Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 17.03.2024: “Vinh quang đích thực đến từ sự từ bỏ và tha thứ”

“Vinh quang đích thực đến từ sự từ bỏ và tha thứ”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 17.03.2024: “Vinh quang đích thực đến từ sự từ bỏ và tha thứ”

Vatican Media


*******

Trưa Chúa nhật thứ năm Mùa Chay hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng giải thích vinh quang thực sự là gì: “Đó không phải là một sự biểu dương quyền lực uy hùng với những tràng pháo tay của công chúng; vinh quang đích thực, điều không bao giờ phai nhạt và làm cho bạn hạnh phúc, được tạo nên từ sự từ bỏ và tha thứ.”

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Kính Đức Mẹ:

_______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Chúa nhật thứ năm Mùa Chay hôm nay, khi chúng ta đến gần với Tuần Thánh, trong Tin Mừng Chúa Giêsu (x. Ga 12:20-33) nói với chúng ta một điều quan trọng: đó là chúng ta sẽ nhìn thấy vinh quang của Người trên Thập Giá và của Chúa Cha (x. các câu 23, 28).

Nhưng làm sao vinh quang của Thiên Chúa lại được thể hiện trên Thập Giá kia? Người ta nghĩ nó phải diễn ra trong biến cố Phục Sinh, chứ không phải trên Thập Giá, đó là một thất bại, một thất bại. Thay vào đó, hôm nay, khi nói về Cuộc Khổ nạn của Người, Chúa Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (c. 23). Ý của Ngài là gì?

Chúa muốn nói rằng vinh quang đối với Thiên Chúa không tương ứng với sự thành công, danh vọng và sự nổi tiếng của con người; đối với Thiên Chúa, vinh quang không có gì tự quy về nó, đó không phải là một sự biểu dương quyền lực uy hùng với những tràng pháo tay của công chúng. Đối với Thiên Chúa, vinh quang là yêu thương đến độ hy sinh mạng sống mình. Với Chúa, sự tôn vinh có nghĩa là hiến dâng chính Ngài, để mọi người có thể tiếp cận với Ngài, dâng hiến tình yêu của Ngài. Và điều này đạt đến tột đỉnh trên Thập Giá, ở đó, nơi Chúa Giêsu trải rộng tình yêu của Thiên Chúa đến mức tột cùng, tỏ lộ trọn vẹn dung nhan của lòng thương xót, ban cho chúng ta sự sống và tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người.

Anh chị em thân mến, từ trên Thánh Giá, “thánh đường của Thiên Chúa”, Chúa dạy chúng ta rằng vinh quang đích thực, là điều không bao giờ phai tàn và làm cho chúng ta hạnh phúc, được tạo thành từ sự cho đi và sự tha thứ. Cho đi và tha thứ là bản chất vinh quang của Thiên Chúa. Và đối với chúng ta, đó là lẽ sống. Cho đi và tha thứ: những tiêu chí rất khác biệt so với những gì chúng ta thấy xung quanh mình, cũng như ngay bên trong chúng ta, khi chúng ta cho rằng vinh quang là thứ để đón nhận hơn là cho đi; một thứ để sở hữu thay vì một điều để dâng hiến. Không, vinh quang trần thế sẽ phai tàn, không để lại niềm vui trong lòng; nó thậm chí không đưa đến điều tốt lành cho mọi người, mà đúng hơn là đưa đến sự chia rẽ, bất hòa và đố kỵ.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: vinh quang mà tôi mong muốn cho bản thân, cho cuộc đời tôi, vinh quang mà tôi mơ ước cho tương lai của mình là gì? Đó có phải là gây ấn tượng với người khác bằng năng lực, bằng khả năng của tôi và những thứ tôi sở hữu? Hay là con đường cho đi và tha thứ, con đường của Chúa Giêsu Chịu Đóng đinh, con đường của những người không bao giờ mệt mỏi trong tình yêu, tin tưởng rằng điều này là làm chứng cho Thiên Chúa trong thế giới và làm cho vẻ đẹp của cuộc sống được tỏa sáng? Tôi muốn loại vinh quang nào cho bản thân? Thật vậy, chúng ta hãy nhớ rằng khi chúng ta cho đi và tha thứ, vinh quang của Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trong chúng ta. Ngay ở đó: khi chúng ta cho đi và tha thứ.

Xin Đức Trinh nữ Maria, người đã trung thành theo Chúa Giêsu trong giờ Khổ nạn của Ngài, giúp chúng ta trở thành những tấm gương phản chiếu sống động cho tình yêu của Chúa Giêsu.

_____________________________________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi nhẹ lòng khi biết tin một giáo viên và bốn trong số sáu tu sĩ của Dòng Frères du Sacré-Cœur, bị bắt cóc ngày 23 tháng Hai vừa qua ở Haiti, đã được trả tự do. Tôi yêu cầu trả tự do trong thời gian sớm nhất cho hai tu sĩ còn lại và tất cả những người vẫn đang bị bắt làm con tin tại đất nước thân yêu đầy bạo lực này. Tôi mời gọi tất cả các nhà hoạt động chính trị và xã hội từ bỏ những lợi ích cá nhân và thể hiện tinh thần đoàn kết trong việc theo đuổi ích chung, hỗ trợ một tiến trình chuyển đổi hòa bình để trở thành một đất nước, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, có thể được trang bị thể chế vững chắc đủ khả năng lập lại trật tự và yên bình cho người dân.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân đang bị hành hạ bởi chiến tranh ở Ukraine, Palestine và Israel, cũng như ở Sudan. Và chúng ta đừng quên Syria, một đất nước đã phải chịu đau khổ nặng nề trong suốt thời gian dài vì chiến tranh.

Cha xin chào tất cả anh chị em đến Rome, từ Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, cha chào các sinh viên Tây Ban Nha từ mạng lưới các khu ký túc xá đại học “Camplus”, các nhóm giáo xứ từ Madrid, Pescara, Chieti, Locorotondo và giáo xứ San Giovanni Leonardi ở Rome. Cha chào Hợp tác xã xã hội Thánh Giuse ở Como, các thiếu nhi đến từ Perugia, các bạn trẻ ở Bologna trên hành trình Tuyên xưng Đức tin, và các ứng viên Thêm sức từ Pavia, Iolo di Prato và Cavaion Veronese.

Cha vui mừng chào đón các vận động viên tham dự cuộc thi Marathon Rome, một sự kiện truyền thống về thể thao và tình huynh đệ. Một lần nữa trong năm nay, theo sáng kiến của Athletica Vaticana, nhiều vận động viên đã tham gia vào “các cuộc chạy tiếp sức đoàn kết”, trở thành những chứng nhân của sự chia sẻ.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/3/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét