Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Robert Sarah | Credit: Daniel Ibanez/CNA.

Hannah Brockhaus

Rome Newsroom, 27 tháng Mười Một, 2022 / 08:00 am


Người Kitô hữu ở phương Tây không nên coi tự do tôn giáo và tự do thờ phượng là điều hiển nhiên, Đức Hồng Y Robert Sarah nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với EWTN News.

Đức Hồng y Sarah, 77 tuổi, nói: “Các mối đe dọa chống lại tự do tôn giáo có nhiều hình thức. Rất nhiều các vị tử đạo tiếp tục chết vì đức tin trên khắp thế giới. Nhưng tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây.”

Ngài nói thêm: “Đó thường không phải là một mối đe dọa công khai, hay sự thù ghét đức tin,” mà là một “sự thiên vị ngấm ngầm chống lại Kitô giáo”.

Trong cuộc phỏng vấn, sẽ phát sóng trên chương trình Vaticano của EWTN lúc 6 giờ chiều ET vào Chúa nhật, ngày 27 tháng Mười Một, vị hồng y người Guinea đã chỉ ra Sách Xuất hành, kể về 10 bệnh dịch, sự ra đi của người Do Thái và sự hủy diệt của Ai Cập. Ngài nói những sự kiện đó đã diễn ra “để dân Chúa có thể có tự do để thờ phụng Người cách thích đáng.”

“Quyền tự do tôn giáo không được coi là đương nhiên, hoặc bị thỏa hiệp, hoặc bị thờ ơ.”

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Robert Sarah với quyển sách mới nhất của ngài, Catechism of the Spiritual Life (Giáo lý về đời sống thiêng liêng), trong buổi phỏng vấn với EWTN News ở Roma. Credit: Daniel Ibanez/CNA


Đức Hồng Y Sarah đã nói chuyện với EWTN News vào đầu tháng này về quyển sách mới nhất của ngài, “Giáo lý về Đời sống Thiêng liêng,” do Nhà xuất bản EWTN xuất bản bằng tiếng Anh vào tháng Mười.

Quyển sách thứ bảy của Đức Hồng y là một suy tư sâu sắc về bảy bí tích của Giáo hội Công giáo và cách thức để đạt được sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng.

Một trong những chủ đề chính của quyển sách là tầm quan trọng của Thánh lễ và Bí tích Thánh Thể.

“Chúng ta tập trung để cử hành Thánh lễ và rước Chúa của chúng ta trong Bí tích Thánh Thể,” Đức Hồng y Sarah nói trong cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ ở Roma.


Ngài chỉ trích điều mà ngài gọi là sự chấp nhận rộng rãi “những hạn chế hà khắc” đối với việc tham dự Thánh lễ trong đại dịch COVID-19.

Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể quên điều này: Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là tuyệt đỉnh của đời sống Kitô hữu.”

Ngài nói tiếp: “Sự thích nghi có những lúc là cần thiết. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều đại dịch hơn và các trường hợp khẩn cấp khác, và sẽ có sự tranh luận về cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này liên quan đến việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Điều này là tốt. Nền dân chủ tự do đòi hỏi phải tranh luận, nhưng không bao giờ được quên hoặc bỏ qua tầm quan trọng của việc thờ phượng Thiên Chúa trong cuộc tranh luận. Nền dân chủ tự do không được quên Thiên Chúa.”

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Robert Sarah. Credit: Daniel Ibanez/CNA


Đức Hồng y Sarah trước đây là tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích từ tháng Mười Một năm 2014 đến tháng Hai năm 2021, khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ nhiệm của ngài.

Đức hồng y đã đệ đơn từ nhiệm lên đức giáo hoàng khi ngài bước sang tuổi 75 vào tháng Sáu năm 2020, theo quy định của Giáo hội.

Khi còn là người đứng đầu phòng phụng vụ, Đức Sarah là vị giám mục Châu Phi cao cấp nhất tại Vatican, nơi ngài đã giữ các vị trí quan trọng kể từ năm 2001.

Ngài Sarah cho biết cuốn sách của ngài tập trung đặc biệt vào các bí tích, cầu nguyện và thập giá.

Đức Hồng y nói: “Đời sống người Kitô hữu phải được xây dựng trên ba trụ cột: crux, hostia và virgo. Thập giá, Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria. Đây là ba trụ cột mà bạn phải dựa vào đó để xây dựng đời sống Kitô hữu.”

Đức hồng y cho biết việc trở thành tổng trưởng Phòng Phụng tự của Vatican đã thực sự giúp ngài thấy rõ tầm quan trọng của phụng vụ là một khoảnh khắc tuyệt vời và độc đáo “để gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa và được Ngài biến đổi thành một người con của Thiên Chúa và là một người phụng thờ đích thực của Chúa.”

Ngài nói thêm: “Phụng vụ phải đẹp, phải thánh thiêng, và phải yên lặng.”

Ngài cảnh báo việc không nên biến Thánh lễ thành một “sự trình diễn” hay chỉ là một cuộc tụ họp bạn bè, làm mất trọng tâm của việc thờ phượng Thiên Chúa.

Đức Hồng y nói: “Tôi khuyến khích rằng phụng vụ phải ngày càng trở nên thiêng liêng hơn, ngày càng thánh thiện hơn, ngày càng thinh lặng hơn, bởi vì Thiên Chúa thì lặng lẽ, và chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng, trong sự tôn thờ. Tôi nghĩ rằng việc đào tạo dân Chúa về phụng vụ là rất quan trọng. Chúng ta có thể cho mọi người thấy được vẻ đẹp, để tôn kính và giữ thinh lặng trong phụng vụ, trong đó cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô được đào sâu.”

Nhận xét về xã hội hiện đại, Đức Hồng y nói: “Thiên Chúa đã bị lãng quên.”

“Tất cả chúng ta đều sống như thể Chúa không tồn tại. Sự nhầm lẫn ngự trị ở khắp nơi. Quá nhiều người thu hẹp cuộc sống của chúng ta, ý nghĩa thực sự của cuộc sống chúng ta, thành cá nhân chủ nghĩa tuyệt đối và chỉ theo đuổi lạc thú chóng qua.”

Ngài nói người Kitô hữu nên đáp lại bằng cách quay trở lại với những điều căn bản của đức tin.

“Chúng ta cần lui khỏi thế gian, đi vào sa mạc, nơi chúng ta có thể học lại những điều căn bản, những điều nền tảng: nhất thần luận, sự mặc khải của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta và Thiên Chúa, Lời của Người, tội lỗi của chúng ta, sự phụ thuộc của chúng ta và việc cần đến lòng thương xót của Người,” ngài nói.

Đức Sarah nói rằng Thiên Chúa, thông qua Giáo hội và các bí tích của Người, “dẫn chúng ta đi vào mối quan hệ ngày càng sâu đậm hơn với Ngài. Và tất cả chúng ta đều cần tìm hiểu lại món quà sâu sắc của Ngài, đó là tình yêu của Chúa.”

Ngài nói, niềm tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là một trong những niềm tin nền tảng của Giáo hội, nếu không có niềm tin đó, “Giáo hội sẽ mất đi ý nghĩa sự tồn tại của mình”.

Hồng y cho biết tiếp: “Giáo hội không phải là một tổ chức xã hội để giải quyết các vấn đề di cư hay nghèo đói. Giáo hội có một mục đích thiêng liêng: giải thoát thế giới.”

Ngài nói: “Nếu Chúa Kitô không cư ngụ trong Giáo Hội một cách hữu hình, qua bí tích, thì chúng ta có tin mừng nào để công bố cho thế giới? Ý nghĩa của việc rao giảng Tin Mừng là gì? Khi người Kitô hữu quên đi lý do tại sao mình là Kitô hữu, thì cộng đoàn phải rơi vào sự suy tàn. Họ quên Tin mừng và đánh mất mục đích của mình.”

Đức Hồng Y Sarah cho biết cuộc chiến thiêng liêng vẫn giống như trước đây, ngay cả nhiều giám mục và linh mục không còn nhắc nhở người Công giáo về thực tại của nó. Ngài giải thích rằng vũ khí của chúng ta trong cuộc chiến này là Lời Chúa.

Cần phải “hướng về Thiên Chúa mỗi ngày, không chỉ để được an ủi giữa những nghịch cảnh trần gian, mà còn vì chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Người trong cuộc chiến đấu lớn lao. Tất cả chúng ta đều đang trong cuộc chiến dù có nhận ra nó hay không. Thật tốt khi tất cả chúng ta nhận thức được sự thật đó và bảo đảm rằng mỗi ngày chúng ta đều chiến đấu bên phía của Chúa,” ngài nói.

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Robert Sarah. Credit: Daniel Ibanez/CNA


Đức Hồng y Sarah nói rằng quyển sách “Giáo lý về Đời sống Thiêng liêng” nhằm trả lời cho “sự lẫn lộn ngày nay, bên ngoài và thậm chí cả bên trong Giáo hội”.

“Tôi thấy cần phải trình bày một số suy tư về sự tiến bộ tinh thần của chúng ta trong đời sống thiêng liêng: sự tiến bộ trong mối quan hệ cá nhân và mật thiết của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô.”

Ngài nói thêm rằng ngài hy vọng quyển sách sẽ đáp ứng “một nhu cầu sâu sắc của thời đại chúng ta.”

Đức Hồng y nói: “Mỗi người trong chúng ta phải liên tục cố gắng để đến gần Chúa Giêsu Kitô hơn, trở về với Lời của Người, và với sự đơn sơ của đức tin trong mặc khải của Người. Đó là sự đơn sơ của sa mạc, của sự thừa nhận tính lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa, và gặp gỡ Người và món quà tình yêu và ân sủng của Chúa, nhờ đó Chúa làm cho chúng ta trở nên giống Người.”

“Đó là lý do tại sao tôi quyết định viết quyển ‘Giáo lý về Đời sống Thiêng liêng.’”




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét