Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Tiếp các tham dự viên Đại hội Quốc tế “Các Đường hướng Phát triển Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục” do Bộ Giáo dục Công giáo (dành cho các Học viện) tổ chức, 01.06.2022

Tiếp các tham dự viên Đại hội Quốc tế “Các Đường hướng Phát triển Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục” do Bộ Giáo dục Công giáo (dành cho các Học viện) tổ chức, 01.06.2022

Tiếp các tham dự viên Đại hội Quốc tế “Các Đường hướng Phát triển Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục” do Bộ Giáo dục Công giáo (dành cho các Học viện) tổ chức, 01.06.2022

*****

Sáng nay, trước giờ tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên tham dự Đại hội Quốc tế “Các Đường hướng Phát triển Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục”, do Bộ Giáo dục Công giáo (dành cho các Học viện) tổ chức, và ngài có những chia sẻ sau đây:

______________________________________

Lời chào của Đức Thánh Cha

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến các vị Hiệu trưởng, các Giáo sư và tất cả những người tham dự Đại hội Quốc tế “Các Đường hướng Phát triển Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục”. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Versaldi về những lời giới thiệu ân cần của ngài. Đây là một “đêm đại chung kết”, vì hôm nay các Bộ sẽ kết hợp với nhau.

Tôi rất vui vì đề xuất của Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục được đưa ra vào năm 2019 đã thu hút sự quan tâm ở các cấp độ khác nhau, bao gồm các trường đại học đã thúc đẩy những nghiên cứu về nhiều chủ đề đa dạng, chẳng hạn như phẩm giá của con người và nhân quyền, tình huynh đệ và sự hợp tác, công nghệ và hệ sinh thái toàn diện, hòa bình và quyền công dân, văn hóa và tôn giáo. Hội nghị của quý vị có ý nghĩa là một cơ hội để đánh giá những công việc đã hoàn thành cho đến thời điểm này và lập kế hoạch cho sự phát triển của Hiệp ước về Giáo dục trong những năm tới. Nó phải tiến bước về phía trước chứ không nằm ở trạng thái “khép kín”.

Gần đây, tôi có gặp gỡ các vị Hiệu trưởng những đại học trong vùng Lazio của Ý và đánh giá về việc chúng ta cần phải học, trong thời điểm hiện tại, cùng với các sinh viên trẻ trong các trường đại học của chúng ta cách đối phó với khủng hoảng và cùng nhau vượt qua nó. [1] Tôi coi đây là một điểm quan trọng. Học hỏi và giúp người khác học cách vượt qua khủng hoảng, vì khủng hoảng là cơ hội để phát triển. Các cuộc khủng hoảng phải được kiểm soát, chúng ta phải bảo đảm rằng chúng không biến thành xung đột. Khủng hoảng kéo bạn lên; chúng làm cho bạn phát triển. Xung đột “khóa chặt” bạn; nó là một sự thay thế, một sự thay thế không có giải pháp. Giáo dục để vượt qua khủng hoảng: điều này rất quan trọng. Theo con đường này, khủng hoảng có thể trở thành một “kairos”, một thời điểm thích hợp có thể kích thích chúng ta khởi hành trên những con đường mới.

Có thể tìm thấy một ví dụ hùng hồn về cách đối mặt với khủng hoảng trong nhân vật sử thi Aeneas, anh vác trên vai người cha già Anchises và một tay ôm đứa con trai nhỏ Ascanius giữa những ngọn lửa hừng hực của thành phố đang rực cháy, đưa cả hai người đến nơi an toàn. Điều này thật đẹp: “… et sublato patre montem petvi (xem Aeneid, II, 804). Đó là cách vượt qua khủng hoảng. Aeneas tự cứu mình, nhưng không phải một mình. Anh ấy cõng theo cha mình, người đại diện cho quá khứ của anh và đứa con trai là người đại diện cho tương lai. Và vì vậy anh tiến về phía trước.

Có thể dùng hình ảnh này để minh họa sứ mệnh của các nhà giáo dục, những người được kêu gọi gìn giữ quá khứ – vác cha ông chúng ta trên vai – và hướng dẫn những bước đi của thế hệ trẻ tiến về tương lai. Nó cũng có thể giúp chúng ta suy tư về một số nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục.

Trước hết, con người là trung tâm. Rời bỏ thành Troy, Aeneas không mang theo tài sản, vật dụng – ngoài những vị thần hộ mệnh của mình, các thần Penates – anh chỉ mang theo cha và con trai của anh. Cội nguồn và tương lai, những lời hứa. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng mọi tiến trình giáo dục đều phải tập trung vào con người và đặt trọng tâm vào những gì là trọng yếu; mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Nhưng không bao giờ thiếu cội nguồn và hy vọng cho tương lai.

Một yếu tố cần thiết khác là cần phải đầu tư tất cả sức mạnh của chúng ta, với tính sáng tạo và trách nhiệm. Cụ già Anchises đại diện cho truyền thống cần được tôn trọng và gìn giữ. Tôi nghĩ đến những lời nhà soạn nhạc Gustav Mahler đã nói về truyền thống: “Truyền thống là sự đảm bảo cho tương lai”, không phải là một tác phẩm của viện bảo tàng. Cậu bé Ascanius đại diện cho tương lai, cần được bảo vệ và đảm bảo. Aeneas là người đóng vai trò như một “cầu nối”, bảo vệ sự chuyển tiếp và mối quan hệ giữa các thế hệ. Về phía giáo dục, nó luôn bắt nguồn từ quá khứ, nhưng không dừng lại ở đó: nó nhắm tới “những sáng kiến hướng tới tương lai”, [2] nơi cái cũ và cái mới hội tụ để tạo ra một chủ nghĩa nhân văn mới.

Có một cái mốt thời thượng đối nghịch lại với điều này – trong mọi thời đại, nhưng ở thời đại ngày nay trong đời sống của Giáo hội, tôi cho là nguy hiểm – đó là thay vì hút lấy nhựa từ gốc rễ để tiến tới – nghĩa là những truyền thống đẹp – chúng ta lại “bước lùi”, không đi lên hoặc xuống, nhưng đi lùi lại. “Bước lùi” này khiến chúng ta trở thành một giáo phái; nó khiến bạn “khép kín” và cắt đứt tầm nhìn của bạn. Những người đó tự cho mình là người bảo vệ truyền thống, nhưng truyền thống đã chết. Truyền thống Công giáo đích thực và truyền thống của con người là điều mà nhà thần học thế kỷ thứ năm [Thánh Vinh Sơn Lerins] đã mô tả như một sự phát triển không ngừng: xuyên suốt lịch sử, truyền thống phát triển, tiến triển: ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate. Đó là truyền thống đích thực, tiến triển cùng với con cháu của chúng ta.

Một yếu tố căn bản khác là chúng ta cần là giáo dục phục vụ. Cụ già Anchises và bé Ascanius không chỉ đại diện cho truyền thống và tương lai mà còn tượng trưng cho những liên kết mong manh hợp nhất xã hội, những mối ràng buộc cần được gìn giữ và bảo vệ trước sự cám dỗ loại bỏ hoặc gạt chúng sang một bên. “Văn hóa vứt bỏ” khiến chúng ta tin rằng khi một thứ gì đó không còn hoạt động hiệu quả, nó cần phải bị vứt bỏ và thay thế. Đó là những gì chúng ta làm với các loại hàng tiêu dùng. Thật đáng buồn, nó cũng đã trở thành một não trạng ảnh hưởng đến những gì chúng ta làm với con người. Ví dụ, nếu một cuộc hôn nhân không còn “mặn nồng”, người ta thay đổi nó; nếu một tình bạn gặp trắc trở, người ta cắt đứt nó; nếu một người già không còn tự chăm sóc bản thân, người ta gạt họ sang một bên… Tuy nhiên, mong manh đồng nghĩa với giá trị lớn: người già và trẻ nhỏ giống như những chiếc bình mỏng manh, cần được bảo vệ cách cẩn thận. Cả hai đều mong manh.

Các bạn thân mến, trong thời đại của chúng ta, khi công nghệ và chủ nghĩa tiêu dùng đang biến chúng ta thành những người sử dụng và tiêu dùng, cuộc khủng hoảng có thể trở thành cơ hội để loan báo Tin mừng, để rao giảng lại ý nghĩa của nhân loại, cuộc sống của chúng ta và thế giới này nơi chúng ta sinh sống. Một cơ hội để khẳng định lại vị trí trung tâm của nhân vị là một thụ tạo, trong Đức Kitô, mang hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. Đây là sự thật cao cả được giao phó cho chúng ta, một sự thật mà chúng ta phải làm chứng và ghi chép lại, kể cả trong các cơ sở giáo dục của chúng ta. “Chúng ta không thể không nói với lớp người trẻ về những chân lý mang lại ý nghĩa cho cuộc sống”. [3] Đó là một phần của sự thật. Trong lĩnh vực giáo dục, không nói lên chân lý về Thiên Chúa vì tôn trọng những người không tin sẽ giống như việc đốt sách vở để tôn trọng những người không phải là trí thức, tiêu hủy các tác phẩm nghệ thuật để tôn trọng những người không mù, hoặc tắt âm nhạc để tôn trọng những người điếc.

Tôi cảm ơn quý vị vì tất cả những gì quý vị làm trong việc phục vụ giáo dục, đó cũng là sự đóng góp cụ thể mà quý vị đang cống hiến cho tiến trình trượng hội đồng của Giáo hội. Hãy tiếp tục đi theo hướng này, từ quá khứ hướng tới tương lai, không ngừng phát triển. Trẻ em và người già, tất cả cùng tiến tới. Và hãy chú ý đến “bước lùi” đang thịnh hành ngày nay, khiến chúng ta nghĩ rằng lùi lại là chúng ta có thể bảo tồn chủ nghĩa nhân văn. Tôi khuyến khích quý vị hãy tiến tới và tôi đồng hành cùng quý vị bằng lời chúc phúc của tôi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn quý vị.

______________

[1] Address to Rectors of the Universities of the Lazio Region (16 May 2022).

[2] Message for the Launch of the Global Compact on Education (12 September 2019).

[3] Address to Participants in the Meeting on the Global Compact on Education “Religions and Education” (5 October 2021)


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/6/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét