Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Vị tân hồng y, người đã phải đấu tranh với đoàn chiên để trở thành giám mục

Vị tân hồng y, người đã phải đấu tranh với đoàn chiên để trở thành giám mục

Vị tân hồng y, người đã phải đấu tranh với đoàn chiên để trở thành giám mục

Catholic Diocese of Ekwulobia - CADEK

I.Media for Aleteia 

03/06/22


Tiểu sử Đức Hồng Y Peter Okpaleke của Nigeria.

Đức cha Peter Okpaleke, một giám chức người Nigeria với một lai lịch khác thường, là một trong những vị tân hồng sẽ được tấn phong vào cuối mùa hè.

Ngài đã trải qua thời gian khó khăn khi trở thành giám mục, chưa nói đến việc trở thành hồng y.

Khi ngài được Đức Benedict XVI tấn phong vào năm 2012, đoàn chiên giáo phận đã hắt hủi ngài. Cuối cùng, ngài phải từ chức và được bổ nhiệm làm giám mục của một giáo phận được thành lập cho ngài hai năm sau đó.

I.MEDIA sẽ đưa bạn lướt qua hành trình của vị giám mục này, người đã bị đàn chiên của mình làm nhục và giờ đây được Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng thưởng.

Vào Chúa nhật, ngày 29 tháng Năm, khi tên của Đức Giám mục Peter Okpaleke được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố từ cửa sổ của Điện Tông Tòa Vatican – đứng thứ 5 trong 21 vị – một số tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô hiểu rằng Đức Giáo hoàng người Argentina đang gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ đến Giáo hội Nigeria. Câu chuyện về Đức Giám mục Okpaleke có thể là rất độc đáo, nhưng công chúng lại không được biết câu chuyện đó. Và có lẽ đó là lý do tại sao vị Giáo hoàng 85 tuổi đã chọn tấn phong ngài làm hồng y: để hướng sự chú ý đến tai họa của chủ nghĩa bộ tộc là hình thức “bài ngoại trong nước” mà ngài đã lên án từ khi được bầu lên Ngai tòa Phêrô năm 2013.

Đức Cha Peter Ebere Okpaleke sinh ngày 1 tháng Ba năm 1963, cùng với người anh em song sinh – đã qua đời – tại một ngôi làng ở bang Anambra, miền nam Nigeria. Ngài và bốn anh chị em của ngài được bà ngoại nuôi dưỡng. Nguồn gốc ơn gọi của ngài bắt đầu vào một ngày Chúa nhật năm 1972, khi ngài được chọn để phục vụ Thánh lễ thay thế cho các lễ sinh khác vắng mặt do trời mưa. Sự phục vụ tại bàn thờ lần đầu tiên này đã ghi dấu trong cha.

Mười năm sau, cha vào chủng viện và thụ phong linh mục năm 1992. Cha tiếp tục việc học sau khi thụ phong, đặc biệt là ở Rôma (1999-2002), tại đây cha lấy bằng tiến sĩ giáo luật hạng ưu tại Đại học Thánh Giá. Cha cũng có bằng quản trị giáo hội.

Là Thư ký Phụ tá cho Giám mục Giáo phận Awka (1992-1995) và sau đó là Quản trị Tài chính, cuối cùng trở Chưởng ấn của Giáo phận từ năm 2002 đến năm 2011.

Ngày 7 tháng Mười Hai năm 2012, Đức Benedict XVI phong ngài làm giám mục giáo phận Ahiara. Giáo phận này chỉ cách Awka là giáo phận quê nhà của đức cha một trăm cây số về phía nam, nhưng xã hội của khu vực này khá khác biệt, và các vấn đề của vị giám mục 49 tuổi bắt đầu nảy sinh.

Đàn chiên chống đối

Ngay sau khi sự bổ nhiệm được công bố, người dân trong giáo phận – các linh mục và giáo dân – ở Ahiara đã chống đối. Một số người cho rằng lý do vì Đức Cha Peter Ebere Okpaleke không được tấn phong ở giáo phận Ahiara. Đây là một cách khéo léo để không đề cập đến nguồn gốc sắc tộc của vị giám mục trẻ tuổi. Không giống như vị tiền nhiệm là người sắc tộc Mbai, sắc tộc chiếm đa số trong giáo phận, Đức Cha Okpaleke là người sắc tộc Ibo – giống như Đức Hồng y Francis Arinze người Nigeria – chiếm đa số ở miền đông nam Nigeria.

Đối mặt với sự chống đối, Đức cha Okpaleke đã yêu cầu hoãn ngày tấn phong trong giáo phận lùi sau một vài tuần, hy vọng rằng tình hình sẽ lắng dịu. Vô ích. Cuối cùng, ngài được tấn phong bên ngoài giáo phận Ahiara, tại chủng viện “Seat of Wisdom” ở Ulakwo, thuộc tổng giáo phận Owerri.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghĩ đến việc giải tán giáo phận

Nhiều tháng trôi qua với tình hình không có chuyển biến, bất kể có sự can thiệp của các giám mục khác của Nigeria và Roma. Giữa lúc này thì Đức Benedict nghỉ hưu, và cuối cùng chính Đức Thánh Cha Phanxicô là người giải quyết vấn đề. Ngày 8 tháng Sáu năm 2017, tức là hơn bốn năm sau khi được bổ nhiệm, trước một phái đoàn từ giáo phận chống đối, Đức Phanxicô đã so sánh những người tín hữu ngoan cố với “những người làm vườn nho sát nhân” trong Tin Mừng. “Những người chống đối việc tiếp nhận giám mục, là Đức Giám mục Okpaleke, muốn phá hủy Giáo hội.”

Khẳng định rằng đã theo dõi tình hình trong nhiều năm, ngài cảm ơn vị giám mục về “sự kiên nhẫn thánh thiện” và sau đó trình bày ý định của ngài: “Tôi đã lắng nghe và suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là về ý tưởng giải tán giáo phận; nhưng sau đó tôi nghĩ rằng Giáo hội là mẹ và Giáo hội không thể bỏ rơi quá nhiều người con như đức cha. Tôi cảm thấy rất đau khổ đối với những linh mục đang bị thao túng, rõ ràng là từ nước ngoài và cả bên ngoài giáo phận.”

Sau đó, ngài yêu cầu mỗi linh mục hoặc giáo sĩ của Giáo phận Ahiara viết một lá thư nêu rõ ý định của mình, trong đó ngài xin sự tha thứ; tất cả đều viết thư riêng và mang tính cá nhân. Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đã cho họ 30 ngày để lặp lại sự vâng phục đối với Giáo hoàng và chấp nhận vị giám mục của họ. “Bất cứ ai không làm như vậy sẽ bị phạt treo chén và mất chức vị”, ngài cảnh báo và cho rằng vụ bê bối đã diễn ra quá lâu.

Sự cảnh báo là rất mạnh, tuy nhiên tình hình vẫn tiếp diễn. Theo cơ quan thông tấn Fides, 200 linh mục đã viết thư riêng cho Đức Giáo hoàng, hứa sẽ vâng phục và trung thành. Nhưng một số người nhấn mạnh trong thư của họ sự khó khăn trong việc cộng tác với Đức Giám mục Okpaleke sau nhiều năm xung khắc. Một vài ngày sau yêu cầu của Giáo hoàng, một cuộc biểu tình của gần 3.000 người đã được tổ chức trước nhà thờ chánh tòa Ahiara để từ chối vị giám mục một lần nữa.

Một tình huống “đe dọa ơn cứu độ của các linh hồn”

Đứng trước tình trạng tê liệt, “vị giám mục không có giáo phận” cuối cùng đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo hoàng người Argentina vào đầu năm 2018. Đức Cha viết, “Thật không may, tình hình ở Giáo phận Ahiara, theo hiểu biết của con, đã không được cải thiện. Quan trọng hơn, nó đe dọa đến đời sống thiêng liêng của con.”

Tin chắc rằng duy trì chức vụ giám mục của Ahiara “không còn có lợi cho Giáo hội”, vị giám mục cho biết ngài cảm thấy đã đến lúc phải từ chức. “Làm thừa tác vụ trong một giáo phận nơi các linh mục đáng ra phải là những người cộng tác trực tiếp và thân cận nhất của con, là anh em của con, là bạn bè con và là những người con của con, lại gây chiến với nhau, với giáo dân và với con là người mục tử của họ, sẽ là một thảm họa, và đe dọa ơn cứu độ của các linh hồn – kể cả linh hồn của con”.

Đức Cha Okpaleke coi việc từ chức của mình “là lựa chọn duy nhất thích hợp để tạo điều kiện cho việc tái truyền bá phúc âm cho các tín hữu trong giáo phận, đặc biệt là các linh mục”.

Đức Cha nói với Đức Giáo hoàng rằng Đức Thánh Cha và Giáo triều giờ đây có thể đếm “những linh mục đã thật sự khẳng định lòng trung thành của họ với Đức Thánh Cha và những người đã quyết định rút khỏi Giáo hội Công giáo vì sự không vâng phục.” Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức vào ngày 19 tháng Hai năm 2018.

Hai năm trôi qua trước khi tên của Đức Tổng Giám mục Okpaleke lại đứng ở hàng đầu. Vào ngày 5 tháng Ba năm 2020, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Ekwulobia, một giáo phận được thiết lập cách đặc biệt cho vị giám mục 57 tuổi. Vị giám mục người Nigeria đã nhậm chức trong nhà thờ chánh tòa của ngài vào ngày 29 tháng Tư. Sau đó ngài tiếp quản giáo phận có một triệu cư dân (61% là người Công giáo) với 250 linh mục.

Khi Đức Giáo Hoàng công bố danh sách các tân hồng y tại Roma ngày 29 tháng Năm, vị giám mục Nigeria vừa bước kết thúc một thánh lễ ban bí tích thêm sức cho 138 tín hữu. Khi nghe tin, Đức Cha nghĩ rằng đó là sự đùa vui của người thư ký của ngài.

Nói với Vatican News, vị hồng y được chọn cho chúng tôi biết rằng những năm tháng khó khăn của ngài cho phép ngài chạm đến sự bình an của Thiên Chúa, một sự bình an mà ngài rút ra từ mối tương quan đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và từ Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Cha đã chọn khẩu hiệu giám mục của mình: “Veni sancte Spiritus.”

Giáo hoàng chống chủ nghĩa bộ lạc

Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô thật sự xúc động trước thử thách cá nhân mà vị giám mục người Nigeria phải chịu đựng, thì chắc chắn thông qua việc bổ nhiệm này, ngài muốn một lần nữa quở trách chủ nghĩa bộ tộc, một tai họa đang ảnh hưởng đến Châu Phi. Khi được hỏi về vấn đề này trên chuyến bay trở về sau chuyến tông du năm 2019 tới Mozambique, Madagascar và Mauritius, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rất rõ về “vấn đề văn hóa” mà lục địa này phải giải quyết.

“Chúng ta đã tưởng niệm 25 năm thảm kịch ở Rwanda cách đây không lâu: Nó là hậu quả của chủ nghĩa bộ tộc,” ngài nhấn mạnh và nhớ lại chuyến đi đến Kenya bốn năm trước đó. “Tôi nhớ tại sân vận động ở Kenya tôi đã kêu gọi mọi người đứng dậy, đan tay nhau và nói ‘không với chủ nghĩa bộ tộc, không với chủ nghĩa bộ tộc’.”

Kể từ bây giờ, Đức Hồng y Okpaleke được chọn sẽ là biểu tượng của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bộ tộc, đây một phần trong lời kêu gọi không mệt mỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho tình huynh đệ và vẫn là một thách thức phức tạp trong chính Giáo hội.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/6/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét