Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Tân Tổng Giám mục Công giáo Syria kể về cách ngài còn sống sót khi bị Nhà nước Hồi giáo bắt giữ

Vị tân Tổng Giám mục Công giáo Syria kể về cách ngài còn sống sót khi bị Nhà nước Hồi giáo bắt giữ

Tân Tổng Giám mục Công giáo Syria kể về cách ngài còn sống sót khi bị Nhà nước Hồi giáo bắt giữ

Cha Jacques Mourad, Tổng Giám mục của Syria

Ana Paula Morales

ACI Prensa Staff, 23 tháng Một, 2023 / 16:15 pm

Một linh mục người Syria, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục vào ngày 7 tháng Một, chia sẻ về những thời gian khó khăn mà ngài đã trải qua khi bị nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) bắt làm con tin và tầm quan trọng của “tinh thần tha thứ”.

Trong phát biểu với ACI Prensa, hãng thông tấn bằng tiếng Tây Ban Nha của CNA, Cha Jacques Mourad, được bầu làm tổng giám mục của Homs, Syria, bởi Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội Thượng phụ Antioch của người Syria, người Công giáo theo nghi thức Đông phương hiệp thông với Roma, kể lại rằng khi ngài bị IS bắt cóc cùng với một thỉnh sinh trong cộng đoàn của ngài, những chiến binh cố gắng “cải đạo chúng tôi sang đạo Hồi”.

Tuy nhiên, cho dù có nguy cơ phải chết, ngài kể lại cách những Kitô hữu khác “đã can đảm và nhiệt thành đáp lời để làm chứng cho đức tin của họ như thế nào” trong tình huống đó.

Đức Cha nhấn mạnh rằng bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, “chúng tôi là môn đệ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại.”

Đức Cha nhấn mạnh rằng chính trong những điều kiện như vậy mà ngài đã học được “một tấm gương tuyệt vời về sự tha thứ.”

Đức Cha nói: “Một trong những chiến binh đã kết án tử hình tôi, kề dao vào cổ và đe dọa tôi.”

“Tôi không cảm thấy tức giận, căm thù hay có bất kỳ cảm giác bạo lực nào đối với anh ta,” Đức Cha Mourad nói và thừa nhận rằng “Bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên, vì thông thường nếu ai đó đánh vào mặt tôi, thì việc đáp trả lại bằng cú đánh vào mặt anh ta là điều bình thường, nhưng trong khoảnh khắc đó tôi không cảm nhận bất kỳ ác cảm nào với anh ta.”

Vị tân Tổng Giám mục đã bị những kẻ khủng bố Hồi giáo bắt cóc ngày 21 tháng Ba năm 2015, khi một nhóm vũ trang tiến vào Tu viện Mar Elian ở Syria và đưa ngài đi cùng với một thỉnh sinh trong cộng đoàn của ngài.

Đức Cha Mourad, tân Tổng Giám mục, nói rằng những kẻ bắt giữ ngài “ở trong lời cầu nguyện của tôi” mỗi ngày.

Đức Cha nói: “Tôi cầu xin sự tha thứ cho họ và tôi sẽ tiếp tục, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng ban ơn tha thứ và xá giải mọi tội lỗi.”

Một tổng giáo phận của các Kitô hữu nghèo

Về việc bổ nhiệm, ngài tân Tổng Giám mục lưu ý rằng Homs đã không có tổng giám mục kể từ tháng Sáu năm 2020, khi Đức Tổng Giám mục Théophile Philippe Barakat qua đời.

Ngài nói: “Đối với chúng tôi, điều rất quan trọng là sau thời gian dài chờ đợi này, chúng tôi đã có một giám mục để giúp chúng tôi xây dựng cơ cấu của Giáo hội, để ngài có thể tiếp tục thăng tiến và phát triển sứ mệnh của mình với giáo dân, những người vẫn trung thành và quan tâm đến tình hình trong nước.”

Đức Cha giải thích rằng phần lớn tín hữu của tổng giáo phận “là những người nông dân trồng trọt, sản xuất và sống bằng công việc lao động cực nhọc của họ. Hầu hết các gia đình của chúng tôi đều nghèo, và họ ngày càng nghèo hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở đất nước chúng tôi do các lệnh trừng phạt và nạn tham nhũng.”

Cuộc khủng hoảng ở Syria bắt đầu năm 2011, giữa các cuộc biểu tình của điều được gọi là “Mùa xuân Ả Rập”, dẫn đến việc lật đổ các nhà cầm quyền ở một số quốc gia trong khu vực.

Các nhóm khủng bố Hồi giáo như Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đã tham gia các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi. Bạo lực đã châm ngòi cho một cuộc nội chiến, trong đó chính phủ Syria có Nga và Iran là đồng minh và Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù.

Hàng trăm ngàn người đã chết trong chiến tranh, và trong khi bạo lực đã giảm xuống trong những năm gần đây, một cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đeo bám đất nước và người dân.

Trong một khu vực mà các người Kitô hữu Chính thống và người Hồi giáo cùng chung sống, vị tân tổng giám mục giải thích rằng “khi chúng tôi có các hoạt động phân phát mọi thứ như vào dịp Giáng sinh, chúng tôi không chỉ cân nhắc đến các Kitô hữu của mình, hay người Công giáo Syria, bởi vì chúng tôi phải chia sẻ mọi thứ với những người khác”.

Đức Cha nói: “Đó là một chứng tá chẳng lấy gì làm đẹp khi cho rằng mọi thứ là của riêng chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi cố gắng bao gồm những người khác vào các hoạt động của chúng tôi, bởi vì đây là chứng tá tốt đẹp về tình yêu của Chúa Kitô dành cho toàn thế giới.”




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét