Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Toàn văn bài Giáo lý Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 18 tháng Ba

Toàn văn bài Giáo lý Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 18 tháng Ba
© Vatican Media

Toàn văn bài Giáo lý Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 18 tháng Ba

Kêu gọi cử hành 24 Giờ cho Chúa

18 tháng Ba, 2020 14:47

Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục những bài giáo lý về các Mối Phúc, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về Mối Phúc thứ bảy: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài kêu gọi cử hành 24 Giờ cho Chúa (20-21 tháng Ba, 2020).

Tiếp Kiến chung kết thúc với Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta dừng lại với Mối Phúc thứ bảy, nói rằng: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Có một nét đặc biệt trong Mối Phúc này: đó là Mối Phúc duy nhất với khởi đầu và kết quả của hạnh phúc trùng hợp nhau: lòng thương xót; những ai xót thương thì sẽ được thương xót; họ sẽ được “thương xót.”

Chủ điểm của sự tha thứ lẫn nhau không chỉ được trình bày duy nhất trong Mối Phúc này, nhưng được lặp lại trong Tin mừng. Và làm sao có thể khác đi được? Lòng thương xót là trái tim của Chúa. Chúa Giê-su nói: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6:37) — luôn luôn có sự tương liên. Và Thư Thánh Gia-cô-bê khẳng định rằng lòng thương xót “chiến thắng việc xét xử” (2:13).

Tuy nhiên, trên hết mọi sự, chính trong Kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện rằng: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12); và lời xin này là lời xin duy nhất được tiếp tục ở cuối: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, (CCC), 2838). Có hai điều không thể tách rời nhau: sự tha thứ trao đi và sự tha thứ nhận lại. Tuy nhiên, rất nhiều người đang gặp khó khăn, họ không thể tha thứ. Rất nhiều khi sự tổn hại gây ra quá lớn đến mức tiến đến sự tha thứ giống như leo lên một ngọn núi thật cao: một nỗ lực quá lớn; và người ta nghĩ rằng không thể thực hiện được, không thể làm được điều đó. Với sức của riêng mình, chúng ta không thể, chúng ta cần ơn của Chúa, chúng ta phải cầu xin được ơn. Quả thật, nếu Mối Phúc thứ bảy hứa tìm được sự xót thương và trong Kinh Lạy Cha chúng ta xin tha nợ, thì điều đó có nghĩa là chúng ta là những kẻ mang nợ lớn và chúng ta rất cần tìm được lòng xót thương!

Tất cả chúng ta đều là những kẻ nợ — tất cả — của Chúa, là Đấng giàu lòng quảng đại, và mang nợ anh em. Tất cả mọi người biết rằng họ không phải là người cha hoặc người mẹ đúng với bổn phận của họ, không phải là người chồng hoặc vợ, người anh em hoặc chị em đúng với trách nhiệm của mình. Tất cả chúng ta đều “có thiếu sót” trong cuộc sống. Và chúng ta cần lòng thương xót. Chúng ta biết rằng chúng ta cũng đã làm điều sai quấy; luôn thiếu sót những điều tốt lành mà chúng ta đáng ra phải làm.

Tuy nhiên, chính sự nghèo nàn này của chúng ta trở thành sức mạnh để tha thứ! Chúng ta là những kẻ mang nợ, và như chúng ta đã nghe thấy từ đầu, chúng ta sẽ bị xét xử theo cách chúng ta đã xét xử người khác (x. Lc 6:39), rồi chúng ta mở rộng cách thực hiện và tha nợ, tha thứ. Tất cả mọi người phải nhớ rằng họ cần sự tha thứ, cần được tha thứ, cần có lòng kiên nhẫn; đây là bí mật của lòng thương xót: tha thứ thì được thứ tha. Vì Thiên Chúa đi trước chúng ta và tha thứ chúng ta trước (x. Rm 5:8). Nhận được sự tha thứ của Người chúng ta trở nên đủ khả năng để tha thứ. Vì vậy sự nghèo nàn và thiếu công bằng của chúng ta trở thành cơ hội để mở lòng ra với Nước Thiên Đàng, với gia tài lớn lao hơn là gia tài của Chúa, đó là lòng thương xót.

Lòng thương xót của chúng ta được sinh ra từ đâu? Chúa Giê-su đã nói với chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Một người càng đón nhận được nhiều tình yêu của Chúa Cha, thì người đó càng yêu thương nhiều hơn (x. CCC, 2842). Lòng thương xót không phải là một chiều kích giữa những chiều kích, nhưng là trung tâm của đời sống Ki-tô giáo: không có tinh thần Ki-tô giáo nào lại không có lòng thương xót.[1] Nếu tinh thần Ki-tô giáo của chúng ta không dẫn đưa chúng ta đến với lòng thương xót, thì chúng ta đã đi sai đường, vì lòng thương xót là đích đến duy nhất của mọi hành trình thiêng liêng. Nó là một trong những hoa trái đẹp nhất của đức ái (Cf. CCC, 1829).

Cha nhớ đây là chủ đề được chọn cho bài giáo lý Kinh Truyền tin đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng của cha: lòng thương xót. Và điều này vẫn luôn thôi thúc cha rằng, là Giáo hoàng, cha phải luôn luôn trao tặng như một thông điệp, một thông điệp dành cho từng ngày: lòng thương xót. Cha cũng nhớ rằng ngày đó cha cũng có hơi một chút “bạo gan” để công bố một quyển sách về lòng thương xót, được xuất bản bởi Đức Hồng y Kasper. Và ngày đó cha cảm nhận mạnh mẽ rằng đây là thông điệp cha phải đưa ra, với cương vị là Giám mục Roma: lòng thương xót, lòng thương xót, xin hãy tha thứ.

Lòng thương xót của Chúa là sự giải phóng của chúng ta và là niềm hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta sống nhờ lòng thương xót và chúng ta không thể cho phép mình xa rời lòng thương xót: đó là không khí để hít thở. Chúng ta quá nghèo nàn để đưa ra những điều kiện; chúng ta cần tha thứ vì chúng ta cần được tha thứ. Cảm ơn anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginias M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



Tiếng Ý

Cha gửi lời chào nồng ấm đến các tín hữu nói tiếng Ý, với suy nghĩ đặc biệt về các bạn trẻ, người già, bệnh nhân và những đôi uyên ương mới.

Ngày mai chúng ta kính trọng thể Lễ Thánh Giu-se. Trong đời sống, trong công việc, trong gia đình, trong niềm vui và trong nỗi buồn, ngài luôn luôn tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa, xứng đáng với lời khen ngợi của Sách Thánh như là người công chính và khôn ngoan. Hãy luôn khẩn cầu cùng ngài với sự tin tưởng, đặc biệt trong những lúc khó khăn, và phó thác cuộc sống cho Đại Thánh nhân.

Cha cùng hiệp thông trong lời kêu gọi của các Giám mục Ý trong tình trạng sức khỏe khẩn cấp này đã thực hiện giờ cầu nguyện cho toàn đất nước. Tất cả mọi gia đình, mọi tín hữu, mọi Cộng đoàn Dòng Tu, tất cả ngày mai cùng hiệp nhất lúc 9:00 tối để lần hạt Mân Côi, với các Mầu nhiệm Sự Sáng. Cha cùng đồng hành với anh chị em tại đây. Maria, Mẹ Thiên Chúa, Sức khỏe của các Bệnh nhân, dẫn đưa chúng ta đến với dung nhan sáng ngời và hiển dung của Đức Giê-su Ki-tô và Trái tim của Người. Chúng ta hãy hướng về Mẹ với kinh Mân Côi, dưới ánh mắt nhìn đầy yêu thương của Thánh Cả Giu-se, người Bảo hộ cho Gia đình Thánh và gia đình của chúng ta. Và chúng ta xin ngài bảo vệ gia đình của chúng ta, mọi gia đình, theo một cách đặc biệt, đặc biệt đối với các bệnh nhân và những người chăm sóc bệnh nhân: các bác sĩ, các y tá y sĩ, những người thiện nguyện, là những người dấn thân vào nguy hiểm để phục vụ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginias M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Thứ Sáu và Thứ Bảy này, ngày 20-21 tháng Ba, sáng kiến 24 Giờ cho Chúa sẽ được tổ chức. Nó là một thời điểm quan trọng của Mùa Chay để cầu nguyện và đến với Bí tích Hòa giải.

Thật không may, ở Roma, ở Ý và tại nhiều quốc gia khác, sáng kiến này sẽ không thể diễn ra được theo những cách đặc biệt vì tình trạng khẩn cấp của dịch Coronavirus. Tuy nhiên, trong tất cả những khu vực khác trên thế giới, truyền thống đẹp này sẽ tiếp tục. Cha động viên các tín hữu chân thành đến với lòng thương xót của Chúa trong tòa Giải tội và cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả những người đang bị thử thách vì đại dịch.

Khi không thể tổ chức 24 Giờ cho Chúa được, cha chắc chắn rằng thời khắc sám hối này sẽ được sống bằng việc cầu nguyện riêng.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginias M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[1] X. Thánh Gioan Phaolo II, Tông huấn Dives in Misericordia (30 tháng Mười Một, 1980); Sắc chỉ Misericordia Vultus (11 tháng Tư, 2015); Tông thư Misericordia et Misera (20 tháng Mười Một, 2016)



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/3/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét