Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Tiếp phái đoàn các linh mục và tu sĩ trẻ của các Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, 03.06.2022

Tiếp phái đoàn các linh mục và tu sĩ trẻ của các Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, 03.06.2022

Tiếp phái đoàn các linh mục và tu sĩ trẻ của các Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, 03.06.2022

*******

Sáng nay, trong Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp một phái đoàn các linh mục và tu sĩ trẻ từ các Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, và ngài có những lời chia sẻ sau đây:

___________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh em thân mến,

“Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13:13). Với lời chào này của Thánh Phaolô, tôi xin gửi đến anh em lời chào đón nồng hậu và bày tỏ niềm vui trước chuyến thăm viếng của anh em. Trong nghi lễ Rôma, những lời vừa rồi của Thánh Tông đồ thường mở đầu cho buổi cử hành Thánh Thể, mà tôi hy vọng và cầu nguyện rằng chúng ta sẽ có thể cùng nhau cử hành trong ngày Chúa đến.

Thật phù hợp khi cuộc thăm viếng của anh em diễn ra vào ngày trước Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống sẽ được cử hành vào Chúa nhật này theo lịch Latinh. Tôi muốn gửi đến anh em bốn suy tư ngắn gọn lấy cảm hứng từ ngày lễ trọng thể này. Những suy tư này liên quan đến sự hiệp nhất trọn vẹn mà chúng ta mong muốn.

Suy tư đầu tiên là sự hiệp nhất là một ơn, một ngọn lửa từ trên cao. Chắc chắn, chúng ta cần phải liên lỷ cầu nguyện, làm việc, đối thoại và chuẩn bị tinh thần để đón nhận ân sủng trọng đại này. Nhưng việc đạt được sự hiệp nhất trước hết không phải là hoa trái của trần gian, mà là hoa trái của Nước trời. Nó không phải là kết quả của những cam kết, những cố gắng và các thỏa thuận của chúng ta, nhưng là hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mà chúng ta cần phải mở lòng tín thác, để Người có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường dẫn tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Hiệp nhất là một ân sủng, một ơn.

Suy tư thứ hai mà Lễ Hiện xuống dạy chúng ta đó là hiệp nhất là hòa hợp. Phái đoàn của các anh em bao gồm các Giáo hội thuộc nhiều truyền thống hiệp thông đức tin và bí tích khác nhau là một minh họa cụ thể cho thực tế này. Hiệp nhất không phải là đồng nhất, lại càng không phải là kết quả của sự thỏa hiệp hoặc những cán cân quyền lực ngoại giao mong manh. Hiệp nhất là sự hòa hợp trong sự đa dạng của những đặc sủng do Thần Khí ban tặng. Vì Chúa Thánh Thần thích đánh thức cả sự đa dạng và sự hiệp nhất, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần khi các ngôn ngữ khác nhau không bị giới hạn thành một ngôn ngữ, nhưng chúng đã được sử dụng với tất cả tính đa dạng của chúng. Sự hài hòa là con đường của Thần Khí, vì như Thánh Basiliô Cả đã nói, Thần Khí sự hòa hợp.

Lời dạy thứ ba của ngày Lễ Hiện xuống là sự hiệp nhất là một cuộc hành trình. Nó không phải là một kế hoạch được soạn thảo hoặc một dự án được thực hiện trên bàn giấy. Sự hiệp nhất không đến qua việc đứng yên, nhưng bằng cách tiến về phía trước với năng lượng mới mà Thần Khí đã đóng ấn trên các môn đệ kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Sự hiệp nhất đạt được trong suốt chặng đường: nó phát triển qua việc chia sẻ từng bước đi của cuộc hành trình, bằng cách đối mặt với những niềm vui và khó khăn của nó, và trải nghiệm những sự ngạc nhiên đầy bất ngờ của nó. Như Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Galát, chúng ta được kêu gọi tiến bước bởi Thần Khí (x. Gl 5:16,25). Theo lời của Thánh Irênê, người mà tôi gần đây đã công bố là Tiến sĩ của sự Hiệp nhất, thì Giáo hội là tõn adelphõn synodía, “một đoàn anh em”. Trong đoàn lữ hành này, sự hiệp nhất lớn lên và trưởng thành: một sự hiệp nhất – theo cách thức âm thầm của Thiên Chúa – không đột nhiên xuất hiện như một phép lạ kinh thiên động địa, nhưng âm thầm xuất hiện trong sự tiến triển bền bỉ và kiên trì của một cuộc hành trình cùng nhau thực hiện.

Khía cạnh cuối cùng. Sự hiệp nhất không đơn thuần là chính nó, nhưng có mối ràng buộc chặt chẽ với kết quả của việc loan báo Đức Kitô: hiệp nhất là để truyền giáo. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ để “tất cả nên một… để thế gian tin” (Ga 17:21). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội được khai sinh là một Giáo hội truyền giáo. Ngày nay cũng vậy, thế giới cũng chờ mong được nghe thông điệp bác ái, tự do và hòa bình của Phúc âm. Đó là một thông điệp mà chúng ta được kêu gọi để cùng nhau làm chứng, không đối kháng lẫn nhau hoặc tách rời nhau. Về vấn đề này, tôi rất biết ơn vì chứng tá chung của các Giáo hội của anh em. Một cách đặc biệt, tôi nghĩ về tất cả những người – và con số họ rất nhiều – những người đã đóng ấn đức tin của họ trong Đức Kitô bằng máu của họ. Cảm ơn anh em vì tất cả những hạt giống tình yêu và hy vọng mà anh em đã gieo trồng nhân danh Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh ở tất cả những nơi vẫn tiếp tục bị đánh dấu bởi bạo lực và những xung đột thường bị lãng quên.

Anh em thân mến, xin cho thập giá của Đức Kitô trở thành la bàn hướng dẫn chúng ta trên hành trình hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn. Vì trên thập giá ấy, Đức Kitô, sự bình an của chúng ta, đã hòa giải chúng ta và quy tụ chúng ta thành một dân tộc (x. Êp 2:14). Trên hai cánh của thập tự giá là bàn thờ của sự hiệp nhất, giờ đây tôi đặt những suy nghĩ mà tôi đã chia sẻ với anh em. Chúng có thể hoạt động như những điểm cốt lõi hướng dẫn chúng ta tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn, đó là quà tặng, sự hòa hợp, cuộc hành trìnhsứ mệnh.

Tôi xin cảm ơn anh em đã đến thăm và tôi nhớ đến anh em trong lời cầu nguyện của tôi. Tôi cũng xin trao bản thân tôi và sứ vụ của tôi trong những lời cầu nguyện của anh em. Xin Chúa chúc lành cho anh em và Mẹ Thiên Chúa che chở anh em.

Giờ đây, chúng ta cùng cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của mình.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/6/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét