Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

Tông du đến Congo - ĐTC gặp gỡ đại diện một số tổ chức từ thiện tại thủ đô Kinshasa: “Phân phối của cải không đồng đều gây ra nghèo đói”

Đức Thánh Cha: “Phân phối của cải không đồng đều gây ra nghèo đói”

Gặp gỡ đại diện một số tổ chức từ thiện tại thủ đô Kinshasa

Tông du đến Congo - ĐTC gặp gỡ đại diện một số tổ chức từ thiện tại thủ đô Kinshasa: “Phân phối của cải không đồng đều gây ra nghèo đói”

Vatican News


*******

Chiều nay, lúc 18:30, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ đại diện của một số Tổ chức Từ thiện tại Tòa Khâm sứ ở thủ đô Kinshasa.

Cuộc họp có sự tham gia của tổ chức Telema Ongenge, các bệnh nhân Phong của bệnh viện La Rive, Hiệp hội Fasta, Trung tâm Giấc mơ, những người câm điếc của làng Bondeko, người mù của các trường Petite Flamme thuộc Phong trào Focolare và các Nữ Đan sĩ dòng Trappist ở Mvanda.

Sau phần trình bày ngắn gọn về các hiệp hội từ thiện hiện diện, Đức Thánh Cha đã có huấn từ.

Cuối cùng, sau khi đọc Kinh Lạy Cha và làm phép lành cuối, Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa tối riêng.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ:

_______________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi thân ái chào anh chị em và cảm ơn vì các bài hát của anh chị em, những chứng ngôn của anh chị em và vì tất cả những gì anh chị em đã chia sẻ với tôi, nhưng đặc biệt là về tất cả những gì anh chị em đang làm! Ở đất nước này, nơi âm thanh của bạo lực vang lên như tiếng cây bị đốn đổ, anh chị em là khu rừng lặng lẽ lớn lên mỗi ngày và làm cho không khí trong lành và dễ thở. Đương nhiên, một cái cây đổ gây ra nhiều tiếng ồn hơn, nhưng Thiên Chúa yêu thương và chúc lành cho lòng quảng đại âm thầm nảy mầm và đơm hoa kết trái, và Ngài vui mừng nhìn đến tất cả những người phục vụ người thiếu thốn. Đó là cách phát triển của sự thiện: trong sự đơn sơ của đôi bàn tay và trái tim giang rộng cho người khác và trong sự can đảm của những bước chân nhỏ bé tiếp cận người nghèo và người dễ bị tổn thương nhân danh Chúa Giêsu. Câu tục ngữ mà chị Cecilia trích dẫn thực sự rất đúng: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”.

Một điều làm tôi rất ấn tượng: anh chị em không chỉ đơn thuần liệt kê các vấn đề xã hội hoặc cung cấp cho tôi số liệu thống kê về tình trạng nghèo đói, mà quan trọng hơn anh chị em nói về người nghèo với cảm xúc mạnh mẽ. Anh chị em đã nói về chính mình và về những người trước đây anh chị em chưa từng biết, nhưng nay đã trở nên quen thuộc với anh chị em; những con người có tên tuổi và khuôn mặt. Tôi thật cảm kích vì anh chị em có thể nhìn thấy Chúa Giêsu nơi những người nhỏ bé nhất trong những anh chị của Chúa. Tìm kiếm và yêu mến Chúa nơi những người nghèo và người Kitô hữu chúng ta phải cẩn thận để không quay lưng lại với họ. Có điều gì đó không ổn khi một người tín hữu giữ khoảng cách với những người được Đức Kitô yêu thương.

Trong khi rất nhiều người ngày nay gạt bỏ người nghèo, anh chị em ôm lấy họ; trong khi thế giới bóc lột họ, anh chị em khuyến khích họ. Khuyến khích chống lại bóc lột: đây là một cánh rừng đang phát triển, cho dù nạn phá rừng và sự lãng phí tràn lan! Tôi muốn mọi người biết rõ hơn về những gì anh chị em đang làm, để thúc đẩy sự phát triển và niềm hy vọng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và trên toàn lục địa này. Tôi đến đây với mong muốn trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Tôi ước gì các phương tiện truyền thông sẽ dành nhiều không gian hơn cho đất nước này và toàn bộ Châu Phi! Ước gì các dân tộc, các nền văn hóa, những đau khổ và hy vọng của lục địa non trẻ này trong tương lai được biết đến nhiều hơn! Mọi người sẽ khám phá ra những tài năng to lớn và những câu chuyện về sự lớn lao thực sự của con người và Kitô giáo, hiện lên từ một môi trường lành mạnh được đánh dấu bằng sự tôn trọng đối với trẻ em, người già và mọi tạo vật.

Tôi thật vui được trở thành tiếng này ở đây tại Tòa Khâm sứ, bởi vì các Cơ quan đại diện của Giáo hoàng, “những ngôi nhà của Giáo hoàng” trên khắp thế giới, phải là những người thúc đẩy sự phát triển con người, là trung tâm bác ái, đi đầu trong đường lối ngoại giao của lòng thương xót bằng những cố gắng tạo điều kiện viện trợ hiệu quả và ủng hộ các mạng lưới hợp tác. Việc này hiện đang diễn ra cách âm thầm ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như nó đã diễn ra từ lâu ở đây. Ngôi nhà này đã là một sự hiện diện lân cận trong nhiều thập kỷ. Được thành lập cách đây 90 năm với trong vai trò là Phái đoàn của Tòa thánh, trong vài ngày nữa sẽ kỷ niệm 60 năm ngày được nâng lên cấp Sứ thần.

Thưa anh chị em, anh chị em yêu đất nước này và cống hiến hết mình cho người dân. Những gì anh chị em làm thật tuyệt vời, nhưng không có nghĩa là dễ dàng. Chúng tôi rơi lệ khi nghe những câu chuyện như anh chị em đã kể cho tôi, về những người đàn ông và phụ nữ đau khổ bị bỏ rơi vô gia cư do sự thờ ơ chung. Sự thờ ơ này khiến họ phải sống trên đường phố, khiến họ có nguy cơ bị bạo lực thể xác và lạm dụng tình dục, thậm chí bị buộc tội là sử dụng ma thuật, trong khi họ chỉ cần sự yêu thương và sự quan tâm. Tekadio, cha thật kinh ngạc trước những gì con kể với chúng ta. Do bệnh phong, ngày hôm nay vào năm 2023, con vẫn cảm nhận bị “phân biệt đối xử, coi thường và sỉ nhục”, trong khi mọi người, trộn lẫn giữa sự xấu hổ, không hiểu biết và sợ hãi, lao vào tẩy uế nơi mà ngay cả bóng của con đi qua. Nghèo đói và bị từ chối là một sự xúc phạm đến con người, cướp đi phẩm giá của họ. Chúng giống như đống tro tàn dập tắt ngọn lửa mà người đó mang trong mình. Đúng vậy, mỗi con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, tỏa sáng với ngọn lửa rực rỡ, nhưng chỉ có tình yêu mới loại bỏ được lớp than bụi che lấp hình ảnh đó. Chỉ bằng cách phục hồi lại phẩm giá, chúng ta mới phục hồi lại nhân loại! Tôi rất buồn khi biết rằng ở đây cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em và người già bị loại bỏ. Điều này thật đáng hổ thẹn và thậm chí còn có hại cho toàn xã hội, mà sự lành mạnh của nó phụ thuộc chính vào sự chăm sóc mà xã hội mang đến cho người già và trẻ em, vì họ là gốc rễ và là tương lai của xã hội. Chúng ta đừng quên: sự phát triển thực sự của con người không thể hưng thịnh ở nơi không có ký ức hoặc tương lai. Ký ức được lưu giữ sống động bởi người già và tương lai được đưa tới bởi người trẻ.

Thưa anh chị em, hôm nay tôi muốn đặt hai câu hỏi cho anh chị em, và thông qua anh chị em, gửi đến cho nhiều người đang làm việc vì lợi ích của đất nước tuyệt vời này. Thứ nhất: Nó có đáng không? Có đáng nỗ lực để chiến đấu với đại dương túng thiếu không ngừng gia tăng này không? Nó có phải là một nỗ lực vô ích và thường làm chán nản không? Điều Sơ Marie Celeste nói có thể giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó. Sơ nói: “Bất kể sự tầm thường của chúng ta, Chúa chịu đóng đinh muốn chúng ta ở bên cạnh Ngài để giúp Ngài gánh lấy những thảm kịch của thế giới.” Đúng vậy, lòng bác ái làm cho chúng ta hòa hợp với Thiên Chúa và Người làm chúng ta ngạc nhiên với những điều kỳ diệu bất ngờ qua những người được Chúa yêu. Những câu chuyện của anh chị em chứa đầy các biến cố ​​diệu kỳ, nhờ trái tim của Chúa và không thể quy cho sức mạnh con người. Pierre, cha nghĩ về những gì con kể với chúng tôi, khi con nói rằng trong sa mạc của sự bất lực và thờ ơ, trong biển khổ, con và các bạn của con đã khám phá ra rằng Thiên Chúa không quên các con, bởi vì Chúa gửi đến cho các con những người không quay lưng lại khi họ đang băng qua đường nơi các con đứng. Trong khuôn mặt của họ, con đã khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu và bây giờ con muốn giúp những người khác cách tương tự như vậy. Lòng tốt là như thế, nó lan tỏa; nó không bị tê liệt bởi sự buông xuôi hay con số thống kê, nhưng thúc giục chúng ta trao cho người khác những gì chúng ta đã nhận được cách nhưng không. Tôi nhận được và tôi cho đi. Đặc biệt, thanh niên cần nhìn thấy điều này: họ cần nhìn thấy những khuôn mặt chiến thắng sự thờ ơ bằng cách nhìn thẳng vào mắt mọi người, và những bàn tay không cầm vũ khí hoặc lạm dụng tiền bạc, nhưng vươn tới những người đang gục ngã dưới đất và nâng họ lên đúng phẩm giá của họ, phẩm giá của một người con của Thiên Chúa. Chỉ có một trường hợp đúng đắn duy nhất khi nhìn người khác từ trên cao: giúp nâng người đó lên. Ngoài ra, chúng ta không bao giờ nên nhìn một người từ trên cao.

Vì vậy, nó thật xứng đáng! Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy chính quyền dân sự, thông qua các thỏa thuận gần đây với Hội đồng Giám mục, đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của những người tham gia vào công việc bác ái và xã hội. Điều này chắc chắn không có nghĩa là chúng ta có thể giao phó một cách có hệ thống cho các thiện nguyện viên chăm sóc những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, hoặc việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Đây là trách vụ chính của những người lãnh đạo; họ phải lưu tâm để đảm bảo rằng các dịch vụ cơ bản được cung cấp cho những người sống xa các trung tâm đô thị lớn. Đồng thời, những người tin Đức Kitô không bao giờ được làm hoen ố chứng tá bác ái, tức là chứng tá cho Thiên Chúa, bằng cách chạy theo đặc quyền, uy tín, danh tiếng và quyền lực. Đó là một điều xấu mà chúng ta không bao giờ được làm. Không, phương tiện, nguồn lực và mục tiêu của chúng ta là sử dụng cho người nghèo. Những người chăm sóc người nghèo luôn phải nhớ rằng quyền bính là phục vụ, và bác ái không làm cho chúng ta ngủ quên trên vinh quang, nhưng đòi hỏi những hành động cấp bách và cụ thể. Về vấn đề này, trong số rất nhiều việc cần phải làm, tôi muốn nhấn mạnh đến một thách đố liên quan đến tất cả mọi người chứ không chỉ riêng đất nước này. Nguyên nhân gây ra nghèo đói không phải là thiếu của cải và cơ hội, mà là sự phân phối không đồng đều. Những người giàu có, đặc biệt nếu họ là người Kitô hữu, được thách đố biết chia sẻ những gì họ có với những người thiếu thốn các nhu cầu tối thiểu, và càng phải chia sẻ nhiều hơn nữa nếu họ là thành viên của cùng một dân tộc. Đây không phải là vấn đề của thiện ý, mà là công bình. Nó không phải là công việc từ thiện, mà là niềm tin. Vì, như Kinh thánh nói, “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:26).

Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi thứ hai, liên quan đến bổn phận và tính cấp bách của công việc thiện ích. Phải thực hiện nó như thế nào? Từ thiện phải được thực hiện như thế nào? Phải tuân theo những tiêu chí nào? Ở đây tôi sẽ cung cấp cho anh chị em ba ý tưởng đơn giản. Những ý tưởng này là quen thuộc với các tổ chức từ thiện làm việc ở đây, nhưng thật hữu ích để nhắc lại, để việc phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo có thể trở thành một hình thức chứng tá hiệu quả hơn bao giờ hết.

Trước hết, bác ái kêu gọi sự nêu gương. Nó không đơn thuần là một việc chúng ta làm; nó là một biểu hiện cho biết chúng ta là ai. Đó là một lối sống, một lối sống Tin Mừng, và nó đòi hỏi sự đáng tin cậy và minh bạch. Tôi đang nghĩ đến việc quản lý tài chính và hành chính của các dự án, cũng như nhu cầu cung cấp các dịch vụ phù hợp theo cách hiệu quả. Đây chính là tinh thần ghi dấu ấn nhiều công cuộc của Giáo hội mang lại lợi ích cho đất nước này và làm nổi bật lịch sử của nó. Mong rằng chúng ta luôn nêu gương tốt!

Thứ hai, biết nhìn xa trông rộng, có tầm nhìn xa. Điều quan trọng là các sáng kiến và công cuộc thiện ích không chỉ đáp ứng cho những nhu cầu trước mắt mà còn chứng minh tính bền vững theo thời gian. Chúng không nhằm mục đích định hướng phúc lợi, mà cân nhắc xem việc nào cho thấy hiệu quả nhất về lâu về dài; theo cách này, chúng có thể kéo dài và không kết thúc cùng với những người đã khởi động chúng. Ví dụ, ở đất nước này, đất đai vô cùng màu mỡ và vô cùng năng suất. Lòng quảng đại của những người cung cấp viện trợ cho anh chị em phải đánh giá cao thực tế này và thúc đẩy sự phát triển của những người sống trên vùng đất ở đây, dạy họ cách canh tác và tạo ra các dự án phát triển để tương lai nằm trong tay họ. Thay vì phân phối hàng hóa là điều luôn thiếu hụt, tốt hơn hết là truyền tải kiến thức và các công cụ giúp phát triển tự chủ và bền vững. Ở đây, tôi muốn đề cập đến sự đóng góp to lớn của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Công giáo, mà ở đất nước này cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, mang đến sự trợ giúp và hy vọng cho mọi người, giúp đỡ những người đau khổ với tinh thần quảng đại và đủ năng lực, luôn luôn tìm kiếm để giúp đỡ người khác thông qua việc sử dụng các phương tiện phù hợp và cập nhật.

Nêu gương, có tầm nhìn xa, và bây giờ – yếu tố thứ ba – liên kết. Thưa anh chị em, anh chị em phải có kết nối mạng lưới, không chỉ trực tuyến mà còn kết nối cụ thể. Chúng ta thấy điều này được minh họa trong đất nước của anh chị em trong bản giao hưởng của cuộc sống được tìm thấy trong cánh rừng mênh mông và thảm thực vật đa dạng của nó. Liên kết mạng lưới kêu gọi sự hợp tác ngày càng lớn hơn, sự tương tác liên tục với nhau, luôn hiệp thông với các Giáo hội địa phương và khu vực. Liên kết mạng lưới: mỗi người tùy theo đặc sủng của mình, nhưng cùng nhau, kết nối, chia sẻ những điều quan tâm, những ưu tiên và nhu cầu, mà không bị cô lập hoặc tự quy chiếu, sẵn sàng làm việc cùng với các cộng đoàn Kitô giáo khác và các tôn giáo khác, và nhiều tổ chức nhân đạo hiện diện ở đây – tất cả vì lợi ích của người nghèo. Kết nối mạng lưới với tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến, tôi để lại cho anh chị em những suy tư này và tôi cám ơn anh chị em về những gì anh chị em đã trao cho tôi ngày hôm nay. Thật vậy, cảm ơn rất nhiều vì anh chị làm tôi rất xúc động. Anh chị em là một gia tài tuyệt vời. Tôi chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Tôi cần những lời cầu nguyện của anh chị em. Cảm ơn anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/2/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét