Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô 5.6.2022

ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô 5.6.2022

ĐẠI LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 5 tháng Sáu, 2022

_________________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Và hôm nay cũng là ngày lễ hạnh phúc, vì hôm nay chúng ta mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúng ta cử hành việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ, xảy ra năm mươi ngày sau Phục sinh. Chúa Giêsu đã hứa điều đó nhiều lần. Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng thuật lại một trong những lời hứa này, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26). Đây là những gì Thánh Thần làm: Ngài dạy và nhắc nhở chúng ta về những gì Chúa Giêsu Kitô đã nói. Chúng ta hãy suy ngẫm về hai hành động này, dạy và nhắc nhở, bởi vì chính bằng cách này, Người đã làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu đi vào lòng chúng ta.

Trước hết, Chúa Thánh Thần dạy bảo. Bằng cách này, Người giúp chúng ta vượt qua trở ngại xuất hiện trong kinh nghiệm của đức tin: đó là khoảng cách. Người dạy chúng ta vượt qua trở ngại của khoảng cách trong kinh nghiệm của đức tin. Thật vậy, có thể nảy sinh sự hoài nghi cho rằng giữa Tin Mừng và cuộc sống đời thường luôn có một khoảng cách rất lớn: Chúa Giêsu đã sống cách đây hai ngàn năm, đó là thời điểm khác, hoàn cảnh khác, và do đó Tin Mừng dường như đã lỗi thời, dường như không thể nói với thời điểm hiện tại của chúng ta, với những đòi hỏi và vấn đề của nó. Câu hỏi cũng đến với chúng ta: Tin Mừng phải nói điều gì trong thời đại internet, trong thời đại toàn cầu hóa? Lời của Tin mừng có thể có tác động gì?

Chúng ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là một chuyên gia trong việc kết nối những khoảng cách, Người biết cách kết nối những khoảng cách; Người dạy chúng ta cách vượt qua chúng. Chính Ngài kết nối các giáo huấn của Chúa Giêsu với mọi thời đại và mọi người. Với Người, Lời của Đức Kitô không phải là một ký ức, không: Lời của Đức Kitô trở nên sống động hôm nay nhờ Chúa Thánh Thần! Thần Khí làm cho Lời sống động cho chúng ta: Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh, và hướng dẫn chúng ta trong hiện tại. Chúa Thánh Thần không sợ những thế kỷ trôi qua; Người làm cho các tín hữu chú ý đến các vấn đề và biến cố thời đại của họ. Thật vậy, khi Chúa Thánh Thần dạy bảo, Người làm cho nó trở nên hiện thực: Người giữ cho đức tin luôn mãi trẻ trung. Chúng ta có nguy cơ biến đức tin thành một tác phẩm của viện bảo tàng: đó là một nguy cơ! Ngược lại, Người luôn làm nó phù hợp thời đại, luôn cập nhật, niềm tin cập nhật: đó là công việc của Người. Vì Chúa Thánh Thần không ràng buộc mình vào các thời đại hay cái mốt chóng qua, nhưng mang đến cho hôm nay Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống.

Và Thần Khí làm điều này như thế nào? Bằng cách làm cho chúng ta ghi nhớ. Đây là động từ thứ hai, nhắc nhở, ri-cordare. Nhắc nhở nghĩa là gì? Nhắc nhở có nghĩa là phục hồi cho tâm hồi, ri-cordare: Thánh Thần phục hồi lại Tin mừng cho tâm hồn chúng ta. Điều đó cũng xảy ra cho các Tông đồ: trước đó họ đã lắng nghe Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng họ hiểu rất ít. Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta. Nhưng từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, với Chúa Thánh Thần, họ nhớ và họ hiểu. Họ chào đón Lời của Ngài như được chuẩn bị đặc biệt cho họ, và họ chuyển từ kiến thức bề ngoài là một nhận thức của trí nhớ, thành một mối quan hệ sống động, một mối quan hệ xác tín và hân hoan với Chúa. Chính Thánh Thần làm việc này, Đấng chuyển từ “lời truyền miệng” sang sự hiểu biết riêng về Chúa Giêsu là Đấng đi vào tâm hồn. Do đó, Thần Khí thay đổi đời sống của chúng ta: Người làm cho tư tưởng của Chúa Giêsu trở thành tư tưởng của chúng ta. Và Người làm việc đó bằng cách nhắc chúng ta nhớ về những lời của Chúa, khắc ghi những lời của Chúa Giêsu trong lòng chúng ta hôm nay.

Thưa anh chị em, nếu không có Thánh Thần nhắc nhở chúng ta về Chúa Giêsu, thì đức tin trở nên lãng quên. Rất thường xuyên, đức tin trở thành một hồi tưởng mà không có sự ghi nhớ; thay vào đó, sự ghi nhớ là sống động và sự ghi nhớ sống động là bởi Thần Khí mang lại.

Và chúng ta – chúng ta hãy thử tự hỏi mình – chúng ta có phải là những người Kitô hữu thường lãng quên không? Có thể tất cả chỉ là một bước đi lùi, một cuộc đấu tranh, một cuộc khủng hoảng để quên đi tình yêu của Chúa Giêsu và rơi vào sự hoài nghi và sợ hãi? Khốn cho chúng ta, nếu chúng ta trở thành những Kitô hữu dễ lãng quên! Phương thuốc chữa trị là cầu khẩn với Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy thường xuyên làm việc này, đặc biệt trong những thời khắc quan trọng, trước những quyết định khó khăn và trong những tình huống khó khăn. Chúng ta hãy cầm lấy quyển Tin mừng trên tay và khẩn xin Thần Khí. Chúng ta có thể thưa, “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin nhắc nhở con về Chúa Giêsu, xin soi sáng tâm hồn con”. Đây là một lời cầu nguyện rất đẹp: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin nhắc nhở con về Chúa Giêsu, xin soi sáng tâm hồn con”. Chúng ta cùng đồng thanh lặp lại nhé. “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin nhắc nhở con về Chúa Giêsu, xin soi sáng tâm hồn con”. Rồi chúng ta mở Phúc Âm và đọc một đoạn ngắn cách chậm rãi. Và Thánh Thần sẽ làm cho Lời nói với cuộc sống của chúng ta.

Xin Đức Trinh nữ Maria, tràn đầy Chúa Thánh Thần, nhóm lên trong chúng ta khát khao cầu nguyện với Người và đón nhận Lời Chúa.

_______________________________

Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, ước mơ của Thiên Chúa cho nhân loại trở thành hiện thực; năm mươi ngày sau Phục sinh, các dân tộc nói ngôn ngữ khác nhau đã gặp gỡ và hiểu nhau. Nhưng bây giờ, một trăm ngày sau khi bắt đầu cuộc xâm lược vũ trang vào Ukraine, cơn ác mộng chiến tranh, là điều trái ngược với giấc mơ của Chúa, lại một lần nữa ập đến với nhân loại: các dân tộc xung đột với nhau, các dân tộc tàn sát lẫn nhau, con người bị đuổi ra khỏi nhà cửa của họ thay vì được đưa đến gần nhau hơn. Và trong khi cơn thịnh nộ của sự hủy diệt và chết chóc hoành hành và các cuộc xung đột đang bùng phát, thúc đẩy sự leo thang ngày càng nguy hiểm cho tất cả mọi người, tôi xin tiếp tục lời kêu gọi gửi đến các nhà lãnh đạo các Quốc gia: xin đừng đưa nhân loại vào chỗ diệt vong! Xin đừng đưa nhân loại vào chỗ diệt vong! Hãy để các cuộc đàm phán thực sự diễn ra, những cuộc đàm phán thực sự cho việc ngừng bắn và cho một giải pháp bền vững. Hãy để cho tiếng kêu tuyệt vọng của những người đau khổ được nghe thấy – chúng ta nhìn thấy điều này hàng ngày trên các phương tiện truyền thông – xin hãy tôn trọng sự sống con người và dừng lại sự tàn phá kinh hoàng đối với các thành phố và làng mạc ở miền đông Ukraine. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và cố gắng không ngừng cho hòa bình.

Hôm qua tại Beirut, hai Tu huynh Dòng các Tiểu đệ Capuchin đã được phong chân phước: cha Leonardo Melki và Thomas George Saleh là các linh mục tử đạo, lần lượt bị giết vì sự thù ghét đức tin ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915 và 1917. Hai nhà truyền giáo người Li Băng này đã chứng tỏ niềm tin trung kiên vào Thiên Chúa và sự hy sinh quên mình cho người lân cận trong bối cảnh thù ghét. Xin cho tấm gương của họ củng cố chứng tá Kitô hữu của chúng ta. Hai vị còn trẻ – thậm chí chưa đến 35 tuổi. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô các tân Chân phước!

Tôi thật hài lòng khi biết rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen đã được gia hạn thêm hai tháng nữa. Tạ ơn Chúa, và cảm ơn các bạn. Tôi hy vọng rằng tín hiệu đầy hy vọng này có thể là một bước tiến thêm nữa để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong thời đại chúng ta. Xin đừng quên dành một ý nghĩ cho trẻ em Yemen: đói kém, tàn phá, thiếu học hành, thiếu thốn mọi thứ. Chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ!

Tôi xin dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân của trận lở đất do lượng mưa xối xả ở vùng đô thị Recife của Brazil.

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em người Roma và những người hành hương! Cha xin chào Hiệp hội “Advocacy in Mission”; các thành viên của Phong trào Hòa giải Quốc tế và Phong trào Bất bạo động; nhóm hướng đạo “Saint Louis” của Pháp, Dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô và hội huynh đệ Evangelii Gaudium. Cha chào các tín hữu của Piacenza d'Adige, Ca đoàn Castelfidardo, các bạn trẻ của Pollone và Cassina de 'Pecchi – cha nhớ thời điểm cha đến thăm những nơi này nhiều năm trước –, những anh chị em hành hương từ các Thánh địa Camposampiero và những anh chị em đi xe đạp của Sarcedo, và cha cũng gửi lời chào các bạn trẻ của Immacolata.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với các ngư dân: chúng ta hãy nghĩ đến những ngư dân, do chi phí xăng dầu tăng cao, họ có nguy cơ phải ngừng việc làm và tôi cũng xin bày tỏ sự gần gũi với anh chị em công nhân các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.

Cha cầu nguyện cho anh chị em; anh chị em hãy cầu nguyện cho cha. Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật phúc lành. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/6/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét