Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Tìm hiểu những khẳng định giả tạo về việc Đức Thánh Cha Phanxicô bị bắt và ‘Vatican mất điện’

Tìm hiểu những khẳng định giả tạo về việc Đức Thánh Cha Phanxicô bị bắt và ‘Vatican mất điện’

Hôm Chủ nhật, 10 tháng Một, internet xôn xao trước những tin giả về việc mất điện suốt đêm tại Vatican, tiếp theo là một loạt những khẳng định liên quan đến Đức Thánh Cha Phanxicô, cảnh sát Ý, và FBI.

Tìm hiểu những khẳng định giả tạo về việc Đức Thánh Cha Phanxicô bị bắt và ‘Vatican mất điện’


Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào ban đêm. (photo: Songquan Deng / Shutterstock)


CNA

11 tháng Một, 2021

Cuối tuần qua, những khẳng định giả tạo liên quan đến Vatican và Đức Giáo hoàng Phanxicô được chia sẻ rộng rãi bởi những người theo thuyết âm mưu, gây ra sự hoang mang và lo lắng cho người Công giáo trên toàn thế giới.

Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 10 tháng Một, một trang web có tên Conservative Beaver (Hải ly Bảo thủ) đã đăng một bản tin với tiêu đề “VATICAN MẤT ĐIỆN: Giáo hoàng bị bắt giữ với 80 cáo trạng về tội Buôn bán Trẻ em, gian lận.” Bài báo đã được chia sẻ rộng rãi trên Twitter và tạo ra một lượng tìm kiếm tăng đột biến trên Google cho cụm từ “Vatican mất điện” (Vatican blackout).

Chúng ta biết gì về trang web Conservative Beaver?

Trang web tự giới thiệu mình là “một trang tin bảo thủ” đã xuất bản “các câu chuyện thời sự được những người Canada kiêu hãnh quan tâm” trong hơn 10 năm. Trang web nói rằng họ là một doanh nghiệp tự cấp vốn, bắt đầu trong một phòng thuộc ký túc xá của Đại học Ottawa, trước khi nổi lên như một “tờ báo bí mật” ở Montreal và trên mạng internet.

Bản tin đã khẳng định giả mạo điều gì?

Website tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị bắt hôm thứ Bảy ngày 9 tháng Một “liên quan đến một bản cáo trạng gồm 80 tội danh bao gồm sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn người, loạn luân, sở hữu dụng cụ ma túy và gian trá trọng tội.”

Báo cáo khẳng định rằng vụ bắt giữ được ra lệnh bởi “Văn phòng Công tố Quốc gia Ý” và được thực hiện bởi “các sĩ quan quân đội, cảnh sát Ý và Đơn vị Tội phạm Tình dục của họ,” giữa các báo cáo về tiếng súng nổ. Nó tuyên bố rằng các đặc vụ đã “cắt điện ở Vatican” và che mờ camera quan sát Quảng trường Thánh Phêrô để khỏa lấp hành động của họ.

Nó còn nói thêm rằng giáo hoàng đã bị chuyển đến “một nhà tù không xác định” để thẩm vấn bởi “Các đặc vụ Liên bang làm việc cho chính phủ Ý và Interpol,” và sau đó giáo hoàng sẽ bị FBI thẩm vấn.

Có bằng chứng nào hỗ trợ cho những tuyên bố đó không?

Không. Không có một nguồn tin chính thức nào đưa tin về một vụ xáo trộn tại Vatican vào thứ Bảy.

Thông tín viên Colm Flynn của EWTN Vatican, sống gần Vatican, cho biết: “Tôi không nhận thấy bất kỳ sự cố mất điện nào trong suốt những ngày cuối tuần. Tôi đã ở nhà gần như suốt buổi tối thứ Bảy và chẳng có vụ mất điện nào.”

Mountain Butorac, một hướng dẫn viên du lịch có trụ sở gần Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, cho biết rằng không có chuyện “mất điện trên diện rộng” ở Vatican. Anh nói rằng anh không hề nghe thấy một vụ đấu súng hay tín hiệu nào về một cuộc đột kích của cảnh sát.

Liên quan đến độ mờ của livecam, anh chỉ ra rằng độ phơi sáng của camera trên nguồn cấp dữ liệu trực tiếp thay đổi theo điều kiện thời tiết.

Anh ấy viết, “Trong mọi trường hợp, bạn đều có thể thấy đèn điện được bật rất nhiều. Bạn có thể nhìn thấy mái vòm, bạn có thể nhìn thấy đèn của các hàng cột, bạn có thể nhìn thấy một số đèn văn phòng / căn hộ, bạn có thể nhìn thấy đèn cảnh Chúa giáng sinh, bạn có thể nhìn thấy ngôi sao của cây thông Giáng sinh.”

Những người theo thuyết âm mưu có chộp lấy cơ hội của những tuyên bố trong báo cáo của Conservative Beaver không?

Có. Những người dùng Twitter có đầu óc theo thuyết âm mưu đã tìm cách kết nối bản tin với cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, cũng như sự cố mất điện trên diện rộng ở Pakistan.

Trang Conservative Beaver phản ứng như thế nào trước việc bị bóc trần báo cáo của mình?

Trang web đã đăng một bản tin cập nhật vào ngày Chủ nhật phản hồi cho những độc giả chỉ ra rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có lời tweet ngay buổi sáng hôm đó. Nó lập luận rằng câu tweet đã được lên lịch trước bởi nhóm truyền thông xã hội của Giáo hoàng và khăng khăng cho rằng “Giáo hoàng Phanxicô vẫn đang chịu sự Quản thúc Liên bang ở Ý, do đó, không nhìn thấy ngài xuất hiện trên video.”

Đức Thánh Cha Phanxicô có xuất hiện lần nào kể từ khi bản tin đăng tải không?

Có. Ngài có bài huấn từ Kinh Truyền tin được truyền trực tuyến như thường lệ từ Thư viện của Tông Tòa vào sáng Chủ nhật.

Vatican có phản phản ứng với bản tin chưa?

Khi được hỏi về bản tin ngày 11 tháng Một, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã trả lời bằng cách đưa ra lịch trình bận rộn với các cuộc họp vào sáng thứ Hai của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngụ ý rằng mọi việc diễn ra như thường lệ tại Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô có nói gì về “tin giả” không?

Có. Ngài đã dành sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới năm 2018 của mình về chủ đề này, nói rằng “tin giả” đã có từ trước, từ sự cám dỗ của Ađam và Eva bởi con rắn trong Vườn Địa đàng.

Ngài viết: “Chiến lược của ‘cha sự gian dối’ (Ga 8:44) rất điêu luyện này là sự bắt chước vô cùng chính xác, hình thức dụ dỗ đầy ranh mãnh và nguy hiểm đó đi sâu vào tâm hồn bằng những lý lẽ giả tạo và đầy lôi cuốn.”

Đức Giáo hoàng cũng dành một phần trong tông huấn gần đây nhất của ngài, “Fratelli tutti,” cho các phương tiện truyền thông xuyên tạc. Ngài lưu ý rằng Internet được đánh dấu bằng “các mạch đóng” “tạo điều kiện cho việc lan truyền tin giả và thông tin sai lệch”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô có từng là mục tiêu của “tin giả” trước đây không?

Đây không phải là lần đầu tiên có những bản tin giả tạo về Đức Giáo hoàng Phanxicô. Chẳng hạn, vào năm 2013, một bản tin được lan truyền rộng rãi tuyên bố đức giáo hoàng đã công bố rằng “tất cả các tôn giáo đều đúng” tại “Công đồng Vatican thứ ba”. Năm 2015, một bài báo lan truyền nhanh chóng nói rằng Đức Giáo hoàng đã thông báo ngài đang sửa lại Mười Điều Răn. Câu chuyện mất điện ở Vatican chỉ là một ví dụ mới nhất.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/1/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét