Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Anh hùng Công giáo: Người nhận Huân chương Danh dự nhờ sự trợ giúp của Thánh Mi-ca-e Tổng lãnh Thiên thần

Anh hùng Công giáo: Người nhận Huân chương Danh dự nhờ sự trợ giúp của Thánh Mi-ca-e Tổng lãnh Thiên thần

Anh hùng Công giáo: Người nhận Huân chương Danh dự nhờ sự trợ giúp của Thánh Mi-ca-e Tổng lãnh Thiên thần

08 tháng Một, 2020

Phỏng vấn Biệt kích của Biệt đội Tác chiến SEAL đã nghỉ hưu Edward C. Byers, Jr., về vai trò của đức tin trong các cuộc tham chiến ở Iraq và Afghanistan.

Là một y tá hải quân trẻ trong khóa huấn luyện SEAL, Edward Byers Jr. phủ đầy căn phòng doanh trại của mình bằng các tờ ghi chú — nhắc nhở về các mục tiêu hàng ngày của anh: Hôm nay cậu đã tập thể dục chưa? Cậu đã chạy bộ chưa? Cậu đã đi bơi chưa? Và viết bằng chữ in hoa: HÔM NAY CẬU ĐÃ CẦU NGUYỆN CHƯA?

Đức tin Công giáo của Byers đã giúp anh vững vàng khi theo đuổi ước mơ trở thành một trong những biệt kích tinh nhuệ của Hải quân. Anh được bổ nhiệm vào Biệt đội SEAL (Sea, Air and Land) lần đầu tiên năm 2004 và sau đó phục vụ trong Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân. Trong sự nghiệp 21 năm của mình, anh được điều động ở nước ngoài 11 lần, bao gồm nhiều cuộc tham chiến ở Iraq và Afghanistan. Và qua những năm chiến tranh đó, anh vẫn tiếp tục dành thời gian để cầu nguyện, tìm kiếm sự bảo vệ và bình an của Chúa.

Ngày 8 tháng Mười Hai năm 2012 anh cầu nguyện khi anh và nhóm của mình hành quân trong bóng tối hướng tới một trại tù binh của Taliban ở vùng núi Afghanistan. Nhiệm vụ của họ là giải cứu một bác sĩ người Mỹ bị bắt cóc. Khi hoàn thành nhiệm vụ, một lần nữa Byers cầu nguyện cho người anh em trong SEAL, Trung sĩ Cấp 1 Nicolas Checque. Bác sĩ được an toàn, nhưng Checque bị trọng thương.

Vì những hành động quả cảm trong đêm hôm đó, Byers trở thành biệt kích SEAL đầu tiên còn sống nhận huân chương cao nhất của quân đội Hoa Kỳ, Huân chương Danh dự, kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Barack Obama trao tặng huy chương cho Byers trong một buổi lễ tại Nhà Trắng có sự tham dự của vợ Byers là chị Madison, và con gái của anh, Hannah, vào tháng Hai năm 2016.

Ngày 19 tháng Chín Byers về hưu sau thời gian phục vụ tại ngũ với vị trí chỉ huy trưởng và hiện đang theo đuổi bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Là thành viên hội đồng Huân chương Danh dự, anh đi khắp đất nước để thúc đẩy những đức tính được thể hiện bởi huy chương. Anh cũng phục vụ trong hội đồng danh dự của Navy SEAL Foundation và trong ban cố vấn của C4 Foundation, là các tổ chức bác ái hỗ trợ các biệt kích SEAL và gia đình của họ.

Năm ngoái Byers gia nhập Dòng Hiệp sĩ Columbus ở Virginia và có cuộc trao đổi Columbia ngày 29 tháng Chín, ngày Lễ Thánh Mi-ca-e Tổng lãnh Thiên thần.

***

COLUMBIA: Anh có thể cho chúng tôi biết một chút về gia đình và nền tảng đức tin của anh?

EDWARD C. BYERS JR.: Tôi lớn lên ở miền bắc Ohio trong một nông trại nhỏ thuộc thị trấn Grand Rapids. Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi 5 tuổi. Cả hai người đã có con trong cuộc hôn nhân trước, và các anh chị em của tôi lớn tuổi hơn tôi rất nhiều. Tôi sống với cha tôi là người Công giáo, nhưng đức tin của tôi thật sự có được phần lớn nhờ người anh rể của tôi, Trevor, hiện giờ là một phó tế trọn đời. Khi tôi còn ở tiểu học anh ấy quen với chị gái tôi, anh giới thiệu tôi đến với Thánh Lễ La-tinh và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi, cuốn hút tôi đến với đức tin.

COLUMBIA: Điều gì khiến anh chọn sự nghiệp trong Hải quân và đào tạo thành một y tá?

BYERS: Cha tôi trong Hải quân lúc Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Thật sự ông chẳng bao giờ nói nhiều về thời gian tại ngũ, nhưng chúng tôi là một gia đình rất ái quốc. Quốc kỳ Mỹ luôn tung bay trước nhà, và ngày 4 tháng Bảy có lẽ là ngày nghỉ lớn nhất trong năm.

Khi tôi sang bậc trung học ở đầu thập niên ’90, là lúc rất nhiều sách và phim ảnh về Việt nam và cộng đồng Hải quân SEAL bắt đầu ra mắt. Tôi bắt đầu say mê với ý nghĩ về một nhóm các anh chàng huyền thoại, xuất sắc làm được những việc nguy hiểm và phi thường.

Khi tôi là sinh viên năm cuối, tôi biết mình sẽ chọn gia nhập quân đội. Trường lớp không bao giờ là ưu tiên thật sự. Cha tôi là một thợ mộc và có một công ty, vì vậy tôi sẽ theo nghề xây dựng nếu tôi không gia nhập quân đội.

Trở thành một y tá là ý kiến của mẹ tôi. Mẹ tôi nói nếu tôi không thích quân đội nữa, thì tôi vẫn có một nghề gì đó trong tay để trở lại với thế giới dân sự.

Sau khi tôi gia nhập với vai trò y tá quân y Hải quân, tôi biết được rằng cộng đồng SEAL là những con người siêu nhân và kỷ luật thép luôn muốn đối mặt với thử thách. Tôi đã gia nhập để trở thành một Biệt kích SEAL, vì vậy gia nhập Thủy quân Lục chiến là lựa chọn gần nhất. Đó là cách tôi khởi đầu sự nghiệp.

COLUMBIA: Dĩ nhiên, cuối cùng thì anh đã gia nhập và huấn luyện để trở thành một Biệt kích SEAL. Việc đó như thế nào?

BYERS: Khi tôi còn ở bên Thủy quân Lục chiến, tôi phải điền một mẫu đơn đặc biệt để xin tham gia huấn luyện BUD/S — (Basic Underwater Demolition/ SEAL training). Tôi trải qua thời gian gần 3 năm bên Thủy quân Lục chiến, và rồi biến cố 11 tháng Chín xảy ra. Bốn tháng sau, đơn xin huấn luyện BUD/S của tôi được chấp thuận. Tôi lên đường đến San Diego. Huấn luyện SEAL là việc khó khăn nhất mà tôi buộc mình đi theo trong cuộc đời, và rồi có một sự hoài nghi về bản thân len lỏi trong lòng. Tôi nhớ rất rõ một vài lần, trên bờ vực gục ngã và muốn bỏ cuộc, tôi dâng lên những lời cầu nguyện vắn tắt như, “Không biết đây có phải là điều Chúa muốn con làm, con không biết con có thể chịu đựng thêm bao nhiêu nữa. Nếu con có thể được nghỉ 30 giây thôi, con nghĩ thế cũng đủ để con đi tiếp.” Và điều tiếp theo bạn biết không, những người hướng dẫn thổi còi cho chúng tôi được nghỉ ngơi vào thời điểm quyết định. Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó.

COLUMBIA: Đức tin của anh đóng vai trò gì trong sự nghiệp phục vụ quân đội?

BYERS: Khi tôi gia nhập quân đội, tôi thật sự chìm đắm trong sự biện giáo Công giáo. Đây chính là khoảng thời gian các tác giả như Scott Hahn viết những sách chẳng hạn Rome Sweet Home. Tôi thật sự muốn hiểu về đức tin và có thể giải thích về nó cho người khác. Vì vậy, khi tôi trong Thủy quân Lục chiến, đó là thời gian tôi vô cùng sùng đạo.

Trong đơn vị của tôi, có vài người Công giáo cùng đi Lễ với nhau. Lần triển khai đầu tiên của tôi với họ, lần đầu tiên tôi xa nhà là năm 2000. Không phải tàu nào cũng có linh mục, và tôi bắt đầu tổ chức các nhóm cầu nguyện khi linh mục không thể tới dâng Lễ. Tôi đóng những quyển sách nhỏ và phân phát. Chúng tôi có một khởi đầu khá tốt bắt đầu từ việc đó.

Anh biết đấy, tôi rất tin vào việc ở đúng vị trí vào đúng thời điểm. Chẳng hạn, tôi nhớ lần cập bến Dubrovnik, Croatia, nơi chúng tôi trải qua một tháng luyện tập với quân đội Croatia và trú đóng trong các doanh trại cũ. Tôi chọn ngẫu nhiên một cái giường và ngả lưng, tôi nhìn thấy một tấm ảnh Mẹ Maria Đồng trinh đang nhìn xuống tôi từ giường ở phía trên. Tôi lấy tấm ảnh, và đến hôm nay tôi vẫn còn giữ ảnh đó, đóng khung để trong nhà tôi.

COLUMBIA: Anh có lòng sùng kính đặc biệt với Thánh Mi-ca-e Tổng lãnh Thiên thần. Anh có thể cho biết một chút về điều đó?

BYERS: Chiến tranh chẳng có gì đẹp, và nó cũng chẳng có gì là tốt. Rất nhiều điều kinh hoàng xảy ra, những điều làm ảnh hưởng đến anh cả về tâm lý lẫn tinh thần.

Vì vậy, tôi hướng về Thánh Mi-ca-e Tổng lãnh Thiên thần, vì ngài là thánh bổn mạng của cảnh sát và quân đội. Lời Kinh Thánh Mi-ca-e — “xin bảo vệ chúng con trong cuộc chiến, xin hãy là người bảo vệ chúng con” — thật sự có ý nghĩa với tôi.

Trong lần triển khai đầu tiên của tôi đến Iraq năm 2005, chúng tôi tiến đến với một nhóm Biệt đội Tác chiến SEALs đang rời đi. Tôi nhìn thấy một anh chàng đeo một tấm huy hiệu Thánh Mi-ca-e nhiều màu sắc có dòng chữ La-tinh viết “Sancte Michael Ora Pro Nobis.”

Tôi chẳng hiểu có điều gì đó thúc đẩy tôi, và tôi liền bước đến chỗ anh ta và nói, “Cái huy hiệu thật đẹp. Cho tôi xin được không?” Cho đến hôm nay tôi cũng chẳng biết anh chàng đó là ai, nhưng không một chút chần chừ anh ta đưa cho tôi và nói, “Nó bảo vệ tôi khi tôi ở đây, và tôi hy vọng nó cũng sẽ làm như vậy với anh.”

Tôi đeo huy hiệu đó trên đồng phục của tôi trong mọi cuộc hành quân mà tôi tham gia.

COLUMBIA: Anh có nhận thấy điều rất đặc biệt là chiến dịch giải cứu đã giúp anh nhận được Huân chương Danh dự trùng khớp với ngày Lễ Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội không?

BYERS: Đó là một điều làm tôi phải rùng mình mỗi khi nghĩ đến. Đến năm 2012 là thời điểm tôi đã tham chiến đúng bảy năm. Tính trung bình mỗi năm tôi đi từ 280 đến 300 ngày, và mỗi năm đều có một lần triển khai đến vùng chiến địa. Khi đó tôi đã chứng kiến nhiều trận đánh.

Chúng tôi đóng trong một vùng khá xa xôi của Afghanistan, và chẳng có cách gì đi nhà thờ. Vì thế ngày lễ không phải là điều tôi theo dõi. Chỉ trong những ngày sau đó tôi mới bắt đầu suy tư.

Và rồi cũng là lúc tìm biết sự thật rằng chúng tôi vừa mất một chiến binh tuyệt vời trong đội, Nic Checque. Anh ấy ở ngay đằng trước tôi khi việc xảy ra, và rất có thể đó đã là tôi. Chỉ có Chúa mới biết tại sao anh ấy lại được đưa đi còn tôi thì không. Vì vậy bạn chỉ cần nghĩ đến việc đó thì thấy mình hèn mọn, đó là nói theo cách giảm nhẹ đi.

Tôi thưa với Chúa, “Ý định của Người dành cho con là gì? Tại sao con vẫn còn ở đây?” Tôi suy tư rất nhiều về điều đó. Tôi không tin vào sự ngẫu nhiên.

COLUMBIA: Anh đã miêu tả Huân chương Danh dự như là một “gánh nặng” cũng như là một danh dự. Anh có thể nói chi tiết không?

BYERS: Chẳng ai từng nghĩ rằng họ sẽ nhận được Huân chương Danh dự. Nó thường được trao sau khi đã hy sinh, dành cho những vị anh hùng mà bạn không thể nào ước tính được bao nhiêu sự quý mến dành cho họ.

Vì thế nó thật sự khiến bạn phải lùi lại một bước và rồi tiến tới, “Vậy mục tiêu của tôi là gì? Tôi phải làm gì trong vị trí đầy cao quý này?”

Tôi nhìn thấy đó là một cơ hội để làm chứng đức tin của mình và dâng vinh quang cho Chúa. Tôi nói về Thiên Chúa và Thánh Mi-ca-e trong mọi bài phát biểu của tôi. Tôi có trách nhiệm phải làm điều đó vì những ân sủng tôi đã nhận được.

Mọi danh dự lớn lao đều kèm theo trách nhiệm, và với trách nhiệm sẽ dẫn đến khía cạnh gánh nặng. Nhận Huân chương Danh dự là một cam kết cả đời.

Chỉ có 71 người nhận huân chương còn sống, và vị lớn tuổi nhất của chúng ta là trong Đệ nhị Thế chiến — Woody Williams 96 tuổi. Ông là người nhận huân chương cách đây hơn 71 năm, và ông vẫn đi lại trên khắp đất nước để thúc đẩy những giá trị của Huân chương Danh dự, đó là sự hy sinh, tính chính trực, lòng ái quốc, sự can đảm, cam kết và trách nhiệm và nghĩa vụ người công dân.

Tôi không hề nghĩ rằng tôi sẽ về hưu ở tuổi 40. Tôi nghĩ tôi sẽ là một biệt kích SEAL trong 30 năm. Nhưng căn bản mà nói thì rất khó thi hành những bổn phận của một người nhận Huân chương Danh dự đồng thời là một biệt kích hiệu quả — có một luật bất thành văn nói rằng khi bạn là một người nhận huân chương thì bạn không còn khả năng xông pha chiến trường nữa. Vì vậy việc nhận huân chương không cho phép tôi thực hiện công việc mà tôi thích làm.

Và cùng với những cam kết của một người nhận huân chương là sự nhắc nhở liên tục đến những người đã hy sinh — Nic Checque, và rất nhiều anh em khác cùng với những đồng đội.

Tôi có trách nhiệm ghi nhớ sự hy sinh của tất cả những người đã có vai trò giúp tôi trở thành người nhận được huân chương. Tôi chỉ là người ở đúng vị trí vào đúng thời điểm, làm đúng việc. Rất dễ dàng có thể là một người khác, nhưng tình cờ lại là tôi.

Nic Check là người đã hy sinh tột cùng, và anh ấy làm điều đó một cách anh dũng. Có rất nhiều cảm xúc xoay quanh việc trở thành người nhận huân chương và phải sống lại những ký ức đó mọi lúc.

COLUMBIA: Anh có thể nói một chút về cuộc sống của anh là một người chồng và một người cha, và những thách đố của việc cân bằng những cam kết trong quân đội và gia đình?

BYERS: Vợ tôi là một người phụ nữ tuyệt vời. Cô ấy cực kỳ cứng rắn. Cô ấy đúng là một người vợ cho quân nhân và đặc biệt là người vợ của một biệt kích SEAL. Điều tuyệt vời là chúng tôi đã ở cùng nhau từ khi tôi còn là một y tá quân y trong Thủy quân lục chiến, vì vậy cô ấy là nhân chứng cho toàn bộ quá trình. Tôi nghĩ rằng điều đó đã thực sự giúp giữ chúng tôi lại với nhau. Tôi không biết con số chính xác, nhưng tỷ lệ ly hôn trong cộng đồng tác chiến đặc biệt cao hơn đáng kể so với mức trung bình quốc gia.

Những mối quan hệ đều không hoàn hảo, và sự hoàn hảo là phi thực tế. Hôn nhân phải có thử thách, và chúng tôi đã có thể xoay sở để vượt qua những lúc thăng trầm. Tôi nghĩ đó là một minh chứng cho cả hai chúng tôi để nhận thức rằng, “bất kể kết quả ra sao,” bạn cứ gắn bó với nhau và bạn sẽ tìm ra cách để vượt qua.

Thật vô cùng khó khăn cho người ở nhà khi hoàn toàn không biết anh đang làm gì. Trong cộng đồng của chúng tôi, anh không được nói về những gì anh đang làm và có thể không có được bất kỳ liên lạc nào trong nhiều tháng. Phải có niềm tin mạnh mẽ, sự can đảm và cam kết để duy trì mối quan hệ đó.

Và chúng tôi may mắn có được một cô con gái xinh đẹp, bé chào đời ngay trước lần triển khai đầu tiên của tôi đến Iraq. Con gái tôi hiện đang học trung học. Nó là một vận động viên trượt băng nghệ thuật đầy khả năng và cực kỳ có tài. Trong phần lớn cuộc đời của nó, tôi xa nhà trong vùng chiến sự và nó chẳng biết liệu bố nó có trở về không.

Bây giờ tôi ở nhà nhiều hơn, nhưng tôi vẫn đi lại khá nhiều vì là người nhận huân chương anh phải đi lại rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tập trung vào việc có được thời gian chất lượng bên nhau và tận dụng tối đa thời gian khi ở bên nhau. Là một người chồng và một người cha, tôi chỉ làm hết sức mình để tôn trọng những cam kết của mình và nhận biết rằng vợ tôi và con gái tôi kiên cường và mạnh mẽ như thế nào.

COLUMBIA: Bằng cách nào anh tìm biết Dòng Hiệp sĩ Columbus và điều gì đã khiến anh gia nhập Dòng năm ngoái?

BYERS: Tôi biết Dòng Hiệp sĩ Columbus từ rất lâu, từ khi tôi lớn lên. Tôi luôn có thiên hướng gia nhập Dòng Hiệp sĩ, nhưng trong cuộc sống có quá nhiều thời gian và lựa chọn mà anh có được. Vì vậy, tôi từ bỏ gia nhập.

Cuối cùng, tôi nhận ra rằng nếu tôi không gia nhập, tôi sẽ mãi mãi phải bào chữa rằng tôi không có thời gian. Nếu tôi tham gia, một lúc nào đó tôi cũng sẽ bắt đầu bào chữa.

Tôi gia nhập vì Dòng Hiệp sĩ Columbus cũng giống như sự nối dài cho cách tôi sống đời sống trong cộng đồng SEAL.

Quân đội hoạt động nhân đạo trên toàn thế giới theo sau những thảm họa tự nhiên. Và thông qua chương trình phát triển đặc tính của Hội Huân chương Danh dự, chúng tôi làm việc để thấm nhuần những đức tính mà tôi đã đề cập trước đó. Dòng Hiệp sĩ Columbus cùng có chung một loại khái niệm — tập trung vào các giá trị như gia đình và bác ái đối với mọi người trong và ngoài nước, đóng góp phần của bạn để làm cho xã hội tốt hơn. Trong đó có sự đoàn kết và tính huynh đệ, giống như tình anh em của chúng ta — một nhóm người có cùng chí hướng đến với nhau và có sức mạnh để đoàn kết thành một đội, kết hợp thiện chí, trí tuệ và những nguồn lực của mọi người. Cuối cùng là lòng yêu nước và niềm tự hào ở quốc gia của mỗi người.

Những nguyên lý này thực sự phù hợp với con người tôi.

COLUMBIA: Anh có lời khuyên hay sự khôn ngoan nào để chia sẻ với anh em Dòng Hiệp sĩ không?

BYERS: Trước hết, nếu bạn là một người Công giáo và nghĩ đến việc gia nhập Dòng Hiệp sĩ Columbus, thì không có thời gian nào tốt hơn để làm điều đó là ngay lúc này. Mọi thứ sẽ tự nhiên diễn ra, và cuối cùng bạn sẽ tìm được thời gian để thực hiện phần của mình.

Đối với những người đã là thành viên, tôi xin nhắc nhở họ hãy chú ý đến những người anh chị em ở chung quanh. Một vấn đề quan trọng đối với tôi là tình trạng tự tử của cựu chiến binh. Một số lượng rất nhiều các cựu chiến binh tự tử. Và đó là vì họ đã mất hy vọng và không có mạng lưới hỗ trợ mà họ đã từng có.

Có rất nhiều trường hợp trầm cảm trên thế giới, và tôi nghĩ nó xuất phát từ sự thiếu hy vọng. Đừng bao giờ quên những người sống bên lề. Hãy tập trung năng lượng vào những người cần giúp đỡ nhất. Giúp họ cảm thấy rằng họ rất quan trọng, và giúp họ thấm nhuần những nhân đức mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta có — niềm tin, hy vọng và sự yêu thương. Bạn có thể mang đến hy vọng thông qua tính cách tốt của bạn và những công việc bạn có thể làm cho người khác.

Ban đầu khi tôi là một y tá, một người hướng dẫn nói, “Chẳng ai quan tâm đến việc bạn biết bao nhiêu cho đến khi họ biết được mức độ bạn quan tâm là bao nhiêu”. Con người cần biết rằng bạn quan tâm đến họ. Và khi chúng ta đối mặt với mọi điều mà cuộc sống mang đến cho chúng ta, Giáo hội mời gọi chúng ta quay trở về trong sự hiệp thông với Đức Ki-tô. Ngay cả khi chúng ta vấp ngã thì vẫn có hy vọng để đứng dậy.

Bài viết đăng trên tạp chí Columbia số tháng Mười Một năm 2019 và được in lại với sự cho phép của Dòng Hiệp sĩ Columbus, New Haven, Conn.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/1/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét