Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 09 tháng 11, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô 09.11.2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 09 tháng 11, 2022

Vatican Media

*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:00 sáng trong Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về chuyến Tông du gần đây của ngài đến Bahrain.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

__________________________________________________


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trời có hơi lạnh, phải không anh chị em? Nhưng rất đẹp.

Trước khi bắt đầu nói về những gì cha đã chuẩn bị, cha muốn hướng sự chú ý đến hai thiếu nhi đã tiến lên trên này. Các bé không xin phép. Các bé không nói, “Con sợ”. Các bé đi thẳng lên đây. Đây là cách chúng ta cần đến với Chúa: trực tiếp. Các bé đã cho chúng ta một ví dụ về cách chúng ta cần phải cư xử với Chúa, với Chúa Giêsu: tiến tới! Chúa luôn chờ đợi chúng ta. Thật tốt cho cha khi nhìn thấy sự tin tưởng của hai trẻ này. Đó là một ví dụ cho tất cả chúng ta. Đây là cách chúng ta luôn cần có để đến gần Chúa – cách tự do. Cảm ơn anh chị em.

Ba ngày trước, cha trở về sau chuyến đi đến Vương quốc Bahrain mà cha thực sự không biết gì về đất nước đó. Cha thực sự không biết vương quốc đó như thế nào. Tôi xin cảm ơn tất cả những người đã đồng hành cùng chuyến viếng thăm này thông qua việc dâng lời cầu nguyện, và một lần nữa để thể hiện lòng tri ân của tôi đối với Đức vua, với các nhà hữu trách, Giáo hội địa phương và người dân, vì sự đón tiếp nồng hậu của họ. Và tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến những người tổ chức chuyến hành trình này. Để làm được điều này cần có hoạt động của nhiều người, ngài Quốc vụ Khanh làm việc rất nhiều để chuẩn bị các bài diễn từ, chuẩn bị hậu cần, mọi thứ, có rất nhiều hoạt động … tiếp theo là những người phiên dịch… và sau đó là quân đoàn Hiến binh, quân đoàn Vệ binh Thụy Sĩ, những người tuyệt vời…. Mọi việc. Nó là một khối lượng công việc khổng lồ! Gửi tới tất cả mọi người, tới tất cả anh chị em, tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em vì những gì anh chị em đã làm để hành trình của Giáo hoàng diễn ra tốt đẹp. Xin cảm ơn anh chị em.

Câu hỏi tự nhiên được đặt ra là tại sao Giáo hoàng lại muốn đến thăm đất nước nhỏ bé này với đa số là người Hồi giáo? Có rất nhiều quốc gia Kitô giáo – tại sao trước tiên không đến một hoặc hai quốc gia trong số đó? Cha muốn trả lời bằng ba từ: đối thoại, gặp gỡ và hành trình.

Đối thoại: cơ hội cho Hành trình được mong chờ bao lâu nay đã có thể thực hiện nhờ lời mời của Quốc vương đến tham dự Diễn đàn đối thoại giữa phương Đông và phương Tây, một cuộc đối thoại nhằm khám phá sự phong phú của các dân tộc, các truyền thống và tín ngưỡng khác. Bahrain, một quần đảo được hình thành bởi nhiều hòn đảo, giúp chúng ta hiểu rằng không nhất thiết phải sống bằng cách tự cô lập bản thân, nhưng bằng cách đến gần hơn. Ở Bahrain, nơi được tạo thành từ các hòn đảo, chúng đến gần nhau, phải không, chúng dựa vào nhau. Sự nghiệp hòa bình đòi phải có điều này, và đối thoại là “dưỡng khí của hòa bình”. Xin đừng quên điều này. Đối thoại là “dưỡng khí của hòa bình”. Ngay cả đối với hòa bình trong gia đình của chúng ta, phải không? Nếu có chiến tranh giữa vợ và chồng, qua đối thoại, họ có thể tiến tới hòa bình. Trong gia đình, đối thoại, vì hòa bình được gìn giữ thông qua đối thoại.

Gần sáu mươi năm trước, Công đồng Vatican II, khi nói về việc xây dựng một thành trì hòa bình, đã tuyên bố rằng “chắc chắn rằng [con người] phải mở rộng tư tưởng và tinh thần của họ vượt ra ngoài những giới hạn quốc gia của họ, họ phải gạt bỏ tính ích kỷ quốc gia sang một bên, và tham vọng thống trị các quốc gia khác, và họ nuôi dưỡng một sự tôn trọng sâu sắc đối với toàn thể nhân loại, đang nỗ lực hướng tới sự thống nhất lớn lao hơn” (Hiến chế Gaudium et spes, 82). Đây là những điều Công đồng nói. Tôi cảm nhận được nhu cầu này ở Bahrain và tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự trên khắp thế giới có thể nhìn xa hơn các biên giới của chính họ, các cộng đồng của họ, để quan tâm đến toàn thể. Đây là cách duy nhất để đối mặt với một số vấn đề chung, chẳng hạn như Thiên Chúa đang bị lãng quên, thảm kịch của nạn đói, sự chăm sóc của tạo vật, nền hòa bình. Những điều này có thể được tất cả cùng nghĩ đến. Theo ý nghĩa này, Diễn đàn đối thoại mang tên: “Phương Đông và phương Tây vì sự chung sống của con người” – đây là tiêu đề, “Phương Đông và phương Tây vì sự chung sống của con người” – đã khuyến khích sự lựa chọn con đường gặp gỡ và gạt bỏ sự đối đầu. Chúng ta rất cần điều này! Đang rất cần có sự gặp gỡ nhau. Tôi nghĩ đến sự điên rồ của chiến tranh – điên rồ – trong đó Ukraine đang bị xâu xé là nạn nhân, và của nhiều cuộc xung đột khác, sẽ không bao giờ được giải quyết thông qua luận lý của pháo kích, mà chỉ với sức mạnh nhẹ nhàng của đối thoại. Nhưng ngoài Ukraine, mảnh đất này đang bị hành hạ. Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến các cuộc chiến kéo dài nhiều năm, và hãy nghĩ đến Syria – hơn 10 năm! – chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ đến Syria, hãy nghĩ đến những đứa trẻ ở Yemen, hãy nghĩ đến Myanmar: tất cả mọi nơi! Hiện giờ, Ukraine là gần hơn. Và chiến tranh tạo ra điều gì? Nó hủy diệt, nó hủy diệt nhân loại, hủy diệt mọi thứ. Xung đột không thể được giải quyết thông qua chiến tranh.

Nhưng không thể có đối thoại nếu không có từ thứ hai – gặp gỡ. Từ thứ nhất – đối thoại. Từ thứ hai – gặp gỡ. Chúng tôi đã gặp nhau ở Bahrain. Nhiều lần, tôi đã nghe được mong muốn rằng sẽ có sự gia tăng các cuộc gặp gỡ giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo, rằng họ xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ hơn, rằng điều này được lưu tâm hơn. Theo phong tục ở Phương Đông, ở Bahrain, mọi người đặt tay lên ngực khi họ chào hỏi ai đó. Tôi cũng đã làm điều này, để dành không gian trong tôi cho người tôi đang gặp. Vì nếu không có sự chào đón này, đối thoại là trống rỗng, dường như nó vẫn ở mức độ của một ý tưởng hơn là thực tế. Trong nhiều cuộc gặp gỡ, tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ với Hiền huynh thân yêu của tôi, Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar – hiền huynh thân yêu của tôi – và cuộc gặp gỡ với giới trẻ ở Trường Thánh Tâm, những siviên nh cho chúng ta một tấm gương rất lớn: người Kitô giáo và Hồi giáo cùng học với nhau. Các bạn trẻ, thanh thiếu niên nam nữ, thiếu nhi cần hiểu biết nhau để sự gặp gỡ huynh đệ có thể tránh được những chia rẽ về hệ tư tưởng. Và bây giờ tôi xin cảm ơn Trường Thánh Tâm; tôi cảm ơn Sơ Rosalyn đã phát triển ngôi trường này rất tốt, và các trẻ tham gia với các bài thuyết trình, qua lời cầu nguyện, nhảy múa, bài ca – tôi nhớ tất cả rất rõ! Cảm ơn các bạn rất nhiều! Nhưng ngay cả người cao tuổi cũng đưa ra chứng tá về sự khôn ngoan của tình huynh đệ. Tôi nhớ lại cuộc họp với Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, một tổ chức quốc tế được thành lập cách đây vài năm nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa các cộng đồng Hồi giáo dưới nguyên tắc tôn trọng, tiết chế và hòa bình, phản đối chủ nghĩa chính thống và bạo lực.

Từ đây, chúng ta chuyển sang từ thứ ba: hành trình.Không nên xem hành trình đến Bahrain là một chương riêng biệt. Đó là một phần của tiến trình do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng khi ngài tông du đến Marốc. Vì vậy, chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến Bahrain thể hiện một bước tiến mới trên hành trình giữa người Kitô giáo và Hồi giáo – không phải để làm lẫn lộn mọi thứ hay làm giảm giá trị niềm tin, không phải. Đối thoại không làm giảm giá trị, nhưng tạo ra các liên minh huynh đệ nhân danh Tổ phụ Abraham của chúng ta, người đã là người lữ khách trên trái đất dưới ánh mắt nhân từ của một Chúa duy nhất, Thiên Chúa của hòa bình. Đây là lý do tại sao phương châm của cuộc hành trình là: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Và tại sao tôi không thấy đối thoại làm giảm giá trị? Bởi vì để đối thoại bạn cần phải có bản sắc riêng của bạn. Nếu bạn không có bản sắc riêng của mình, bạn không thể đối thoại bởi vì bạn thậm chí không hiểu mình là ai. Để một cuộc đối thoại trở nên tốt đẹp, nó luôn phải bắt nguồn từ bản sắc riêng của một người, nhận thức được bản sắc của chính bạn và từ đó cuộc đối thoại có thể diễn ra.

Đối thoại, gặp gỡ và hành trình ở Bahrain cũng diễn ra giữa các Kitô hữu. Chẳng hạn, cuộc gặp gỡ đầu tiên mang tính đại kết, một buổi cầu nguyện cho hòa bình với Đức Thượng Phụ thân yêu Bartholomew, và với các anh chị em của nhiều nền tảng tuyên xưng và nghi lễ khác nhau. Cuộc họp mặt diễn ra trong Nhà thờ Chánh tòa cung hiến cho Đức Mẹ Arabia, có cấu trúc giống như một cái lều. Theo Kinh thánh, đây là nơi Thiên Chúa gặp ông Môsê trong sa mạc trên hành trình. Những người anh chị em trong đức tin mà tôi đã gặp ở Bahrain thực sự đang sống “trong một cuộc hành trình”. Phần lớn, họ là những người lao động nhập cư xa quê hương, họ khám phá ra cội nguồn của mình trong Dân Chúa và gia đình của họ trong đại gia đình Hội Thánh. Thật tuyệt vời khi thấy những người di dân này – từ Philippines, từ Ấn Độ và từ những nơi khác – những người Kitô hữu tập trung và hỗ trợ lẫn nhau trong đức tin. Và họ vui mừng tiến về phía trước, với niềm vững tin rằng niềm hy vọng của Thiên Chúa không làm thất vọng (x. Rm 5:5). Gặp gỡ các Mục tử, những người sống đời thánh hiến, những người làm công tác mục vụ, và trong Thánh lễ rất xúc động được cử hành tại sân vận động với rất nhiều tín hữu đến từ các quốc gia vùng Vịnh khác, tôi đã mang đến cho họ tình cảm của toàn thể Giáo hội. Đây là hành trình.

Và hôm nay cha muốn chuyển đến cho anh chị em niềm vui chân thành, đơn sơ và rất đẹp của họ. Gặp nhau và cùng cầu nguyện, chúng tôi cảm thấy chúng tôi là một trái tim và một linh hồn. Nghĩ về hành trình của họ, về kinh nghiệm đối thoại hàng ngày của họ, tất cả chúng ta cảm nhận được kêu gọi mở rộng tầm nhìn của chúng ta – xin hãy mở rộng tấm lòng! Đừng mang tâm hồn khép kín, chai đá. Hãy mở rộng tâm hồn vì tất cả chúng ta đều là anh chị em và để tình huynh đệ nhân loại này có thể tiến lên phía trước. Hãy mở rộng chân trời của anh chị em, hãy cởi mở, mở rộng những điều anh chị em quan tâm và hãy cống hiến hết mình để hiểu biết về những người khác. Nếu anh chị em tận tâm tìm hiểu biết về người khác, anh chị em sẽ không bao giờ bị đe dọa. Nhưng nếu anh chị em e sợ người khác, anh chị em sẽ bị đe dọa. Mỗi người và mọi người đều là cần thiết để cuộc hành trình của tình huynh đệ và hòa bình được tiến triển. Tôi có thể đưa tay của mình ra, nhưng nếu không có bàn tay từ phía bên kia, sẽ không làm được gì cả. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong cuộc hành trình này! Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/11/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét