Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

Mông Cổ: điểm đến chiến lược của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Châu Á

Mông Cổ: điểm đến chiến lược của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Châu Á

Mông Cổ: điểm đến chiến lược của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Châu Á

Ulaanbaatar, capital of Mongolia

I.Media

19/08/23


Vị trí chiến lược của Mông Cổ giữa Nga và Trung Quốc khiến nó trở thành một địa điểm lý tưởng để Giáo hoàng thể hiện khả năng tương thích của Giáo hội với các nền văn hóa Châu Á.

Từ ngày 31 tháng Tám đến ngày 4 tháng Chín năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên đến Mông Cổ. Trước hết, Đức Thánh Cha dự định nói chuyện với người dân Mông Cổ và cộng đồng Công giáo nhỏ bé ở địa phương. Tuy nhiên, chuyến đi của ngài đến vùng đất của các Khans, một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa trước đây nằm giữa Nga và Trung Quốc, dường như là một bước đi chiến lược của Tòa thánh.


Di sản của Đức Gioan Phaolô II và chủ nghĩa cộng sản

Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ và sự độc lập của các khối xã hội chủ nghĩa, một trong những động lực chính trong chính sách ngoại giao của Vatican là cố gắng làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe trong khu vực rộng lớn trải dài từ vùng Balkan đến miền Đông Nam Á này. Mục đích: hỗ trợ các cộng đồng hiện hữu đang phải chịu sự bắt bớ, đồng thời đẩy mạnh truyền giáo và loan báo Tin mừng.

Di sản của Đức Gioan Phaolô II, được nhiều người coi là một trong những kiến trúc sư dẫn đến sự sụp đổ của thế giới Cộng sản, đã khiến nhiều nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa trước đây cảnh giác với sự hiện diện của Công giáo trên lãnh thổ của họ. Đây là trường hợp đáng chú ý ở Nga — một quốc gia chưa từng có vị giáo hoàng nào có thể đến thăm — và Trung Quốc — nơi Giáo hội nằm dưới sự giám sát của một Hiệp hội Yêu nước trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là trường hợp ở Kazakhstan, Việt Nam, Lào và Mông Cổ, với các mức độ khác nhau.

Mông Cổ: điểm đến chiến lược của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Châu Á

Đức Thánh Cha Phanxicô trên xe giáo hoàng đến dâng thánh lễ tại Khu triển lãm ở thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan, vào ngày 14 tháng Chín năm 2022.

Tuy nhiên, quốc gia cuối danh sách gần đây đã cho thấy sự cởi mở trong việc thiết lập các mối quan hệ mới với Tòa thánh, như được thể hiện qua chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha. Trường hợp tương tự là Kazakhstan, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm hồi tháng Chín năm ngoái. Ở hai quốc gia này, cả hai đều có chung biên giới với Nga và Trung Quốc, chính phủ đã thể hiện sự sẵn sàng nới lỏng sự kiểm soát của họ đối với các Giáo hội địa phương — tuy nhiên, không trao quyền tự do hoàn toàn cho các nhà truyền giáo và linh mục địa phương.


Chính sách ngoại giao ở những vùng ngoại vi

Chính sách ngoại giao của Tòa thánh đối các quốc gia này dường như là “vùng ngoại vi”, một thuật ngữ yêu quý của Đức Thánh Cha Phanxicô. Qua việc đến những vùng biên giới của Trung Quốc và Nga, Đức Thánh Cha đang cố gắng bảo đảm với họ rằng ngài có khả năng hội nhập với những thách đố về văn hóa Á Châu, và rằng ngài không phải là “tuyên úy của phương Tây” – như người ta lo ngại ở Bắc Kinh và Mátxcơva. Mối quan hệ tốt đẹp với Mông Cổ, Kazakhstan và Việt Nam, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với các nước láng giềng lớn của họ, có thể đóng vai trò là hình mẫu cho việc nối lại mối quan hệ hữu nghị với các nước sau này trong tương lai.

Với Nga, điều này trở nên rất rõ ràng kể từ năm 2022 và khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine. Trên chuyến bay trở về từ chuyến đi đến Kazakhstan, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng việc đóng cánh cửa đối thoại với Nga chẳng khác nào khép lại “cánh cửa duy nhất có cơ sở dẫn đến hòa bình”. Chính sách ngoại giao của ngài tiếp tục bảo vệ lối đi này, như được thấy trong chuyến công tác gần đây của Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi đến Moscow.

Theo một nhà truyền giáo đã sống 10 năm ở Mông Cổ, mặc dù Nga có sự hiện diện ít hơn ở Mông Cổ so với Trung Quốc, nhưng nước này đang nhận được tình cảm mới của người dân. Do đó, Ulaanbaator có thể là một trung gian có giá trị cho các cuộc thảo luận với Moscow.


Mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc

Với Trung Quốc, những khó khăn của Vatican dường như còn lớn hơn. Thỏa thuận lịch sử về việc bổ nhiệm giám mục, đạt được giữa hai bên vào năm 2018, cho đến nay vẫn chưa thực sự có kết quả. Trung Quốc đã tiếp tục hành động mà không hỏi ý kiến của Tòa Thánh. Trong chuyến đi Kazakhstan trước đây, Đức Giáo hoàng đã cố gắng cách vô ích để gặp gỡ chủ tịch Tập Cận Bình khi đó cũng tình cờ đi qua Astana cùng lúc với ngài. Tại Mông Cổ, Giáo hoàng sẽ tiếp tục cuộc hành trình dọc theo Con đường Tơ lụa, và cố gắng thực hiện thêm một bước đối với Bắc Kinh.

Mông Cổ từ lâu đã được Tòa Thánh coi là cửa ngõ của Giáo hội vào Trung Quốc. Trong một bài phát biểu nhân dịp Năm Thánh 2000, Đức Hồng Y Jozef Tomko, phụ trách các cơ quan truyền giáo, đã chào mừng các lễ rửa tội đầu tiên được cử hành tại Mông Cổ. Ngay sau đó, ngài tuyên bố, “…đồng thời, chúng ta đang chờ đợi thời khắc của Trung Hoa vĩ đại.” Ngày nay, cánh cửa này được hé mở cho các linh mục, bất chấp sự kiểm soát nghiêm ngặt của hải quan Trung Quốc.


“Tràng hạt ngọc trai”

Ở Mông Cổ, Tòa Thánh dường như đang đặt một viên đá mới theo kiểu bao quanh Trung Quốc. Đây là chiến lược “tràng hạt ngọc trai”, ám chỉ chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở Đông Nam Á và Ấn Độ dương.

“Tràng hạt ngọc trai” này được hình thành chủ yếu từ các trung tâm Công giáo truyền thống của khu vực là Đài Loan và Hồng Kông, nơi Đức Hồng y tương lai Stephen Sau-yan Chow là trung gian quan trọng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, vùng đất cũ của Anh và nước cộng hòa nhỏ bé Formosa cũng đã bị suy yếu do Bắc Kinh tuyên bố có ý định đặt hai nơi này dưới sự kiểm soát hoàn toàn của mình trong những năm tới. Điều này có nghĩa là ranh giới tự do làm cho hai nơi này trở thành nền tảng chiến lược cho Giáo hội bị giảm xuống — đặc biệt là việc gửi các nhà truyền giáo đến Trung Quốc.


Vai trò của Mông Cổ

Đứng trước sự suy yếu của Đài Loan và Hồng Kông, Mông Cổ, cũng như Miến Điện và Kazakhstan, đại diện cho một hình thức hiện diện Công giáo mới ngay ngưỡng cửa Trung Quốc. Và sự nồng ấm đáng chú ý trong mối quan hệ giữa Vatican và Việt Nam trong mùa hè này, với việc mở cửa quan hệ ngoại giao, là một bước tiến xa hơn theo hướng này.

Trong những năm gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng có xung quanh mình những cố vấn có thể đóng vai trò trung gian điều đình với Trung Quốc. Đầu tiên và quan trọng nhất là ngài Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle người Philippines. Ngài là cháu của một người Trung Quốc di cư, và đã tham gia vào các nỗ lực nối lại quan hệ với Bắc Kinh do chính sách ngoại giao của Vatican dưới thời Đức Hồng y Pietro Parolin dẫn đầu. Một ví dụ khác là Đức Hồng y William Goh, Tổng Giám mục Singapore và là một thành viên của cộng đồng người Hoa đông đảo của đảo quốc này.

Tại Mông Cổ, mặc dù dân số Công giáo chiếm rất ít (ước tính dưới 1.500 người), nhưng Đức Thánh Cha đã chọn trao mũ barét hồng y cho nhà truyền giáo còn rất trẻ Giorgio Marengo. Về mặt lãnh thổ, từ góc độ giáo hội, Mông Cổ liên kết với khu vực Trung Á rộng lớn, khiến Đức Hồng y Bộ trưởng của Ulaanbaator trở thành đội tiên phong của Giáo hội trên Con đường Tơ lụa mà Trung Quốc đang cố gắng hồi sinh.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/8/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét