Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương thực Thế giới, 16.10.2024
Sau đây là Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tới ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương-Nông Liên Hợp quốc, nhân Ngày Lương thực Thế giới, do Đức ông Fernando Chica Arellano đọc trong Diễn đàn Lương thực Thế giới (Rome, từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 10):
*******
Thông điệp
Thưa ông Tổng Giám đốc,
Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44 này mời gọi chúng ta suy ngẫm về quyền đối với lương thực để có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn. Đây là một ưu tiên, vì nó thỏa mãn một trong những nhu cầu căn bản của con người, cụ thể là được nuôi dưỡng để sống phù hợp với các tiêu chuẩn đủ đầy về chất lượng và số lượng để bảo đảm đời sống đúng phẩm giá của con người. Tuy nhiên, chúng ta thấy quyền này thường bị xâm phạm và không được áp dụng cách công bằng, từ đó dẫn đến những hậu quả tai hại.
Vì mục đích thúc đẩy quyền đối với lương thực, FAO mạnh mẽ đề nghị xem xét việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, trong đó chú ý đến sự đa dạng và phong phú của các loại thực phẩm dinh dưỡng, giá cả vừa phải, lành mạnh và bền vững như một phương cách để đạt được an ninh lương thực và chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả mọi người.
Điều này đòi buộc chúng ta không được quên chiều kích xã hội và văn hóa thực chất của việc nuôi sống bản thân. Về mặt này, những người ra quyết định về chính trị và kinh tế ở cấp độ quốc tế phải lắng nghe nhu cầu của những người ở đầu cuối của chuỗi thực phẩm, chẳng hạn như các tiểu nông, và của các nhóm xã hội trung gian, chẳng hạn như gia đình, là những người trực tiếp tham gia vào việc cung cấp thực phẩm cho mọi người.
Những giải pháp mạnh mẽ để xử lý và giải quyết các vấn đề lương thực của thời đại chúng ta đòi hỏi chúng ta phải xét đến các nguyên tắc phân quyền và liên đới như là nền tảng của các chương trình và dự án phát triển của chúng ta, để chúng ta không bao giờ trì hoãn việc chú tâm lắng nghe những nhu cầu đến từ người dân, từ những người công nhân và nông dân, từ những người nghèo và đói khổ, và từ những người sống trong các hoàn cảnh khó khăn ở những vùng nông thôn biệt lập. Chúa Giêsu Kitô đã dạy chúng ta: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7:12).
Nhân loại, vốn đã bị tổn thương bởi quá nhiều bất công, đang rất cần những biện pháp hiệu quả để dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng nhau hành động trong cùng một tinh thần huynh đệ và biết rằng hành tinh Thiên Chúa ban cho chúng ta phải là một khu vườn rộng mở cho sự chung sống an bình. Đây là điều tôi nghĩ đến khi đề xuất việc xem xét mô hình sinh thái toàn diện, để nhu cầu trước mắt và lâu dài của mỗi người được tính đến, để phẩm giá của họ được bảo vệ trong mối tương quan của họ với người khác và trong mối liên hệ chặt chẽ với việc chăm sóc tạo vật. Chỉ khi chúng ta lấy lý tưởng công bình làm kim chỉ nam cho hành động của mình thì nhu cầu của con người mới có thể được đáp ứng.
Điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải cho phép bản thân được thách đố và rung động trước hoàn cảnh của người khác, và tình liên đới trở thành trọng tâm chính trong các quyết định của chúng ta. Theo cách này, việc bảo vệ các thế hệ tương lai sẽ song hành với việc lắng nghe và hành động theo nhu cầu của các thế hệ hiện tại, thông qua một liên minh trong thế hệ và liên thế hệ kêu gọi tất cả chúng ta hướng đến tình huynh đệ và mang lại một ý nghĩa mới, chân thực hơn cho sự hợp tác quốc tế, một sự hợp tác phải làm sống động Tổ chức này và toàn hệ thống đa phương.
Trên con đường đầy những trở ngại và khó khăn này, nhưng cũng đồng thời tràn ngập những điều phấn khởi và thách đố, cộng đồng quốc tế luôn có sự động viên của Tòa thánh và Giáo hội Công giáo không bao giờ ngừng đóng góp bền bỉ để mọi người có thể có đủ lương thực với số lượng và chất lượng cho bản thân và gia đình, để mỗi người có thể sống một cuộc sống đúng phẩm giá và để tai họa đau thương của sự khốn cùng và nạn đói trên thế giới có thể bị đánh bại.
Với những tình cảm và mong muốn này, tôi khẩn xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng, Đấng không bao giờ mệt mỏi trong việc nâng đỡ những ai luôn quan tâm đến lợi ích của toàn thể nhân loại, đổ xuống trên ngài và tất cả những ai đang làm việc vì mục tiêu cao cả này,
Từ Vatican, 16 tháng 10, 2024
PHANXICÔ
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét