Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 1, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 1, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 19 tháng Một, 2021

______________________________


Bài giáo lý về Thánh Giuse: 8. Thánh Giuse, người cha nhân từ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, cha muốn tìm hiểu về hình ảnh của Thánh Giuse là một người cha nhân từ.

Trong Tông thư Patris corde, (8 tháng Mười Hai, 2020) cha đã có cơ hội suy tư về khía cạnh của lòng nhân từ, một khía cạnh trong tính cách của Thánh Giuse. Quả thật, cho dù các Tin mừng không cho chúng ta bất kỳ chi tiết nào về cách ngài thực hiện vai trò làm cha như thế nào, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng việc ngài là một người “công chính” đã biến thành cách giáo dục của ngài đối với Chúa Giêsu. “Thánh Giuse đã chứng kiến Chúa Giêsu lớn lên từng ngày “về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2:52): Tin mừng mô tả như vậy. Như Thiên Chúa đã thực hiện với dân Israel, Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu: “ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11:3-4).” (Tông thư Patris corde, 2). Sự diễn giải trong Tin mừng thật là đẹp, cho thấy mối tương quan với dân tộc Israel. Chúng ta suy nghĩ đó cũng là mối tương quan giữa Thánh Giuse và Chúa Giêsu.

Các Tin mừng chứng thực rằng Chúa Giêsu luôn luôn sử dụng cách xưng hô “cha” với Thiên Chúa và tình yêu của Người. Nhiều dụ ngôn có vai chính là nhân vật người cha. Một trong những dụ ngôn nổi tiếng nhất chắc chắn là dụ ngôn người Cha nhân từ, được Thánh sử Luca tường thuật (x. Lc 15:11-32). Dụ ngôn này không chỉ nhấn mạnh đến kinh nghiệm về tội lỗi và sự tha thứ, nhưng còn nhấn mạnh đến con đường tha thứ chạm đến người phạm sai lỗi. Văn bản kể: “Trong khi anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (c. 20). Người con mong chờ một sự trừng phạt, một công lý mà quá lắm có thể đặt anh ta vào vị trí của một người hầu, nhưng anh ta lại thấy mình được bao bọc trong vòng tay của cha mình. Lòng nhân từ là một điều gì đó lớn hơn luận lý của thế giới. Đó là một cách thực thi công lý không ngờ.

Đó là lý do tại sao chúng ta đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa không sợ hãi tội lỗi của chúng ta: chúng ta hãy ghi nhớ điều này cách rõ ràng trong tâm trí của mình. Thiên Chúa không sợ hãi tội lỗi của chúng ta, Người vĩ đại hơn tội lỗi của chúng ta: Người là cha, Người là tình yêu, Người dịu hiền. Người không sợ hãi vì tội lỗi của chúng ta, lỗi lầm của chúng ta, những vấp ngã của chúng ta, nhưng Người sợ sự khép kín tâm hồn của chúng ta – điều này, vâng, điều này khiến Người đau khổ – Người sợ hãi vì việc chúng ta thiếu niềm tin vào tình yêu của Người. Có một sự dịu dàng tuyệt vời trong kinh nghiệm về tình yêu thương của Thiên Chúa. Và thật đẹp khi nghĩ rằng người đầu tiên truyền thực tại này cho Chúa Giêsu là Thánh Giuse. Vì những điều của Thiên Chúa luôn đến với chúng ta qua trung gian là kinh nghiệm của con người.

Cách đây đã lâu – cha không biết đã kể câu chuyện này hay chưa – một nhóm thanh niên đã diễn một vở kịch sân khấu, một nhóm nhạc pop đã bị đánh động bởi câu chuyện dụ ngôn về người cha nhân hậu này và quyết định xây dựng một sản phẩm nhạc kịch pop về vấn đề này, với câu chuyện này. Và họ đã làm rất tốt. Và câu chuyện kể rằng, ở đoạn cuối, một người bạn khi nghe người con trai sợ bị cha ghẻ lạnh, muốn trở về nhà nhưng lại sợ cha đuổi ra ngoài và trừng phạt. Và người bạn đó nói: “Hãy gửi một người đưa tin nói rằng bạn muốn trở về nhà, và nếu cha bạn sẽ đón bạn thì hãy cột một chiếc khăn tay vào cửa sổ, chiếc khăn mà bạn có thể nhìn thấy ngay khi bạn đến cuối đường dẫn về nhà”. Và điều này được thực hiện. Và tác phẩm tiếp tục với những lời ca và điệu múa cho đến khi người con trai rẽ vào đoạn đường cuối cùng và nhìn thấy ngôi nhà. Và khi anh ta ngước nhìn lên, anh ta thấy ngôi nhà đầy những chiếc khăn tay màu trắng: đầy những chiếc khăn tay. Không phải một, mà là ba hoặc bốn chiếc trên mỗi cửa sổ.

Đây là lòng thương xót của Chúa. Người không bị cản trở bởi quá khứ của chúng ta, bởi những điều tồi tệ mà chúng ta đã làm; giải quyết các vấn đề với Chúa là một điều tuyệt vời, bởi vì chúng ta bắt đầu trò chuyện, và Người lấy ôm chúng ta. Dịu dàng! Vì vậy, chúng ta tự hỏi bản thân rằng liệu chúng ta đã trải nghiệm được sự dịu dàng này chưa, và chúng ta đã trở thành chứng nhân cho sự dịu dàng đó không. Vì sự dịu dàng không phải là một vấn đề tình cảm hay cảm xúc: nó là kinh nghiệm cảm nhận được yêu thương và chào đón chính trong sự nghèo khó và đau khổ của chúng ta, và từ đó được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi.

Thiên Chúa không chỉ tin cậy vào tài năng của chúng ta, mà còn cả sự yếu đuối của chúng ta. Chẳng hạn, điều này đã khiến Thánh Phaolô nói rằng cũng có một kế hoạch cho sự mỏng giòn của con người. Thật vậy, ngài viết cho cộng đoàn Côrintô: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi … Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’” (2Cr 12:7-9). Chúa không cất đi tất cả những yếu đuối của chúng ta, nhưng giúp chúng ta tiếp tục tiến bước với những yếu đuối của mình, nắm lấy tay chúng ta. Người nắm lấy những yếu điểm của chúng ta trên tay và ở bên cạnh chúng ta. Và đây là sự dịu dàng.

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 1, 2022

Kinh nghiệm về sự dịu dàng bao gồm việc nhìn thấy quyền năng của Chúa qua chính những điều khiến chúng ta trở nên mong manh nhất; tuy nhiên, với điều kiện là chúng ta được hoán cải thoát khỏi cái nhìn của ma quỷ là kẻ “khiến chúng ta nhìn thấy và lên án sự yếu đuối của mình”, trong khi Chúa Thánh Thần “đưa nó ra ánh sáng với tình yêu dịu dàng”. (Tông thư Patris corde, 2). “Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. [...] Hãy nhìn cách các y tá chạm vào vết thương của người bệnh, với sự dịu dàng để không làm tổn thương thêm. Và đây là cách Chúa chạm đến những vết thương của chúng ta, cũng với sự dịu dàng như vậy. Và đó là lý do tại sao việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là trong bí tích Hòa giải, trong việc cầu nguyện cá nhân với Thiên Chúa, nơi chúng ta cảm nghiệm được sự thật và lòng dịu dàng của Ngài. Điều nghịch lý là ma quỷ cũng có thể nói sự thật với chúng ta, nhưng để lừa gạt chúng ta, hắn làm như vậy chỉ để lên án chúng ta. Ngược lại, Thiên Chúa nói với chúng ta sự thật và giang tay để cứu thoát chúng ta. Chúng ta biết rằng sự thật của Thiên Chúa không lên án, nhưng đón nhận, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.” (Tông thứ Patris corde, 2). Thiên Chúa luôn tha thứ: hãy ghi nhớ điều này thật kỹ trong tâm trí và trong lòng. Thiên Chúa luôn tha thứ. Chúng ta là những người mệt mỏi khi xin tha thứ. Nhưng Người luôn luôn tha thứ, ngay cả những điều tồi tệ nhất.

Thật là tốt cho chúng ta khi soi chiếu bản thân trong tình hiền phụ của Thánh Giuse, là một tấm gương phản chiếu tình hiền phụ của Thiên Chúa, và tự hỏi rằng chúng ta có cho phép Chúa yêu thương chúng ta bằng sự dịu dàng của Người, biến đổi mỗi người chúng ta thành những người có khả năng yêu thương theo cách này hay không. Cần phải có một “cuộc cách mạng của sự dịu dàng”! Nếu không có “cuộc cách mạng của sự dịu dàng” chúng ta có nguy cơ bị giam cầm trong một công lý không cho phép chúng ta dễ dàng vươn lên và làm lẫn lộn giữa sự cứu chuộc với sự trừng phạt. Vì lý do này, hôm nay cha muốn nhớ đến cách đặc biệt những anh chị em của chúng ta đang ở trong tù. Những người đã làm điều sai trái phải trả giá cho lỗi lầm của họ là đúng, nhưng điều đúng đắn không kém là những người đã làm sai phải có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của họ. Không thể là những bản kết án mà không có cánh cửa hy vọng. Mọi bản án đều phải có cánh cửa hy vọng. Chúng ta hãy nghĩ đến những anh chị em trong lao tù, và nghĩ đến sự dịu dàng của Thiên Chúa dành cho họ, và chúng ta cầu nguyện cho họ, để họ có thể tìm thấy trong cánh cửa hy vọng đó một lối thoát để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Và chúng ta kết thúc với lời cầu nguyện sau đây:

Lạy Thánh Giuse là người cha dịu hiền,

xin dạy chúng con biết chấp nhận rằng chúng con được yêu thương chính trong điều yếu đuối nhất của chúng con.

Xin ban ơn để chúng con không đặt một chướng ngại nào

giữa sự nghèo khổ của chúng con và sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa.

Xin khơi dậy trong chúng con khao khát tiến đến với Bí tích Hòa giải,

để chúng con được tha thứ và có thể yêu thương cách dịu dàng

những anh chị em nghèo khó của chúng con.

Xin hãy gần gũi những người đã làm điều sai trái và đang phải trả giá;

Xin giúp họ tìm được không chỉ là công lý mà cả sự dịu dàng để họ có thể bắt đầu trở lại.

Và dạy họ rằng con đường đầu tiên để bắt đầu trở lại

là thành tâm xin tha thứ, cảm nhận được sự âu yếm của Chúa Cha.

Amen.

_________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh, đặc biệt là anh chị em đến từ Hoa Kỳ. Tôi cũng gửi lời chào đến các linh mục của Viện Giáo dục Thần học Thường xuyên thuộc Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ. Trong Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô hữu, chúng ta cầu nguyện rằng tất cả các môn đệ của Đức Kitô kiên trì trên con đường tiến đến sự hiệp nhất. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!

___________________________

LỜI KÊU GỌI

Suy nghĩ của cha hướng về người dân trên quần đảo Tonga trong những ngày gần đây đã bị ảnh hưởng bởi sự phun trào núi lửa dưới đáy biển, đã gây ra sự thiệt hại về vật chất rất lớn. Cha gần gũi trong tinh thần với tất cả những người bị ảnh hưởng, xin Chúa xoa dịu nỗi đau khổ của họ. Cha mời gọi tất cả anh chị em cùng chung lời cầu nguyện với cha cho những người anh chị em này.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/1/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét