Malta, một vùng đất của những ơn đặc biệt của Mẹ Maria
13/05/21
Bạn có thể biết đến Quần đảo Malta với những vùng biển đẹp mê hồn, nổi tiếng là một điểm đến cho môn lặn, hoặc những lễ hội nổi tiếng của nó. Nhưng Malta cũng là quê hương của nhiều đền thờ Đức Mẹ được công nhận là có phép lạ.
Văn học Hy Lạp cổ đại — dù là Hô-me hay trước Hô-me — khá hào phóng khi miêu tả các nhân vật của nó. Những sử thi cổ đại dường như không thực sự quan tâm nhiều đến những miêu tả tỷ mỷ về hình thể, mà tập trung vào những điểm đạo đức của các nhân vật chính, nhưng từ một số câu trong Iliad chúng ta biết rằng Achilles có mái tóc “vàng kim” (xanthos) (Xem Iliad 1.197), đôi mắt của Athena giống mắt cú vọ “sáng” (nguyên ngữ là glaukopis), hoặc Eurybates là người đưa tin của Odysseus, có lưng hơi gù và da sẫm màu (melanokhroos). Chắc chắn, tất cả những điều này là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận sôi nổi giữa các học giả: chẳng hạn chúng ta dịch từ xanthos như thế nào, vì nó có liên quan đến từ nguyên gốc xouthos, một từ cũng được dùng để mô tả Achilles, và nó chỉ về sự nhanh nhẹn nổi tiếng cũng như sự thay đổi cảm xúc đáng chú ý của anh ấy?
Nếu so sánh với văn học cổ điển Hy Lạp, những câu chuyện trong Kinh Thánh có vẻ rời rạc, thiếu chi tiết, để lại nhiều điều cho trí tưởng tượng của người đọc khi miêu tả các nhân vật chính của nó. Và thậm chí chính Kinh Thánh là một tập hợp phức tạp của các nguồn và thể loại văn học khác nhau, và việc đưa ra một tuyên bố chung cho tất cả các câu chuyện thì thường là sai, người ta có thể nói rằng các tác giả Kinh thánh đều có điểm thiếu chung đó là không cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến dáng vẻ của nhiều nhân vật anh hùng và phản diện. Chẳng hạn, Kinh Thánh không miêu tả bất kỳ đặc điểm ngoại hình nào của ông Môsê hoặc vua Đavít. Chúng ta chỉ biết rằng Môsê có thể là một người nói lắp (hoặc ông không nói cùng ngôn ngữ của những người ông đang dẫn qua sa mạc), và Đavít thì thấp hơn Gôliát, người khổng lồ — điều đó thật sự chẳng nói lên được gì nhiều.
Đúng là bằng cách nhìn vào một số tên gọi và tìm hiểu ý nghĩa nguyên ngữ của chúng thì có thể giải mã một số điều. Ví dụ, Esau có thể có nghĩa là “màu hung hung” hoặc “rậm râu tóc”, gợi ý rằng Esau có thể là nhiều râu tóc, và có lẽ râu tóc màu hung đỏ.
Nhưng đó là Kinh thánh tiếng Hêbrơ. Điều đáng ngạc nhiên là Tân Ước nói rất ít (trên thực tế, hầu như không nói gì) về vóc dáng của vai chính trong Tin Mừng, Chúa Giêsu, trông như thế nào — mà còn nói ít hơn nữa về dáng vóc của các tông đồ. Đó là lý do tại sao các họa sĩ, ngay từ buổi bình minh của Kitô giáo, phải dựa vào tiêu chuẩn nghệ thuật thời đại của họ, hơn là dựa trên lời chứng thực tế bằng văn bản của các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai khi họ phải mô tả Đấng Mêsia của họ qua các ảnh tượng hoặc bích họa. Điều tương tự cũng xảy ra với Mẹ Maria, vì các thánh kinh cũng không cung cấp nhiều chi tiết về vẻ bên ngoài của Mẹ.
Một trong những người họa sĩ đó — theo truyền thống — cũng là tác giả của một trong những sách Tin Mừng. Truyền thống Kitô giáo cho biết Thánh Luca có nhiều tài năng khác nhau. Một trong những tài năng đó, ngài là một họa sĩ giỏi, và là tác giả của bức “chân dung” đầu tiên của chính Mẹ Maria.
Được coi là tác giả Tin Mừng có lối viết văn chương nhất, ngài không những được ghi nhận đã viết Tin Mừng theo Luca và Công vụ Tông đồ: các Giáo hội phương Đông xem ngài là “họa sĩ ảnh thánh” đầu tiên, chịu trách nhiệm “viết” ảnh đầu tiên của Đức Trinh Nữ Maria. Một tài liệu cổ giải thích cách thức một Hoàng hậu Byzantine đã đem bức ảnh được cho là của Thánh Luca vẽ đi trên suốt quãng đường từ Giêrusalem đến Constantinople trong thế kỷ thứ 5. Tu viện Hodegon được xây dựng để lưu giữ bức ảnh, và sau này tất cả các bản sao của bức ảnh đó được gọi là Hodegetria. Hầu hết mọi người tin rằng bức ảnh nguyên thủy đã bị thất lạc trong thời Trung cổ.
The St. Luke Madonna: Bức ảnh này thể hiện Đức Trinh Nữ đang bồng Chúa Con, được lưu giữ tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Phaolô, trong thành đô cổ của Malta là Mdina. Tên của bức ảnh xuất phát từ niềm tin lâu đời cho rằng nó được chính Thánh Luca vẽ. Tuy nhiên, các nhà sử học nghệ thuật hiện nay đều đồng ý rằng đây là bức ảnh thời trung cổ/ Courtesy of the Mdina Metropolitan Cathedral. Photo by Joe P. Borg.
Cũng chính Thánh Luca là bạn đồng hành và là người ghi chép cho Thánh Phaolô trong các chuyến đi vòng quanh Địa Trung Hải của ngài, rao giảng phúc âm. Trên đường đến phiên tòa xét xử tại Rôma vào năm 60, Thánh Phaolô bị đắm tàu ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Malta và trải qua những tháng mùa đông ở đó và không thể đi đâu. Trong thời gian ở đây, ngài đã đưa thống đốc của hòn đảo tên là Púpliô trở lại đạo (là giám mục đầu tiên và là vị thánh đầu tiên của Malta), chữa lành cho những người bệnh và đưa các linh hồn trở về với Chúa Kitô, thiết lập những nền tảng cho Kitô giáo ở Malta. Thánh Luca kể lại câu chuyện (lưu ý câu chuyện được viết ở ngôi thứ nhất của số nhiều, “chúng tôi”) như sau, trong sách Tông đồ Công vụ 28:
“Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Manta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phaolô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: ‘Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.’’Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.
Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púpliô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púp-li-ô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.”
Kể từ đó — và cho đến ngày nay — người Malta nằm trong số những người Công giáo nhiệt thành nhất trên thế giới. Với truyền thống kéo dài hai thiên niên kỷ không bị gián đoạn của di sản Kitô giáo phong phú (cộng đoàn Kitô giáo của Malta cũng lâu đời như cộng đoàn Êphêsô, Giêrusalem, Côrinhtô và Rôma, nhờ vụ đắm tàu của Thánh Phaolô (theo ý Đấng quan phòng), việc đất nước có nhiều hơn một nhà thờ trên 1 km vuông là điều hiển nhiên. Trên thực tế, có đủ các nhà nguyện và nhà thờ trên quần đảo để bạn tham dự Thánh lễ mỗi ngày ở một nơi khác nhau trong cả năm: tổng cộng có 359 nhà thờ và nhà nguyện. Ngay cả hòn đảo nhỏ nhất thuộc quần đảo Malta là Comino (nổi tiếng với những đầm phá màu xanh lam pha lê) cũng có một nhà nguyện — với chưa đầy năm cư dân của nó!
Hầu hết các nhà thờ này đều cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria, và một số nhà thờ được biết đến là nơi có nhiều ơn lạ đặc biệt đã ban cho nhiều người trong suốt các thế kỷ. Nhiều bảng tạ ơn phủ kín một trong những bức tường của Thánh địa Đức Mẹ Mellieha vì những lời cầu nguyện được nhận lời — tất cả mọi thứ từ những tờ ghi chú viết tay đến những quần áo của các em bé, và thậm chí cả một chiếc mũ bảo hiểm xe môtô — khẳng định điều này, và từng đoàn người hành hương kéo đến hoặc là xin Đức Trinh Nữ ban cho một ơn đặc biệt, cũng như để cảm tạ Mẹ về những ơn đã nhận được. Lần tới khi bạn lên kế hoạch đến thăm một thánh địa Đức Mẹ, hãy cân nhắc về thánh địa Madonna Tal-Ħerba in Birkirkara; Đền thờ quốc gia Đức Mẹ Ta’ Pinu ở Gozo; hoặc Thánh địa cổ kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Qala, đây mới là ba trong số rất nhiều nhà thờ Đức Mẹ nguy nga trên cả nước.
Sự kiện Thánh Luca bị đắm tàu cùng với Thánh Phaolô ở quần đảo Malta có thể giải thích tại sao cả những hiện vật lịch sử và truyền thống truyền khẩu đều cung cấp bằng chứng về lòng sùng kính Đức Mẹ từ rất sớm đã lan rộng khắp các hòn đảo này. Thánh Luca không chỉ được ghi nhận theo truyền thống là tác giả của bức ảnh Đức Mẹ đầu tiên của Kitô giáo: Tin Mừng của ngài nói về Đức Mẹ nhiều nhất trong số tất cả các Tin mừng, và chứa đầy những hạt giống cho những gì sau này trở thành những điểm phát triển thần học đầy đủ về Đức Mẹ. Thật vậy, các truyền thống của người Malta hiểu rằng rất có thể Thánh Luca đã nói chuyện với người dân trên đảo về Mẹ của Đấng Cứu Thế. Nhiều nhà nguyện khác nhau được tìm thấy khắp nơi ở Malta là bằng chứng cho thấy ngay từ đầu Malta là một trung tâm của lòng sùng kính Đức Mẹ rõ ràng. Trên thực tế, sau khi hoàng đế Constantine tuyên bố rằng Kitô giáo là quốc giáo của Đế quốc, nhiều ngôi đền thời kỳ đồ đá mới đã được chuyển đổi thành nhà thờ cung hiến cho Chúa Kitô và các vị thánh của Ngài. Những đền thờ các nữ thần sau đó đã được cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria bởi một dân tộc mà, rất có thể — một lần nữa cũng theo truyền thống cho biết — đã có lòng sùng kính Mẹ.
Mời quý vị xem các ảnh dưới để khám phá một số nhà thờ đẹp nhất và những địa điểm hành hương trên Quần đảo Malta.
Những khu chôn cất người Kitô giáo
Hang toại đạo Thánh Phaolô ở Rabat, Malta. Luật La Mã cấm chôn cất trong thành. Đó là lý do tại sao Hang toại đạo Thánh Phaolô nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Melite cũ của La Mã (ngày nay là Mdina). Là một khu chôn cất từ thời Carthage và Rômăng, địa điểm này cho thấy bằng chứng khảo cổ học sớm nhất và lớn nhất về Kitô giáo ở Malta. Những hang toại đạo tạo thành một khu phức hợp điển hình của các nghĩa trang La Mã dưới lòng đất kết nối với nhau được sử dụng cho đến thế kỷ thứ 7 và có thể là thế kỷ thứ 8 sau Chúa Giáng sinh. Ở Malta có nhiều khu vực chôn cất người Kitô giáo cổ đại khác, chẳng hạn như hang toại đạo Thánh Agatha và Ta’
Hang động của Thánh Phaolô
Grotto là một trong những địa điểm được tôn kính nhất ở quần đảo Malta, nơi được cho là Thánh Phaolô đã cư ngụ khi ngài bị đắm tàu vào năm 60 sau Công nguyên, khi ngài đang đi từ đảo Crete đến Rôma để bị đưa ra xét xử trước mặt Julius Caesar. Ngài được cho là ở trong hang này trong suốt ba tháng. Chính từ đây vị Tông đồ của Dân ngoại đã rao giảng và truyền bá lời Chúa và nhờ đó đã truyền cho hòn đảo của chúng tôi Kitô giáo. Địa điểm này cũng được nhiều nhân vật quan trọng đến thăm, bao gồm Đức Giáo hoàng Benedict, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài Fabio Chigi (sau này trở thành Đức Giáo hoàng Alexander VII) và Đô đốc Lord Nelson | Alamy
Di tích Vương cung Thánh đường Byzantine tại Tas-Silg
Tas-Silġ (tiếng Malta có nghĩa là ‘thuộc về Tuyết) là một trong những địa điểm tôn giáo cổ xưa nhất ở Malta, và được lấy theo tên của một nhà thờ nhỏ cung hiến cho Đức Mẹ Tuyết. Ở đây chúng ta tìm thấy dấu tích của những ngôi đền thời tiền sử có niên đại ít nhất là 2.800 năm trước Chúa Giáng sinh; và của Vương cung thánh đường Byzantine thế kỷ thứ 5 sau Chúa Giáng sinh. Vào thế kỷ thứ 5, người Byzantine, người Công giáo Chính thống, đã dựng lên một Vương cung thánh đường trên địa điểm này. Khi Giáo hội Kitô giáo trở thành quốc giáo của toàn Đế quốc, Giáo hội cung hiến các ngôi đền ngoại giáo để tôn vinh các vị thánh, các vị tử đạo và Đức Trinh Nữ. Ngày nay, chỉ còn lại một số vết tích của Vương cung thánh đường, như được nhìn thấy trong bức ảnh này | Courtesy of Heritage Malta – Photographer Steve Psaila
Đức Maria Bổn mạng của Malta
Maria Meitæ Patrona (Đức Maria Bổn mạng của Malta), một bức tranh của họa sĩ Pietro Gagliardi (1809-1890) trong Nhà thờ Chính tòa Mdina. Họa sĩ Gagliardi mô tả Đức Trinh Nữ Maria chỉ tay về phía Malta và Chúa Giêsu đang ban phép lành | Courtesy of the Mdina Metropolitan Cathedral
Ảnh Đức Mẹ Caraffa Madonna tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Gioan ở Valletta
Nhà nguyện Thánh Thể Cực Thánh của Nhà thờ Chánh Tòa có một bức ảnh tôn vinh – bức ảnh Đức Mẹ Caraffa được bọc bạc, bức ảnh được rước kiệu hàng năm vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 8 tháng Mười Hai. Bức ảnh Caraffa Madonna được Tu viện trưởng Fra Girolamo Caraffa dâng tặng cho Nhà thờ Đan viện | Courtesy of the Archdiocese of Malta
Đền thờ Quốc gia Mẹ Maria ở Mellieha
Đức Mẹ Mellieħa có một lịch sử lâu đời được dệt lên trong sự huyền diệu và truyền thống. Một trong những truyền thống lâu đời nhất là người bạn đồng hành của Thánh Phaolô, Thánh Luca Thánh sử đã vẽ một bức bích họa trong thời gian lưu trú tại Malta vào năm 60 sau Chúa Giáng sinh. Trong thánh địa này, nhiều bảng tạ ơn làm chứng rằng nhiều ơn lạ đã được Đức Trinh nữ Hodegetria ban (Mẹ là Đấng chỉ ra con Đường – Chúa Con là đường dẫn đến Ơn cứu độ). Đền thờ Mellieha là một trong hai mươi Đền thờ Mẹ Maria Quốc gia tạo thành Mạng lưới Đền thờ Mẹ Maria Châu Âu
Bộ tranh ba ảnh Đức Mẹ Phép Lạ ở Lija
Tác phẩm bộ tranh ba ảnh sau bàn thờ trong một nhà nguyện cổ thuộc thị trấn Lija mô tả Đức Mẹ ngồi trên ngai tòa, đang bồng Chúa Giêsu Hài Đồng, với Thánh Phaolô ở bên trái và Thánh Nicholas ở bên phải. Vào ngày 20 tháng Hai năm 1743, trong khi đang thắp đèn trước Ảnh Thánh, người trông coi nhà thờ nhận thấy khuôn mặt của Đức Mẹ sáng hơn bình thường. Khi quan sát kỹ hơn, ông nhận thấy có chất lỏng giống như nước trên bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh. Ông từ quyết định báo ngay cho Cha xứ, vị linh mục sau đó thông báo cho các Nhà chức trách Giáo hội. Họ xác minh rằng những giọt chất lỏng đó là mồ hôi của con người. Ngày hôm sau, 21 tháng Hai, Malta bị một trận động đất kinh hoàng, nhưng các tòa nhà không sụp đổ và không một người nào bị thiệt mạng
Mừng Lễ Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời
Một đám đông khổng lồ các tín hữu cử hành mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên trời (Santa Marija) dưới Vương cung thánh đường tráng lệ của Mẹ ở Mosta. Santa Marija là Bổn mạng của người dân trên Quần đảo Malta, và ghi sâu trong trái tim họ. Tuy nhiên, nguồn gốc ban đầu của nó rất khó truy nguyên. Thật vậy, sự thấm nhập sâu sắc lòng sùng kính Đức Mẹ vào trong truyền thống tôn giáo của Malta là rất rõ ràng. Tất cả các giáo xứ hiện có cho đến đầu thế kỷ 17, cũng như các vùng dân cư quan trọng hơn của Quần đảo, đều có ít nhất một nhà thờ hoặc bàn thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và ngày nay chúng tôi vẫn có chín giáo xứ có lễ chính là Lễ Santa Marija Assunta – vào ngày 15 Tháng Tám hoặc một ngày gần kề | Shutterstock
Bảng tạ ơn tại Thánh địa Madonna Tal-Herba, Birkirkara
Một số bức vẽ bảng tạ ơn là bằng chứng cho những ơn được ban cho nhiều người mà lời cầu xin của họ được Đức Trinh Nữ nhận lời. Họ muốn lưu giữ lời cảm tạ của họ trong các bức tranh để những thế hệ mai sau nhìn thấy và tin | Photo by Ivan Saliba ta' Patist
Nhà nguyện Đức Mẹ Núi Camêlô, Valletta
Bức tượng tại Nhà nguyện Đức Mẹ Núi Camêlô ở Valletta được vây quanh bởi vô số bảng tạ ơn. Đây là bức tượng Đức Mẹ Núi Camêlô đầu tiên trên Quần đảo Malta. Tác giả của nó được cho là Pietro Paolo Troisi, một nhà điêu khắc thế kỷ 17. Bức tượng lịch sử này gần đây đã được khôi phục bởi Valentina Lupo và ảnh này được chụp trong ngày Lễ Đức Mẹ Sầu Bi trước khi công việc phục chế bắt đầu | Courtesy of Aletier del Restauro
Rước kiệu Thứ Sáu Tuần Thánh
Những cuộc rước kiệu Thứ Sáu Tuần Thánh diễn ra ở một số thị trấn và làng mạc trên Quần đảo. Các bức tượng mô tả những chặng đàng trong Cuộc Khổ nạn của Chúa với hàng trăm nhân vật hóa trang thành các Thượng tế Giuđêa, binh lính La Mã, một số thậm chí cưỡi ngựa, những người theo Chúa Giêsu, các tiên tri và những nhân vật khác trong Kinh thánh, của Cựu Ước cũng như Tân Ước.
Nhà thờ Thánh Catarina (Valletta)
Đây là một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Valletta và nó được xây dựng vào năm 1576, mười năm sau khi đặt viên đá đầu tiên của Valletta. Trước khi xây dựng Nhà thờ Đan viện Thánh Gioan Tẩy Giả, nó từng là Nhà thờ Đan viện của Dòng Hiệp sĩ Bệnh viện. Nhà thờ Thánh Catarina lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá khác nhau, trong đó có một số tác phẩm do danh họa bậc thầy người Ý là Mattia Preti thực hiện. Bàn thờ được coi là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/6/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét