Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô Chúa nhật, 21 tháng Ba, 2021

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô Chúa nhật, 21 tháng Ba, 2021

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thư viện Điện Tông tòa

Chúa nhật, 21 tháng Ba, 2021


Anh chị em thân mến,

Buongiorno!

Vào Chúa nhật Thứ Năm Mùa Chay này, phụng vụ công bố Tin Mừng, trong đó Thánh Gioan đề cập đến một sự kiện xảy ra trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Kitô, ngay trước cuộc Thương khó (xem Ga 12: 20-33). Khi Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp, tò mò vì những điều Ngài làm, bày tỏ mong muốn được gặp Ngài. Họ đến với Tông đồ Philipphê và nói với ông: “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (câu 21). “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”. Chúng ta hãy chi nhớ điều này: “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”. Philipphê nói với Anrê và sau đó hai ông cùng nhau đến báo với Thầy. Trong lời yêu cầu của những người Hy Lạp đó, chúng ta có thể thoáng thấy lời yêu cầu mà nhiều người nam và nữ, ở mọi nơi và mọi lúc, đặt ra cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta: “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”.

Và Chúa Giêsu trả lời như thế nào cho yêu cầu đó? Theo một cách khiến chúng ta phải suy nghĩ. Ngài nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! … nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (câu 23-24). Những lời này dường như không trả lời cho yêu cầu mà những người Hy Lạp đưa ra. Trong thực tế, các lời đó vượt qua yêu cầu. Quả thật, Chúa Giêsu tiết lộ cho tất cả mọi người muốn tìm Ngài rằng Ngài là hạt giống âm thầm sẵn sàng chết để sinh nhiều hoa trái. Dường như muốn nói rằng: nếu anh muốn biết tôi, nếu anh muốn hiểu tôi, hãy nhìn vào hạt lúa mì chết trong lòng đất, tức là hãy nhìn vào thập giá.

Dấu Thánh giá hiện lên trong tâm trí, qua nhiều thế kỷ dấu thánh giá đã trở thành biểu tượng đặc biệt của người Kitô hữu. Ngay cả ngày nay, những người muốn “nhìn thấy Chúa Giêsu”, có lẽ đến từ các quốc gia và nền văn hóa mà Kitô giáo không được biết đến nhiều, họ nhìn thấy điều gì trước tiên? Dấu hiệu phổ biến nhất mà họ gặp thấy là gì? Khổ giá, Thập giá. Trong các nhà thờ, trong nhà của những người Kitô giáo, thậm chí còn được đeo trên người của họ. Điều quan trọng là dấu chỉ phải phù hợp với Tin Mừng: thập giá không thể không biểu lộ tình yêu, sự phục vụ, sự xả thân không cần đền đáp: chỉ bằng cách này nó mới thực sự là “cây của sự sống”, của sự sống dồi dào.

Ngày nay cũng vậy, nhiều người, thường không nói ra, tha thiết muốn “gặp Chúa Giêsu”, gặp Ngài, biết Ngài. Đây là cách chúng ta hiểu được trách nhiệm lớn lao mà người Kitô hữu chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta phải có. Chúng ta cũng phải trả lời bằng chứng tá của một đời sống được trao tặng trong sự phục vụ, một đời sống mang phong cách của Thiên Chúa – gần gũi, từ bi và dịu dàng – và được trao tặng trong sự phục vụ. Nó có nghĩa là gieo những hạt giống tình yêu, không phải bằng những lời nói thoáng qua mà bằng những tấm gương cụ thể, đơn sơ và can đảm, không phải bằng lý những sự lên án trên lý thuyết mà bằng các cử chỉ yêu thương. Sau đó, với ân sủng của Chúa, Người sẽ làm cho chúng ta sinh hoa trái, ngay cả khi đất khô cằn do những hiểu lầm, khó khăn hoặc bắt bớ, hoặc những tuyên bố về tính hợp pháp hoặc tính đạo đức giáo sĩ. Đây là đất cằn cỗi. Chính vì vậy, trong những thử thách và sự cô độc, trong khi hạt giống đang chết đi thì đó chính là thời điểm mà sự sống nở hoa, đơm hoa kết trái đúng lúc. Chính trong sự đan xen giữa cái chết và sự sống, chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui và kết quả thực sự của tình yêu, điều mà tôi luôn nhắc lại, được ban cho theo phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi, dịu dàng.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta theo chân Chúa Giêsu, bước đi, mạnh mẽ và vui tươi, trên con đường phục vụ, để tình yêu Chúa Kitô tỏa sáng trong mọi thái độ của chúng ta và ngày càng trở thành phong cách sống hàng ngày của chúng ta.

____________________________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến, hôm nay tại Ý, chúng ta kỷ niệm Ngày tưởng nhớ và cam kết tưởng nhớ các nạn nhân vô tội của mafia. Mafia có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và đang khai thác đại dịch này, họ đang làm giàu cho mình thông qua tham nhũng. Thánh Gioan Phaolô II đã tố cáo “văn hóa chết chóc” của họ, và Đức Benedict XVI đã lên án họ là “những con đường chết”. Những cơ cấu tội lỗi, những cơ cấu mafia, trái nghịch với Phúc âm của Đức Kitô, đánh đổi đức tin bằng việc sùng bái ngẫu tượng. Hôm nay chúng ta hãy tưởng nhớ tất cả các nạn nhân và chúng ta hãy tiếp tục cam kết chống lại mafia.

Ngày mai là Ngày Nước Thế giới, ngày mời gọi chúng ta suy tư về giá trị của món quà tuyệt vời và không thể thay thế này của Thiên Chúa. Với người tín hữu chúng ta, “chị nước” không phải là món hàng hóa: nó là một biểu tượng phổ quát và là nguồn mạch của sự sống và sức khỏe. Có quá nhiều anh chị em, rất rất nhiều anh chị em được tiếp cận quá ít với nguồn nước và có thể là nước bị ô nhiễm. Thật vô cùng cần thiết phải bảo đảm nguồn nước uống và dịch vụ vệ sinh cho tất cả mọi người. Tôi cảm ơn và khuyến khích những người, với chuyên môn và trách nhiệm khác nhau, hãy làm việc vì mục tiêu rất quan trọng này. Chẳng hạn, tôi nghĩ về trường Đại học Nước, ở quê hương tôi, về những người làm việc để phát triển và làm cho tầm quan trọng của nước được hiểu rõ. Rất cám ơn các bạn người Argentina đang làm việc trong trường Đại học Nước này.

Cha chào tất cả anh chị em, những người được kết nối thông qua các phương tiện truyền thông, với sự tưởng nhớ đặc biệt đến những bệnh nhân và người cô đơn. Chúc anh chị em ngày Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng! Arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/3/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét