổ cho con người thuộc mọi độ tuổi và mọi chặng đường của sự sống. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong rất cao rơi vào người già. Ở nước Ý, hơn 80 phần trăm số người đã chết đều trên 70 tuổi.

Bộ nhấn mạnh, “Trong thời gian đặc biệt này, có rất nhiều sáng kiến … mà Giáo hội đang đưa ra dành cho người cao niên. Do tình trạng không thể tiếp tục đến thăm tại nhà đã dẫn đến việc phải tìm kiếm những hình thức hiện diện mới đầy sáng tạo. Gọi điện thoại, gửi tin nhắn video hoặc tin nhắn thoại, hoặc truyền thống hơn thì viết thư gửi đến những người sống một mình. Các giáo xứ thường tham gia mạnh mẽ trong việc đi giao thức ăn và thuốc điều trị cho những người bị bắt buộc không được rời khỏi nhà. Hầu như ở khắp nơi, các linh mục tiếp tục đến tại nhà để trao các bí tích. Nhiều người thiện nguyện, đặc biệt là giới trẻ, đang hoạt động một cách quảng đại để tiếp tục hoặc thậm chí bắt đầu những mạng lưới quan trọng của tình đoàn kết và chăm sóc.

“Nhưng tính nghiêm trọng của thời gian hiện tại kêu gọi chúng ta phải làm việc nhiều hơn. Là các cá nhân và Giáo hội địa phương, chúng ta có thể làm nhiều điều cho người cao niên: cầu nguyện cho họ, điều trị căn bệnh cô đơn, kích hoạt những mạng lưới đoàn kết và nhiều hơn thế. Đứng trước toàn cảnh của một thế hệ bị ảnh hưởng nặng nề, chúng ta có trách nhiệm chung, bắt nguồn từ nhận thức về giá trị vô cùng quý báu của mỗi sự sống con người và từ lòng biết ơn đối với cha mẹ và ông bà của chúng ta. Chúng ta phải dành những năng lượng mới để bảo vệ họ khỏi cơn giông tố này, cũng như mỗi chúng ta đã được bảo vệ và chăm sóc trong những cơn bão tố nhỏ và lớn trong cuộc sống. Chúng ta không thể để người cao niên một mình, vì trong sự cô độc, coronavirus giết người nhiều hơn.”

Đức Thánh Cha Phanxico liên tục nói về vai trò quan trọng của người cao niên trong xã hội. Ngài kêu gọi có một vai trò mới cho người cao tuổi trong huấn từ ngày 31 tháng Một năm 2020 gửi đến Đại hội Quốc tế lần thứ Nhất về chăm sóc mục vụ cho người cao niên về chủ đề “Sự giàu có của nhiều năm,” được tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống.

“Khi chúng ta nghĩ về giới cao niên và nói về các ngài, đặc biệt trong chiều kích mục vụ, chúng ta phải học cách thay đổi các thì của động từ một chút,” Đức Phanxico nói trong Tháng Một. “Không chỉ có quá khứ, dường như đối với người cao niên, chỉ có một đời sống đằng sau họ và một khối ký ức.

“Không. Thiên Chúa cũng có thể và muốn cùng với họ viết lên những trang mới, những trang của sự nên thánh, phục vụ, cầu nguyện … Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em rằng người cao niên cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Vâng, họ cũng là tương lai của Giáo hội, để cùng với người trẻ, để nói tiên tri và ước mơ! Đây là lý do tại sao điều rất quan trọng là người già và người trẻ hãy chuyện trò với nhau, nó vô cùng quan trọng.”



Dưới đây là toàn văn của lá thư, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Người cao niên: trong sự cô độc, coronavirus giết người nhiều hơn

Anh chị em thân mến,

Giữa “trận phong ba bất ngờ và điên cuồng này, chúng ta nhận biết rằng,” như Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở chúng ta, “chúng ta ở trên cùng một con thuyền.” Trên đó cũng có những người cao niên. Như bất kỳ mọi người, họ cũng mong manh và mất phương hướng. Hôm nay chúng ta dành những mối quan tâm và suy nghĩ tri ân về họ, để ít nhất đáp lại một chút sự dịu dàng mà chúng ta đã được đồng hành trong đời và để sự âu yếm hiền mẫu của Giáo hội chạm đến từng người.

Thế hệ của họ hôm nay – rất khó khăn cho mọi người – đang trả giá cao nhất cho đại dịch Covid-19. Những thống kê cho chúng ta biết rằng ở nước Ý hơn 80% số người bị chết đều trên 70 tuổi.

Vài tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng “sự cô đơn có thể trở thành một căn bệnh, nhưng với đức ái, sự gần gũi và an ủi tinh thần chúng ta có thể chữa lành nó.” Những lời này giúp chúng ta hiểu rằng, nếu đúng là virus corona gây chết người mạnh mẽ hơn khi nó tiếp xúc với một cơ thể suy nhược, trong nhiều trường hợp bệnh lý trước đó là sự cô đơn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đang chứng kiến, với những tỷ lệ và cách thức khủng khiếp, những cái chết của nhiều người sống xa gia đình, và trong điều kiện hoàn toàn cô đơn.

