Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020

Đức Thánh Cha gửi những lời nguyện chúc tốt đẹp & Phép lành đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos

Đức Thánh Cha gửi những lời nguyện chúc tốt đẹp & Phép lành đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos

Đức Thánh Cha gửi những lời nguyện chúc tốt đẹp & Chúc lành đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos

Nhắc nhở các người tham dự rằng tất cả chúng ta là thành viên của một gia đình nhân loại, với trách nhiệm đạo đức phải quan tâm đến nhau

21 tháng Một, 2020 12:42

Đức Thánh Cha Phanxico gửi những lời nguyện chúc tốt đẹp và Chúc lành đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Ngài thực hiện điều đó qua một sứ điệp gửi đến Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Điều hành của WEF. Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, là đại diện Tòa Thánh tại cuộc họp thường niên diễn ra ở Davos-Klosters, Thụy sĩ, 21-24 tháng Một, 2020, và sẽ đọc sứ điệp của Giáo hoàng tại đó.

Đức Phanxico nhận xét, “Trong những năm qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã cung cấp cơ hội cho sự tham gia của những người liên quan đa dạng để tìm ra các con đường đổi mới và hiệu quả cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.”

Đức Thánh Cha đánh giá cao những thành tựu của 50 năm qua, và bày tỏ hy vọng của ngài “rằng các tham dự viên trong Diễn đàn hôm nay, và những người sẽ tham gia trong tương lai, sẽ luôn ghi nhớ trách nhiệm đạo đức cao quý mà mỗi chúng ta phải tìm kiếm sự phát triển toàn diện cho tất cả anh chị em của chúng ta, gồm cả những người thuộc các thế hệ tương lai.”

Ngài nói, “Ước mong những thảo luận của quý vị sẽ dẫn đến sự phát triển trong tình đoàn kết, đặc biệt với những người thiếu thốn nhất, họ là những người gánh chịu những bất công xã hội và kinh tế và sự sống của họ thậm chí bị đe dọa.”

Trong khi thừa nhận rằng những thách thức của hôm nay không giống như những thách thức của nửa thế kỷ trước, Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhận xét một số đặc điểm vẫn còn liên quan khi chúng ta bắt đầu một thập niên mới.

“Điều cần suy xét trên hết, và không bao giờ được lãng quên, là tất cả chúng ta đều là thành viên của một gia đình nhân loại. Nghĩa vụ đạo đức phải quan tâm đến nhau xuất phát từ thực tế này, cũng như nguyên tắc tương quan của việc đặt nhân vị vào trung tâm của chính sách công, thay vì chỉ đơn thuần chạy theo quyền lực hay lợi nhuận.

Ngài trình bày rằng "trách nhiệm" này đều thuộc về khu vực kinh doanh cũng như chính phủ, và “không thể thiếu được” khi tìm kiếm các giải pháp công bằng cho những thách thức mà chúng ta đang đối mặt.

Ngài thúc giục, “Vì vậy, cần phải vượt qua những bước tiếp cận kinh tế hoặc công nghệ ngắn hạn và phải thận trọng suy xét đến khía cạnh đạo đức khi tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hiện tại hoặc đề xuất các sáng kiến cho tương lai.”

Đức Giáo hoàng nhắc nhở, “Rất thường khi, những tầm nhìn thiên về vật chất hoặc thực dụng, có khi ẩn chứa, có khi được tôn vinh, dẫn đến những cách thi hành và cơ cấu phần lớn được thúc đẩy, hoặc thậm chí toàn bộ, bởi lợi ích cá nhân.”

Với tất cả những điều này, Đức Thánh Cha động viên những nỗ lực tốt lành và bác ái của họ, và khẩn xin Thiên Chúa chúc phúc cho sự khôn ngoan của họ.

Dưới đây là sứ điệp (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:

***

Kính gửi Giáo sư Klaus Schwab

Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Nhân dịp Diễn đàn Kinh tế Thế giới kỷ niệm 50 năm, tôi gửi lời chúc mừng và những lời nguyện chúc tốt đẹp đến tất cả mọi người tham dự trong cuộc họp năm nay. Tôi cảm ơn giáo sư đã gửi lời mời tham dự và tôi đã yêu cầu Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, là đại diện của Tòa Thánh đến tham dự.

Trong những năm qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã cung cấp cơ hội cho sự tham gia của những người liên quan đa dạng để tìm ra những con đường đổi mới và hiệu quả cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nó cũng cung cấp một môi trường nơi ý chí chính trị và sự hợp tác với nhau được hướng dẫn và củng cố để vượt qua được chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa cá nhân và sự thuộc địa hệ tư tưởng, và đáng buồn vì đây là đặc trưng quá lớn trong những tranh luận hiện nay.

Trước những thách thức ngày càng lớn và có tương quan với nhau đang ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta (x. Tông huấn Laudato Si', 138 ff.), chủ đề quý vị đã chọn để suy xét trong năm nay – Stakeholders for a Cohesive and Sustainable World (tạm dịch: Cộng tác vì một Thế giới gắn kết và bền vững) – cho thấy sự cần thiết phải tham gia nhiều hơn ở tất cả các cấp để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề đa dạng mà nhân loại phải đối mặt. Trong suốt năm thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến những biến đổi địa chính trị và thay đổi lớn, từ nền kinh tế và thị trường lao động đến công nghệ số và môi trường. Nhiều phát triển trong đó đã mang lại lợi ích cho nhân loại, trong khi những phát triển khác có tác động bất lợi và tạo ra các khe hở phát triển đáng kể. Mặc dù những thách thức ngày nay không giống với những thách thức của nửa thế kỷ trước, nhưng một số đặc điểm vẫn còn liên quan khi chúng ta bắt đầu một thập kỷ mới.

Điều cần suy xét trên hết, và không bao giờ được lãng quên, là tất cả chúng ta đều là thành viên của một gia đình nhân loại. Nghĩa vụ đạo đức phải quan tâm đến nhau xuất phát từ thực tế này, cũng như nguyên tắc tương quan của việc đặt nhân vị vào trung tâm của chính sách công, thay vì chỉ đơn thuần chạy theo quyền lực hay lợi nhuận. Hơn nữa, trách nhiệm này đều thuộc về khu vực kinh doanh cũng như chính phủ, và không thể thiếu được khi tìm kiếm các giải pháp công bằng cho những thách thức mà chúng ta đang đối mặt. Vì vậy, cần phải vượt qua những bước tiếp cận kinh tế hoặc công nghệ ngắn hạn và phải thận trọng suy xét đến khía cạnh đạo đức khi tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hiện tại hoặc đề xuất những sáng kiến cho tương lai.

Rất thường khi, những tầm nhìn thiên về vật chất hoặc thực dụng, có khi ẩn chứa, có khi được tôn vinh, dẫn đến những cách thi hành và cơ cấu phần lớn được thúc đẩy, hoặc thậm chí toàn bộ, bởi lợi ích cá nhân. Nó thường xem người khác chỉ là một phương tiện để đạt mục tiêu và dẫn đến hậu quả là thiếu tình đoàn kết và đức ái, từ đó dẫn đến những bất công, trong khi sự phát triển con người toàn diện đích thực chỉ có thể triển nở khi tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại được tham gia, và đóng góp để theo đuổi ích chung. Khi tìm kiếm sự tiến bộ thực sự, chúng ta đừng quên rằng sự chà đạp lên phẩm giá của người khác thực tế là làm giảm giá trị của chính mình.

Trong Tông huấn Laudato Si’, tôi tập trung chú ý đến tầm quan trọng của một “hệ sinh thái toàn diện” có khả năng suy xét đến những mối liên quan toàn diện của tính phức tạp và sự liên kết trong ngôi nhà chung của chúng ta. Cách tiếp cận thuộc đạo đức được đổi mới và hòa hợp như vậy đòi hỏi phải có “một chủ nghĩa nhân văn có khả năng tập hợp các lĩnh vực tri thức khác nhau, trong đó có kinh tế, để phục vụ một tầm nhìn toàn diện và hòa hợp hơn” (nt., 141).

Đánh giá cao những thành tựu trong 50 năm qua, tôi hy vọng rằng các tham dự viên trong Diễn đàn hôm nay, và những người sẽ tham gia trong tương lai, sẽ luôn ghi nhớ trách nhiệm đạo đức cao quý mà mỗi chúng ta phải tìm kiếm sự phát triển toàn diện cho tất cả anh chị em của chúng ta, gồm cả những người thuộc các thế hệ tương lai. Ước mong những thảo luận của quý vị sẽ dẫn đến sự phát triển trong tình đoàn kết, đặc biệt với những người thiếu thốn nhất, họ là những người gánh chịu những bất công xã hội và kinh tế và sự sống của họ thậm chí bị đe dọa.

Tôi xin gửi đến tất cả quý vị tham dự Diễn đàn những lời nguyện chúc tốt đẹp cho buổi họp đạt kết quả tốt và tôi khẩn xin Thiên Chúa chúc phúc cho sự khôn ngoan trên tất cả quý vị.

Viết từ Vatican, 15 tháng Một năm 2020



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét