Đức Hồng y Comastri: “Người bạn của tôi, Mẹ Teresa Calcutta”
Một phỏng vấn độc quyền với Đức Hồng y là bạn rất đặc biệt với một thánh nhân
CIRIC File
VATICAN CITY — Chủ nhật, 4 tháng 9 Mẹ Teresa, người sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, sẽ được phong thánh ở Roma. Mẹ sinh ở Skopje, Albania, ngày 27 tháng 8, 1910 và mất ở Calcutta, Ấn độ, ngày 5 tháng 9, 1997.
Đời sống của Mẹ được đánh dấu bằng sự tận hiến nhiệt thành, kiên nhẫn và kiên trì với người nghèo: nam, nữ và trẻ em là những người được chữa lành, được bảo vệ, được cứu thoát từ sự cùng cực, cô độc, sự nhục nhã, và đưa về một cuộc sống tốt đẹp, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Mẹ Teresa biết rằng bằng nhiều cách bảo vệ, chăm sóc và tận hiến thực sự đã nhóm lên biết bao hơi ấm của sự hiện hữu của Thiên Chúa. Mẹ biết rằng những cách thể hiện tình yêu sẽ chữa lành thế giới, làm nó trở nên một nơi đẹp đẽ và tốt lành hơn, và biến đổi nó thành một căn nhà chào đón tất cả mọi người.
Với lễ tuyên phong thánh Mẹ Teresa cận kề, Vatican Insider phỏng vấn Đức Hồng y Angelo Comastri, Tổng đại diện của Đức Giáo hoàng cho chính quyền Thành phố Vatican, và là linh mục quản hạt của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, ngài có một tình bạn rất đặc biệt với Mẹ Teresa và gần đây xuất bản một quyển sách tựa đề “Ho conosciuto una santa” (Tôi đã gặp một vị thánh), do nhà xuất bản Công giáo, San Paolo.
Thưa đức Hồng y, kỷ niệm dễ thương nhất của ngài với Mẹ Teresa là gì?
“Kỷ niệm cảm động và dễ thương nhất của tôi là lần gặp cuối cùng của chúng tôi ngày 22 tháng 5 năm 1997. Thân mẫu của tôi mất trước đó vài ngày, ngày 5 tháng 5 và tôi phó thác nỗi đau của tôi cho Mẹ. Mẹ nắm lấy đôi bàn tay của tôi trong tay Mẹ và dường như Mẹ truyền sự bình an sang cho tôi, Mẹ nói: ‘Bây giờ mẫu thân của ngài sẽ luôn ở bên ngài vì Thiên đàng không kéo chúng ta ra xa nhau mà đem chúng ta lại gần nhau hơn. Mẹ cũng sẽ sớm lên Thiên đàng và Mẹ sẽ luôn ở gần ngài, cùng với mẫu thân của ngài.’ Những lời này giống như một cái ôm ấm áp giúp tôi vượt qua mọi khó khăn.”
Cầu nguyện chiếm vị trí thế nào trong đời của Mẹ Teresa và điểm đặc biệt của nó là gì?
“Theo thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ Teresa được mời đến đọc diễn văn tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Ông Tổng Thư ký lúc đó là Javier Pérez de Cuéllar, mời Mẹ đến một buổi gặp gỡ chung, diễn ra ngày 26 tháng 10 năm 1985. Ông giới thiệu Mẹ với tất cả cử tọa tại buổi lễ, bằng những lời sau: ‘Chúng ta đang ở trong một thính phòng diễn giả. Trong nhiều năm qua nam giới được xem là có quyền lực nhất trên trái đất để đứng trên bục này. Tôi nghĩ tôi không cần phải giới thiệu Mẹ với quý vị vì Mẹ không cần lời nói. Mẹ Teresa cần những hành động. Tôi chắc chắn rằng điều tốt nhất chúng ta có thể làm là trọng kính Mẹ và nói với Mẹ rằng Mẹ quan trọng hơn tôi và tất cả chúng ta đang có mặt ở đây rất rất nhiều. Chính Mẹ là Liên hợp quốc. Mẹ là hòa bình trên thế giới!” Khi nghe những từ ngữ quá sức lớn lao như vậy, Mẹ Teresa thậm chí trở nên nhỏ bé hơn, nhưng niềm tin của Mẹ thì vĩ đại, cũng như sự can đảm của Mẹ. Mẹ cho mọi người nhìn thấy cỗ Tràng hạt luôn mang bên mình và nói: ‘Tôi chỉ là một nữ tu nghèo cầu nguyện. Qua cầu nguyện, Chúa Giê-su ký thác tình yêu của người trong trái tim của tôi và trao nó cho những người nghèo tôi gặp trên hành trình của tôi.”
Mẹ im lặng một lát rồi nói thêm: ‘Cả quý vị nữa, hãy đi và cầu nguyện! Cầu nguyện thì quý vị sẽ trở nên có ý thức về những người nghèo ở chung quanh. Có thể họ sống ngay trên mảnh đất trong căn nhà của quý vị. Có thể có những người ở nhà cần tình yêu của quý vị. Cầu nguyện thì đôi mắt quý vị sẽ được mở ra và trái tim quý vị sẽ tràn đầy yêu thương.’ Cầu nguyện là nền tảng căn bản của đời sống Mẹ Teresa.”
Đêm hôm 10 tháng 9 năm 1946, Mẹ Teresa đang ở trên xe lửa thì Mẹ nghe thấy “tiếng gọi từ bỏ tất cả và đi theo Chúa Giê-su vào trong các khu ổ chuột, để phục vụ Người ở giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo.” Trong các thập niên sau đó, Mẹ và dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ mở hàng chục hàng chục trung tâm trên toàn thế giới: theo quan điểm của Mẹ, những hình thức nghèo nàn nghiêm trọng nhất trong các xã hội tây phương giàu có là gì?
“Mẹ Teresa thường nhận xét rằng tính ích kỷ là lời nguyền lớn nhất của con người. Và mẹ nói thêm: ‘Tôi thách có ai tìm được một người ích kỷ và có hạnh phúc.’ Tính ích kỷ đang lan rộng trong những xã hội giàu có, và thật đáng buồn khi những xã hội này cũng đang đầy những bất mãn, bất an và bạo lực. Gốc rễ của tính ích kỷ, cũng như mọi tội lỗi làm chúng ta đau khổ, là thiếu vắng sự cầu nguyện. Tận hiến cho người nghèo đặt trên nền tảng cầu nguyện, là phương thuốc duy nhất cho tính ích kỷ và cơ hội để tìm được niềm vui.”
Mẹ Teresa trả lời như thế nào cho người đã cảm thấy chán nản tới mức họ xem như vô ích khi trao tặng những giá trị của một người cho lợi ích của người khác, vì thế giới cũng sẽ chẳng thay đổi được gì?
“Tôi nhớ trên đường từ Oslo trở về sau khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979, Mẹ Teresa dừng lại ở Roma. Sân trong khuôn viên phía trước căn nhà khiêm tốn của dòng Thừa sai Bác ái ở Monte Celio đầy các nhà báo. Mẹ Teresa không lẩn tránh họ, nhưng chào đón từng người, tặng cho mỗi người một mề-đay nhỏ có ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh Đầy ơn phúc. Một người trong họ nói: ‘Thưa mẹ, mẹ 70 tuổi rồi! Khi mẹ qua đời, thế giới sẽ quay trở lại như trước đây. Vậy có thay đổi được gì đâu sau tất cả những công việc cực nhọc này? Mẹ Teresa à, mẹ nên nghỉ ngơi một chút! Chẳng đáng để đưa ra hết tất cả mọi nỗ lực như vậy! Mẹ cười và trả lời: “Con thấy đấy, Mẹ chả bao giờ nghĩ mẹ thay đổi được thế giới! Mẹ đơn giản chỉ cố là một giọt nước trong sạch có thể phản ánh lại tình yêu của Thiên Chúa. Con có nghĩ đấy là một điều gì đó không?’ Phóng viên không nói thêm được gì và xung quanh Mẹ là im lặng. Mẹ Teresa lại quay sang người phóng viên và nói thêm: “Chính con hãy cố là một giọt nước trong, rồi sẽ có hai giọt của chúng ta. Con có gia đình chưa?’ ‘Có, thưa Mẹ.’ ‘Hãy nói với vợ con cũng cố như vậy, như vậy là chúng ta sẽ có 3 giọt. Con có đứa con nào chưa?’ ‘Con có 3 đứa con, thưa Mẹ.’ ‘Vậy thì bảo các con của con nữa và chúng ta sẽ có 6 giọt.’ Mẹ Teresa nói thật rõ ràng rằng mỗi chúng ta có một khối tình yêu tuy nhỏ nhưng rất quan trọng; với khối tình yêu nhỏ này chúng ta cần phải quan tâm đầu tư. Vì thế chúng ta hãy chèn đầy cái va li mà chúng ta sẽ mang theo sang bên kia cuộc đời: va li lòng bác ái. Mẹ Teresa chẳng bao giờ thấy mệt mỏi phải lặp đi lặp lại: “Hãy làm đầy, khi các con còn nhiều thời gian. Mọi thứ khác chỉ là khói tan biến trong giây lát’.”
Mẹ Teresa nhìn thấy điều gì trong vai trò của nam giới và nữ giới trong chương trình của Thiên Chúa? Và Đức Hồng y nghĩ đóng góp lớn nhất của mẹ trong việc phản ánh vai trò của người phụ nữ là gì?
“Tôi muốn đề cập đến một chương rất đặc biệt: năm 1995, Bắc Kinh chủ tọa Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ tư về Tình trạng của phụ nữ. Có sự tham dự của các thành viên chính phủ của EU cùng với 174 quốc gia khác. Mục đích của hội nghị là tái khẳng định sự bình đẳng nam nữ. Tòa thánh đã giao phó cho Mẹ Teresa để chuyển tải quan điểm. Có lo ngại cho rằng những phản ánh của Mẹ không trùng với số đông đã không làm ngã lòng vị nữ tu bé nhỏ nói lên những suy nghĩ của Mẹ với sự can đảm khiêm hạ. Mẹ đã không sợ nói lên sự thật: Mẹ hoàn toàn là một người xa lạ với chủ nghĩa thuận theo. Thông điệp của Mẹ như sau: ‘Tôi hy vọng rằng Hội nghị này sẽ giúp mọi người hiểu biết, yêu mến, và tôn trọng vị trí đặc biệt của phụ nữ trong chương trình của Thiên Chúa để họ có thể hoàn tất chương trình này trong đời sống của họ. Tôi không hiểu tại sao một số người cứ nói rằng nữ giới và nam giới hoàn toàn giống nhau, và chối bỏ những sự khác biệt rất đẹp giữa nam giới và nữ giới. Tất cả mọi ân sủng của Thiên Chúa đều tốt đẹp, nhưng không phải mọi ân sủng đều giống nhau. Cũng như tôi thường nói với những người bảo tôi rằng họ cũng muốn phục vụ người nghèo như tôi, ‘Điều tôi có thể làm, bạn không thể. Điều bạn có thể làm, tôi không thể. Nhưng cùng với nhau chúng ta có thể làm được những điều tốt đẹp cho Thiên Chúa.’ Sự khác biệt giữa nam và nữ cũng như vậy. Thiên Chúa đã tạo dựng nên mỗi con người chúng ta, từng con người, để làm nên những điều vĩ đại hơn – để yêu và được yêu. Nhưng tại sao Chúa lại dựng nên có người là nam, và người kia lại là nữ? Vì tình yêu của một người nữ là một hình ảnh của tình yêu của Thiên Chúa, và tình yêu của một người nam là một hình ảnh khác của tình yêu của Thiên Chúa. Cả hai đều được tạo dựng nên để yêu, nhưng mỗi người yêu một cách khác nhau. Người nữ và người nam làm hoàn thiện cho nhau, và cùng nhau kết hợp thì sẽ thể hiện tình yêu của Thiên Chúa trọn vẹn hơn nếu chỉ có một người thể hiện. Sức mạnh đặc biệt của tình yêu của một người phụ nữ được nhìn thấy rõ ràng nhất khi chị ta trở thành một người mẹ. Thiên chức làm mẹ là hồng ân của Thiên Chúa ban cho phụ nữ.’ Những lời này đã quá trong sáng rõ ràng và không cần phải bình luận gì thêm.”
Chúng ta có thể học được điều gì từ sự kiên gan bền chí của Mẹ Teresa trong lời cầu nguyện và sự tận hiến cho người nghèo xuyên suốt những năm dài Mẹ đã trải qua trong khoảng thời gian mà người ta biết đến như “sự khủng hoảng đức tin”?
“Tôi tin rằng – đây là ý kiến khiêm nhường của tôi – “sự khủng hoảng đức tin” là một hồng ân của Chúa ban để bảo vệ Mẹ Teresa khỏi cám dỗ của tính tự phụ. Để tôi giải thích. Danh tiếng của Mẹ Teresa còn vượt qua cả Đức Giáo hoàng và Đức Giáo hoàng lúc đó là Gioan Phaolo II! Mẹ Teresa được mọi người tìm đến. Mẹ được trao giải Nobel Hòa bình, đó là một kỳ công duy nhất và hầu như không thể nào có được cho một nữ tu Công giáo. Mẹ được mời đến nói chuyện trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc: yếu tố này cũng nằm trên ranh giới ngoài sức tưởng tượng. Tôi có thể nói tiếp. Mẹ có thể dễ dàng rơi vào tính tự phụ và cái bẫy của cảm giác tự mãn. Nhưng Thiên Chúa đã tránh không để điều này xảy ra bằng cách dẫn đưa tâm hồn Mẹ Teresa vào “cuộc khủng hoảng đức tin,” nó là một hình thức của sự nghèo nàn từ gốc rễ, một tình trạng trong đó con người phải trải nghiệm sự xa cách đầy đau khổ với Thiên Chúa và sự nhỏ bé của riêng mình. Mẹ Teresa đã có phản ứng như thế nào? Mẹ phản ứng bằng cách cầu nguyện nhiều hơn và tăng cường các hoạt động bác ái. Mẹ chiến đấu với bóng tối bằng sự cầu nguyện và bằng những công việc bác ái để Mẹ có thể tìm thấy mình trong bàn tay của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Đây là sự đáp lời của một vị thánh: vâng lời trung tín với ý định của Thiên Chúa.”
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/08/2016]