Vì lý do này, điều quan trọng là chúng ta hãy làm mọi việc có thể để điều trị cho tình trạng bị bỏ rơi này. Trong những hoàn cảnh như hiện tại, việc này có nghĩa là cứu được sự sống.

Trong thời gian đặc biệt này, có rất nhiều sáng kiến liên quan đến điều này mà Giáo hội đang đưa ra dành cho người cao niên. Do tình trạng không thể tiếp tục đến thăm tại nhà đã dẫn đến việc tìm kiếm những hình thức hiện diện mới đầy sáng tạo. Gọi điện thoại, gửi tin nhắn video hoặc tin nhắn thoại, hoặc truyền thống hơn thì viết thư gửi đến những người sống một mình. Các giáo xứ thường tham gia mạnh mẽ trong việc đi giao thức ăn và thuốc điều trị cho những người bị bắt buộc không được rời khỏi nhà. Hầu như ở khắp nơi, các linh mục tiếp tục đến tại nhà để trao các bí tích. Nhiều người thiện nguyện, đặc biệt là giới trẻ, đang hoạt động một cách quảng đại để tiếp tục hoặc thậm chí bắt đầu những mạng lưới quan trọng của tình đoàn kết và chăm sóc.

Nhưng tính nghiêm trọng của thời gian hiện tại kêu gọi chúng ta phải làm việc nhiều hơn. Là các cá nhân và Giáo hội địa phương, chúng ta có thể làm nhiều điều cho người cao niên: cầu nguyện cho họ, điều trị căn bệnh cô đơn, kích hoạt những mạng lưới đoàn kết và nhiều hơn thế. Đứng trước toàn cảnh của một thế hệ bị ảnh hưởng nặng nề, chúng ta có trách nhiệm chung, bắt nguồn từ nhận thức về giá trị vô cùng quý báu của mỗi sự sống con người và từ lòng biết ơn đối với cha mẹ và ông bà của chúng ta. Chúng ta phải dành những năng lượng mới để bảo vệ họ khỏi cơn giông tố này, cũng như mỗi chúng ta đã được bảo vệ và chăm sóc trong những cơn bão tố nhỏ và lớn trong cuộc sống. Chúng ta không thể để người cao niên một mình, vì trong sự cô độc, coronavirus giết người nhiều hơn.

Những người sống trong các nhà xã hội cần được chú ý đặc biệt: chúng ta nghe thấy các bản tin kinh khủng về điều kiện của họ mỗi ngày và hàng ngàn người hiện đã chết. Sự chú ý tương tự cần hướng đến quá nhiều người dễ bị tổn thương và do rất khó tìm được những thiết bị bảo vệ, đã tạo ra những hoàn cảnh vô cùng khó khăn cho sự điều hành ngoại trừ phải hy sinh, và trong một số trường hợp, sự hy sinh của nhân viên hỗ trợ. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh, sự khủng hoảng hiện tại là kết quả của tình trạng bỏ bê chăm sóc và điều trị từ xa. Bất kể tính phức tạp của tình hình chúng ta đang sống, cần phải làm rõ rằng cứu sống những người già trong các nhà xã hội hoặc ở một mình hoặc bị bệnh tật, là việc ưu tiên cũng giống như việc cứu sống bất kỳ người nào khác. Ở các quốc gia nơi trận đại dịch hiện chỉ gây ra ít hậu quả, vẫn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ họ. Ở những nơi tình hình bi thảm hơn, cần phải hành động để tìm ra những giải pháp cấp thời. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các cộng đoàn hội thánh và xã hội của chúng ta, vì như Đức Thánh Cha Phanxico nói gần đây, “người già là hiện tại và tương lai của Giáo hội.”

Trong sự đau khổ mà tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm trong những ngày này, chúng ta được kêu gọi để nhìn thấy tương lai. Qua tình yêu của nhiều con cái đối với ông bà, và qua sự chăm sóc của những người hỗ trợ và tình nguyện, chúng ta có thể nhìn thấy trong họ lòng thương xót, đây là một cách nói, của những người phụ nữ đi ra mộ để chăm sóc cho xác của Chúa Giêsu lại một lần nữa tái diễn. Cũng như họ, chúng ta hoảng sợ, và cũng như họ, chúng ta biết rằng chúng ta không thể trợ giúp nếu không sống lòng thương xót – trong khi vẫn giữ khoảng cách – mà Ngài đã dạy chúng ta. Cũng như những người phụ nữ, chúng ta sẽ sớm hiểu được rằng điều quan trọng là phải gần gũi với những người đang cần giúp đỡ, ngay cả khi nó có thể nguy hiểm hoặc vô ích, vững tin vào những lời của thiên sứ, mời gọi chúng ta đừng sợ.

Vì vậy chúng ta hãy cùng chung lời cầu nguyện cho các ông bà và những người cao niên trên toàn thế giới. Chúng ta hãy tập trung xung quanh họ bằng những suy nghĩ và tâm hồn, và khi có thể, chúng ta hãy hành động, để họ không bị cô đơn.

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống

06.04.2020



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/4/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét