Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2025

Vatican kêu gọi quản lý AI để bảo vệ trẻ em

Vatican kêu gọi quản lý AI để bảo vệ trẻ em

Vatican kêu gọi quản lý AI để bảo vệ trẻ em

WHYFRAME | Shutterstock


Daniel Esparza

21/03/25



Mặc dù AI mang đến nhiều khả năng lý thú, nhưng nó cũng mang đến những mối nguy hiểm sâu sắc, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất.

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ chưa từng có, định hình lại các ngành công nghiệp và đời sống hàng ngày. Nhưng khi AI ngày càng hòa nhập vào xã hội, Vatican gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp: công nghệ này phải được quản lý để bảo vệ trẻ em.

Tại một hội nghị của Vatican về những rủi ro và cơ hội của AI đối với trẻ em (ngày 20–22 tháng 3 năm 2025), Đức Hồng y Phêrô Turkson thuộc Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội cảnh báo không nên để AI “hoàn toàn nằm trong tay các ngành công nghiệp”.

Thông điệp của ngài rất rõ ràng: Mặc dù AI mang đến nhiều khả năng lý thú, nhưng nó cũng mang đến những mối nguy hiểm sâu sắc, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất.


Những rủi ro AI gây ra cho trẻ em

Công nghệ do AI thúc đẩy có khả năng nâng cao giáo dục và tổ chức tốt hơn cho việc học tập, nhưng nó cũng khiến trẻ em phải đối mặt với những rủi ro đáng kể. Ông Joachim Von Braun, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng, chỉ ra những mối lo ngại đáng báo động: nghiện mạng xã hội, suy giảm nhận thức, vi phạm quyền riêng tư, thao túng hành vi và thậm chí là bóc lột tình dục.

Đây không phải là những nỗi sợ trừu tượng. Các nghiên cứu liên kết việc sử dụng quá mức phương tiện truyền thông xã hội do AI điều khiển với những khó khăn về sức khỏe tâm thần ở những người trẻ tuổi ngày càng tăng. Các thuật toán AI, được thiết kế để tối đa hóa sự tương tác, thường đẩy những nội dung có thể bóp méo hình ảnh bản thân, khuyến khích các hành vi có hại và thúc đẩy sự lệ thuộc. Tệ hơn nữa, các công cụ do AI điều khiển đang bị khai thác để dụ dỗ và buôn bán phi pháp, khiến không gian trực tuyến trở nên nguy hiểm hơn đối với trẻ em.

Vatican không kêu gọi lệnh cấm AI mà kêu gọi quy định có trách nhiệm. Ông Von Braun nhấn mạnh đến nhu cầu cần có “biện pháp bảo vệ quốc tế”, than phiền rằng Nghị viện Châu Âu vẫn chưa thông qua luật AI đã được tranh luận từ lâu. Lập trường của Giáo hội rất rõ ràng: công nghệ phải phục vụ phẩm giá con người, chứ không phải làm suy yếu nó.


Những giới hạn của AI — và điều gì làm nên con người chúng ta

Cuộc tranh luận này đề cập đến một câu hỏi căn bản: Con người có ý nghĩa gì trong thời đại AI? Mặc dù AI có thể xử lý dữ liệu và nhận dạng các mẫu, nhưng nó không suy nghĩ. Sự suy nghĩ thực sự — suy ngẫm về cái đẹp, tìm kiếm sự khôn ngoan và chiêm nghiệm về ý nghĩa sâu sắc hơn của cuộc sống — là điều duy nhất thuộc con người.

Vatican luôn duy trì sự khác biệt này, nhấn mạnh rằng mặc dù AI có thể hỗ trợ việc đưa ra quyết định, nhưng nó không có chiều sâu suy tư của con người. Trí thông minh của AI theo chức năng, nhưng nó không có sự tự do, sáng tạo hoặc trách nhiệm đạo đức.

Như tất cả công nghệ khác, AI phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc đạo đức. Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố, “sự khôn ngoan không đến từ máy móc mà từ Thần Khí.” Sự khôn ngoan này kêu gọi nhân loại sử dụng AI cho mục đích tốt — nâng cao giáo dục, bảo vệ những người dễ bị tổn thương và thúc đẩy sự phát triển của con người.


Kêu gọi hành động

Vatican đã trở thành tiếng nói ủng hộ việc sử dụng AI một cách có đạo đức. Năm 2020, Vatican đã phát động Lời Kêu gọi của Rome về đạo đức AI, thúc giục các chính phủ và các công ty bảo đảm AI tôn trọng quyền con người. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày các mối quan ngại về AI tại cuộc họp G7 năm 2024, nhấn mạnh đến nhu cầu hợp tác quốc tế. Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024 của ngài là về chủ đề AI.

Hiện nay, với những mối đe dọa ngày càng tăng đối với trẻ em, Vatican đang lặp lại lời kêu gọi của mình. Vatican kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thiết lập các luật để bảo vệ tâm trí trẻ em khỏi những tác động đen tối của AI trong khi khai thác tiềm năng của nó vì mục đích tốt đẹp.

AI sẽ tồn tại, nhưng quỹ đạo của nó không được định trước. Chính con người — được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan, đạo đức và đức tin — phải bảo đảm rằng nó phục vụ, thay vì gây nguy hiểm, cho những người dễ bị tổn thương nhất giữa chúng ta.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/3/2025]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét